Vào đất Palestine thăm Jericho Print
Tác Giả: Bài:Trịnh Hảo Tâm / Ảnh: Phùng Khải Tuấn   
Thứ Năm, 10 Tháng 6 Năm 2010 15:13

Chương trình hành hương thánh địa Israel ngày thứ 3 hôm nay là ra khỏi thành phố Jerusalem,

 đi về hướng Ðông vào vùng sa mạc Judea để thăm làng Jericho là nơi ngày xưa Chúa Jesus đã từng đi qua trên đường đến Jerusalem lần cuối. Rồi tới Qumran là nơi tìm thấy những cuộn sách lâu đời nhất, sau đó đến Biển Chết nước có độ muối thật mặn, không sinh vật nào sống được và khi xuống tắm người nổi lềnh bềnh trên mặt nước, vừa tắm biển vừa đọc báo!

Khách hành hương ngồi trên lưng lạc đà trong sa mạc Judea.

Chuyến đi hôm nay đường không mấy xa nhưng vì ghé những địa điểm khảo cổ là những công viên quốc gia mất rất nhiều thời giờ nên Linh Mục Huỳnh Công Hạnh hướng dẫn đoàn hành hương muốn chúng tôi khởi hành sớm.

 Sáu giờ sáng báo thức bằng điện thoại, 6 giờ 30 xuống nhà hàng ăn sáng và 7 giờ 15 khởi hành bằng xe buýt nhỏ 20 chỗ ngồi của hãng du lịch, cũng bà Malca hướng dẫn viên người Israel tháp tùng. Vì là đi hành hương thăm thánh địa có tính cách tâm linh chứ không như du lịch vui chơi nên sáng hôm nào cũng tham dự thánh lễ.

 Xe buýt dừng lại nhà thờ Các Dân Tộc ở vườn Gethsemane là nhà thờ Công Giáo để chúng tôi dự thánh lễ bằng tiếng Việt do linh mục hướng dẫn cử hành. Sau đó lên xe rời khỏi thành Jerusalem đi về hướng Ðông, qua khỏi thành phố nhà cửa thưa dần và đi vào vùng núi đồi không cỏ cây chỉ một màu đất đá vàng cháy.

Theo bà Malca phía Ðông Jerusalem là sa mạc, dân cư thưa thớt, khô hạn vì những đám mây mưa bốc hơi nước từ biển Ðịa Trung Hải bị dãy núi dắt ngang hướng Bắc Nam ở Jerusalem chận lại nên chỉ có mưa ở phía Tây Jerusalem mà ít khi mưa bên hướng Ðông. Thêm vào đó vùng phía Ðông là thung lũng sông Jordan cũng chảy theo hướng Bắc Nam đem nước mưa (rất ít) từ vùng núi phía Bắc đổ vào Biển Chết và Biển Chết là một vùng lòng chảo nằm rất thấp, dưới mực nước biển nên khí hậu rất nóng và đất đai khô khan không cỏ cây nào mọc được ngoài những vùng dọc theo sông Jordan hay những con suối phụ lưu của nó.

Sông Jordan cũng là biên giới giữa Israel và Jordan một quốc gia Hồi Giáo thuộc khối Ả Rập.


Ðoàn hành hương chụp ở địa điểm ngang với mực nước biển.

Xe buýt lên xa lộ số 1 để đi Jericho (Giêricô) là thành phố nhỏ nằm cách Jerusalem khoảng 22 miles (36 km) về hướng Ðông Bắc.

 Ðây là vùng Bờ Tây (West Bank) thuộc lãnh thổ Palestine nên đi một khoảng xe chúng tôi gặp trạm kiểm soát của quân đội Palestine. Người tài xế nói gì đó với họ và họ nhìn tấm thẻ để sau kính trước chiếc xe là cho qua.

Hiện nay lãnh thổ của người Palestine chỉ còn Bờ Tây (West Bank) là phần đất phía Ðông Jerusalem và dải Gaza nằm ở bờ biển Ðịa Trung Hải phía Nam của Israel giáp với Ai Cập. Trong hai phần đất này, người Palestine chỉ kiểm soát những vùng “da beo” là những làng của người Palestine sinh sống trong khi xa lộ, đường biển, không phận do Israel kiểm soát. Vì vậy nên khó biết vùng nào là của Palestine và vùng nào của Israel trừ khi ngang qua những trạm kiểm soát.

Trạm kiểm soát của Palestine thì “xuề xòa” còn của Israel họ xem xét giấy tờ, Passport kỹ lưỡng trước khi đi vào phần đất Israel. Một điểm nữa là vùng Palestine đường sá nhỏ hẹp bụi bậm, nhà cửa tiêu điều, phố xá nghèo nàn, trẻ con lang thang chạy chơi trong khi bên đất Israel thì khá hơn. Mỗi sáng người Palestine thường qua biên giới, vào Jerusalem để buôn bán rau cải, trái cây, đồ kỷ niệm cho du khách hoặc đi làm công.

Quốc gia Palestine

Ðặt chân vào lãnh thổ Palestine nhân tiện cũng tìm hiểu sơ qua về quốc gia Palestine.

Có 3 yếu tố cấu thành quốc gia là: lãnh thổ, dân chúng và chính quyền. Lãnh thổ Palestine trước Thế Chiến Thứ Nhất là toàn vùng Israel nhưng ngày nay chỉ còn Bờ Tây và dải Gaza.

 Dân chúng Palestine năm 2008 là 4,148,000 người. Chính quyền quốc gia Palestine được thành lập năm 1994 theo Hiệp định Olso giữa tổ chức Giải Phóng Palestine (PLO) và chính phủ Israel với tổng thống hiện tại là ông Mahmoud Abbas. Thủ đô trên hiến pháp là Jerusalem nhưng hiện do Israel chiếm giữ và quốc gia Israel cũng xem Jerusalem là “thủ đô duy nhất, không phân chia” của họ.

 Phi trường quốc tế và hải cảng chính của Palestine nằm ở dải Gaza nhưng sau khi phong trào Al-Aqsa Intifada nổi dậy hai cửa ngõ giao thương với thế giới bên ngoài bị Israel phá hủy. Palestine cũng không có tiền tệ riêng, dân chúng sử dụng tiền Israel hay đồng đô la Mỹ.

Trước kia tổng thống Palestine là ông Yasser Arafat (1929-2004), ông là chủ tịch của tổ chức Giải Phóng Palestine, đồng thời cũng là lãnh đạo của đảng chính trị Fatah do ông thành lập năm 1959.

 Arafat đã dành phần lớn cuộc đời mình tranh đấu chống lại Israel, đòi lãnh thổ, quyền tự quyết cho người dân Palestine. Ban đầu ông phản đối sự tồn tại của Israel nhưng ông đã thay đổi quan điểm của mình năm 1988 khi chấp nhận Nghị quyết số 242 của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Ông được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1994 cùng với 2 nhà lãnh đạo của Israel khi ký Hiệp định Olso. Hiệp định này bị nhóm Hamas và các tổ chức du kích khác của Palestine phản đối, Hamas nổi lên nắm quyền làm lung lay nền móng của chính quyền đảng Fatah.

Sau khi ông mất nhóm Hamas kiểm soát dải Gaza, Israel cũng như các nước Tây phương xem Hamas như một lực lượng cực đoan khủng bố và hiện nay Israel phong tỏa bờ biển cũng như không phận dải Gaza không cho các tổ chức khác viện trợ tiếp tế cho Hamas. Vì chính sách phong tỏa này, ngày 31 Tháng Năm, 2010 vừa qua Israel tấn công đoàn tàu cứu trợ nhân đạo làm chết 9 người đa số người Thổ Nhĩ Kỳ gây nên nhiều vụ biểu tình ở các quốc gia lân cận. Hiện tình chính trị ở các khu tự trị Palestine với Israel còn nhiều rối ren và thánh địa Jerusalem không khi nào yên ổn được vì các sắc dân, các tôn giáo tranh giành quyền kiểm soát.

Con đường vào vùng sa mạc khô cằn chúng tôi đang đi hai ngàn năm trước Chúa Jesus cùng 12 môn đệ đã từng đi để đến Jerusalem lần cuối trước khi Người chịu nạn.

 Cũng trên con đường hoang vắng núi non này sách Phúc Âm (Luca 10:30-37) có mô tả về người Samaritan nhân hậu đã ra tay săn sóc vết thương cho một người đi đường bị cướp đánh nhừ tử, bỏ nằm bên đường mà trước đó có hai thầy tư tế đi ngang, thấy nạn nhân nằm thoi thóp nhưng tránh qua một bên mà đi. Người Samaritan đặt người ấy trên lưng con lừa của mình đưa về quán trọ săn sóc và hôm sau người Samaritan phải lên đường, ông trả tiền cho chủ quán để nhờ người này tiếp tục cho người bị cướp đánh ăn uống.

Con đường hôm nay đi đã trở thành xa lộ mỗi bên có 2 làn xe lưu thông nhưng cũng còn vắng vẻ rất ít xe chạy. Hai bên toàn là núi đá màu vàng, con đường len lỏi qua những sườn núi, một bên là hố sâu, vực thẳm nhìn chóng mặt. Những ai đã từng đến viếng Ðại Vực Grand Canyon ở Arizona (Hoa Kỳ) mới có thể hình dung được quan cảnh ở đây.

Cả một vùng sa mạc núi non trùng điệp, hết núi này lại đến ngọn núi khác, không một mái nhà, không cây cỏ hoang dại nào mọc được, kể cả xương rồng cũng không thấy! Thỉnh thoảng nhìn xuống vực sâu hàng trăm mét có một dòng suối nhỏ và bên cạnh là một đám cây chà là lá xanh sum suê. Vùng này tuy đi trên núi cao nhưng nhiều nơi nằm dưới mực nước biển, trước đó tài xế xe buýt có dừng lại tại nơi có cao độ ngang mực nước biển để chúng tôi chụp hình kỷ niệm. Nơi đây có một ông Palestine mặc y phục Ả Rập với áo choàng phủ kín tới chân và trên đầu đội khăn, dắt một con lạc đà để ai muốn ngồi trên lưng chụp hình thì trả ông một đô la tiền Mỹ.

Núi Cám Dỗ

Núi Cám Dỗ ở Jericho thuộc lãnh thổ Palestine.

Trước khi còn vài cây số nữa đến thành phố Jericho chúng tôi đi ngang qua Núi Cám Dỗ (Mount of Temptation).

 Núi cao hơn mực nước biển khoảng 350 mét, trên núi có vài chục hang động, ngày xưa Chúa đã từng đến đây và ăn chay trong vùng sa mạc này. Núi cũng nổi tiếng với nhiều ẩn sĩ khổ tu sống trên đây, đêm đêm vang vọng tiếng đọc kinh. Chính Thống Giáo Hy Lạp chiếm ngọn núi và xây tu viện trên đó vào năm 1895 và hiện nay tu viện vẫn còn.

 Khách hành hương hàng ngày lên viếng tu viện bằng con đường mòn quanh co theo triền núi rất dốc. Nơi đây phúc âm ghi lại việc Chúa bị quỷ cám dỗ như sau: “Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: ‘Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.’ Ðức Giêsu liền nói: ‘Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Matthêu 4:8-10).

Dừng lại mua trái cây dưới chân Núi Cám Dỗ.

Chúng tôi không lên núi nhưng đến một thương xá có nhiều tầng lầu xây giữa sa mạc tên Ahava, có nhà hàng, chợ thực phẩm bên trong. Phía trước người ta bày nhiều gian hàng bán trái cây. Ngoài những trái cây thường thấy còn có những thổ sản trong vùng như chà là, trái sung, các loại hạt, mật ong v.v...

Jericho nằm dưới một thung lũng có 12 con suối chảy về sông Jordan nên đất đai ở đây có vẻ phì nhiêu với cây cối tương đối xanh tươi nhất là chà là, đu đủ, trái sung, chuối. Sau khi mua sắm trái cây, cà phê, giải khát, dùng nhà vệ sinh chúng tôi lên xe đi vào Jericho, đi ngang qua một khách sạn nhiều tầng khá lớn có tên Intercontinent.

Thành phố Jericho (Giêricô)

Jericho nằm gần sông Jordan thuộc lãnh thổ Palestine, là thủ đô của tỉnh Jericho (Jericho Governorate), có dân số hơn 20,000 người chủng tộc Palestine. Jericho theo tiếng Ả Rập có nghĩa là “hương thơm” vì nơi đây ngày xưa sản xuất một loại dầu hương liệu lấy từ cây Balsam trồng nhiều trong vùng. Jericho được người ta tin rằng là một trong những thành phố cổ nhất thế giới, theo những cuộc đào xới các nhà khảo cổ cho rằng thành phố là nơi dân cư sinh sống từ 9,000 năm TCN.


Cây sung nơi tương truyền ông Dakêu trèo lên để nhìn thấy Chúa.

Xe đưa chúng tôi đến một thánh tích có ghi trong thánh kinh Phúc Âm là “Cây Cổ Thụ của ông Dakêu (Zacchaeus)”.

Ðến nơi dừng lại và xuống xe chụp hình. Cây cổ thụ là một cây sung (sycamore fig) to lớn, cành lá rậm rạp, dưới gốc sơn trắng có một hốc trống vì thân mục, cây đang được chính quyền Palestine rào lại.

Tại cây này người ta cho rằng ông Dakêu đã trèo lên đó để được nhìn thấy Chúa vì ông thấp mà rất đông người vây quanh Chúa. Dakêu là người giàu có, ông làm nghề thu thuế cho La Mã là đế quốc cai trị thời Chúa Giêsu sinh sống nên dân làng không thích.

Theo Phúc Âm ghi lại chuyện ông Dakêu như sau: “Sau khi vào Giê-ri-khô, Ðức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Ðức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Ðức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.

Khi Ðức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: ‘Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!’ Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người sầm xì với nhau: ‘Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!’ Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: ‘Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.’ Ðức Giê-su mới nói về ông ta rằng: ‘Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì con người đến để tìm và cứu những gì đã mất (Luca 19:1-10).”

Chúa Jesus đã tới nhà ông và ở đó một đêm, ông đã chia nửa tài sản của ông để cho người nghèo khó. Ở Jericho Chúa còn gặp người mù tên Batimê và đã chữa cho ông ta được sáng mắt. Chúa Jesus nói với ông ta rằng: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh!”