Tường thuật hai trận đấu Túc Cầu World Cup Nữ giải Tứ kết: Nhật - Đức và Mỹ - Brazil Print
Tác Giả: Văn Quang   
Thứ Tư, 13 Tháng 7 Năm 2011 08:24

    Hai trận đấu World Cup Nữ : Giải Tứ Kết _  Cuộc lật đổ như sóng thần và chiến thắng nghẹt thở.

    Thưa bạn đọc, đáng lẽ bài này tôi dự định viết sau trận chung kết World Cup Nữ thế giới như đã hứa trong tuần trước. Nhưng tuần này, vừa trải qua 2 trận đấu vô cùng thú vị, có lẽ còn quan trọng và đang nói hơn cả trận chung kết nên tôi thấy không thể không thể không gửi ngay đến bạn đọc những cảm xúc lớn đang dâng trào trong tôi cùng với rất nhiều bạn đọc có chung tâm trạng. Đợi đến khi xong giải đấu, còn tới một tuần nữa, lâu quá, cảm xúc có thể sẽ vơi đi nên cứ viết ngay cho mới tinh khôi.

    Chắc bạn đọc đã biết tôi định nói tới 2 trận đấu nào rồi. Trận Đội Tuyển Nữ (ĐTN) Nhật Bản làm nên cuộc lật đổ tuyệt tác nhất trong lịch sử bóng đá thế giới kể cả nam và nữ. Sau đó là trận ĐTN Mỹ thắng ĐTN Brazil bằng một “siêu sức mạnh” với ý chí đáng khâm phục nhất trong tất cả các giải bóng đá nữ quốc tế đã qua. Rất nhiều báo chí trên thế giới đã giật những hàng tít vơ đét, lấn át mọi thứ tin tức về chính trị, kinh tế đang xảy ra. Chắc nhiều bạn đã đọc rồi. Các đài truyền hình, truyền thanh đều đã đưa tin, các bạn đã xem, đã nghe. (Từ đây, xin gọi là Nhật hoặc Mỹ, Đức, Brasil cho gọn).

    Ở đây tôi không làm công việc tường thuật lại chi tiết hai trận đấu đó. Tôi chỉ đưa ra những nét đặc biệt, những pha bóng hay, những xúc cảm của người xem, đồng thời cũng xin phép đưa ra nhận định của mình chia sẻ cùng bạn đọc tìm được niềm vui, nỗi buồn qua hai trận đấu tuyệt vời này.

    1- Cuộc lật đổ kỳ lạ của Nhật Bản và nước mắt người Đức .

    Trước hết và trên hết phải kể đến trận các cô gái Nhật Bản đã làm nên một chiến thắng “kinh hoàng” trong lịch sử bóng đá thế giới. Một trận thắng mà trước trận đấu không ai dám tin, ngay cả đội Nhật cũng không dám nghĩ tới. Đội Đức càng không tin. Bởi họ đã từng nói “không thể chấp nhận dù là ngôi á quân”, có nghĩa là Đức phải vô địch mới hài lòng (!). Khẳng định như thế, đời nào họ nghĩ đến chuyện thua. Khán giả quanh tôi đã có người bàn rằng “Chỉ xem để biết Nhật thua bao nhiêu trái mà thôi”. Dân cá độ cũng cá theo cái kiểu Nhật thua 1, 2 hay 3, 4 trái. Chấp Nhật 1 trái vẫn ăn. Tâm trạng chung là như thế trước trận đấu.

    Tuy nhiên, là người châu Á, chúng ta cùng có một “giấc mơ không tưởng” cầu cho Nhật thắng. Riêng tôi cũng cầu mong như thế để bóng đá có một cái gì đó hấp dẫn hơn. Một “cơn sóng thần” mới làm chấn động địa cầu. Làm cho cả những người không say mê bóng đá cũng phải bàng hoàng.

    Trận Đức - Nhật diễn ra vào 01g45 ngày 10 tháng 7 (giờ VN) trên sân Wolfburg. Ngay từ khi trái bóng bắt đầu lăn, nhìn lực lượng hai đội đã thấy ngay sự chênh lệch về sức lực, về thành tích thi đấu. Về hình thể, nhìn đội Nhật mà lo sợ. Một anh khổng lồ hùng dũng bên anh nhỏ bé như chưa từng lên võ đài bao giờ. Về thành tích thì Đức là một siêu cường bóng đá nữ từng ba lần vào chung kết, hai trong số đó họ đều chiến thắng để lên ngôi vô địch ở các kỳ World Cup 2003 và 2007. Trong khi đó, đây mới lần thứ hai từ khi World Cup bóng đá nữ ra đời năm 1991, Nhật Bản lọt vào tứ kết, sau lần đầu năm 1995.

    Khi trận đấu đi qua được 20 phút, tôi bắt đầu nghĩ khác và nhớ lại trong bài tuần trước, tôi đã viết: “ Rất ấn tượng với các cô gái Nhật” và “trái bóng còn lăn, chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra”. Đó không phải là ý tưởng để tự trấn an trong trận Nhật - Đức này.

             Hội tuyển Đức quốc chào từ giã khán giả ...

  
    Tại sao Đức không thắng?

    Suốt trong hiệp 1, các cô gái Nhật cầm bóng có phần nhỉnh hơn Đức khoảng 52% và 48%. Nhưng cầm bóng nhiều hơn không có nghĩa là chơi hay hơn. Đôi Đức có phần lấn lướt địch thủ yếu hơn họ. Nhật phải tung hết sức lực ra cản phá từng đường bóng dài, bóng bổng rất chuẩn xác của chân sút Đức. Tất nhiên Nhật phòng thủ phản công, dựa vào hàng phòng thủ khá vững chắc, nhiều lần Nhật cũng có những pha lên bóng nhanh, bài bản. Sự đeo bám sát sườn của từng cầu thủ phối hợp với sự tinh tế luồn lách của các cô gái Nhật khiến Đức không thể có đất dụng võ. Mặc dù họ muốn giải quyết trận đấu càng nhanh càng tốt. Các cô gái Nhật té ngã dúi dụi rồi lại đứng lên bám tiếp. Cứ thế, trận đấu giằng co, Đức không thực hiện được lợi thế to khoẻ của mình. Cầu thủ Nhật đưa bóng, bật bóng khá chính xác, những đường chuyền chọc khe cũng vô cùng đáng nể khiến hàng phòng thủ Đức không thể coi thường. Lúc đó Đức đá thận trọng hơn, sự chênh lệch về trình độ và đẳng cấp được thể hiện rõ nét hơn qua thế trận áp đảo của Đức suốt 90 phút chính thức. Nhưng lối chơi dựa nhiều vào sức mạnh với các pha nhồi bóng bổng để khai thác sự hạn chế về hình thể của Nhật Bản vẫn không có tác dụng. Đức loay hoay không biết phải thay đổi chiến thuật nào. Đành phải bước vào hai hiệp phụ.

    Bước vào hiệp phụ thứ nhất, bao nhiêu “bí kíp võ công thượng thừa” chỉ mới doạ được địch thủ chứ chưa thể thắng, đội Đức đẩy mạnh đội hình cao hơn, vậy mà Đức vẫn hiếm khi tạo được những cơ hội nguy hiểm về phía khung thành Nhật.

    Ngược lại, bằng lối chơi phòng ngự tập trung, tuân thủ chặt chẽ kỷ luật chiến thuật và cự ly đội hình luôn được duy trì hợp lý, Nhật Bản đã đẩy lùi mọi nỗ lực hãm thành của nhà đương kim vô địch. Đức có vẻ nôn nóng, khi trận đấu còn rất ít thời gian, dồn lên tấn công. Lợi dụng tình thế này, vào phút thứ 108 Nhật phản công, với một đường bóng dài từ giữa sân, thủ quân Homare Sawa đưa bóng lên phía trên cho Maruyama. Sau màn đua tốc độ với Saskia Bartusiak, tiền đạo đeo áo số 18 này vượt lên trên một nhịp vừa đủ để cô tung ra cú sút hiểm về góc xa, hạ gục thủ môn lão luyện Nadine Angerer, đem lại bàn thắng quý giá hơn vàng cho Nhật Bản.

Chưa tìm được nguyên nhân tại sao lại thua đội cầu liliput xứ
Thái Dương Thần Nữ?

        Vì sao các cô “nhược tiểu” Nhật thắng siêu cường Đức?

    Còn ít phút nữa hết trận, không còn gì để mất, Đức như con sư tử bị bắn trọng thương, tung mọi sức lực vào cuộc chiến một mất một còn này. Đã mạnh, Đức càng phô bày thêm sức mạnh. Các cô gái Nhật té lăn chiêng bổ nhoài, nhưng bằng một tinh thần võ sĩ đạo, tinh thần kamikaze, quyết tâm giữ vững thành trì. Các cỗ xe tăng Đức tha hồ bắn phá, không thể nào vượt qua được tính thần quật cường bất khuất đó. Nữ hoàng Đức đành chịu thua. Tiếng còi mãn cuộc nổi lên tưởng như tiếng sấm vang rền trong mọi con tim người yêu bóng đá. “Bất ngờ”, “quái dị”, “ tuyệt tác” là những cảm xúc của người hâm mộ. Trong khi các cầu thủ nữ ôm mặt rã rượi, nhưng khán giả Đức không la ó đội bóng của mình, và dường như trên khán đài, khán giả Đức vẫn cảm ơn đội bóng của mình bằng những cử chỉ hết sức nhã nhặn dù cho họ là nước chủ nhà W. Cup và là đương kim vô địch. Đó là nét đẹp của người Đức.

    Không thể không nhận ra một điều quý giá nhất là tinh thần Nhật Bản, ý chí ngoan cường. Không sợ địch, không nhượng bộ địch dù chỉ một nửa bàn chân đã làm nên chiến thắng lừng lẫy của các cô gái Nhật. Họ coi đấu với siêu cường Đức cũng như đấu với bất cứ địch thủ nào mà thôi. Tôi cho rằng đó là yếu tố then chốt làm nên điều vĩ đại của Đội Tuyển Nhật Bản. Đó cũng là bài học cho một dân tộc dù là nhược tiểu trước bất kỳ một anh to xác nào.

    Sau trận đấu, HLV tuyển Đức Silvia Neid phải nhìn nhận: “Thủ quân Sawa của Nhật Bản thi đấu quá hay. Không thể tin là ở tuổi 32 cô ta vẫn chỉ huy thế trận và thi đấu tuyệt vời đến như vậy”. Trong khi đó, phía Nhật Bản, HLV Norio Sasaki cho biết: “Tôi không thể tin là Nhật Bản thắng được đội Đức ngay trên sân nhà của họ. Đây là một chiến tích phi thường. Chúng tôi xin dâng tặng nó cho người dân Nhật Bản, đặc biệt là những nạn nhân của cơn động đất và sóng thần vừa qua. Hy vọng sẽ giúp họ sớm vượt qua khó khăn”. Cũng tại kỳ World Cup này, trước mỗi trận đấu các nữ cầu thủ Nhật khi ra sân đều mang theo tấm băng-rôn in dòng chữ: “Cảm ơn những người bạn khắp thế giới đã ủng hộ Nhật Bản”.

    2- Mỹ- Brasil: Nghẹt thở từ khi bóng lăn đến quả sút cuối cùng.

    Không có World Cup Nữ lần nào có nhiều bất ngờ thú vị nghẹt thở như lần này. Bất ngờ lớn vừa qua, bất ngờ thứ hai lại ập tới. Đó là “lưỡng hổ tranh hùng” giữa Mỹ và Brasil. Ngay từ khi kết quả vòng bảng cho thấy hai cường quốc bóng đá nữ này phải gặp nhau trong vòng tứ kết, ai cũng tiếc cho bất cứ đội nào bị loại. Khán giả Mỹ khó chịu khi ĐT Mỹ để thua một đội “dưới cơ”, họ đã tự gây khó khăn cho mình.

    Một “bà lớn” Đức tưởng rằng không thể ra đi sớm, đã đội nón ra đi. Bây giờ, một trong hai bà kế Mỹ hay Brasil ra đi cũng là điều đáng buồn. Người hâm mộ bóng đá coi đây là một trận chung kết sớm và là một trận đấu đỉnh cao của các cầu thủ nữ. Một trận đấu được chờ đợi nhất trong cả kỳ W.Cup này, chắc chắn sẽ diễn ra sôi nổi. Tất cả những tay cá cược từ quốc tế đến Việt Nam, từ dân chơi đại gia đến “cá kèo” đều sẵn sàng vào cuộc, không thể biết trước đội nào thắng. Dự đoán chỉ còn là “sờ mu rùa”, nói theo kiểu người bình dân VN. Tính gay go quyết liệt càng dâng cao, chỉ một sơ sẩy là ngã ngựa.

    Tôi nôn nao, hồi hộp khi trận đấu bắt đầu, ở VN, trận đấu diễn ra trên các màn ảnh truyền hình trực tiếp vào lúc 22g30 ngày 10-7. Các quán cà phê đông nghẹt. Nhiều nhà đóng cửa im lìm vì không có đài K+.

    Trận đấu vừa bắt đầu 2 phút, cuộc tấn công phủ đầu của Mỹ đã mang lại kết quả bất ngờ. Sau cú sút chéo từ cánh trái của cầu thủ Mỹ đã khiến Daine của Brasil đá phản lưới nhà. 1-0 cho Mỹ là một thuận lợi lớn suốt cuộc chơi. Brasil dâng cao đội hình quyết gỡ. Martha , nữ cầu thủ của Brasil nổi tiếng nhất hiện nay, liên tiếp 5 lần là cầu thủ hay nhất thế giới, cùng đồng đội của cô vùng vẫy khiến cô thủ môn xinh đẹp Hope Solo của Mỹ không ít lần vất vả cứu bóng. Mỹ vẫn duy trì sức tấn công bằng những đường bóng dài. Ăn miếng trả miếng từ cuối sân này sang cuối sân kia trở nên căng thẳng. Chỉ một sai lầm sẽ bị trả giá rất đắt. Suốt hiệp 1, Brasil đã biểu diễn hết những sở trường kỹ thuật của từng cá nhân. Phải công nhận các cô gai Brasil quen xông pha trận mạc đã đi bóng tuyệt vời không kém gì vũ điệu trên sân cỏ của các cầu thủ phái nam của họ đang đá thuê ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhưng vũ điệu Brasil đã bị Mỹ “bắt bài” nên cuối hiệp 1 vẫn là tỉ số 1-0 cho Mỹ.

    Lại chuyện trọng tài ấm ớ

    Sang đến hiệp 2, vẫn là trận giằng co quyết liệt, những đường bóng sạt xà ngang, bật cột dọc làm khán giả thót tim. Tuy nhiên phút 68, một cuộc có thể gọi là lộn xộn đã xảy ra. Cầu thủ Mỹ Rachel Buehler chèn người trái phép trong vòng cấm, bị nữ trọng tài phạt thẻ đỏ truất quyền thi đấu và cho Brasil hưởng quả phạt đền. Christiané bước lên đá quả phạt này. Những trái tim thổn thức. Thủ môn Solo căng mắt và tung người bắt dính bóng. Khán giả oà lên thích thú ca ngợi tài năng siêu việt của thủ môn. Những tiếng “Solo! Solo!” vang rền. Nhưng trớ trêu thay, trọng tài biên lại báo hiệu thủ môn đã di chuyển trước khi Christiané đá phạt. Khán giả ngơ ngác, Solo cũng ngẩn ngơ rồi vùng vằng giơ tay phản đối quyết định cô cho là vô lý đó. Một thẻ vàng của trọng tài tức khắc rút ra dành cho Solo. Cú phạt đền được sút lại do chính cầu thủ Marta thực hiện bay vào khung thành. Tiếng la ó xen lẫn tiếng vỗ tay. Người bình luận của đài truyền hình VN cho rằng bà trọng tài đã quá nặng tay với chiếc thẻ đỏ dành cho Rachel Buehler, chỉ cần một chiếc thẻ vàng là đủ. Nhất là cú phạt đền được đá lại hầu như quá xa lạ. Mỹ chỉ còn 10 người trên sân. Tâm lý bị ức chế, chắc chắn sẽ không ổn định.

    Ôi cái nạn trọng tài phá hỏng bao nhiêu trận đấu đã và sẽ còn xảy ra. Biết đến bao giờ FIFA mới chịu nhìn ra và sửa chữa cho cuộc chơi hấp dẫn nhất hành tinh trở nên hoàn mỹ hơn?

             Niềm vui và nỗi buồn cận kề trong gang tấc.


        Tinh thần dũng cảm của các cô gái Mỹ

    Trận đấu vẫn tiếp tục, các cô gái Mỹ kém thế, căng hết sức ra truy cản và cũng không quên tấn công. Một điều rất hay là Mỹ vẫn duy trì trận đấu như khi còn đủ 11 người, không hề nản chí. Thiếu một người là một lỗ hổng như cái hố tử thần giữa đường. Cầu thủ Mỹ căng hết sức ra che chắn.. Brasil lợi dụng ưu thế “trời cho” này muốn dứt điểm trận đấu. Nhưng cũng như Nhật Bản, Mỹ đã kiên cường cho đến hết hiệp 2. Tất nhiên Brasil không hề muốn có 2 hiệp phụ. Nhưng rồi hiệp phụ vẫn phải đến.

              Hội tuyển Brazil chào tạm biệt khán giả ...

        Phút thứ hai của hiệp phụ Martha lại một lần nữa lập công, đưa bóng ngược qua đầu chéo góc, Solo không thể với tới. Nhưng nhìn lại pha quay chậm, với công nghệ cảm ứng, chiếc vạch xanh đã chỉ ra Marta đã ở thế việt vị. Cũng y hệt nhu trước đó, cầu thủ Mỹ việt vị và trọng tài bắt đúng. Song lần này trọng tài lại công nhận bàn thắng. Mỹ bị dẫn 1-2. Vào những giây phút đó mà thua kể như vô cùng khó khăn. Trận đấu càng căng thẳng hơn. Mỹ lại chứng tỏ một niềm tin sắt đá, một quyết tâm vô bờ, không mệt mỏi, họ tấn công và tấn công. Còn 3 phút bù giờ của hiệp phụ thứ hai bắt đầu, khán giả ngao ngán cho rằng trận đấu đã được quyết định. Nhưng từ một đường tạt cánh, Abby Wambach đánh đầu san bằng tỷ số 2-2 giúp Mỹ thoát khỏi nguy cơ lần đầu tiên trong lịch sử không vào được bán kết World Cup.

    Trận đấu lại phải định đoạt bằng những quả penalty. Những con tim cầu thủ, của người yêu bóng đá khắp nước Mỹ, khắp Brasil nhảy dựng lên cùng những cú sút cân não. Cả đến những người VN xem ké cũng hồi hộp không kém. Lần lượt 1-1, 2-2, đến quả thứ ba, Solo cản được đường bóng vào góc phải của Daiane. Rồi đến quả cuối cùng Mỹ sút thành công, Mỹ đã thắng 5-3, không cần đá thêm. Solo đã trở thành “người hùng” của Mỹ.

    Trận đấu đầy bất ngờ, hào hứng cho đến cú sút cuối cùng này, phải khâm phục tinh thần kiên cường không giới hạn của các cầu thủ Mỹ. Bị ức chế, còn 10 người vẫn đá rất bình tĩnh. Không một chút nóng nảy cãi cọ, một đường bóng chuyền sai của đồng đội vẫn thản nhiên, một cú hỏng ăn trước mắt vẫn miệt mài “chiến đấu”. Họ đoàn kết thành một khối vững chắc bảo vệ thành trì vững vàng cho đến phút chót.

    Trong trận bán kết sắp tới, Mỹ sẽ gặp đội Pháp, một đội đã từng hạ đội Anh cũng bằng hiệp phụ và Pháp thắng 4-3 trên chấm phạt đền. Tuy nhiên giới bình luận đánh giá ĐTN Pháp yếu hơn. Cũng như lời “tiên tri” đội nào thắng trong trận Mỹ- Brasil sẽ là đội lên ngôi nữ hoàng kỳ W.Cup Nữ này. Còn trận tranh vô địch và tranh hạng ba hạng tư ở phía trước, chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Chúng ta hãy chờ đợi.

    Nhìn lại hai trận đấu nảy lửa vừa qua, tôi cho rằng yếu tố làm nên chiến thắng vang dội của cả hai đội Nhật và Mỹ là ý chí kiên cường, bất khuất của các cầu thủ, vì mầu cờ sắc áo, họ đã “quyết chiến” và “hy sinh” như lịch sử VN chúng ta vậy.

    Trong buổi sáng hôm nay, khi đi taxi ăn đám cưới con một người bạn, tôi gặp bác tài vui tính. Đường hơi xa, xe đông kín, bác tán chuyện với tôi, hết lời ca ngợi đội Nhật và Mỹ. Tôi lẩn thẩn đặt câu hỏi: “Nếu giả dụ như anh xem trận Mỹ đấu với Trung Quốc, anh mong đội nào thắng?”. Bác tài taxi trả lời dứt khoát: “Dĩ nhiên là tôi khoái Mỹ thắng”. Tôi không cẩn hỏi tại sao, tôi hiểu là người dân Việt bây giờ là như thế đấy.

    Còn rất nhiều chuyện bên lề World Cup Nữ 2011, nhưng bài viết đã khá dài, xin để dịp khác tôi lại “nói chuyện” với bạn đọc.

    Văn Quang (Sài Gòn 11-7-2011)