Pháp-Đức kỷ niệm 50 năm hòa giải sau Thế chiến thứ hai Print
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Bảy, 22 Tháng 9 Năm 2012 09:39

Trong lịch sử, Pháp và Đức thường được các nhà sử học dùng từ « kẻ thù truyền kiếp » để chỉ mối quan hệ giữa hai nước

 

Tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Đức Angela Merkel tại Ludwigsburg (REUTERS)

 

Trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm hiệp ước Elysée (22/01/1963) đánh dấu sự hàn gắn chính thức giữa Đức và Pháp sau Thế chiến thứ hai, thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiếp tổng thống Pháp François Hollande tại Ludwigsburg, lâu đài xây theo kiến trúc Baroque lớn nhất nước Đức.

Theo chương trình, hai vị nguyên thủ sau khi hội kiến, sẽ có buổi nói chuyện với phái đoàn thanh niên của hai nước và người dân địa phương trong khuôn viên sân trước của tòa lâu đài, nơi mà cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 09/09/1962, tổng thống Pháp Charles De Gaulle đã đọc bài diễn văn nổi tiếng gửi đến thanh niên Đức trước hàng ngàn cử tọa.

Thành phố Ludwigsburg cũng là thành phố đầu tiên kết nghĩa với một thành phố của Pháp sau giai đoạn đen tối của lịch sử hai nước hồi những năm 1940.

Bài diễn văn của tổng thống Charles De Gaulle ngày ấy có ý nghĩa rất quan trọng trong quan hệ Pháp-Đức. Nhất là nó được gửi đến tuổi trẻ nước Đức, để cho họ và người dân hai nước gác lại quá khứ hận thù để nhìn về tương lai. Ngày ấy, 09/09/1962, tức 17 năm sau ngày Đức Quốc Xã đầu hàng, Charles de Gaulle, biểu tượng kháng chiến cứu quốc của nước Pháp, đã không ngại dùng từ “dân tộc vĩ đại” để ca ngợi người Đức.

Trong lịch sử, Pháp và Đức thường được các nhà sử học dùng từ « kẻ thù truyền kiếp » để chỉ mối quan hệ giữa hai nước. Sau khi đắc cử tổng thống vào năm 1958, ông Charles de Gaulle đã ra sức hàn gắn cho hai dân tộc. Năm 1962 ông đã có chuyến công du 6 ngày đến Đức trong mục tiêu đó, và bài diễn văn đọc tại lâu đài Ludwigsburg đã đánh dấu sự thành công rực rỡ trong chuyến công du của ông.

Nói về hiệp ước Elysée, hiệp ước này được ký ngày 22/01/1963, xác định mục tiêu cơ bản cho việc tăng cường hợp tác giữa Đức và Pháp trên nhiều phương diện : quan hệ quốc tế, quốc phòng và giáo dục. Đây là một hiệp ước đánh dấu sự khởi đầu chính thức của quá trình “làm hòa” giữa hai nước.

Cuộc hội kiến lần này của tổng thống Hollande và thủ tướng Merkel cũng nằm trong ý nghĩa đó. Theo lịch trình làm việc, hai bên sẽ đề cập đến những hồ sơ lớn như khủng hoảng nợ công Châu Âu hay dự án sáp nhập công ty BAE Systems (British Aerospace) của Anh vào tập đoàn kỹ thuật hàng không và quốc phòng Châu Âu EADS (European Aeronautic Defence and Space company).

 Thế nhưng, phát ngôn viên của chính phủ Đức cho biết, sẽ không có quyết định chính thức nào được đưa ra trong lần hội kiến này.