Hà Nội đón Giáng Sinh Print
Tác Giả: Khánh Huy   
Chúa Nhật, 25 Tháng 12 Năm 2011 09:17

Người Cộng Sản thật khéo léo khi lợi dụng những tập tục lễ hội như lễ Giáng Sinh nhiều màu sắc để đánh lạc hướng Giáng Sinh.

Năm 1954 khi Cộng Sản tiếp thu Hà Nội, nhà thơ Trần Dần, một đảng viên thao thức trước những bất cập của chính sách lúc bấy giờ, đã thốt lên:

"Tôi bước đi,
Không thấy phố,
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ."

Ông bị tù với tội danh chống đảng vì hai câu thơ trong “Giai phẩm mùa Xuân” (1956) tỏ ý than trách cái tư duy của "Bác Hồ":

"Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người
Người vẫn kinh hoàng trước tương lai."

Hà Nội 57 năm sau vẫn còn những thao thức của Trần Dần mặc cho bề ngoài có những đổi thay với tốc độ chóng mặt.

Phố xá 'hoành tráng' hơn. Những tòa cao ốc mọc lên như nấm thay thế những căn phố mái đỏ khiêm nhượng ngày xưa. Những khu thương mại sang trọng có thương hiệu "Play Boy" dương dương tự đắc nghiêng mình soi bóng hồ "Gươm".

Nhưng đó là cái bề ngoài, theo nghĩa đen và cả nghĩa bóng.

Người dân Hà Nội với thu nhập trung bình 3 triệu một tháng (150 dollars) hầu như không có khả năng mua sắm ở các gian hàng sang trọng và vắng như "Chùa Bà Đanh".

Một phần thịt gà của "Kenturkey Fry Chicken" là tiền chợ một tuần cho gia đình của anh tài xế taxi.

Người ta lái xe vòng quanh hồ Gươm đông lắm, chỉ để ngắm và mơ ước.

Họ bước đi
không còn thấy phố...

Nói đúng hơn là thấy những phố cấm. Những nơi có sự trông chừng của nhân viên "bảo vệ". Hoặc là, tuy không hạn chế nhưng...thân phận nghĩ ngợi, tự cảm thấy chùn chân.

Khả năng của "nhân dân" là chen chúc nhau trên một lộ trình nhỏ hẹp bắt đầu từ Hàng Đào, qua chợ Đồng Xuân và kết thúc ở Hàng Giấy, một tuyến đường dài khoảng 1 km với hàng ngàn người "buôn thúng bán mẹt" bên cạnh những đống rác, ổ gà, nước cống.

Lộ trình này đang thu hút khách du lịch, giá cả đang đắt lên...

Bụi. Nếu so sánh với Saigon, thì Saigon phải được coi là cõi thiên đường dù chưa thể sánh vai với Quốc Tế, và Hà Nội là chốn địa ngục.

Những ai đã từng đi thăm một thành phố "ma" ở giữa sa mạc của nước Mỹ thì sẽ thấy Hà Nội là một phiên bản to gấp trăm ngàn lần. Bụi ở mọi nơi. Một lớp bụi đen phủ kín từ mái nhà của "Phủ Chủ Tịch" cho đến những căn "nhà xí" công cộng và tất cả những gì ở giữa, di động cũng như cố định.

Bụi mù trên các tuyến đường đang sửa chữa đã đành, bụi đọng cả trên lá cây, sân gạch, phòng chờ của nơi linh thiêng nhất của người Cộng Sản Việt Nam: Lăng Bác Hồ.

Và như vậy thì phải hiểu rằng sẽ chẳng có ai bõ công lo cho vấn đề làm sạch thành phố cổ kính này. Những ưu tư có chăng là đổ dồn vào những "qui hoạch" ở ven thành đô, nơi mà người ta xây dựng các xa lộ tối tân và những khu biệt thự tân thời, để phục vụ nhân viên nước ngoài và cán bộ cao cấp.

Còn nhà của nhân dân vẫn là những căn phòng tối tăm chật hẹp bên cạnh những con đường ngập bụi.

Một nơi như thế có thể tìm thấy ở phố Minh Khai (đường Hưng Ký cũ) gần Chợ Mơ.

Khi cha mẹ tôi bỏ Hà Nội chạy vào Nam, ông bà đã để lại 2 căn nhà ở đây. Ngày trở về chốn cũ, tôi tò mò tìm lại những mái nhà xưa và vẫn còn gặp vài người từng sống ở đó suốt 57 năm qua.

Khi biết tôi là đứa con thừa kế, họ gọi tôi là "ông Chủ", một cái tên không được pháp lý công nhận nhưng thật là nhân nghĩa.

Họ cho biết cả hai căn nhà bây giờ thuộc về Nhà Nước kể từ năm 1965, và họ vẫn là người ở thuê.

Nhà Nước cho họ quyền được mua lại căn phòng nơi họ đang ở và như vậy có thể sửa sang thêm, nhưng không ai có đủ số tiền đòi hỏi, và vì thế họ vẫn góp tiền thuê hàng tháng cho Nhà Nước.

8 gia đình sống trong 8 căn phòng 12 m vuông (4x3) với nhà bếp cầu tiêu chung. Không ai có bàn ghế. Những chiếc chiếu được cuộn lên để có chỗ sinh hoạt ban ngày, và trải ra ban đêm làm giường. 3 mảnh chiếu cho ba thế hệ: ông bà, cha mẹ, con cái.

Sau 57 năm phục vụ cho Xã Hội Chủ Nghĩa, họ vẫn không có một nơi được gọi là nhà, dù đó chỉ là một cái mái cho một manh chiếu.

"Tôi bước đi,
Không thấy nhà"

Một cái gì nghèn nghẹn ở cổ họng khi tôi nói lời giã biệt với những người "ở thuê" cũ.

"Vậy các ông bà cứ nói với Nhà Nước là ông chủ cũ đã cho chúng tôi nhà rồi, xin đừng lấy tiền thuê nữa".

Họ cười, đưa ra ý kiến:

"Nhưng Nhà Nước có tin ai đâu!"

Có vẻ như Nhà Nước vẫn có nhu cầu phải "giáo dục" dân chúng về niềm tin. Người ta có thể thấy ngay điều đó khi đi qua nhửng biểu ngữ giăng hai bên đường khắp nơi.

Đó là những cờ phướn, nhắc nhở mọi người rằng Đảng Cộng Sản là quang vinh, Hồ Chủ Tịch là vĩ đại, Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa là muôn năm...Cờ phướn, có cái mới, nhiều cái đã úa màu, lập đi lập lại, từ cổng phi trường đến trung tâm thành phố, từ phố này sang phố khác, từ tỉnh này qua tỉnh nọ.

Những lá cờ phướn đỏ hoe, với đinh ốc gắn vĩnh viễn lên các cột đèn, mọi cột đèn, làm như thể phải cột cột đèn lại kẻo chúng "biết đi" sẽ đi mất.

Càng về gần thủ đô Hà Nội, nhịp độ cờ phướn càng rậm rạp thêm lên. Nhu cầu giáo dục cho người dân Thủ Đô càng cấp bách hơn!

Thử hỏi tới thăm một nhà, mà từ dầu ngõ cho tới cái cầu tiêu, trên bàn dưới ghế, đâu đâu cũng thấy dán những mảnh giấy lập đi lập lại lới khuyên :"làm con phải hiếu", người bàng quan phải nghĩ, khác đời như thế, nhiều lời như thế, chắc hẳn gia đình này có vấn đề gì khẩn trương đây?

Người dân Thủ Đô đã có gần 60 năm thấm nhuần chủ nghĩa. Những người sinh ra trong chế độ đã đến tuổi về hưu, thế hệ con cái họ đang đạt tới đỉnh cao danh vọng, thế hệ cháu chắt họ cũng đã trưởng thành và bắt đầu nối nghiệp cha ông. Chủ nghĩa đã thấm vào tận xương tủy rồi, thì tại sao sự giáo dục lại còn "kinh hoàng" như thế?

"Xưa nay Người vẫn thiếu tin Người

Người vẫn kinh hoàng trước tương lai."

Ở Mỹ một người di dân chỉ cần học một khóa 3 tháng để thi Công Dân. Có người học, có người không, miễn thi đậu là được. Con cái họ không bao giờ phải học khóa này nữa. Vậy mà xã hội ổn định, chính thể bền vững, quốc gia phú cường. Phải chăng một chế độ tự nhiên với bản tính con người thì không cần phải tuyên truyền? Người dân không bận tâm về chính nghĩa thì có thể dồn hết nỗ lực vào việc xây dựng quốc gia? Chính phủ không phải chi tiêu lớn lao cho các "cờ phướn" thì có thể dồn công quỹ vào việc xây dựng nhà phố cho dân?

Trước Lăng Bác Hồ, thấy một nhóm bộ đội trẻ ăn mặc tề chỉnh đang thư giãn sau khi vào thăm Bác, chắc hẳn đây là những bộ đội gương mẫu được thưởng một chuyến thăm quan Thủ Đô, tôi thử đố những "tinh hoa" này một câu hỏi: "đố anh nào đọc thuộc 5 khẩu hiệu trên các cờ phướn kia?"

Họ cười, rổi lỉnh ra xa, bắt đầu với những người lớn tuổi nhất!

Không rõ họ chưa thấm nhuần "Tư Tưởng" hay là họ ngại miệng?

"Tôi bước đi,
Chẳng thấy phố,
Chẳng thấy nhà
Chỉ thấy bụi sa phướn nhòa máu lệ."

....

Tôi chưa nói gì về Giáng Sinh ở Hà Nội?

Hà Nội cũng đón Giáng Sinh đấy. Chung quanh hồ Gươm thắp sáng hai dãy đèn màu ngay trên bờ nước, và nhiều ngọn đèn lồng lung linh trên cành me ngọn liễu.

Nhưng đó là để trang trí cho một chiếc bảng quảng cáo điện tử, gắn bên đền Ngọc Sơn, chạy những khẩu hiệu tuyên truyền về Hồ Chủ Tịch (lại một vấn đề giáo dục nữa.)

Chỉ còn 2 tuần nữa, nhưng không có mấy dấu hiệu Giáng Sinh, rõ ràng đây chỉ là một cơ hội vui chơi.

Nhiều đôi trai gái ôm nhau trên những ghế đá hoặc dẫn nhau đi tản bộ quanh hồ. Những chàng trai bấm máy hình lia lịa cho những cô gái vui đùa làm kiểu trước tháp rùa đèn màu. Ở một góc hồ, một toán "trung niên" học nhảy đầm theo tiếng nhạc Boom Box, ở một góc khác, một ban hòa ca tập dượt đón xuân với một nghệ sĩ vĩ cầm tóc dài.

Người Cộng Sản thật khéo léo khi lợi dụng những tập tục lễ hội như lễ Giáng Sinh nhiều màu sắc để đánh lạc hướng Giáng Sinh.

Phải đi xa vào các con đường lẻ người ta mới phát hiện ra một vài dấu hiệu Kitô giáo.

Một nơi như thế là Giáo Xứ Thái Hà, ở gần gò Đống Đa.

Người dẫn tôi tới Thái Hà là một công nhân đã về hưu và...đã trở lại đạo.

Những người về hưu trở lại đạo thì không hiếm. Tuy không được phép có một hệ thống giáo dục và thông tin như của Nhà Nước, nhưng tôn giáo vẫn thu hút nhiều tín đồ nhiệt thành. Hình như càng già người ta càng tin cậy vào một hình thái tâm linh ngoài lý tưởng Cộng Sản.

Ông giải thích cho tôi nghe lý lẽ việc đòi lại bệnh viện Đống Đa.

"Bệnh viện này đã có qui hoạch di rời ra ngoại thành, chúng nó muốn chia chác nhau mảnh đất quí hơn vàng đấy, bởi vậy mình phải lên tiếng chứ".

Đứa con trai khoảng 20 tuổi của ông, đang làm việc cho một Điểm Giữ Xe, cũng phụ họa theo:

"Chúng nó nói láo hết, các đài đều là của chúng nó"

Cả hai cha con thỉnh thoảng mới đi Thái Hà vì ở khá xa, họ là giáo dân nhà thờ Tân Lạc, một nhà thờ nhỏ bé của một họ lẻ không có linh mục. Trong suốt thời gian qua, đất nhà thờ bị lấn chiếm tới sát bờ tường, sân trước mất gần hết. Một ngõ hẻm duy nhất dẫn giáo dân tới cửa nhà thờ.

Hai năm qua, giáo dân xây lại thánh đường và hy vọng sẽ có một cha xứ vĩnh viễn (nếu có linh mục). Vì không có "mặt bằng" cho nên họ tìm cách ngoi lên. Nhà thờ chia làm hai nửa dính liền nhau, nửa bên phải xây 3 tầng, tầng dưới làm garage giữ xe, tầng giữa là nhà thờ, tầng trên là gác xếp của ca đoàn. Nửa bên trái cũng xây ba tầng, tầng dưới là hội trường, tầng giữa là các lớp học, tầng trên là phòng cha xứ (tương lai) và sân thể thao cho thanh thiếu niên.

Nhìn chiếc sân nhỏ chỉ bằng một phòng học nằm chênh vênh trên cao, tôi đặt câu hỏi, "vậy nếu banh rớt ra ngoài thì làm sao?"

Được biết sân thể dục chỉ để tập xà ngang xà dọc mà thôi, không có chơi banh dù là ping pong.

Nhìn ngôi nhà thờ chịu o ép tứ bề, tôi bất giác liên tưởng tới hình ảnh của một chiếc bông sen ngoi lên giữa đám bùn lầy, "gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn".

Giống như nhà thờ Tân Lạc, nhà thờ Thái Hà cũng chịu cảnh o ép tứ bề và cũng đang cố ngoi lên như thế. Các lối thông ra đường đã bị chiếm cả, lối vào ngày nay là một ngõ hẻm phía sau bệnh viện Đống Đa.

Bệnh viện Đống Đa là tu viện DCCT đã bị Nhà Nước mượn.

Trưa thứ bảy này, giáo dân đi lễ đầy nhà thờ và người ta nối tiếp nhau tới khấn Đức Mẹ cho tới tối.

Trên tường tu viện dán những bài báo, thông cáo và tin tức về cuộc tranh đấu đòi Sự Thật và Công Lý với chủ đề "hãy đến mà xem". Người ta chen nhau tới đọc mặc cho ở bên kia hàng rào có nhiều gương mặt đanh thép theo dõi từng người một.

Hình như con người có sự khao khát Sự Thật. Ở đâu có Sự Thật, người ta sẽ tìm đến.

Vào những ngày thứ Bảy đầu tháng thì số người đông hơn gấp bội, có khi tràn qua lối đi bên ngoài hàng rào.

Ngày hôm nay tuy là giữa tháng, nhưng vẫn có nhiều hoạt động. Ở cuối sân, một toán thanh niên đang hò nhau leo trèo trên các dàn thang cao ngất.

Các thanh niên thiếu nữ trạc tuổi đôi mươi, khoảng 2 chục người, chia nhau công việc trang hoàng hang đá.

Đây là các sinh viên có gốc địa phận Vinh đang theo học tại các trường Đại Học Hà Nội. Đã ba năm nay họ tình nguyện làm hang đá cho giáo xứ Thái Hà.

Chiếc hang đá vĩ đại cao hai tầng và choán hết bề ngang của sân nhà thờ đã được làm xong, hôm nay họ treo đèn kết hoa ra khắp sân.

Ngoài những tham gia với giáo xứ, các em còn chủ trương một website: www.congdoanvinh.com

Tôi ngạc nhiên về sự táo bạo của các bạn trẻ này. "Các em không bị rắc rối gì chứ?"

"Thưa bác có nhiều lần nhà trường gọi chúng em lên văn phòng, nhưng chúng em có làm gì sái luật đâu, nên họ chẳng làm gì được cả"

Tất cả chỉ là những đòn cân não. Ai kiên trì thì đứng vững.

Tuy nghĩ vậy, nhưng khi nhìn tới những gương mặt còn non trẻ mà đã lộ nhiều nét ưu tư, tôi không thể không đau lòng cho những thế hệ không được lớn lên theo lẽ tự nhiên vì sớm bị cướp đi mất tuổi "thanh xuân."

....

Nhưng hình như xã hội đang mong chờ ở những người trẻ.

Ở phố Hàng Bạc, một ông công an già 68 tuổi đã về hưu nhưng vẫn phải đi làm thêm mỗi đêm với phận sự trông chừng trộm cắp.

Ông xếp đặt một chỗ ở góc phố cho riêng mình với chiếc ghế đẩu và một ống điếu cày.

Ông nhìn tôi từ trên xuống dưới và tự nhiên gợi chuyện.

"Anh ở Thành Phố hả?"

"Thành Phố" là tiếng gọi cho Saigon. Ở ngoài Bắc người ta bỏ đi 3 tiếng Hồ Chí Minh và chỉ gọi tắt là "Thành Phố".

Ông đã từng là bộ đội tham chiến ở Bình Long, nhiều huy chương, sau chiến tranh làm công an suốt đời, nhưng mỗi khi đứng trước môt người từ "Thành Phố" đến, ông vẫn muốn nói lên một lời an ủi gì đó.

"Các anh vẫn còn may mắn lắm, chúng tôi không theo kịp các anh được. Ở đây chúng tôi bị 60 năm Xã Hội Chủ Nghĩa, hư hỏng đến tận gốc rễ rồi. Già rồi, chẳng làm gì được, chỉ trông chờ vào con cháu mà thôi."

Có một vẻ hối tiếc gì đó trong lời nói.

Ẩn chứa một trách móc về cơ chế nào đó.

Một mặc cảm tự ti cho dù đã chiến thắng quân sự?

Và do đó nhu cầu cần phô trương cờ phướn nhiều hơn?