'Úc Khùng' Print
Tác Giả: Huy Phương   
Thứ Hai, 16 Tháng 5 Năm 2011 08:14

 “Úc Khùng” không phải là danh từ do chúng tôi, một người mới thăm viếng nước Úc đặt ra mà do chính những cư dân tại nước Úc vẫn đùa cợt với quốc gia đã cho họ định cư từ nhiều năm nay.

Quả thật, nước Úc thuộc Anh có nhiều chuyện nho nhỏ khác Mỹ như lái xe bên lề trái, đi ăn nhà hàng không cần bỏ “tip,” “to go” thì gọi là “take away” hay phòng mạch bác sĩ thì để bảng “surgery,” nhưng những điều đó không quan trọng.

Người ta cho biết khoảng năm 1979-80, vì thiếu sức lao động, Úc có chính sách cho nhập cư nhiều thanh niên Việt Nam tại các trại tỵ nạn vào Úc để bù đắp khoảng trống này. Những thanh niên này đến Úc, không có gia đình, không có cộng đồng người Việt, không có phái nữ để lập gia đình nên cô đơn, đâm ra rượu chè, hút xách, quậy phá. Rút kinh nghiệm này, nhưng năm kế tiếp, phái đoàn Úc tại các trại tỵ nạn lại chỉ nhận những ông bà già mà không nhận thanh niên độc thân vào Úc, điều này trong một thời gian lại gây khó khăn cho những ông bà cụ “già cậy con.” Nước Úc quả là thiên đàng của người tỵ nạn, không thiên đàng sao không làm mà vẫn có ăn; đàn bà không chồng đẻ năm một vẫn có trợ cấp nuôi con; vợ chồng đóng kịch để single mom lãnh tiền hằng tháng; có người không đi lính một ngày vẫn lãnh trợ cấp như quân nhân Úc; ngày Tết Nguyên Ðán, những khu phố Việt Nam vắng hẳn vì dân “tỵ nạn” bận “về quê” ăn Tết. Ai cho Mỹ là thiên đàng? Thiên đàng đang thật sự hiện hữu ở “miệt dưới” là nước Úc.

“Úc Khùng” vì không chịu thẳng tay với bọn buôn ma túy, không có án tử hình cho bọn người đã đầu độc tuổi trẻ nước Úc. Vào tháng 12, 2002, một thanh niên Việt, 25 tuổi là Nguyễn Tường Vân bị bắt và ba năm sau chịu án tử hình tại Singapore vì mang 396g bạch phiến từ Việt Nam trên đường về Úc, mà thời gian gần đây vẫn còn nhiều dân Việt về Úc mang theo bạch phiến bằng cách bỏ vào bịch cao su nuốt vào bao tử và bị bắt ngay khi xuống phi cơ tại các phi trường nước Úc. Ðiều này chứng tỏ mang chất độc hại này qua phi trường Tân Sơn Nhất là “chuyện thường ngày ở huyện,” và thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã trả ơn nước Úc bằng những món quà đáng giá. Vì không có án tử hình, nên ai thèm sợ chết, lọt một chuyến sống thoải mái “nửa đời sau.” Nếu trong chuyến bay về Úc ghé qua Singapore tại phi trường Changi, nếu Nguyễn Tường Vân đã không ngủ quên đến nỗi phải lật đật làm cho nhân viên an ninh sinh nghi khám lại xách tay thì gần 400g bạch phiến (có thể cung cấp hơn 26,000 lần chích cho dân ghiền) đã được đưa vào Úc. Khốn nỗi, trước tòa Vân lại cho biết động lực buôn ma túy này là để trả món nợ luật sư cho người anh em song sinh của y là Khoa, cũng can tội liên quan đến ma túy trước đó. Ðẹp thay tình huynh đệ! Hai tử tội khác, cũng người Việt tại Úc đã cố gắng đem ma túy về mảnh đất đã dang tay đón mình trong cơn hoạn nạn, đang chờ bị xử tử tại Việt Nam. Chúng chơi bạo, cho đáng “đồng tiền bát gạo,” Nguyễn Văn Chinh mang 1kg và Mai Công Thanh 1.7kg.

Nước Úc cũng đã bãi bỏ án tử hình từ 1973, Samoa và Tân Tây Lan từ năm 2004. Tại Việt Nam, mang 100g bạch phiến hoặc 5kg thuốc phiện đã bị tội tử hình; tại Lào trên 500gam bị xử tử; Nam Dương và Thái Lan bị tử hình nếu sở hữu chủ bạch phiến; Singapore và Mã Lai mang 15gam đã bị lên giá treo cổ; Phi Luật Tân chỉ cần mang 10gam, Trung Cộng 50gam cũng đủ tội chết. Nếu 369g bạch phiến này của Nguyễn Tường Vân bị bắt tại Úc thì can phạm sẽ thoát chết, với tội danh nêu trên, theo luật pháp hiện hành các tội phạm này chỉ phải chịu 25 năm tù hay/và $550,000 tiền phạt.

“Úc Khùng” vì một người có tội buôn ma túy như Nguyễn Tường Vân được coi hơn cả một anh hùng, được một chiến dịch mang tên “Reach Out” do Bronwyn Lew và Kelly Ng., hai người bạn cùng đi trong chuyến hành trình này chủ xướng nhắm cứu can phạm. Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có một cuộc vận động nhân đạo lớn lao đến thế chỉ nhằm cứu một người phạm tội “tày trời.” Các lãnh tụ chính quyền Úc như cựu Tổng Toàn Quyền Úc Sir Dean William, các cựu và đương kim Thủ Tướng Úc như Gough Whitlam, Bob Hawke, John Howard, cho đến các bộ trưởng Ngoại Giao, bộ trưởng Tư Pháp liên bang và tiểu bang, đến Giáo Hội Công Giáo mà Ðức Giáo Hoàng là đại diện cùng các giám mục Úc, cho đến các vị dân biểu và nghị sĩ thuộc các đảng ở Quốc Hội, kể cả cộng đồng người Việt ở Úc, Hội Ân Xá Quốc Tế lên tiếng. Chỉ thiếu có tiếng nói của Nữ Hoàng Anh Elizabeth II là đủ bộ, bà này đã từ chối khéo vì lý do phải thông qua Nội Các.

“Úc Khùng” vì chưa hết! Phát ngôn viên ngoại giao của phe đối lập Kevin Rudd đã kêu gọi thủ tướng Úc đưa vấn đề này ra ở Hội Nghị Lãnh Tụ các nước trong Khối Thịnh Vượng Chung ở Malta. Chính phủ liên bang cũng có ý định đưa vụ này ra kiện ở Tòa án Công lý Quốc tế, nhưng không thành công vì chính quyền Singapore không thừa nhận phán quyết của tòa này. Cũng có một đề nghị, nên có “một phút im lặng” trên toàn quốc để tưởng niệm Nguyễn Tường Vân Vân vào giờ hành quyết. Một số cảm tình viên với Nguyễn Tường Vân đã tụ tập đốt nến trước sân cỏ của tòa nhà Quốc Hội ở thủ đô Canberra để cầu nguyện và tiễn đưa linh hồn Vân về bên kia thế giới.

Cũng chưa hết, thủ tướng Tân Tây Lan, bà Helen Clark cũng đã đưa ra lời kêu gọi không chính thức đối với thủ tướng Singapore. Ông Douglas Wood, một con tin được cứu sống nổi tiếng tại Iraq cũng đã lên tiếng kêu gọi dân Úc nên tiếp tục vận động tha tội chết cho Nguyễn Tường Vân. Ông nói: “Dân Úc đã cùng nhau hiệp lực để cứu tôi khỏi chết thì giờ này hãy một lần nữa bằng mọi cách phải ngăn cản thảm cảnh này xảy ra.”

Lấy gì để so sánh giữa một anh hùng làm lợi cho nước Úc như ông Wood và một kẻ làm hại cho nước Úc như Nguyễn Tường Vân?

Nguyễn Tường Vân đã bị treo cổ tại nhà tù Changi, ở Singapore vào lúc 6 giờ sáng sớm Thứ Sáu ngày 2/12/05. Tại giáo xứ nhà thờ St Ignatius ở Richmond, nơi Nguyễn Tường Vân ở, đã có vài trăm người đã tụ tập cùng với sự hiện diện của con tin người Úc tại Iraq là ông Douglas Wood để tổ chức buổi lễ cầu hồn và thắp nến. Chưa đủ, tại Martin Place ở Sydney, một đám đông tụ tập và cầu nguyện, người ta đã trỗi lên 25 tiếng phèng la tượng trưng cho số tuổi 25 của Nguyễn Tường Vân. Nhiều người đã đặt nhiều tràng hoa vàng ở phía dưới tấm chân dung của tử tội. Tại Canberra, một lễ cầu nguyện và cũng gần như một cuộc biểu tình để phản đối án tử hình của Singapore đã diễn ra ngay trước tòa nhà Cao Ủy đại diện quốc gia này. Cũng nơi đây, vào đúng lúc Nguyễn Tường Vân lên giá treo cổ, tháp chuông tại Thánh đường St. Christopher cũng đã rung lên 25 tiếng “chuông gọi hồn ai” để tưởng niệm 25 năm tuổi đời của Nguyễn Tường Vân.

“Úc Khùng” vì cái chết của một tội phạm ma túy đã được Bộ Trưởng Tư Pháp Philip Ruddock lên án đây là hành động mọi rợ của Singapore. John Howard, thủ tướng Úc cho rằng việc thi hành án tử hình này sẽ ảnh hưởng quan hệ song phương giữa Singapore và Úc. Ghê chưa! Có gì khác giữa một anh hùng của dân tộc được cả nước tưởng niệm, truy điệu với một tội phạm độc hại, không phải chỉ giết một vài người mà giết cả một thế hệ.

“Úc Khùng” hơn nữa vì Ngoại Trưởng Úc Kevin Rudd vừa qua, đã hỗ trợ kế hoạch lính Úc sẽ diễn hành chung với bộ đội Cộng Sản trên vong linh 512 chiến sĩ Úc đã hy sinh tại miền Nam, theo sáng kiến “khùng” của chủ tịch liên bang của RSL (Royal Services League), ông Ken Doolan.