Nhân mùa Giáng Sinh, đọc lại bài ”Vè Đôm Đốm” của LM Sảng-Đình Nguyễn Hy Thích Print
Tác Giả: Nguyễn Đức Cung   
Thứ Ba, 28 Tháng 12 Năm 2010 11:11

Nói đến thi ca xứ Huế, người ta không thể không nhắc tới một vị linh mục gồm đủ nhiều tài năng thuộc nhiều lãnh vực như thi văn, hội họa, âm nhạc ngoài ra còn là một nhà giáo dục nổi tiếng ở đất Thần Kinh đó là linh mục Sảng-Đình Nguyễn Hy Thích (1891-1978).

Những vần thơ của linh mục Sảng Đình thuộc nhiều thể loại, gồm nhiều chủ đề trải rộng theo chiều dài cuộc đời của nhà chân tu khả kính này vốn được rất nhiều người thuộc mọi thành phần ở Huế trọng vọng, kính mến, đã đi vào tâm thức của giới độc giả xa gần, quyện với những chốn thắng tích danh lam đã góp phần làm cho cố đô trở thành đất văn vật.

1.- Một con người nhiều tài năng.

Linh mục Sảng Đình Nguyễn Văn Thích sinh ngày vào giờ sửu (13 giờ đến 15 giờ) ngày 20 tháng 8 năm tân mão (1891) tại làng An Thái, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định khi thân phụ ngài là cụ Phó bảng Nguyễn Văn Mại làm tri phủ tại Bình Định. Mẹ ngài là bà Thân Thị Vỹ, con gái cụ Thân Trọng Đôn, người làng An Lỗ, huyện Phong Điền, Thừa Thiên, thuộc dòng dõi thế phiệt trâm anh tại Huế. Cụ Nguyễn Văn Mại vốn gốc làng Niêm Phò (tục gọi làng Kẻ Lừ), tổng Phước Yên, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên, là một nhà khoa bảng đã có nhiều công lao trong chốn hoạn trường thời nhà Nguyễn và nhất là đã góp công điều hành trường Quốc Học Huế trong giai đọan sơ khởi của cơ sở giáo dục này.

Thuở nhỏ, linh mục học chữ Hán với thân phụ, lớn lên theo đòi Nho học nhưng vì lận đận chốn trường ốc (hai lần rớt trường ba nên bỏ thi Hương) đành giã từ cái học nhà nho để theo đòi Tân học. Thời thanh niên, linh mục theo học tại trường Quốc Học và trường Pellerin của Dòng Sư Huynh Thiện Giáo tại Huế, tốt nghiệp Trung Học và Sư Phạm, được bổ Trợ giáo Pháp Việt trường tỉnh Khánh Hòa trong tháng 2 năm 1911. Ngày 29-6-1911, Sảng Đình trở lại đạo Công giáo, chịu phép rửa tội tại nhà thờ Bình Cang (Nha Trang) mặc dù cụ thân sinh của ngài là Nguyễn Văn Mại phản đối với những biện pháp quyết liệt. Sau đó Sảng Đình xin đi tu tại Tiểu Chủng viện An Ninh và được phong chức thánh linh mục ngày 18-12-1926.

Với sở trường là nghề dạy học nên linh mục Nguyễn Văn Thích được giáo quyền cử làm giáo sư tại các trường Công giáo ở Huế như Trường Dòng Thánh Tâm, Trường Providence (Thiên Hựu) và năm 1937 làm giáo sư Tiểu chủng viện An Ninh, Quảng Trị. Năm 1942, ngài được điều về làm tuyên úy trường Pellerin (Bình Linh), rồi Tổng tuyên úy Hướng Đạo Toàn quốc.

Năm 1946, cha Thích làm chánh xứ Xuân Long (Huế). Ngài được giáo quyền ủy thác chuyên trách về giáo dục thiếu nhi, lập dòng “Ả Vườn Trẻ” mà lý thuyết được ngài trình bày trong sách L’éducation Des Sens. Linh mục thiết lập Vườn Trẻ Hương Linh ở phía tay mặt trường Bình Linh. Từ năm 1959, linh mục Nguyễn Văn Thích dạy chữ Hán ở Viện Hán Học Huế, Trường Đại Học Văn Khoa Huế. Năm 1970, ngài về hưu trí nhưng vẫn tiếp tục dạy học tại Viện Đại Học Huế và Sài Gòn. Ngày 10 tháng 12 năm 1978, linh mục Nguyễn Văn Thích qua đời và được an táng trên núi Thiên Thai.

Thuở sinh thời, linh mục Nguyễn Văn Thích sáng lập và làm chủ bút báo VÌ CHÚA là tuần báo tam ngữ Việt-Hán-Pháp số đầu ra ngày 18-9-1936, đăng đủ mọi bài các thể loại. Nhân dịp đệ nhất chu niên báo này, cụ Phan Bội Châu có một bài thơ bằng chữ Hán “Thơ mầng Báo Vì Chúa chu niên” như sau:

“Lô dã văn chương hà chúa đào
Nguyện tương chân lý chú đồng bào
Cổ kim đại đạo Thiên trường tại
Âu Á tân trào nhạc bất dao
Xích tử mãn hoài phương đãi bộ
Hôn hình bỉnh chúc cảm từ lao
Kim chu hựu hựu lai chu đáo
Xứ xứ chiên đàn mộc thánh cao.”
SÀO NAM

“Văn chương lò bệ sẵn khuôn trời
Chân lý đưa ra đúc thây người.
Đạo ố xưa nay Trời mãi mãi
Sóng đầu Âu Á núi hoài hoài.
Bé con trước bụng đương chờ mớm
Đuốc lớn đường khuya phải cố soi.
Đầy tuổi còn còn đầy tuổi nữa
Bầy chiên khắp xứ tắm ơn ngài.”
(Báo VÌ CHÚA số 52, ngày 8.10.1937)

Một bài “Mừng Xuân Báo Vì Chúa” của cụ Phan Bội Châu như sau:

Lòng ta vì Chúa, Chúa vì ta,
Rước thánh thần về, đuổi quỷ ma!
Đường lối quang minh lên tột đỉnh,
Ai rằng thiên quốc ở đâu xa!
Phan Bội Châu
(Báo Vì Chúa số 21 ngày 19 Février 1937 – Xuân Đinh Sửu)

Tuần báo VÌ CHÚA được phát hành khá sâu rộng nhất là tại các tỉnh miền Trung và đã sống đến năm 1945 thì tự đình bản. Nhờ cơ quan ngôn luận này, các hoạt động tôn giáo, văn hóa được triển khai và nảy nở tốt đẹp.

Khi viết báo, linh mục Nguyễn Văn Thích thường ký tên J.M.T hoặc J. M. Thích hoặc Kẻ Lừ trên các bài luận văn, tạp thuyết. Trong khoảng năm 1945-1946, tạp chí Tổ Quốc xuất bản ở Huế cũng được cha Nguyễn Văn Thích cộng tác thường xuyên. Một số các tạp chí khác như nguyệt san Vinh-Sơn do linh mục Nguyễn Văn Lập (1911-2001) chủ trương từ năm 1949-1958 tại Huế và nguyệt san Nguồn Sống, khoảng năm 1958-61 của giáo phận Huế cũng được linh mục Sảng Đình cộng tác rất nhiệt thành. Ngoài ra ngài cũng thường xuyên viết bài cho Cổ học quý san vốn là cơ quan ngôn luận của hội Cổ học được thành lập tại Huế.

Ngoài kỹ năng làm báo, linh mục Nguyễn Văn Thích còn là một họa sĩ. Tại Tòa Giám mục Huế hiện còn trưng bày bức họa “Từ Mẫu” (Mater Misericordiae) do ngài vẽ. Các bức họa như Thác lớn Bạch Mã, hoặc bức tự họa Trầm ngâm chiếc bóng dựa bên tường (báo Vì Chúa số 144, ra ngày 12-11-1939) đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem. Ngoài ra ngọn bút tài hoa của ngài còn toát lộ trong rất nhiều câu đối bằng chữ Hán ngài viết tặng các giáo đường, các đại chủng viện như ở nhà thờ Tam Kỳ (Quảng Nam), đại chủng viện Xuân Bích (Huế), thí dụ hai câu tặng cho cơ sở này như:

Hậu ngô chi sanh giáng thế cánh thành ngô thánh lữ,
Bảo ngã dĩ đức tuẫn thân hoàn tác ngã thần lương.

Dịch nghĩa là:

Vì rộng lòng thương chúng tôi Người đã sinh xuống thế mà trở nên bạn thánh đồng hành với chúng tôi.
Để nuôi sống chúng tôi Người đã hiến thân hy sinh mà làm nên lương thực (thần lương) cho chúng tôi.

Câu đối tặng nhà thờ Tam Kỳ như sau:

Thế giới đại đồng Thiên tác chủ
Tam kỳ hợp nhất Đạo vi quy.

Dịch nghĩa là:

Thế giới này có đại đồng thì (do) Trời làm chủ,
Tam kỳ có hợp nhất thì (phải lấy) Đạo làm quy củ, phép tắc.

Trong lãnh vực thư pháp, nhiều người nhắc nhở đến nét bút rồng bay phượng múa của linh mục Nguyễn Văn Thích và cho rằng nét bút của ngài không thua kém thủ pháp của tay đại danh bút Trung Hoa Vương Hy Chi đời nhà Tống. Trong một bài viết đăng trên báo Xuân Tuổi Trẻ cách đây mấy năm, Hoàng Phủ Ngọc Phan đã có nhắc đến một bức tranh thư pháp viết chữ Mẫu của linh mục tặng một gia đình hiện còn lưu giữ ở Pháp.

Thêm một tài năng nữa của linh mục Nguyễn Văn Thích là âm nhạc. Linh mục có thể sử dụng được các nhạc cụ dân tộc như đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, thông hiểu các thể loại dân ca miền Trung, đặc biệt là của Huế như các điệu đăng đàn cung, lưu thủy, hành vân, tứ đại cảnh. Linh mục cũng chơi thạo các nhạc cụ tây phương như đàn violon, dương cầm, harmonium. Một số bài hát mang tính tôn giáo như bài “Magnificat” ca tụng Đức Mẹ được cha dịch và phổ nhạc, các bài “Trời cao đất thấp gặp nhau”, “Bao giờ tôi được lên trời”, “Mười lăm cái mến”, bài hát “Lạy Đức Mẹ La Vang” được nhiều người biết đến. Có những bài hát của linh mục Nguyễn Văn Thích mang tính giáo dục cao như bài “Cái nhà là nhà của ta” đã được đài BBC giới thiệu đến trong chuyên mục “Lịch sử âm nhạc Việt nam qua các thời đại” năm 1982.

Sau đây chúng tôi xin đăng tải nguyên văn bài “Vè đốm đốm” của Linh mục Sảng Đình nhân mùa Giáng Sinh để hoài niệm về một bậc chân tu và cũng để biết được khả năng sáng tạo độc đáo của một nhà thơ cố đô.

2.- Bài “Vè Đốm Đốm”

Vè vẻ vè ve
Nghe vè đốm đốm
Chuyện này nghe lóm
Bên Tiểu-Á-Đông
Số là mùa đông
Trong tuần Sinh-nhựt
Tuyết sa đầy đất,
Gió thổi pheo pheo,
Là ngọn gió heo
Thấm xương thấu thịt
Đàn bà con nít
Đốt lửa mà ngôi
Cha ôi ! Trời ôi !
Lạnh chi mà lạnh.
Thương thay hiu quạnh
Hang đá Bê-lem
Trống trải bốn bên
Phên bùng nỏ có [a]
Thương thay máng cỏ
Mền chiếu cũng không,
Gió thổi tứ tung,
Khổ đà quá khổ.
Trách thay ngọn gió
Không biết kiêng dè
Chúa ở đó tề [b]
Sao mà không lánh!
Làm cho Chúa lạnh
Run cả và mình;
Sao chẳng thương tình,
Làm cho Chúa khóc!
Những là trằn trọc,
Giờ tí canh ba,
Cứ khóc oa oa
Còn chưa nhắm mắt,
Hỡi ai bội bạc!
Để Chúa lạnh lùng,
Chúa chịu cực lòng
Từ khi còn bé,
Để ai vui vẻ,
Ấm dạ no lòng
Để ai thong dong
Ăn chời mặc lỡ [c].
Than ôi hơi thở
Con lừa con bò
Cũng chẳng làm cho
Chúa khỏi run rẩy.
Mục đồng thấy vậy
Dắt mấy con chiên
Lại gần một bên
Họa may có ấm;
Nhưng mà thảm lắm,
Chúa cứ khóc hoài.
Giuse ra ngoài
Kiếm ba que củi
Đem về vừa thổi,
Gió lại tắt đi.
Cực khổ nỗi ni
Nói làm sao nữa?
Gió vừa tắt lửa
Chúa lại khóc lên;
Đức Mẹ quỳ bên
Ruột tằm như cắt:
Dầm dề nước mắt,
Thảm thiết thương thay!
Vì ai nỗi nầy?
Cũng vì người thế,
Tội tình quá lẽ
Nên Chúa phải đền.
Sinh đã khó hèn
Sống cùng cam khổ
Hỡi ai ngó đó
Đã thỏa lòng chưa?
Sung sướng cho bưa [d]
Để ai chịu cực
Đức Mẹ tấm tức
Ẳm Chúa vào lòng
Khăn đã vấn trong
Lúp ngoài choàng lại;
Con ơi con hỡi
Con nín đi con;
Tiếng hát nỉ non
Dạ sầu chi xiết!
Nghe càng thảm thiết
Chúa lại khóc to.
Khi ấy ở mô
Bóng trăng giọi lại,
Bỗng đâu lại thấy
Sâu nhỏ bay vào
Bay thấp bay cao,
Bay lui bay tới,
Bay ra xấp xới
Ở trước bóng trăng,
Bay lại lăng xăng
Gần bên máng cỏ
Mình thì nhỏ nhỏ,
Lưng nỏ có lông;
Ong chẳng phải ong,
Bướm không ra bướm.
Sâu chi hì hợm
Mà thiệt to gan,
Bay ngửa bay ngang,
Bay nhằm mặt Chúa,
Như hình nó múa
Để Chúa giải khuây,
Chúa thấy cũng hay
Nín bừng hết khóc.
Sâu bay ngang dọc
Rồi liệng quanh queo;
Chúa cứ ngó theo
Ngó mà không chán,
Dưới vùng trăng sáng
Thấy Chúa tươi cười,
Đức Mẹ ngậm ngùi
Cầu xin với Chúa:
Sâu này khéo múa
Nó thiệt có công;
Nếu đẹp lòng con
Xin con thưởng nó.
Lời mẹ xin đó
Con lại làm ngay;
Chúa liền giang tay
Giữa nơi trăng rạng
Ngắt tia ánh sáng
Đem nhét vào lòng;
Chúa vừa làm xong
Mỉm cười một cái.
Từ đây mãi mãi
Cho đến bây giờ
Mấy ngàn năm dư
Người ta vẫn thấy
Con sâu nhỏ ấy
Sáng sáng trong lòng,
Như ánh trăng trong
Gọi là đôm đốm.

Chú thích:
[a] Phên bùng: phên là một loại vách bằng tre đan, hoặc không có, hoặc có tô bằng đất trộn rơm cho kín gió; bùng là một loại cửa chống, soon tre lợp tranh hay lá kè, ngày chống lên làm cửa, đêm sập xuống làm phên. Phên bùng là vách và cửa của loại nhà rội lợp lá hoặc lợp tranh.
[b] Đó tề: đấy kìa.
[c] Ăn chời mặc lỡ: ăn tiêu xa xỉ. Chời, theo Paulus Của là âm chữ “đa” tiếng Triều châu, nghĩa là nhiều, dư ra. Chời lỡ là xài giền không tiếc, không biết để dành.
[d] Cho bưa: cho thật đầy đủ ngỏa nguê, thỏa thích.
Bài vè và chú thích trích từ cuốn Sảng Đình Thi Tập của J.M. Thích do Giáo sư Đoàn Khoách biên tập – thực hiện, Thanh Tịnh xuất bản, California, USA, 2001, trang 97 và 302.
Bài vè sáng tác khoảng năm 1937.

New Jersey 25-12-2010