Nhà văn Huy Phương và HẠNH PHÚC XÓT XA! Print
Tác Giả: letamanh   
Chúa Nhật, 12 Tháng 9 Năm 2010 12:38

Nhà bỉnh bút Huy Phương lại một lần nữa xuất hiện trên văn đàn với phong thái một Ông Đồ Già!

Vào chủ nhật này, vào lúc 2 giờ ngày 12 tháng 9, nhà văn Huy Phương sẽ đến San Jose giới thiệu tác phẩm mới của anh Hạnh Phúc Xót Xa tại Vivo số 2260 Quimby Road, San Jose, CA. 95122. Nhân dịp này, chúng tôi xin được gửi đến qúy độc giả xa gần những bài viết của một số nhà văn về tác phẩm này…

 

        Ông Đồ Huy Phương và HẠNH PHÚC XÓT XA!         

Nhà bỉnh bút Huy Phương lại một lần nữa xuất hiện trên văn đàn với phong thái một Ông Đồ Già! Sở dĩ tôi chọn cho Nhà Văn – Nhà Giáo – Sĩ Quan VNCH – Tù Chính trị – Nhà Báo – Nhà Bỉnh Bút… Huy Phương là Ông Đồ Già vì, qua những tác phẩm của anh đã cho ra đời đều mang hơi hướng một nhà Nho!

Chúng ta thử điểm lại những tác phẩm của Nhà Văn Huy Phương từ trước đến nay thì sẽ thấy rõ ràng trong ông, thuần khiết, vốn là một nhà Giáo dục, một người Thầy đứng trên bục giảng… Toàn bộ những bài tạp ghi - phiếm luận – trong những tác phẩm của Nhà Văn Huy Phương như: “Ấm Lạnh Quê Người”, “Nhìn Xuống Cuộc Đời”… Rồi giờ đây là “Hạnh Phúc Xót Xa”; đều có một nét rất riêng, rất Huy Phương. Nó không giống bất cứ những tap ghi nào của những tác gỉa trước ông hay cùng thời với ông!

Trong “ Trước Đèn” của Lãng Nhân có hai câu thơ nằm cô độc trang thứ nhất “ Gió sương đã đổi hai nàu tóc – Non nước chưa đành một tiếng tơ!”. Theo tôi đó cũng là hình ảnh của Huy Phương trên bước đường tị nạn xứ người. Những nét chấm phá trong hàng loạt bài tạp ghi trước khi được chọn lọc đăng thành sách, nó đã được độc gỉa trân trọng trên nhật báo Người Việt và thỉnh thoảng xuất hiện trên các trang web. Độc gỉa toàn thế giới đã có dịp theo dỏi những buồn vui, những hồi ức, những khắc khoải, những trăn trở của một nhà giáo, một nhà đạo đức Huy Phương viết về những chuyện trên trời dưới đất.

Riêng trong cuốn “ Hạnh Phúc Xót Xa”, tôi vừa được Huy Phương gởi bằng bưu điện tặng vợ chồng tôi; ngay trong những bài đầu , tác giả đã thể hiện cho độc giả điểm đứng của mình là ở chổ nào. Tác giả đã can đảm đứng thẳng người, nói nói một cách dõng dạc về vị trí đứng cá nhân. Ông không có ý định tự đưa mình lên trong nấc thang đầy trừu tượng  do xã hội sắp xếp, mà muốn thể hiện cho mọi người biết những người đang định cư ở hải ngoại là ai, vì sao chúng ta có mặt ở nơi nầy!

Trong toàn bộ mấy chục bài tạp ghi trong “Hạnh Phúc xót xa” đều toát lên một câu hỏi để cho mọi người tự trả lời. Đó là tại sao ta được hạnh phúc sau những khổ đau của bản thân nằm trong cơn thuỷ triều đã nhận chìm con thuyền tổ quốc! Giờ đây trong cái hạnh  phúc đang lưu vong, ta có cảm thấy xót xa cho số phận của bao nhiêu là con người đang phải gánh chịu những tai ương triền miên suốt 35 năm trời…!

Mỗi câu chuyện trong “ Hạnh Phúc xót xa” là một văn tế, là một bản kết án, là những điều có thật không thể nào chối cải của một giai đoạn lịch sử đầy máu và nước mắt chan trên bát cơm dân tộc trước hiểm họa diệt vong và trước con ác thú phương Bắc đang chờ nuốt chửng một giải giang sơn hình cong chữ S!

Đọc “Hạnh Phúc Xót xa” ta mới thấy ông Đồ Già Huy Phương vẫn còn ngồi đó cầm bút viết những tạp ghi đầy xót xa cho thân phận mình, thân phận người. Những bài ông Đồ viết ngày hôm nay còn có bao nhiêu người đọc nếu không được dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp? Ông đồ Già rồi cũng chỉ còn những “khách qua đường”bây giờ đã trong tuổi 60 mươi trở lên! Những người tuổi trẻ của thế hệ sau nầy liệu có ai còn đọc được tiếng Việt Nam ở Hoa Kỳ hay trên các quốc gia ta nhận làm quê hương thứ hai – Mà nhà Văn Huy Phương viết trong “Ấm Lạnh Quê Người”! Quê người chứ chưa chịu nhận là quê mình vì Ông Đồ còn vương vấn trong ông một Việt Nam ngàn năm văn vật!

Hãy đến với nhà văn Huy Phương để nghe ông tỏ bày nổi xót xa trong niềm hạnh phúc của ông trên quê hương thứ hai. Những vấn đề tưởng như rất bình thường nhưng qua lăng kính của ông Đồ Huy Phương, nó sẽ trở nên là nỗi xót xa oà vỡ…!

letamanh

TÍNH NHÂN BẢN TRONG NHỮNG TẠP GHI CỦA HUY PHƯƠNG
Kim Thanh (Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý), Oregon

Từ ngữ “nhân bản”, tức humanisme, tôi dùng ở đây sẽ được hiểu theo nghĩa thông thường và đơn giản trong tình cảm và suy tư, chứ không phải là một học thuyết triết lý, hoặc phong trào cổ học của văn chương Pháp thời Phục Hưng. Chủ yếu lấy con người và giá trị và sự thăng hoa của con người làm đề tài căn bản: về con người, vì con người, cho con người. Con người gồm có bản ngã, tức cái tôi, và tha nhân, tức người chung quanh, và trong tác phẩm của Huy Phương, hai nhân tố ấy thường trộn lẫn, biến hóa thành một, và ngược lại, cũng thường xung khắc, có khi thù nghịch với nhau –như kẻ xấu và người tốt, như lửa và nước. Chúng ta có thể nhận thấy rằng Nhìn Xuống Cuộc Đời, cũng như ba tác phẩm trước của Huy Phương, con người với những ưu và khuyết điểm, đáng thương và đáng ghét, là chủ đề lớn, thường trực, nếu không nói duy nhất, bao trùm, bàng bạc, qua những đoản văn tưởng như rời rạc, mà thực sự đan kết với nhau bởi một sợi chỉ vững chắc, vô hình. Đến độ mà những vật vô tri nơi ông cũng được mang hồn người qua hai hình thái tu từ học, nhân cách hóa và ẩn dụ, từ cái lon gô, “người bạn thân thiết, tri kỷ” của những tù nhân cải tạo (NXCĐ, 89, 93; NMLL, 60), cái điếu cày của một người tù cải tạo ghiền thuốc lào (NXCĐ, 207) đến các sinh vật vô tình như con chim buổi sớm than khóc “nhớ con đứt ruột” tại trại tù cải tạo Hoàng Liên Sơn (ÂLQN, 7), đến “con mèo báo tử” trong viện dưỡng lão (NXCĐ, 17), đến các địa danh chôn đầy kỷ niệm một thời, như Đà Lạt “chẳng còn thân quyến, chẳng còn bạn bè” (NMLL, 32), Quảng Trị “đâu còn có giây tơ trời bay mùa thu giăng mắc” (NMLL, 257), và nhất là Huế, “một người tình bị phụ bạc”, “xót xa hơn, lạnh lùng và nghi kỵ hơn” (NXCĐ, 48, 94, 95; NMLL, 240, 244, 250; ĐLCX, 18).

 Quả vậy, tính nhân bản ít nhiều hiển hiện trong tác phẩm của Huy Phương qua bốn yếu tố sau đây:

1. Thể văn tạp ghi:

Trong Nhìn Xuống Cuộc Đời và ba tác phẩm trước đó, Huy Phương đều ghi chú là “tạp ghi”  –một thể văn không dễ viết, nhưng ông viết rất thành công, ngay từ cuốn đầu tay, Nước Mỹ Lạnh Lùng, 2003, đến Nhìn Xuống Cuộc Đời, 2009, mới nhất, thì “tay nghề” đã lão luyện lắm. Thực ra, tạp ghi không mới mẻ gì đối với các tác giả và độc giả Việt Nam, vì trước Huy Phương, hoặc đồng thời với ông, đã có những nhà viết tạp ghi (tạp ghi sĩ?) Việt Nam khác nổi tiếng không kém, mà chắc quý vị đã biết và quen tên. Phạm Đình Hổ, thời Lê Mạt Nguyễn Sơ, chẳng hạn, có thể, tại sao không, được xem là nhà viết tạp ghi tiên khởi, với Vũ Trung Tùy Bút (Theo ngọn bút viết trong khi mưa)1 gồm những bài văn ngắn với những đề tài khác nhau, và Trần Trọng Kim của Quốc Văn Giáo Khoa Thư (1948), thời Pháp thuộc, gồm những bài cực ngắn, rất cô đọng, bổ ích, dành cho học sinh lớp nhỏ về giáo dục, đức dục, con người –quyển sách mà Huy Phương thường nhắc đến (NXCĐ, 31, 32, 136, 138, 208)– cũng có thể được xem là một nhà viết tạp ghi tiên phong. Đi xa hơn, trong văn chương thế giới, người ta không thể không nghĩ đến Lucilius (180-102 BC) và Horace (65-8 BC), hai thi sĩ Latin, tác giả những tập satires gồm những bài thơ bàn về chuyện đời, xã hội và nhân vật đương thời, với nhận xét phong phú, bén nhậy, giọng văn pha chút hài hước2. Hay Montaigne, tác giả lừng danh của những tập sách mang tên Les Essais, thời Phục Hưng, tức thế kỷ XVI trong văn học sử Pháp3. Tác phẩm của Huy Phương, theo thiển ý, đã thỏa mãn định nghĩa và đòi hỏi của thể loại này (Horace, Montaigne và Huy Phương có cùng một ý nghĩ, luận đàm rất đúng đắn về cái chết, về hạnh phúc, chẳng hạn), nên ông cũng, và phải, được xếp là một trong những nhà viết tạp ghi của văn học sử Việt Nam hiện đại, như ông ngầm muốn, và viết rất hay. Lời lẽ rất thuyết phục, vì những gì ông viết ra, dù chỉ cá nhân, cũng đều dựa trên sự quan sát tinh tế, bàn bạc cặn kẽ và nhất là nghiên cứu kỹ lưỡng với những tài liệu dồi dào, thống kê chính xác và con số đầy dẫy về hầu hết các vấn đề, từ những người nghèo đói trên thế giới đến việc xổ số ở các nước đến tổng số đĩ điếm ở Việt Nam và tổng số Việt Kiều về quê ăn Tết, v.v...
 
Với văn tài, Huy Phương có thể làm thơ hoặc viết tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện dài một cách  thành công. Nhưng ông đã chọn thể tạp ghi. Tất nhiên phải có lý do. Lý do ấy, độc giả và tôi đoán, có thể vì chuyện đời, tức chuyện về con người, nếu được giới thiệu, trình bày dưới mọi góc cạnh, thật là bao la, khó có thể gói trọn trong khung cảnh chật hẹp, gò bó của một bài thơ (trong “Trường hận ca”, Bạch Cư Dị cũng chỉ kể một chuyện tình bi đát dù bài thơ rất dài) hoặc một hay nhiều quyển tiểu thuyết riêng lẻ4. Cũng vì tấm lòng và tham vọng muốn “ôm hết cả cuộc đời”, như ông nói, muốn viết hết, bàn hết về con người mà ông quan tâm như một ưu tiên hoặc ám ảnh, trong khi, có lẽ, sợ thời gian còn lại không nhiều, Huy Phương đã phải chọn thể văn khoáng đạt hơn, tự do hơn, có bố cục linh động hơn (không theo một thứ tự nào, một khuôn mẫu nào, nhưng những gì ông thấy chợt đến chợt đi, chợt trở lại, phức tạp, đổi thay, như chính cuộc đời phía dưới, theo tầm mắt nhìn xuống từ một khung cửa sổ) để viết những đoản văn với  kết thúc nhanh, gọn, với nội dung gói ghém đầy đủ tâm tình và suy tư của ông –là điều khó khăn, vì đôi khi, thấy chưa đủ, chưa đã, ông đã phải trở lại cùng một đề tài, cùng một tấm lòng, trong cùng một tác phẩm, hoặc những tác phẩm khác, dưới dạng khác, tựa đề khác, lời lẽ khác, ví dụ lòng cảm thương cho người tù cải tạo, cho phụ nữ Việt Nam bị bán ra ngoại quốc, nỗi nhớ về Huế, hoặc mối hận thiên thu đối với Việt Cộng, v.v...

2. Tựa đề Nhìn Xuống Cuộc Đời:

Gần đây, vài độc giả và nhà báo thắc mắc về động từ “nhìn xuống” (tại sao không “nhìn lên”, “nhìn ngang”?). Và Huy Phương đã trả lời gián tiếp, nhưng rõ ràng, trong tác phẩm, bằng bức hình làm cảm động ở bìa sách, và câu: “[...] nhìn xuống cuộc đời để được thấy mình vẫn còn là... hạnh phúc” (161), so với những kẻ thiếu may mắn, dĩ nhiên. Hoặc: “Như thế trong thương yêu, phải biết nhìn xuống cuộc đời, nhưng muốn sống cho ra con người, lại phải ngẩng đầu lên!” (165). Trong trường hợp của ông, nhìn xuống để thấy rõ hơn nỗi khổ của tha nhân và để yêu thương nhiều hơn. Muốn noi gương Đức Thích Ca đã nhìn xuống từ lâu đài quý tộc, trước khi dừng chân bên gốc cây bồ đề, hay gần gũi hơn, Mẹ Teresa từ khung cửa sổ tu viện ở quê hương Albanie trước khi tìm đến với người cùng khổ Ấn Độ (162). Nhìn xuống, như Montaigne từ “librairie”5 của mình. Như Nguyễn Du của Văn tế thập loại chúng sinh. Như Saint-Exupéry6 từ buồng lái máy bay để thấy mình lẻ loi và cần sự hiện hữu của con người. Như bao nhiêu văn thi sĩ dấn thân rời bỏ tháp ngà xuống phố (hiểu theo nghĩa đen, descendre) hòa với đám đông, chiến đấu cho một lý tưởng.

Riêng đối với tôi, nhìn xuống hay nhìn lên hay nhìn ngang, hay nhìn cùng một phía, thực ra, không là vấn đề, miễn ta có tình thương, có đối tượng. Tôi chú ý đến túc từ “cuộc đời” hơn là cách nhìn. Vì cuộc đời chính là con người, là tôi, là anh, và những người khác. Tất cả hòa lẫn để trở thành một đối tượng duy nhất. Đó là tính nhân bản mà tôi bắt gặp xuyên suốt qua các tác phẩm của Huy Phương từ trang đầu đến hết trang cuối, và muốn trình bày trước quý vị hôm nay.

3. Cái tôi khả ái:

Trong Huy Phương, cái tôi không còn khả ố như “le moi hạssable” nổi tiếng của Pascal7, hoặc hòa nhập vào và thay cho cái ta mông lung, khiêm tốn của một Bà Huyện Thanh Quan (“Một mảnh tình riêng ta với ta”), mà trái lại, rất khả ái, như cái tôi được tôn vinh bởi các thi sĩ lãng mạn từ Byron qua Lamartine đến Xuân Diệu. Rất dễ thương, ngay cả khi ông phê bình, chỉ trích người nào và điều gì. Thực vậy, qua Nhìn Xuống Cuộc Đời, và ba tác phẩm trước, cũng như Horace (nói về mình và khuyết điểm của mình một cách ngay thẳng8 và Montaigne9, hay cả thi sĩ Mỹ Walt Whitman10, Huy Phương, khi viết về cái tôi, dù kín đáo hay công khai, luôn đến với ta như một người bạn, một phó bản của tha nhân. Một người bình thường, biết hỉ, nộ, ái, ố như mọi người. “For every atom belonging to me as good belongs to you” (vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi cũng thuộc về bạn đó), như Whitman đã viết trong bài thơ ca ngợi chính mình. Nhưng so với mọi người, tấm lòng nhân ái mà Huy Phương nâng niu, chỉ riêng trong Nhìn Xuống Cuộc Đời, thấy còn mênh mông hơn, cụ thể hơn, trực tiếp hơn, đi thẳng đến tha nhân, đồng loại, những người khốn khổ trên đời, và quê hương Huế và đồng hương tại đó của ông.

Tấm lòng nhân hậu ấy trùm lấp và có thể làm quên những câu, những bài trong đó ông bày tỏ sự chê bai, phê bình, có khi mỉa mai, có khi cay độc, có khi nhẹ nhàng, những bài mà ông không thể không viết lên, không thể không lặp lại từ ba tác phẩm trước. Chẳng hạn:
- về một số người: Những người trong nước đòi thân nhânViệt Kiều gửi tiền về “xây lăng” cho cha mẹ, để khoe giàu khoe sang với xóm làng (36);  những cấp chỉ huy lừa lính và bỏ chạy trước (56); những cựu tướng lãnh và những tên trở cờ trở lại quê nhà “xun xoe”, “nâng chén” với kẻ thù cũ (57, 151); những người Việt Nam ở đây không nhận mình là người Việt Nam (112); một ông H.O “hẹp hòi, thiếu độ lượng” cố ý đăng báo tìm vợ đã có chồng khác (74); những nhà văn, nhà thơ về Việt Nam xin được in sách (174); một anh đồng hương lường gạt chính ông tại bệnh viện (176); những kẻ có máu mê cờ bạc (266); v.v...
- và một số sự kiện và sự việc tiêu cực đang diễn ra trước mắt, trong cuộc đời, xã hội, và cộng đồng (cf ĐLCX, “Giỏ cua cộng đồng”: “không con [cua] nào bò lên tới miệng giỏ được, hễ con này bò gần tới thì những con kia trong giỏ cặp càng kéo xuống trở lại...”, tr. 207, nhưng cuối cùng, trong NXCĐ, sau khi liệt kê các điểm tiêu cực, ông an ủi, “có [cộng đồng] còn hơn không”, 249), hay trong nỗi lòng sâu kín của ông. Đó là thói quen (hủ tục?) tổ chức đám cưới tại nhà hàng Tàu (NXCĐ, 109); tật xấu của đồng hương hải ngoại (111, 178); hoặc sự kiện “chúng ta đang lo quá nhiều việc ‘bao đồng’ cho đất nước Việt Nam mà chúng ta đã bỏ ra đi” (226); những phụ nữ chỉ lo trau chuốt vẻ đẹp thể xác (241); v.v...

Khi phải chỉ trích, lên án ai hoặc điều gì, ông luôn bình tĩnh, tự chế, trừ với Việt Cộng. Ôn tồn như: “Cũng không là nơi vinh danh dành cho những kẻ đã buôn xương bán máu của binh sĩ một thời mà chưa biết cúi mặt” (57). Ai là những kẻ có phương tiện buôn xương bán máu nếu không là những cấp chỉ huy? Viết “chưa biết cúi mặt” như thế là đủ rồi, có khi còn đau hơn những tĩnh từ đao to búa lớn, như “trơ trẽn”, “trâng tráo”, “bất cố liêm sỉ”. Hoặc mỉa mai, chửi khéo, khi viết về những tác giả hải ngoại năn nỉ Việt Cộng xin được in sách ở quốc nội: “Vì sao người ta đã chạy ra nước ngoài thở được chút không khí tự do lại còn tiếc rẻ quay đầu về mong chút tên tuổi, thì ra đời nay thiên tài vẫn nhiều hơn kẻ sĩ” (174). Hoặc hài hước, về đám cưới, về đám tang ở hải ngoại: “Bây giờ chẳng còn ngày tốt ngày xấu, cứ đám cưới là phải tổ chức vào ngày thứ bảy, hay tệ lắm cũng chủ nhật. Còn như định vào ngày thứ bảy chủ nhật nào, thì còn phải do ông chủ nhà hàng ‘seafood’ dở cái sổ hẹn như sổ hẹn của phòng mạch ông bác sĩ ra, để kiếm cho gia đình bạn một ngày nào đó còn trống.” (108), và: “Chẳng may ông Cụ nhà bạo bệnh qua đời, sống khôn thác thiêng, xin Cụ nhớ giùm, Cụ lại ra đi vào ngày thứ năm, thứ sáu, xem xém cuối tuần thì con cháu không thế nào lo kịp, đành phải để Cụ trong nhà xác lạnh lẽo chờ cho đến ‘weekend’ tuần sau.” (109). Bực mình lắm, ông cũng chỉ lôi cha mẹ của một tên y công đồng hương trẻ, mà ông không nêu tên, đã nhẫn tâm lừa ông, để “mắng vốn”: “Tôi không muốn song thân y nhận ra y, và phải ngượng ngùng vì có một đứa con đối xử với đồng hương của mình như thế.” Bực mình thêm chút nữa, ông gọi trò chơi của Mỹ trêu chọc người sói đầu tại sòng bài Las Vegas, mà ông rất ghét, là “khả ố, rẻ tiền” (232), là “vô duyên [...], sỗ sàng, thô lỗ, không có tính người [...]” (239). Như vậy là nặng lắm từ một người lịch sự, hiền lành, không sói đầu, như tác giả Huy Phương của chúng ta.

 Dám chỉ trích, phê phán đồng hương hải ngoại và thói đời như trên, tuy không là chủ đích trong các tác phẩm, ông phải có rất nhiều can đảm và một tinh thần xây dựng cao, đủ để chấp nhận phản ứng không mấy thiện cảm từ độc giả và những kẻ mà ông đã mang lên bàn mổ. Còn ngoài ra, tôi đọc thấy trong ông, qua Nhìn Xuống Cuộc Đời và các tác phẩm khác, một ý niệm đạo đức vô song, một tấm lòng yêu thương và thông cảm con người vô bờ, một nhân cách vô giá, cao thượng và khiêm nhường (ví dụ khi nói về bản thân, gia thế, quê hương Huế, 48, 94, 121) –tất cả được cấu thành và nuôi dưỡng trong ông bởi sự giáo dục ở gia đình và học đường với những cuốn sách mà ông gọi là “đầu đời” (138) và đã đọc từ thời niên thiếu và bây giờ vẫn nhớ, vẫn thường nhắc: Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân Lý Giáo Khoa Thư, Tâm Hồn Cao Thượng, Cổ Học Tinh Hoa, Ngụ Ngôn La Fontaine (NXCĐ, 11, 31, 32, 136, 138, 140, 208, 251; NMLL, 150; ĐLCX, 88; ÂLQN, 90, 122, 219, 228). Bởi thân phận và kinh nghiệm nhọc nhằn của đời lính (5, 7, 54, 56), khổ ải của một tù nhân cải tạo (NXCĐ, 6, 61, 74, 77, 86, 89, 117, 207, 220; NMLL, 40, 60, 110, 141, 153, 156, 234; ĐLCX, 34, 37; ÂLQN, 7, 51, 53, 56, 64), và đắng cay, bỡ ngỡ của một H.O đến Mỹ định cư trễ tràng (NXCĐ, 63, 81, 92; NMLL, 174). Thân phận của những người lính già “không bao giờ chết, chỉ tàn úa đi thôi”, như lời trích dẫn của tướng Mỹ McArthur khi bị cách chức, đến từ biệt binh sĩ của mình11.

Những kinh nghiệm kết bằng xương máu và nước mắt ấy đã hun đúc tinh thần chống Cộng sản (các nước Cộng sản đều là “những nhà tù lớn”, 148) và chống Việt Cộng cao độ, bền bỉ trong con người Huy Phương, qua suốt bốn tác phẩm của ông, song song với lòng nhân ái cũng cao độ, cũng bền bỉ không kém, ông dành cho đồng loại –không Cộng sản, dĩ nhiên. Khác với những kẻ tự nhận là quốc gia nhưng lưng chừng, cầu an, nhát sợ, thậm thụt muốn hòa giải, hòa hợp với cựu thù, ông can đảm, mạnh dạn đứng lên vạch trần tội lỗi của Việt Cộng, và không tiếc lời sỉ vả, lên án nặng nề, gọi Việt Cộng là “loài ma quỷ độc ác” (53), là bọn “vô liêm sỉ, không ra cái giống người” (131), từ lãnh vực giáo dục vô sản, vô đạo đức, một thứ giáo dục không dạy trẻ em biết trọng chữ hiếu, biết nói đến cả hai tiếng sơ đẳng “xin lỗi” và “cám ơn”, mà chỉ “lòng thù hận, biết phục tòng nhà nước và đảng” (30, 31, 34), đến cuộc tấn công Tết Mậu Thân ở Huế, “một vết dơ không bao giờ rửa sạch”(52-53), đến bản chất vô ơn bạc nghĩa cả đối với những bà mẹ nu
ôi du kích quân của chúng ngày trước, tức dân oan khiếu kiện bây giờ (68-69), từ cách đối xử tàn bạo với những người dân “chỉ biết cúi đầu nhìn xuống, [...] không dám ngẩng đầu lên, như thế mới dễ thống trị, mới dễ khuất phục” (164) và quê hương bất hạnh (85, 95), và dân nghèo (97) đến quốc sách tham nhũng, hối lộ (131), đến việc chà đạp nhân phẩm của phụ nữ, “coi rẻ danh dự của dân tộc và tổ quốc”, bằng cách “bán [đàn bà] ra nước ngoài làm điếm hay làm vợ người ta” (99, 169) và cho phép diễn ra trong nước “cảnh cha chở con đi đón khách, mẹ đẩy vai con xô vào ổ điếm” (137) –điều đã làm ông vô cùng phẫn nộ đến độ phải nghẹn ngào thốt ra lời mắng mỏ những “cha mẹ thời nay” (133) đó đã đánh “mất hết lương tri, bỏ hết tình cảm, còn thua loài thú vật” hoặc lớn tiếng hỏi, “họ đã hành động như những con bọ hung trong đống phân người. Ai là người đã tạo ra những thảm cảnh đó cho dân tộc chúng ta?”(137).

Còn rất nhiều điều khác về Việt Cộng mà tôi không thể trích hết ra đây, đầy dẫy trong  quyển Nhìn Xuống Cuộc Đời và ba tác phẩm khác. Nơi đâu ông cũng không hạ giọng, không nhượng bộ, không cầu hòa đối với chúng. Lúc nào cũng quyết liệt như một người quân nhân VNCH chân chính, trung thành với chính nghĩa quốc gia và lý tưởng tự do. Như một nhà văn dũng cảm, không riêng trước kẻ thù, mà còn trước những đồng hương đang muốn bỏ cuộc, qui hàng.

4. Tha nhân đáng trọng, đáng thương:

Đến đây, tôi không thể không nghĩ đến Balzac của La Comédie Humaine với cả ngàn nhân vật khác nhau, từ đồng quê đến thành thị, từ bỉ ổi đến thanh cao, từ sang đến hèn, từ chính trị đến quân sự. Trong thế giới “tạp ghi” của Huy Phương, những nhân vật, tuy không nhiều như vậy và chưa thành biểu tượng nổi tiếng như Rastignac, Vautrin, Goriot, Eugénie Grandet12, cũng đã hoàn tất vai trò giao phó trong Vở Kịch Nhân Thế mini, hay đúng hơn, “bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương” thu nhỏ (Ôn Như Hầu13), từ trong nước ra ngoài nước, từ người hiền đến kẻ dữ, từ Thiện đến Ác. Đủ cả như xã hội đang diễn ra, như cuộc đời đang quay cuồng trong mắt nhìn từ trên cao.
Ở Huy Phương, tha nhân rất đáng trọng, vì họ có phẩm cách (so với những kẻ ông khinh chê, những “con chim què cụt, bệnh hoạn, tham mồi”, NXCĐ, 151, ta vừa thoáng gặp ở phần trên). Đó là cha, mẹ, ông bà nội ngoại, nhạc gia, là người anh đã hết lòng giúp đỡ em út, cô con gái tìm đường vượt biên (13, 14, 15) –những thành phần gia đình không chỉ của riêng Huy Phương, mà qua những hình ảnh cá nhân đó, đã trở thành biểu tượng tuyệt đẹp của đạo đức, của giá trị nhân bản truyền thống, của nền văn hóa dân tộc ngàn đời cho mỗi người chúng ta. Viết về “chị tôi” (121), ông muốn ca ngợi cuộc đời âm thầm chất ngất hy sinh, cơ cực, chịu đựng của tất cả những phụ nữ Việt Nam một thời là vợ lính, vợ tù cải tạo, vợ thuyền nhân –giờ đây đang sống tại Mỹ như “cái bóng mờ khuất” (124), nhưng biết an lòng với định mệnh và một thứ hạnh phúc nhỏ nhoi, muộn màng bên chồng, con, cháu.

Đáng trọng, vì họ là những anh hùng, ở một nghĩa nào đó, ta đã nghe kể hoặc đã biết, đã thấy, những ân nhân trên một chặng đường đời nào đó ta đã đi qua và không bao giờ trở lại. Như người lính trẻ tên Jim trong thế chiến I đã bất tuân thượng cấp, chạy dưới làn mưa đạn để kéo về một đồng đội bị thương đang chờ anh, vì “biết thế nào anh cũng đến” (6-8). Như viên thuyền trưởng Đại Hàn tên Jeon Je Yong cũng đã bất tuân thượng cấp, vớt chín mươi sáu thuyền nhân Việt Nam để rồi sau đó bị phạt, mất chức (21, 58). Như hạm trưởng và thủy thủ của chiến hạm Hoa Kỳ USS Lange đã dừng lại cứu con thuyền vượt biển bị hải tặc tấn công (58). Như bà Khúc Minh Thơ, Hội Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam, ân nhân của những H.O (59). Như, trong bối cảnh cá nhân nhỏ hẹp, cụ già người Tày, ở cạnh trại Hoàng Liên Sơn, đã vứt (lén) ra đường cho tù cải tạo “mấy củ sắn còn nóng” và người đàn bà vô danh đã cho tác giả một nắm ớt hiểm để chống lại mùa đông giá buốt ở trại. Như người bạn đồng tù tên Tống Hữu Kinh, sau khi được thăm nuôi, đã cho ông một viên kẹo (118).

Đáng thương cảm, vì trong Huy Phương, tha nhân còn là những “kẻ khốn cùng”14, nạn nhân của chiến tranh, của hận thù, của nghèo đói, của chế độ Cộng sản, của xã hội bất công, của mệnh số. Ông viết, để chấm dứt câu chuyện của Jim, người lính xả thân cứu đồng đội bị thương ta vừa nghe kể: “Trên thế giới có bao nhiêu người hiện đang sống trong nỗi tuyệt vọng vô bờ vì nỗi thống khổ, đọa đày và chết đi với niềm xót xa bị quên lãng” (3). Đó là những trẻ em, trong nước, không được đi học (9) (hoặc nếu đến trường cũng không được dạy cho những bài học luân lý, lễ nghĩa, công dân giáo dục sơ đẳng, để rồi về sau trở thành những công dân “thiếu văn hóa, văn minh”, 34), và ngược lại, các em phải lăn lóc vào đời, xuống đường bán vé số, bán bánh, bán thuốc lá, bán nước, hoặc bới những thùng rác “tìm những chiếc bao bì ny lông về rửa sạch để đổi lấy chén cơm” (10), không bao giờ có đêm Giáng sinh, không biết đến ông già Santa Claus và những gói quà mang đến (80). Đó là đạo quân “những nàng Kiều nước Việt” (99) phải bán thân tại Đài Loan, bán trôn tại Kăm-pu-chia và ngay trong nước (257), để nuôi chế độ (101), nuôi cha mẹ (133), và người đàn bà nói chung, mà phẩm giá bị chà đạp tàn tệ trong xã hội phong kiến trước kia và Cộng sản bây giờ (171). Đó là, tại ngoại quốc, những cha mẹ già Mỹ và Việt, có con đi học hoặc lập gia đình xa, sống vò võ một mình, và chết một mình, trong “tổ trống” (42), tại nhà dưỡng lão (26). Đó là những đứa con lai đi tìm cha một cách vô vọng tại Mỹ (75), đứa con lai tây đen tên Ba Đen được Việt Cộng khoan hồng đưa vào trại cải tạo sống suốt đời (85), và những bà “me Tây me Mỹ “bị người đời khinh khi” (87). Đó là những cựu chiến binh quốc gia, “những người lính đã giã từ vũ khí”, đã thất trận nhưng còn tiếc nhớ bộ quân phục ngày xưa mà hễ có dịp là mặc lại (54, 56), những thương phế binh VNCH bị bỏ quên, sống vất vưởng bên lề xã hội Cộng sản (7), những “H.O, ông là ai?” (81) đang cố gắng làm lại cuộc đời, nhưng bị một tác giả kiêu ngạo và ngu dốt nào đó trong một tuần báo cho là, ông trích, “vô dụng, gần như bị phế thải, bất lực trước đời sống mới, vô tài vì ngôn ngữ mới” (82). Đó là những trẻ em Việt bị quên trong các trung tâm tạm giam Mỹ (223), những homeless Mỹ, có thể là cựu chiến binh, có thể là kẻ nghiện ngập hay cờ bạc, đứng cầm bảng xin tiền tại xa lộ hay chỗ đèn đỏ, cũng như anh người Mễ bán hoa bên đường, hoặc người da đen quét tuyết (ĐLCX, 55), đang cần sự thông cảm và xót thương của chúng ta, những người may mắn hơn (157), và đặc biệt, tôi không hiểu tại sao, những người có đầu sói bị thiên hạ đem ra làm trò cười (232-240). Vân vân... Còn nữa. Rất nhiều nhân vật mới, khác, hoặc ta đã gặp trong ba tác phẩm trước.

  Và Huế. Một Huế “oan khuất”của biến cố Mậu Thân, bốn mươi năm qua, với những linh hồn lẩn quất đâu đây và chứng tích tội ác của Cộng sản không xóa được (50-53). Huế của kỷ niệm và chia ly và vô vàn thương nhớ: “Có ai cắt nghĩa được vì sao, bây giờ xa cách nghìn dặm, mỗi lần nghe làn điệu ca cổ của những mảnh đất đã được đổi bằng sự hy sinh của một nàng công chúa thời Trần mang tên Huyền Trân, hay những bài tân nhạc chất chứa chút hơi hám dân ca trĩu nặng lời ta oán mất nước của dân tộc Chiêm, lòng tôi lại buồn phiền thương nhớ đến ứa lệ.” (94). Hay: “Tôi đi trên những con đường cũ, qua những con phố cũ, ngang những ngôi nhà cũ nhưng thấy mình lạc lõng và cô đơn” (95). Ở đây, cũng như những đoạn văn khác trong Nước Mỹ Lạnh Lùng về Đà Lạt, Huế (ba bài), Quảng Trị (32, 161, 241, 244, 250, 257), ta thấy lời văn của Huy Phương, vốn linh động, chuyển biến, thích ứng với từng đề tài, và tâm trạng khác nhau, bỗng trở thành trữ tình (dù không có chút gì về tình yêu lứa đôi), xót xa, man mác buồn, nhưng không ủy mị, vừa đủ xúc động để đưa hồn độc giả cùng với ông trở về “thiên đường xanh của những tình yêu nhỏ dại” như trong thơ Baudelaire15, những thiên đường đã mất vào tay Cộng sản mà bản chất, ông viết, “là lừa đảo, là trở tráo” (51).

Thế đấy. Tôi hy vọng qua mấy phút phù du đã làm trọn nhiệm vụ người giới thiệu các tác phẩm của Huy Phương trước quý vị, những đồng hương độc giả mà tôi biết rất rộng lượng. Còn lại là việc phê phán, chung thẩm mà quý vị sẽ dành cho chúng –mà chỉ có thời gian mới có thể đưa vào vĩnh cửu. Trong các tác phẩm đó và đặc biệt quyển Nhìn Xuống Cuộc Đời, mà quý vị đang cầm trong tay, có rất nhiều điều mà chúng ta muốn nói, mà tôi đã cố gắng nói một phần nào và còn muốn nói thêm nữa. Xếp sách lại, những hàng chữ còn nhảy múa như đẩy xô nhau trong một niềm vui khôn xiết, bất ngờ và tự dưng lòng thấy lâng lâng như sau khi môi vừa nhắp một hớp rượu nồng, tai vừa nghe xong một bản sonate tuyệt vời dành cho những người có thiện tâm –như Huy Phương. Tôi thực sự cảm động, thực sự phẫn nộ, thực sự yêu mến, thực sự nhìn xuống cùng với ông, theo ông trên các nẻo hành trình khắc khoải đi tìm hạnh phúc, bình yên, và yêu thương cho tha nhân khổ đau, bất hạnh, với ước mong xây dựng một hiện tại và tương lai đẹp đẽ hơn, cho mọi ngư
ời, một cuộc đời không còn “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Tính nhân bản trong ông tràn đầy. Lòng nhân ái của ông bát ngát. Và tinh thần chống Cộng ở ông sáng ngời.

  Và đó cũng là các điều trong những trang tạp ghi thật hay, thật hấp dẫn của Huy Phương đã thuyết phục tôi, một người chưa hề quen biết, đón nhận ông, từ nơi xa đến, như một đồng đội, một bằng hữu, một chiến hữu. Một đồng hương lưu vong cùng một lứa bên trời lận đận, để đêm đêm cùng mơ về cố hương nghìn trùng mà lệ ai chan chứa làm đẫm ướt vạt áo xanh, như người Giang Châu Tư Mã trên bến Tầm Dương thuở nào.

CHÚ THÍCH

Những chữ viết tắt:
- NMLL (Nước Mỹ Lạnh Lùng, 2003)
- ĐLCX  (Đi Lấy Chồng Xa, 2006)
- ÂLQN  (Ấm Lạnh Quê Người, 2007)
- NXCĐ  (Nhìn Xuống Cuộc Đời, 2009)

(Số trang ghi trong trong ngoặc đơn không kèm theo tên tác phẩm thuộc về cuốn Nhìn Xuống Cuộc Đời).
1 Phạm Đình Hổ (1768-1839), tức Chiêu Hổ, thường được nhắc đến trong những giai thoại về nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Vũ Trung Tùy Bút, không ghi năm, viết bằng Hán văn. Theo Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu.
2 Satire vào thời ấy không có nghĩa trào phúng, châm biếm như bây giờ mà đồng nghĩa với sermo, một truyện phiếm, causerie trong tiếng Pháp, hoặc do nguyên ngữ Latin satura, có nghĩa hỗn hợp, hỗn tạp.
3 Tựa đề Les Essais của Montaigne có thể hiểu là expériences, kinh nghiệm. Nhưng essai hay essay, thực ra, trong văn chương Pháp và Anh-Mỹ, là một bài văn ngắn với một đề tài nhất định nhưng có thể không bao giờ dứt được, trong đó tác giả, và đây là điều quan trọng, đưa ra những suy nghĩ nhận xét cá nhân, khác nhau.
4 Như trường hợp Balzac (1799-1850). Ông đã làm phải viết gần một trăm tiểu thuyết với gần một ngàn nhân vật khác nhau mà vẫn chưa, hoặc mới có thể, vẽ hết toàn bộ bức tranh xã hội Pháp đương thời và con người trong xã hội ấy mà ông gọi chung là La Comédie Humaine, Hài Kịch Nhân Thế.
5 Librairie: tiệm bán sách. Montaigne gọi (đùa) thay cho “thư viện” (bibliothèque).
6 Saint-Exupéry (1900-1944) viết những tác phẩm đầy chất nhân bản, đề cao con người: Vol de nuit, Terre des hommes, Citadelle, và dĩ nhiên, Le Petit Prince rất nổi tiếng (1945, xb sau khi ông mất). 
7 Trong Pensées, 1670. Có thể gọi tác phẩm này (gồm những đoạn văn rời chủ yếu ca tụng Thiên Chúa) là “tạp ghi” chăng? Và Qu’est-ce que la littérature (1948) của Jean-Paul Sartre cũng là “tạp ghi” về văn chương nói chung?
8 Epistles, I, 20
9 “Je suis moi-même la matière de mon livre” cf  Les Essais, 1580.
10 Song of myself, 1779: “I celebrate myself, and sing myself  / And what I assume you shall assume”
11 Thực ra, câu đó là điệp khúc một bài hát của lính, được McArthur nhắc lại lúc từ biệt binh sĩ, ngày 19/4/1951: “Old soldiers never die, they just fade away.”
12  Những nhân vật của Balzac.
13  Nguyễn Gia Thiều, Cung Oán Ngâm Khúc
14 Dịch tựa đề Les Misérables (1862) của Victor Hugo.
15 Baudelaire, Les Fleurs du Mal, 1857: “Mais le vert paradis des amours enfantines.”(bài “Moesta et Errabunda”).

Bài giới thiệu của Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý, bút hiệu Kim Thanh, trong buổi ra mắt sách của nhà văn Huy Phương ngày 4/4/2009 tại Hollywood Senior Center, Portland, Oregon.

Tùy bút mà tạp ghi
Quỳnh Giao

Quỳnh Giao vừa nhận được tập tạp ghi “Hạnh Phúc Xót Xa” do nhà văn Huy Phương gửi tặng. Đây là tuyển tập thứ năm của ông do nhà Nam Việt xuất bản. Tác phẩm sẽ ra mắt ngày 29 tháng 8 này tại quận Cam.

Các nhà nghiên cứu về văn học thì có thể phân tách kỹ từng thể loại mà phân biệt “tạp ghi” với “tùy bút” hay “phiếm luận.” Quỳnh Giao không thuộc thành phần am hiểu như vậy mà chỉ tùy nghi diễn giải.

Chúng ta nói đến “tùy bút,” hay “essay,” là từ phía tác giả, cứ cho cây bút tùy hứng mà đi để nói về bất cứ đề tài gì. Nhưng là từ góc độ hay cảm quan của người viết. Tùy bút là tùy hứng chủ quan của người viết, nhưng nếu viết không hay thì độc giả có quyền... tùy bỏ. Còn chữ “tạp ghi” thì để nhấn mạnh tới đề tài hơn là cách viết tùy hứng ấy. Đề tài có thể là bất cứ chuyện gì mà tác giả muốn chia sẻ với độc giả, trong tinh thần rất “tạp,” là lẫn lộn nhiều thứ, chứ chưa chắc đã là tạp nhạp, vì nhạp là chuyện vụn vặt. Còn “phiếm luận” thì lại là một... cái bẫy.

Chữ “phiếm” ra vẻ bông lông phù phiếm, hàm ý không quan trọng. Nhưng chữ “luận” mới là cái ác vì đằng sau sự khiêm nhường của tác giả vẫn có dụng ý nghị luận nghiêm túc. Cho nên “phiếm luận” có thể là bình luận về chuyện phù phiếm mà thật ra chẳng phiếm tí nào! Ngày nay, nếu tránh dùng chữ phiếm luận thì viết “tiểu luận,” tưởng là chuyện nhỏ mà là luận về đề tài lớn.

Ngẫm lại thì với một số người đọc, “tạp ghi” là cách viết dễ dàng nhất, vì muốn viết sao thì viết và phóng bút về đề tài nào cũng được. Cứ nhẩn nha như tầm nhả tơ... Vậy mà từ xưa đến giờ, từ sáu bảy chục năm nay, có lẽ các tác giả viết tạp ghi nổi tiếng của ta có thể đếm được trên đầu ngón tay. Vậy thì đâu có ngon ăn như “a piece of cake” mà ta thường nghĩ?

Đi lại từ đầu thì chúng ta thấy các nhà văn loại gạo cội, đầu óc phóng khoáng, tư tưởng uyên bác và dầy kinh nghiệm sống mới có thể phóng tay viết tạp bút!... Nào có phải là không bị bó bút về đề tài mà viết sao cũng được đâu. Viết như vậy thì chỉ một mùa thôi, và thường thì không để lại ấn tượng gì. Không làm người đọc phải đọc lại mà vẫn thấy hay thì khó thành công lắm!

Một trong những người đầu tiên lẫy lừng trong thể loại đó là Lãng Nhân Phùng Tất Đắc. Cụ bước vào làng báo từ... 80 năm trước khi làng báo ở miền Bắc còn phôi thai, và cụ thành danh với các bài phiếm luận trong tập “Trước Đèn” rồi “Chuyện Vô Lý.” Ngòi bút sắc xảo, thâm thúy trong cách nghị luận có vẻ phù phiếm mà nặng trĩu ưu tư và nhuốm mùi khôi hài chua chát là dấu ấn của Lãng Nhân. Cụ cũng có cách ngắt câu rất mới, rất Tây, mà sau này nhiều người muốn học. Lãng Nhân hay có câu kết ngắn gọn, ý nhị làm người đọc giật mình. Noi theo thời nay, cụ có “punch line” để dứt điểm thật đẹp.

Xuất hiện gần cùng thời mà nổi tiếng chậm hơn, Nguyễn Tuân cũng tạo ra một phong cách riêng, rất đẹp, với tập “Vang Bóng Một Thời” rồi “Chiếc Lư Đồng Mắt Cua.” Ông phóng bút về những điều lịch lãm, kiểu cọ của buổi giao thời qua kinh nghiệm sống và đi của mình. Nhưng cái chất làm dáng của tác giả khiến người đời sau không đọc lại để thưởng thức nữa mà để tìm lại những gì đã mất, như đọc Phạm Đình Hổ để biết về chuyện xưa.

Đọc Lãng Nhân thì khác. Cụ nói về chuyện núi sông, Nguyễn Tuân tả hòn non bộ.

Riêng nhà văn Võ Phiến mà Quỳnh Giao rất mến mộ, là người viết tạp bút cực kỳ đáo để và soi mói tới tận tâm can người đọc, trái với bề ngoài xuề xòa, khiêm cung, hiền hậu của ông. Người đọc nhận ra con người rất có duyên, bén nhạy và tinh tế khi đọc tùy bút Võ Phiến. Ông không cố tình trau chuốt với văn chương, nhưng đọc ông là đọc lại một chuỗi ký sự của đất nước khiến mình phải đặt sách xuống. Rồi đọc lại trong tiếng thở dài, và lâu lâu được ông thưởng cho một câu chuyện duyên dáng, cảm động.

Dễ đọc và dễ yêu là lối viết tạp ghi của ký giả Lô Răng, tức nhà văn Phan Lạc Phúc. Trong giới nghệ sĩ, nhiều người cũng nghĩ như vậy. Tạp ghi của ông là sự trân trọng của tác giả với bằng hữu, với nghệ sĩ và thế sự. Bài viết như những lời ông kể về kỷ niệm xưa của mình cho độc giả đọc. Vì thế mà chan chứa tình cảm, mềm mại, chứ không sắc xảo đáo để như Võ Phiến hoặc u uẩn như Lãng Nhân. Ông Phan Lạc Phúc chỉ đáo để khi ngồi vào bàn mạt chược!

Trong thế giới tạp ghi hay tùy bút đó, Mai Thảo cũng có một chỗ đứng riêng. Nhưng nếu khó tính về nội dung, người đọc ngày nay chỉ còn thưởng thức tài dùng chữ của tác giả. Ông có bút pháp rất mới, cách chấm câu rất cộc, chứ các đề tài thường không tồn tại được với thời gian. Có lẽ vì vậy mà cuối đời, ông nghiêng dần về thơ.

Thế hệ về sau ở hải ngoại có Trúc Chi, viết tạp bút trân trọng từ cả cách hành văn lẫn chuyện kể. Ông hơi gần với lối viết trau chuốt, lịch lãm của Nguyễn Tuân, nhưng Tây hơn và mới hơn rất nhiều. Bên ngoài đời thường, Trúc Chi là người chải chuốt, lịch sự như trong trang sách.

Thế rồi mấy năm sau này, tại Cali, xuất hiện nhà văn Huy Phương với bài tạp ghi hàng tuần trên báo Người Việt. Cũng là người viết hàng tuần cho Người Việt, Quỳnh Giao rất phục sức sáng tác và những đề tài ông chọn. Nói là tạp ghi nên tưởng rằng dễ, nhưng chọn đề tài thì không. Huy Phương có một vốn sống rất dầy và trái tim rộng mở nên viết về mọi đề tài. Đôi khi chỉ cần đi dự một lễ cưới là tác giả đã cho chúng ta một nụ cười với lối châm biếm nhẹ nhàng, mà cũng có chút xót xa tội nghiệp nữa. Vì sao vậy?

Có lẽ với bản chất hiền hòa của một nhà giáo, Huy Phương không bao giờ cười trên sự đau khổ của người khác. Nếu có, thì chỉ đùa chút cho vui, rồi tự nhiên bài viết của ông mang một thông điệp mà chính độc giả tự suy ra. Cách viết của ông hơi gần với của Phan Lạc Phúc, chan chứa tình cảm và lòng bao dung. Ông không nỡ chê ai tận tình và bao giờ cũng cho người một lối thoát. Trừ những bài viết về chế độ Cộng Sản và kỷ niệm lao tù khốn khổ của hàng triệu người, trong đó có ông.

Nhớ lại chuỗi thời gian dài, mỗi cây bút tạp ghi lại để cho người đọc những suy tư của tác giả vào một hoàn cảnh và thời gian nào đó, có những cái rất riêng và những chuyện rất chung. Chính là những suy tư về cái chung của chúng ta qua rất nhiều biến động mới khiến tác phẩm tồn tại vì người đọc tìm thấy mình ở trong đó và còn muốn đọc lại. Huy Phương thuộc thành phần ấy...

Nhà Văn Huy Phương Ra Mắt Tạp Ghi “Hạnh Phúc Xót Xa”
TRẦN LỤC BÌNH

LITTLE SAIGON. Sau các Tạp Ghi “Nước Mỹ Lạnh Lùng”, “Đi Lấy Chồng Xa”, “Ấm Lạnh Quê Người”, “Nhìn Xuống Cuộc Đời” và tập Bút ký “Những Người Muôn Năm Cũ” được độc gỉa nồng nhiệt đón nhận, nhà văn Huy Phương sẽ ra mắt tạp ghi mới mang tên “Hạnh Phúc Xót Xa” :
- ngày Chủ Nhật 29 tháng 8 -2010 vào lúc 2:00PM tại nhật báo Người Việt, Nam Cali
- ngày Chủ Nhật 12 tháng 9-2010 lúc 2:00PM tại Hội Quán VIVO (Bắc Cali)

“Hạnh Phúc Xót Xa” gồm 59 mẩu chuyện ngắn, những câu chuyện xảy ra hàng ngày, trong quá khứ cũng như hiện tại, có khi tác gỉa đọc được trên sách báo, trên internet hay qua truyền hình hoặc chính những câu chuyện xảy ra với ông, với những người trong thân tộc, bạn hữu thân quen. Những câu chuyện mà nhiều người đọc qua, nghe qua rồi tan biến vào hư không, không làm cho họ bận tâm chút nào, thản hoặc có khi buông ra một tiếng thở dài! Rồi thôi. Huy Phương khác người ở chỗ, ông để tâm lắng nghe và ghi nhận vào tim óc mình rồi xót xa, trăn trở; ông tự đặt mình vào nhân vật trong truyện, để có lúc như người mẹ trìu mến ôm con vào lòng thỏ thẻ: “Mẹ muốn con thật thà, tỏ bày với mẹ những gì con đã gặp, con đã làm và những điều gì con dấu giếm, không muốn nói ra, nhưng bây giờ con đã có một thế giới riêng của con. Đối với mẹ, bao giờ con cũng là đứa con bé bỏng dưới bàn tay che chở của mẹ, dù hôm nay, ngày tốt nghiệp con đã trở thành một ai, một nhân vật nào đi nữa..” (Ngày Tốt Nghiệp). Là một cựu sĩ quan QL/VNCH đã bị cộng sản đày ải trong trại tù khổ sai, nhưng may mắn ông còn sống đến hôm nay để có thể bày tỏ về niềm tin của mình “ ...Tội nghiệp cho ai mà cũng tội nghiệp cho tôi. Ở trong tù, nếu không có lòng tin thì nhiều người đã treo cổ mà chết. Trong nghèo đói tận cùng, nếu không có lòng tin thì làm sao mà sống cho đến ngày mai. Trong nô lệ, bất công con người vẫn có hy vọng. Và giữa con người với nhau, không còn niềm tin thì ta sống bằng gì, và sống với ai? (Cạn Kiệt Niềm Tin); Một điều bất công mà nhà văn Huy Phương đã nói thay cho những người không còn được nói: “Những viên tướng lừng danh đã được người đời nhớ tên, những tượng đài hay những khải hoàn môn trên khắp thế giới đã được nhiều người thăm viếng, nhưng những anh hùng trong thầm lặng luôn luôn là những người chịu thiệt thòi, sống âm thầm và chết trong quên lãng (Anh Hùng).

Nhà văn Huy Phương là một người có tính nhân bản nổi bật như nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Kim Qúy trong buổi ra mắt sách của Huy Phương ngày 4.4.2009 tại Portland, OR : “Con người có bản ngã, tức cái tôi, và tha nhân, tức người chung quanh, và trong tác phẩm của Huy Phương, hai nhân tố ấy thường trộn lẫn, biến hóa thành một và ngược lại, cũng thường xung khắc, có khi thù nghịch với nhau như kẻ xấu và người tốt, như lửa và nước..” Tính nhân bản trong con người Huy Phương càng thể hiện rõ nét hơn trong “Hạnh Phúc Xót Xa”. Một bà cụ gìa lượm lon, khi gặp người đồng hương, cụ kéo chiếc nón rộng vành che mặt, sợ bị coi thường, khinh rẻ. Với nhiều người khác, hành động của bà cụ gìa Việt Nam được cho là bình thường, hợp lý. Nhưng với Huy Phương thì không! Ông không bình phẩm gì bà cụ nhưng ông quy trách cho một quan niệm sai lầm của xã hội khiến bà cụ phải có hành động như vậy. Tác giả viết: “Thực sự, nếu trong xã hội Việt Nam này, người ta xem chuyện lượm lon của bà gìa bình thường như trăm nghìn hoạt động lương thiện hay bình thường khác, nghĩa là người ta không đánh gía công việc của bà dưới con mắt coi thường hay khinh miệt, thì người đàn bà này đã không mang mặc cảm để phải tránh né đồng loại như tránh loài thú dữ có thể làm tổn thương đến tinh thần của bà” (Bà Gìa Lượm Lon). Một câu chuyện khác, tác gỉa kể về chính mình khi bị một cơ quan dịch vụ y tế gửi thông báo về cho biết, ông phải chi trả $3,400 cho một dịch vụ y tế, mà một bác sĩ đồng hương tại Bolsa đã làm hồ sơ gỉa, trong khi ông không hề đến văn phòng vị bác sĩ này vào ngày tháng đó. Cuối câu chuyện Buồn Vui Chuyện Y Tế, nhà văn Huy Phương kết luận: “Sau cơm áo, là thuốc men, hết sợ đói lại sợ đau, chúng ta đi tìm sự bình yên nhưng không bao giờ thấy. Nước Mỹ chưa hẳn là thiên đàng.” Huy Phương có những nhận định rất nhân bản: “Đem lửa thử vàng, đem vàng thử đàn bà và đem đàn bà thử đàn ông” hoặc “Những người bạn quảng giao, ăn ở có tình với bạn bè hẳn phải có người vợ tốt” (Bà.. Tư Lệnh) và nhiều mẩu chuyện khác như “Chân Đi Xa-Trái Tim Bên Nhà” hoặc “
Đi Lấy Chồng Gần”, đều là những câu chuyện có thực, xảy ra hàng ngày trong đời sống chúng ta, nhưng dưới con mắt của Huy Phương, là những gì làm cho tâm hồn ông trăn trở, ray rứt, xót xa!

Trong 6 tác phẩm đã xuất bản thì 5 cuốn, tác gỉa Huy Phương dùng lối văn Tạp Ghi, “một thể văn không dễ viết, nhưng ông viết rất thành công, ngay từ cuốn đầu tay, “Nước Mỹ Lạnh Lùng” (TS. Nguyễn Kim Qúy). Sau khi dẫn chứng những nhà văn chuyên viết Tạp Ghi nổi tiếng của Việt Nam như Phạm Đình Hổ, Trần Trọng Kim .. hoặc các nhà văn ngoại quốc như Lucilius,Horace hay Montaigne, tiến sĩ Nguyễn Kim Qúy không ngần ngại nói: “Tác phẩm của Huy Phương, theo thiển ý, đã thỏa mãn định nghĩa và đòi hỏi của thể loại này (Horace, Montaigne và Huy Phương có cùng một ý nghĩ, luận đàm rất đúng đắn về cái chết, về hạnh phúc, chẳng hạn), nên ông cũng, và phải, được xếp là một trong những nhà viết Tạp Ghi của văn học sử Việt Nam hiện đại” .

Nhà văn Huy Phương tên thật là Lê Nghiêm Kính, nguyên sĩ quan Thông Tin Báo Chí QL.VNCH. Ngoài việc viết sách, ông còn thường xuyên cộng tác với các báo Người Việt (Nam California) Thời Báo USA, (Canada), Saigon Times (Úc) đài Phát thanh VNR (CA) và truyền hình SBTN (CA).

Nhà văn Phạm Tín An Ninh (Olso Na Uy) nhận định về nhà văn Huy Phương như sau: “Tôi nghĩ Anh là tác gỉa viết tạp ghi hay nhất mà tôi đã được đọc. Những chuyện rất đời thường gần gũi với tất cả mọi người. Vậy mà đến khi đọc những bài tạp ghi của Anh, độc gỉa mới nhận ra, dễ thương và thích thú. Điều đặc biệt hơn, mỗi bài viết bắt người ta phải suy tư, trăn trở và muốn làm một điều gì đó tốt hơn, thánh thiện hơn, để cuộc đời này dễ thương và đáng sống hơn”.

Qúy độc gỉa muốn biết những lời nhận định của tiến sĩ Nguyễn Kim Qúy, của nhà văn Phạm Tín An Ninh và nhiều nhà phê bình văn học khác chính xác đến mức độ nào, xin hãy đón đọc “Hạnh Phúc Xót Xa”.