Rõ ràng là ngày xưa, không ai bắt đi, mà ngày nay cũng không ai bắt về. Ngày xưa không ai kề dao vào cổ bắt mình phải xuống ghe, ngày nay cũng không ai dí súng sau lưng để áp đảo mình phải lên xe lái đi để xin một cái visa!
(Hình minh họa: HOANG DINH NAM/AFP/Getty Images)
“Đi, về – Về, đi” là tên một bài thơ của Tạ Duy Bình, đăng trên Tiền Vệ, viết lẫn lộn cả hai thứ tiếng Anh-Việt sau đây, xin trích một đoạn cuối:
“Đi, về – Về, đi
Đi, về -Trắng cơn mưa xóa con đường mòn quen lối cỏ mọc phủ vết chân cũ.
Đi, về – Về, đi.
Don’t force it. Please! Don’t force it.
I just feel something… something… when I say: Đi, về – Về, đi.
Oh! How wonderful…!”
(Sydney – Hanoi, March/April 2009)
Thôi thì cứ “Đi, về – Về, đi!”
Rõ ràng là ngày xưa, không ai bắt đi, mà ngày nay cũng không ai bắt về. Ngày xưa không ai kề dao vào cổ bắt mình phải xuống ghe, ngày nay cũng không ai dí súng sau lưng để áp đảo mình phải lên xe lái đi để xin một cái visa!
Cho nên đi hay về là tự nguyện. Chẳng cần phải kêu lên: “Don’t force it! Please don’t force it!”
Ngày mới bước chân lên đất liền, mừng như được sống lại, nhảy cẫng lên mà la to: – “Oh! Freedom! How Wonderful!” Ngày nay về, cũng ứa lệ, phải hét lên: “Oh! Fatherland! How Wonderful!” Ôi chốn quê hương đẹp hơn cả!
Phải có một điều gì đó vô hình ép buộc (force) khiến cho chúng ta nhất định không muốn trở về hay thôi thúc ta về. Chẳng qua là thời thế đổi thay, lòng mình thay đổi!
Thay đổi như thế nào?
Ngày mới tan hàng, mọi nhà hỏi nhau, có ai lâm vào cảnh phải đi “học tập cải tạo” không?
Chỉ ít lâu sau, phong trào bỏ nước ra đi bùng phát, người ta lại hỏi nhau rằng nhà có ai vượt biên được không?
Chỉ trong vòng năm năm sau, câu hỏi đã thay đổi, có phần hân hoan, hãnh diện: “Đã về Việt Nam lần nào chưa?”
Người trở về có lý do của mình, đó là quê hương, mồ mả, bà con ruột thịt, có người còn cha mẹ già, hay nấm mồ cha ông cần nhang khói. Cũng có người nêu ra những lý do để về như xây lại nhà thờ họ, đám cưới cô cháu vợ, hay dự lễ bát tuần của ông bác.
Không ai là không hãnh diện làm một người ở ngoại quốc ở các nước giàu có trở về cái xứ sở thực chất là còn nghèo nàn, không kể đến cảnh nhà cao cửa rộng, xe cộ đắt tiền lộng lẫy và lối sống xa xỉ, vương giả của một tầng lớp thống trị hay vin nhờ vào thế lực của sự thống trị.
Phần lớn người về bắt đầu đến lúc thấy khó khăn trong sinh hoạt ở nước ngoài, nhất là tại Hoa Kỳ, do vậy người thì muốn về nước kiếm vợ, ca hát, đóng phim, diễn kịch, người thì muốn về mua bán, kinh doanh kiếm lời. Qua lời phát biểu với báo chí trong nước đối với loại người này, họ thường phát biểu rằng, chuyện bỏ nước ra đi ngày trước là một chuyện lỡ lầm, nay đã biết thế nào là quê hương, cội nguồn, ruột thịt! Đây là lúc những đứa con lưu lạc trở về.
Có cha mẹ lấy lý do luôn luôn nhớ đến quê hương, cội nguồn đã tổ chức một hôn lễ rềnh rang cho con gái mình, với người chồng ngoại quốc, tại ngôi làng nghèo nàn ở miền Trung của họ. Ở đó, có lũ trẻ chân đất, áo quần rách rưới, mũi chảy thò lò chạy theo xem đoàn xe lộng lẫy, xem cô dâu mặc áo dạ hội màu trắng, quàng tay ông Tây. Đó là tiếng gọi của quê hương hay là một sự thôi thúc muốn khoe áo gấm về làng, cho nở mặt nở mày họ hàng, tông môn.
Người trở về có trăm nghìn lý do để bày tỏ, thật ra cũng không cần phải nói với ai.
Về! Phải chăng đó cũng một lời réo gọi!
Còn gì thú vị hơn nghe giọng nói thân quen, đi lại trên con đường làng thời thơ ấu, tìm lại chút hương vị của những ngày tháng đã qua.
Ai mà không thương làng nhớ nước, nâng niu từng kỷ niệm:
“… Chạm vào đâu cũng thấy mình ngày cũ. Sờ vào cây khế già trước sân, một bầy keo sà xuống, kêu inh ỏi. Gõ vào cột nhà, thấy đèn khuya, bút mực và những đêm học bài. Gõ vào cửa sổ, thấy mẹ ngồi đăm chiêu đắm đuối nỗi nhọc nhằn nuôi nấng. Ra vườn, nghe tiếng vạt sành, tiếng dế, sợ hãi những con ễnh ương hót vào cổ. Đêm về, nhớ những con ma: ma rà, ma le, ma trơi, ma trứng lộn, ma Mậu Thân…” (Trần Doãn Nho).
Cái cảm giác đó thú vị, ấm cùng biết bao! Nhưng rồi cái cảm giác “đi, về” đó làm cho con người phân vân giữ hai nơi chốn, đâu là đi và đâu là về. Phải chăng đôi lúc, về cũng là một nỗi xót xa:
“… Sau hàng chục tiếng trên máy bay, khi đáp xuống phi trường Houston, tôi cảm thấy mình vừa về nhà. Và yên tâm. Ô hay! Sao lại về? Sao lại nhà? Tôi đã chẳng vừa về thăm nhà ở Việt Nam sao!
đi
về
về
Rốt cuộc, tôi treo tôi giữa hai sợi đi/về.
Lơ lửng.”
Nhưng không phải ai ra đi cũng muốn trở về khi họ luôn nhớ đến, vì sao họ phải ra đi.
Đám tang cha ruột và anh ruột của mình phải chăng là một lý do quá chính đáng, nhưng bà Juanita Castro, em gái của Fidel Castro, cũng như Alina Fernadez, con gái của Fidel Castro, đã không về Havana dự đám tang của cha và anh mình.
Bà cũng như nhiều người cùng hoàn cảnh chung dưới chế độ Cộng Sản, đã chạy trốn khỏi chế độ của Fidel Castro, người đã biến đảo quốc Cuba thành một nhà giam khổng lồ giữa vùng biển Caribbean.
Hiện nay chỉ ở Florida thôi, đã có 1,172,899 người Cuba sống lưu vong như số phận của hai bà. Phải có một điều gì thôi thúc họ làm vậy!
Trong chế độ Cộng Sản Liên Xô, Trung Cộng, Cuba và Việt Cộng đã có những nhà văn, những nghệ sĩ lưu vong sống ở nước ngoài, họ không bao giờ trở lại quê hương khi còn chế độ áp bức, toàn trị, chứ đừng nói gì đến chuyện trở lại nơi đó để trình diễn, in sách, “may thuê viết mướn kiếm ăn lần hồi…” Đó chính là thái độ của những nhà văn, những nghệ sĩ có liêm sỉ.
“Đi, về – Về, đi.
Don’t force it. Please! Don’t force it.”
Thôi về thì cứ về đi, nhưng đừng bao giờ phản bội lại chính mình và đừng làm tổn thương đến người khác!