Khi đàn ông Sài Gòn làm đẹp Print
Tác Giả: Nguyễn Thị Lan Anh   
Chúa Nhật, 11 Tháng 1 Năm 2009 08:43

Một ông bạn tuổi ngoại ngũ tuần, lâu không gặp tự nhiên gọi điện nói chuyện nắng mưa dông dài. Tôi cắt ngang Muốn thì lúc khác, đang bận viết. Anh ta nói vội Chỉ xin địa chỉ chỗ hôm rồi chị mách thằng Sơn lùn đi “ấy” da mặt. Ra thế! Lại thêm một người bị hội chứng làm đẹp hành hạ. Lý do phải đẹp cấp tốc của anh này là sắp ra Hà nội dự đấu thầu, cần “tút lại” dung nhan để tạo ấn tượng với “bọn ngoài ấy”.

Đây không phải là người đầu tiên muốn nhờ thẩm mỹ viện cải lão hoàn đồng. Trước anh ta, khá nhiều doanh nhân, cán bộ cao cấp, nhân viên các công ty vốn nước ngoài, văn nghệ sĩ,…đã là khách thường xuyên của mỹ viện Sài Gòn.

Thấy làn da, mái tóc ngày một trẻ trung gợi cảm hơn của cánh đàn ông, phụ nữ ta tức tối ra mặt. Ai cho “bọn họ” cái quyền làm đẹp nhỉ?

 
Chuẩn bị cấy râu
Thưa các bà, chả ai cho – mà cần gì phải ai cho! Quan niệm chỉ phụ nữ mới được làm đẹp, còn đàn ông đi đâu phát cho bộ sơ mi trắng, quần sẫm màu, thêm “con khô mực” đã tươm tất lắm rồi, không cần dặm thêm tóc, cấy thêm râu, càng không hút mỡ, căng da, không nước hoa nước hoét… sang thế kỷ XXI quan niệm ấy đã xưa lắm, lạc hậu lắm lắm.

Nước ta đang hóa rồng hóa cọp, đẹp là nghĩa vụ và bổn phận của đàn ông- những rồng cọp ưu tú của đất nước. Bắt buộc phải đẹp! Không đẹp là không yêu nước. Đẹp thành chuyện chính trị quan trọng. Vì thế, các bà đứng sang một bên, đừng cản trở chuyện làm đẹp của bọn này mà mang tội …phản quốc!

Sứ mạng làm đẹp của đàn ông có thể viết thành chuyện dài nhiều tập. Mà tập nào cũng hay. Bài này chỉ xin lược kể đôi tập tượng trưng thôi.

Bắt đầu đẹp từ đâu?

Cách nay ba chục năm, để ra vẻ dễ hòa đồng với quần chúng nhân dân, khối ông chọn “thời trang chiến khu” – dép râu, áo sơ mi bỏ ra ngoài cái quần rộng thùng thình, hợp với kiểu ngồi co chân lên ghế, rút khăn lông quấn trên cổ xuống lau mồ hôi, mở cái xắc cốt lấy bi đông ngửa cổ tu nước ừng ực.

Chục năm lại đây, đời sống vật chất khá hơn, các vị quan chức, viên chức, doanh gia – lại từ từ đánh bạn với veston, cravate, giày tây và những kính mát, điện thoại di động, đồng hồ tay lỉnh kỉnh. Việc đi mua, đi may quần áo thời trang ở những tiệm lớn dọc phố Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, Lê Văn Sĩ, Lê Thánh Tôn, … đối với họ trở thành “chuyện nhỏ như con thỏ”.

Mở tủ quần áo của Tiên, 34 tuổi, độc thân, Trưởng đại diện văn phòng Công ty xuất nhập khẩu Bình Dương, tôi đếm được cả thẩy 23 bộ vét, 20 cái sơ mi nhãn hiệu Piere Cardin. Đồ phụ tùng thì nhiều, không đủ sức đếm. Anh cười “Mỗi tháng 20% lương đổ vào đó. Áo sơ mi 70 đô, bộ vét 300 đô. Ông Thái kinh doanh ngành nhựa Chợ Lớn thì Nhớ hợp đồng, thuế má, gia đình đủ mệt óc.” Quần áo sức đâu nhớ, vừa nói ông vừa chỉ ba cái tủ kiếng. Tôi lướt mắt. Không dưới năm chục bộ. Nhiều bộ còn “nguyên đai nguyên kiện” chủ nhân chưa hề mặc tới.

Diện tề chỉnh, thanh lịch chưa đủ, các ông còn “lưu hương” cho bộ nhớ đối tác. Bruit, Chanel 5, Calvin Klein,…toàn loại nước hoa ngọt ngào sang trọng. Bà nào cô nào định cấm vận chồng, bạn trai, con trai khoản nước hoa vì dùng nước cạo râu đủ thơm rồi là lầm to. Ngoài nước cạo râu, sáp bôi nách, savon tắm, shampoo, các ông “chơi” nước hoa bạo hơn các bà đấy. Không phải nói mò, mà theo kết quả điều tra đàng hoàng. Chả là công ty Paris France – nhà phân phối độc quyền 25 nhãn hiệu nước hoa nổi tiếng ở Việt Nam – sau khi thăm dò ý kiến người tiêu dùng mỹ phẩm ở 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ đã đi tới kết luận: Đàn ông Việt Nam dùng nhiều nước hoa hơn đàn bà!

Mặc bộ veston, xịt nước hoa, đứng trước gương nhe răng cười tình một phát. Chao ơi! răng viền toàn cặn trà thuốc vàng xỉn. Đã thế “hàng tiền đạo” còn sứt mẻ, khấp khểnh như cầu ao vênh. Lại đau khổ leo lên “ghế điện” của các dental clinic. Cạo vôi răng, tẩy trắng, rồi chỉnh nha, gắn răng sứ … ê ẩm ví tiền. Trả năm triệu xong mới tự tin đứng trước gương lần nữa, vén môi.

Xong răng, nhưng còn tóc, còn râu, còn da mặt. Ôi chao là mệt!

Ở Sài Gòn ít gì cũng có tới 40 cơ sở làm đẹp dành riêng cho quí ông, tập trung ở quận 1, quận 3, quận 5, quận Phú Nhuận, nhưng không biết rỉ tai cách sao mà quí ông đầu hói bóng, râu lơ thơ, mặt nhăn nheo như đèn xếp cứ thích đến thẩm mỹ viện Tú đường Nguyễn Cư Trinh – Quận 1- để cấy râu, trồng tóc, căng da mặt. Không dao kéo to chuyện, bác sĩ Trần thị Anh Tú dùng tia laser, botulinum toxin loại A (BOTOX) xử đẹp những vết nhăn ở cổ, ở đuôi mắt, ở ngang trán, giữa chân mày…Hiệu quả khỏi chê, trẻ lại dăm tuổi là thường. Ai nói trẻ? Thì mấy cô nhân viên. Khi vào mỹ viện họ chào bác. Lúc tiễn mình họ cười anh về mạnh giỏi. Hẹn tái ngộ!

Nói theo ông George, kỹ sư người Hungary, vừa lấy mỡ mắt với giá 4,6 triệu ở bệnh viện mắt TP HCM (bệnh viện Saint Paul cũ) thì giá làm phẫu thuật thẩm mỹ của Việt Nam so với các nước khu vực và Châu Âu chỉ bằng 1/5 mà hiệu quả lại tương đương. Ông kể 15 phút gây tê, lấy hết mỡ mí trên mí dưới, khâu lại. Rất nhanh gọn. Một tuần sau cắt chỉ. Very good! Very very cheap! Nhiều Việt Kiều về thăm quê, khách du lịch, cả không ít người nước ngoài công tác ở thành phố cũng cùng chung nhận xét vậy. Chả thế mà họ tin tưởng giao nộp “cơ quan đoàn thể” của mình cho Thẩm mỹ viện bác sĩ Tú, Bệnh viện GPTM Thanh Vân, Viện phẫu thuật thẩm mỹ Việt Mỹ

Với đàn ông trung niên, làm đẹp bộ mặt là tạm thỏa mãn tinh thần câu tục ngữ cái răng cái tóc là gốc con người. Nhưng với cánh trai trẻ thì còn phải làm nhiều thứ, nhiều lần. Chứ sao! Ai bảo ôm mộng làm MC, làm phát thanh viên truyền hình, làm diễn viên điện ảnh, người mẫu – toàn lĩnh vực đòi phải đẹp gắt gao thay vì nhất da nhì dáng chung chung.

Nhân nói da lại nhớ trường hợp anh Tuấn – Trưởng bộ phận chăm sóc khách hàng của Công ty dệt T.T – chững chạc, vóc dáng to cao. Trời lạnh không nói, nắng đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con, Tuấn vẫn áo bỏ trong quần kín mít. Phong trào chạy bộ, bơi lội, cầu long …cả công ty tham gia hào hứng, riêng anh ta tuyên bố dứt khoát không chơi áo cụt, cởi trần. Không phải mắc cở, cũng không phải pêđê hay bệnh tật gì kinh khủng. Té ra Tuấn có nỗi khổ riêng. Trên lưng anh ta, cả bụng dưới có hai hình xăm, kèm theo một “lời thề”. Tuấn kể hồi trẻ từng có mối tình say đắm. Hai đứa rủ nhau đi xăm sữa (loại xăm chỉ khi uống tí rượu hình xăm mới nổi ửng). Nàng thì xăm vào ngực hai chữ nhỏ xíu bay bướm Của anh. Tuấn cũng xăm bụng dưới đáp lễ hai chữ Của em chắc nịch…Chữ và hình biểu hiện quyết tâm ân ái tới đầu bạc răng long. Vậy mà …Nàng chết đi, coi như vắn số. Phần Tuấn bây giờ muốn lấy vợ lại kẹt cò. Tính phá xăm thì sợ thẹo lồi, sợ đau mà không hết tàn tích, còn lạy em anh ở bụi này, thêm nhục.

Tôi mách Tuấn bệnh viện thẩm mỹ Thanh Vân làm chuyện này dễ ợt. Tia laser YAG đã được áp dụng xóa bớt bẩm sinh, xóa hình xăm không để sẹo, không đau (tia laser này chỉ tác động vào màu mực xăm phù hợp với bước sóng của nó).

Anh Tuấn quay đi, nhìn phía lưng áo phẳng phiu, chững chạc không ai biết bên trong áo lại lắm nỗi niềm đến vậy!

Chuyện làm đẹp tập một của các ông doanh nhân, viên chức, cán bộ chỉ loanh quanh ở mặt mũi da dẻ. Sang tập hai, “chĩa” vào các sao cải lương, các call boy mới có điều đáng nói.

Khi màn nhung kéo lên, dưới ánh đèn sân khấu, nữ nghệ sĩ cải lương xuất hiện. Ôi cha mẹ ơi, màu mè như kỳ nhông cắc ké! Nhưng thông cảm, bản chất phụ nữ vốn là xí xọn, nhí nhảnh, ham bóng sắc đủ thứ. Đóng vai nữ hoàng, công chúa đã đành mà cả tì nữ, tội đồ, ác ôn xấu xí cũng cứ thích tô trát xanh đỏ loè loẹt. Đào thương, đào lẳng, đào mụ nào hỏi ra cũng mắc hội chứng mê mỹ viện ít nhiều.

Nhưng đó là nữ. Còn nam? Nam cũng quần áo tóc tai màu mè quằn quại, cũng mổ xẻ búa xua. Tạm đơn cử một kép từng nổi tiếng nhờ khoản sửa mặt như đàn bà- kép Kim Tử Long. Nhìn anh này một hồi chắc mắt dính toàn mỡ. Đồ cải lương! Chán quá! Không phải kẻ viết bài này than đâu, mà một Việt kiều Pháp. Chị này đã than vậy khi ngồi coi chương trình Vầng trăng cổ nhạc ở Đầm Sen, có anh ta đóng cặp với Ngọc Huyền trong một trích đoạn tuồng cổ.

Tội nghiệp cho nghệ thuật cải lương! Vốn lành mạnh là thế, qua mấy mươi năm bị lạm dụng, đã trở thành nghèo nàn, hạ cấp nhiều mặt. Thay vì tập trung vào ca hay, diễn giỏi, nhiều đào kép cứ chăm chăm o bế ngoại hình- bơm môi, xẻ cằm, cắt mắt, nâng mũi vừa đổ máu tốn tiền, đôi khi lại chửi cha cái đẹp. Thảo nào nghệ sĩ và nghệ thuật cải lương cao quí chả bị thiên hạ lầm với “đồ” này “đồ” nọ!

Trường hợp kép Kim Tử Long bơm mặt xẻ cằm dù sao cũng còn hiền. Chứ sửa phần ác chiến nhất phải dành cho bộ phận đàn ông khác, làm nghề chả ăn nhậu gì tới cải lương, gọi văn vẻ là “kỹ nam” (như kỹ nữ). Một đất nước xã hội chủ nghĩa mà có nghề này thì hơi kỳ cục. Biết vậy! Nên các anh đâu dám hành nghề công khai, chả môn bài, không trụ sở nghiệp đoàn, không đóng thuế thu nhập. Chỉ hữu xạ tự nhiên hương là chính.

Hệt các call girl, call boy cũng bán thân nuôi miệng. Và để trụ lại với nghề lâu dài, ngoài việc tập tành thể lực các anh phải nghĩ mẹo trau chuốt “cần câu”. Làm ngực to ra, rậm thêm râu tóc, lông lá … bác sĩ thẩm mỹ gật đầu cái một! Nhưng đến khoản “súng ống đạn dược”... Không, chớ hiểu lầm! Đương nhiên nòng súng là trời cho, không nhờ kéo dài thêm, làm to ra được rồi. Cái muốn nhờ là nhờ …nạm hột kia. Đúng! Nạm vài hột đá, kiểu nạm hột vào lưỡi, vào tai, vào rốn bọn “chíp hôi” vũ trường ấy. Ngoài ra thêm một “tràng hoa quấn cổ”. Năm trăm cho tới hai ba triệu một lần chơi. Phải vậy mấy con Võ Tắc Thiên khốn nạn mới không tiếc tiền, mới mê chết.

Nghe đồn làm rất đau. Nên trước khi “khảm súng” anh nào cũng phải hít. Xong nằm ngay đơ. Thợ cẩn tha hồ ra tay tỉ mỉ. Tôi chưa có điều kiện để tiếp cận một chàng nào như thế, chụp ảnh lại càng không! Nhưng Võ Tắc Thiên thì có.

 
Các ông thường bụng bự nhiều nên phải hút…mỡ
Võ Hậu này là nha sĩ, nhà trước ở quận 1- nổi danh dâm nữ. Tiếp bệnh nhân nam ưng ý, chỉ mặc độc cái blouse mỏng dính. Bệnh nhân nằm trên ghế há miệng cho mụ làm răng, tay tha hồ “mò cua bắt ốc” trong áo blouse. Thỉnh thoảng hứng, mụ cũng du dương với khách. Tiền nào tính ra tiền đó. Nghe đồn thằng Châu “Tay súng bá vàng” xuất hiện ở Linda quận 3, mụ giắt tiền “đi xem sao”. Thấy Châu, mụ cứ ngồi trên tắc xi không xuống, vẫy tay. Anh ta lại gần. Mụ thản nhiên thò tay vạch hàng xem trước. Chị ơi, Em nắm thử … mê luôn! Đầu nó nạm mấy viên đá. Ngứa cả người. Tôi hỏi Rồi sao, cơm cháo gì không? Mụ Võ Hậu suýt soa Trên cả tuyệt vời! Mấy tiền? Em cho nó luôn hai vé. Thế làm mạnh lỡ nó tuột …Không! Khảm hẳn vào da. Tuột thế quái nào!

Cẩn thận kẻo lầm!

Sửa sắc đẹp khác với chỉnh hình mặc dù cả hai đều là phẫu thuật.

Chỉnh hình là hình dạng không bình thường, phải chỉnh. Thí dụ tay sáu ngón phải chỉnh, mặt mũi bị tai nạn làm biến dạng, phải chỉnh. Còn sửa là “phá ra làm lại” cái nguyên lành của các bà mụ nắn cho. Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng – Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Ở Sài Gòn hiện nay, ngoài 45 phòng khám chuyên khoa Giải phẫu thẩm mỹ (GPTM), 6 bệnh viện có khoa GPTM (2 bệnh viện công, 4 bệnh viện tư), hai bệnh viện chuyên về GPTM (bệnh viện Thanh Vân, bệnh viện Sài Gòn) do Sở Y tế cấp phép hoạt động và quản lý, còn rất nhiều mỹ viện, thẩm mỹ viện không thuộc sự quản lý của ngành (không có bác sĩ tham gia). Họ chỉ xin giấy phép kinh doanh của quận huyện.”

Cánh mày râu có nhu cầu từ tỉa râu tóc, gội đầu, cắt móng tay tới soi da, nâng mũi, cắt mắt, hút mỡ, nâng ngực đều có thể là khách sộp của những cơ sở giấy tờ nhập nhằng này.

Nhưng may, so với quí bà, khi đi làm đẹp các ông tương đối kỹ tính hơn, có hiểu biết hơn, biết phân biệt thế nào là bệnh viện, thế nào là cơ sở chăm sóc sắc đẹp. Biết ai là lang băm lang chém đại gian đại ác cỡ Phạm Xuân Ái, ai là thiện nhân tử tế nên không dễ bị hù dọa mất tiền, bỏ mạng oan uổng.

Nhắc ông Ái, làng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ Sài Gòn ai cũng ê mặt. Con sâu làm rầu nồi canh là vậy. Ai đời làm bác sĩ mà khi khách hàng Phạm thị D. tới xin căng da vùng bụng. Ông Ái “quất” 21 triệu đồng ngon ơ để chỉ làm mỗi việc “mổ một đường ngang dài, gần xương mu…Tôi không dám nói gì vì bị ông Ái quát nạt, chửi bới…Tôi xin gọi điện thoại về nhà họ cũng không cho. Mãi đến thứ Bảy 30 tháng 9 sau gần một tuần bị giam lỏng trong nhà ông Ái tôi mới liên lạc được với mẹ mình ở Đồng Nai.”

Phóng viên báo Tuổi Trẻ kể thêm “người nhà chị D đến vẫn không vào được, đành trình báo công an địa phương và nhờ luật sư can thiệp. Khi được đưa ra, chỉ một lúc chị D đã kiệt sức, ngất xỉu, phải gọi xe cấp cứu đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy.”

Suốt cả tháng 10 qua, hành trạng của ông Phạm Xuân Ái và gia đình quanh cái gọi là Công ty trách nhiệm hữu hạn phát triển giải phẫu thẩm mỹ được báo chí phanh phui khá kỹ. Đọc tới đâu dân sính làm đẹp đổ mồ hôi lạnh tới đó vì sự lộng hành của 6 thẩm mỹ viện cùng mang tên Á Châu do ông Ái và dàn âm binh phù phép. Tất cả đều tồn tại và hoạt động kiểu hắc điếm, ngang nhiên thách thức pháp luật và dư luận. Đốctờ Ái hiện lên trong phóng sự của báo Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao động…như một đại ma đầu siêu lừa, siêu láo. Oan ưng thế nào chưa rõ, còn phải chờ kết luận của Công an, nhưng vụ Phạm Xuân Ái này dù sao cũng đủ cảnh tỉnh những người cả tin cái mác Tiến sĩ Đại học Y khoa Huế, Viện sĩ Hàn Lâm viện GPTM quốc tế & Hoa Kỳ, Thành viên ưu tú Hiệp hội Bác sĩ Phẫu thuật thẩm mỹ bằng laser …đến nỗi gánh vàng đi đổ sông Ngô dễ dàng như gánh đất lấp mồ mình.

Các bà nói gì?

Chuyện làm đẹp của phái nam còn khá mới. Dư luận chưa thông mà cũng có phần chưa cảm. Người ta cứ vận dụng những câu thành ngữ xưa cũ Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Tốt mã giẻ cùi. Trai tài gái sắc để đi tới kết luận rằng đàn ông được miễn làm đẹp. Chỉ cần kiếm nhiều tiền bảo bọc gia đình. Hơn nữa thì kiếm cái danh. Hơn nữa thì hoạt động xã hội kiếm cái đức. Đàn ông mà làm đẹp là dấu hiệu của sanh tật, của đua đòi mèo mỡ, của biến chất. Không cần đẹp. Các bà nói vậy!

Nhưng trước trào lưu đổi mới, mọi thứ không thể Vũ Như Cẩn mãi được. Chuyện ăn đói mặc rách đã xưa. Bây giờ ai như thế là bêu xấu quốc gia, là làm nhục quốc thể. Bản thân xã hội đã từ chỗ ăn no mặc ấm tiến lên ăn ngon mặc đẹp. Các bà các cô theo đó mà đẹp ào ào. Từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài- chỗ nào cũng thơm bùi mùi thẩm mỹ. Thế sao lại cấm cửa các ông?

Nghĩ cho cùng lão ruộm tí tóc, căng tí cái mặt nhưng lương nộp đủ tối ngủ nhà. Được, cho phép đẹp! Bà Ng. nói về ông chồng làm ở sân bay Tân Sơn Nhất như vậy. Đồng quan điểm là một cô trẻ hơn – Cô L T Ng. Thấy chồng đi đâu cũng kè kè kem chống nắng, kem dưỡng da, cuối tuần làm móng tay, làm tóc, quần áo, đồ trang sức lần nào xuất ngoại cũng mua về vài món… cô bảo tôi Anh T. làm ngành Ngoại giao, phải thế. Sắm sửa, chăm chút tuy có vẻ điệu đàng tốn kém nhưng bù lại mặt mũi thơm tho sáng láng, quần áo tề chỉnh bảnh bao thì có lợi cho công tác. Ra đường hai vợ chồng xứng đào xứng kép ai cũng khen. Cứ để anh ấy đẹp. Em kiểm soát được.Không sao!

Bà Thảo – chủ một công ty cổ phần quận 10 thì nói như đinh đóng cột Nam nhân viên tôi thằng nào cũng phải sạch nước cản. Xấu không nhận. Bảo vệ, lái xe, xuống bến…đều phải cao ráo, sáng sủa, biết cười. Còn chị Hiền bạn tôi, dạy đại học, có con trai hay mốt này mốt nọ. Chị thở ra Nó mua cái quần bò Mỹ, mấy cái túi xách, một lô xích chó (vòng cổ!), hai đôi giầy … đi đứt tháng lương. Về ăn bám mẹ suốt. Bực lắm chứ, nhưng thôi, thế còn hơn thấy con khuân về thuốc lá rượu bia hay đi trai gái bài bạc.

Như thế là phụ nữ, nói chung, đều ủng hộ chồng, bạn trai, quí tử làm đẹp – dĩ nhiên đẹp có mục đích, có chính nghĩa, có mức độ và có kiểm soát. Giấy cho phép làm đẹp các bà ký, còn tiền làm đẹp thì đừng mong. Không hề gì! Ông nào chả có quĩ đen quĩ đỏ!

Việc làm đẹp của quí vị công chức, doanh nhân, cán bộ cấp cao, trí thức, văn nghệ sĩ Sài Gòn hiện nay là một tín hiệu vui cho gia đình, xã hội. Nhà có người đẹp thì hãnh diện. Công sở, đường phố có người đẹp thì thơm tho, sáng sủa, tươi vui. Xã hội có nhiều công dân đẹp quần áo, đẹp mặt mũi tóc tai thì xã hội ấy quyết không phải là xã hội … khỉ, mà là một xã hội đang trên đà văn minh. Cần thiết biết bao thiện chí làm đẹp – dù mới chỉ là làm đẹp bề ngoài, kiểu làm đẹp sơ đẳng nhất – của các đấng mày râu xứ ta.

Điều cần lưu ý quí ông chính là khái niệm chừng mực trong khi làm đẹp. Ai cũng biết siêu sao ca nhạc Mỹ Michael Jackson với chuyện làm đẹp độc đáo – thay màu da đen, môi dầy, mũi tẹt, tóc quăn – đặc trưng chủng tộc mình – để trắng muốt với mũi cao mắt to và một dáng dấp khuynh nữ. Đẹp như thế ngoài chuyện quá đắt tiền, chuyện hao tổn sức khoẻ, còn là chuyện văn hóa. Rất mong trước khi quyết định thêm cái này, bớt cái nọ, làm phồng lên, xẹp xuống một bộ phận nào đó trong cơ thể, quí ông hãy cân nhắc. Không nên coi đẹp là chuyện riêng của cá nhân tới mức thách thức tiêu chuẩn chung của xã hội. Càng không nên coi cơ thể là chỗ thử tài cắt xẻo vô tư cho các đồ tể choàng blouse trắng, chỗ thể hiện bản lĩnh anh hùng, thể hiện quan điểm thẩm mỹ bệnh hoạn, quái đản, học đòi.

Tiền của mình, dao kéo của bác sĩ. Đúng! Nhưng hậu quả thì không phải chỉ các anh và bác sĩ liên đới chịu trách nhiệm. Mà còn biết bao người từ vợ con, người yêu, tới đồng nghiệp, cả người trong thiên hạ nữa. Đừng để việc làm đẹp riêng tư trở thành những đề tài tiếu lâm kiểu Một anh từ thẩm mỹ viện về. Vợ trông thấy hỏi Con này! tìm ai thế mày?.

Đẹp thì tốt. Nhưng tốt có thể không tất yếu phải đẹp. Phụ nữ họ thích người đẹp, quí người tài, hâm mộ người giỏi nhưng sẽ lấy và chung thuỷ với người tốt đấy, các anh ạ!