Miami, South Beach Print
Tác Giả: Trịnh Hội   
Thứ Tư, 05 Tháng 1 Năm 2011 11:13

Từ lâu tôi đã nghe đến cái tên South Beach ở Miami, một trong những bãi biển nổi tiếng nhất ở Mỹ.

 Nổi tiếng vì khí hậu ấm áp của tiểu bang Florida.

Nổi tiếng vì bãi biển rộng, dài hàng mấy cây số sang đến tận vùng Key West ở cực Ðông Nam nước Mỹ.

Và nổi tiếng vì đây là bãi biển ăn chơi khét tiếng của giới thượng lưu, của những cái tên lẫy lừng như Paris Hilton, Britney Spears, Enrique Iglesias... thường tụ tập ăn chơi nhảy nhót thâu đêm suốt sáng vào những dịp lễ Giáng Sinh, Năm Mới, khi ở tất cả những nơi khác trên đất Mỹ đều lạnh thấu xương ngoại trừ Miami.

Nhưng tôi chưa bao giờ có dịp đặt chân đến đây. Mãi cho đến tuần trước khi tôi tình cờ bị “buộc” phải ghé ngang trên đường về lại Mỹ từ Haiti.

 Ngồi chờ chuyển máy bay ở phi trường quốc tế Miami gần 10 tiếng đồng hồ không có gì làm, tôi đành bắt taxi ra South Beach để ngắm cảnh!

Nghĩ lại thấy số mình may thật. Người ta thì tốn cả ngàn đô mới bay tới South Beach để nghỉ holidays. Còn mình thì chỉ tốn ba chục đô tiền taxi là có thể tạt ngang ghé vô chơi trên đường đi làm. Thử hỏi còn gì sướng bằng?

 Một mình, một ba lô, chân không rảo bước trên sóng nước của bãi biển South Beach tràn ngập khách du lịch, kẻ bộ hành, tôi bỗng nghĩ rõ là cuộc sống này không công bằng. Chỉ cách đó hơn một giờ bay là thủ đô Port-au-Prince đang hấp hối từng cơn, khi biến động, lúc vật vờ, ai ai cũng đang gặp muôn vàn khó khăn thì ngược lại ở ngay tại thành phố Miami này, tôi thấy hầu như ai nấy cũng đang vui cười, hạnh phúc.

Nếu như Haiti là tượng trưng của sự nghèo đói, mất mát, tuyệt vọng thì ngược lại, khu bãi biển South Beach với từng hàng dừa thẳng tắp, những ngôi thự trắng nằm dọc theo hai bên bờ của vịnh Biscayne đầy ắp những du thuyền lớn nhỏ là tượng trưng của những gì sang trọng nhất, đẹp nhất mà con người và tạo hóa có thể cùng nhau hợp tác, tạo dựng nên.

Và không biết thì thôi. Nhưng một khi đã biết rồi thì tôi chỉ ước phải chi mình cũng có một biệt thư nằm ngay bên cạnh biển y chang như thế này. Nếu có thêm được một chiếc du thuyền (dài khoảng chừng 20 mét thôi) neo ngay đằng sau nhà thì càng tốt!

Nếu trong hai năm vừa qua có một ai không đọc tin tức gì về nước Mỹ và vào một ngày đẹp trời bỗng nhiên anh ta có dịp ghé thăm South Beach như tôi vào tuần trước thì bảo đảm với bạn là anh ta sẽ không bao giờ tin là kinh tế nước Mỹ đang bị suy thoái và vẫn chưa hồi phục.

Vì đi đâu bạn cũng sẽ thấy các hàng quán, cửa tiệm đầy ắp những người và người. Từ những tiệm ăn, hàng quán bình dân bán đồ kỷ niệm cho du khách bên lề đường cho đến những cửa hiệu sang trọng nhất nằm ngay trên đường Lincoln chỉ dành cho khách bộ hành.

Thế mới thấy ngay cả khi nước Mỹ đang gặp khủng hoảng, ngay cả khi dân Mỹ đang bị buộc phải thắt lưng buộc bụng tiêu xài dè sẻn và bị cho là nghèo nhất kể từ đầu thập niên 1930 cho đến nay thì cuộc sống của họ vẫn còn hơn rất nhiều người khác trên thế giới. Và đất nước của họ cũng đã đi xa và trước hơn rất nhiều những quốc gia khác, kể cả những quốc gia được cho là tân tiến, lớn mạnh từ Âu sang Á.

Không biết các bạn thì sao chứ riêng tôi sau khi có dịp đến sống và thăm viếng nhiều nơi trên đất Mỹ cũng như ở Trung Quốc như Thượng Hải, Bắc Kinh, Tô Châu, Hàn Châu, Hải Nam, v.v. thì tôi thấy còn... lâu anh Tàu mới bắt kịp anh Mỹ.

Vì như đã hơn một lần tôi nghe qua, muốn cho dân giàu nước mạnh vấn đề không phải ở chỗ nước anh có nhiều tài nguyên hơn, hay bị nhiều thiên tai hơn, hay phải chịu nhiều chiến tranh hơn mà chủ yếu là nhờ vào cơ chế lãnh đạo trong tiếng Anh gọi là: Governance.

Chúng ta thử xét xem chủ thuyết này có đúng không? Angola, Cộng Hòa Trung Phi, Nigeria... Ðây là những quốc gia có nhiều mỏ vàng, kim cương, dầu hỏa nhiều nhất thế giới. Nhưng đây cũng là những quốc gia loạn lạc, nghèo nhất ở Châu Phi. Và dĩ nhiên cũng là nghèo nhất thế giới!

Ở mặt khác, Nam Triều Tiên là quốc gia bị tàn phá nhiều nhất vì chiến tranh. Cả đất nước của họ bị san bằng sau cuộc chiến Triều Tiên vào năm 1953. Hai lãnh thổ khác Hồng Kông và Macau đều là những làng chài đánh cá chập chùng núi đồi, không chút tài nguyên vào đầu thế kỷ trước. Kể cả đất để trồng rau cũng không có. Và cho đến nay cả Hồng Kông và Singapore đều phải nhập nước từ những quốc gia láng giềng bên cạnh đem về xài.

Thế vậy mà chỉ sau hơn 3 thập niên, họ đã và đang là những con hổ mạnh nhất ở Châu Á. Không chỉ mạnh về mặt kinh tế. Mà còn mạnh về mặt ngoại giao và ảnh hưởng chính trị trên toàn cầu. Với dân số chỉ hơn 3 triệu ở Singapore và 7 triệu ở Hồng Kông, thật khó mà có thể tưởng tượng được sự ảnh hưởng của hai nơi này so với những nơi khác có cùng mật độ dân số và diện tích.

Bởi vậy với lợi thế về mặt địa hình, cũng như tài nguyên quốc gia và cơ chế lãnh đạo, chỉ sau hơn một thế kỷ nước Mỹ đã trở thành một siêu cường trên tất cả mọi mặt cũng là điều dễ hiểu.

Không phải tự nhiên mà thành phố Miami với bãi biển South Beach thơ mộng hơn một trời một vực so với thủ đô Port-au-Prince. Sự khác biệt đó nhờ rất nhiều vào sự đóng góp và xây dựng của nhiều thế hệ di dân đến Mỹ lập nghiệp trước đó. Nhưng trên hết tôi nghĩ nó nhờ vào cái nhìn sáng suốt và sâu rộng của những người đi trước trong quá trình dựng nước và giữ nước. Họ đã biết xây dựng một cơ chế lãnh đạo tốt nhất cho đất nước họ.

Thế còn chúng ta thì sao? Tại sao hai cái tên Việt Nam vẫn gợi lên những hình ảnh về chiến tranh, thiếu thốn, sự nghèo nàn, lạc hậu?

Chân tiếp tục bước trên sóng nước của bãi biển South Beach, mắt vẫn thấy những gì đẹp nhất, thơ mộng nhất trên đời này nhưng trong đầu tôi cứ tự hỏi:

Biết đến bao giờ? Biết đến bao giờ bạn nhỉ?