nghề nấu ăn ngoại trừ tay nghề ra, phải hiểu rõ tâm lý của khách hàng, phải biết quan sát để đoán biết cá tánh của con người.
(Nguồn:
Tôi nhớ năm 1990, lúc còn theo học ở New York, thời điểm đó tôi vừa học vừa làm, ban ngày đi học, ban tối thì làm trong một nhà hàng tàu (ông chủ là người Hongkong), tôi biết nói tiếng Quảng Đông, nhưng chỉ biết nói mà không biết viết nên không lấy order được, và ông chủ thì không muốn cho sinh viên như tôi làm busboy nên đẩy tôi xuống bếp.
Người Hongkong thường gọi mấy ông Chief cook là sư phụ, đầu bếp chính ở nhà hàng mà tôi làm cũng là người Hongkong, gia đình của ông từ Phật Sơn di cư đến Hongkong và cuối cùng di dân qua Mỹ.
Tôi nhớ có một lần, ông chủ xuống tận bếp nói với sư phụ rằng, có vài người khách Mỹ ngồi bàn VIP, muốn sư phụ đích tay làm vài món ngon lên cho họ, nhưng lại không nói rõ là họ order những món ăn gì.
Vị đầu bếp gọi tôi tới, ông pha một ấm trà ngon và biểu tôi bưng lên bàn VIP, căn dặn tôi quan sát cặn kẽ mỗi người khách rồi nói cho ông biết.Tôi ngạc nhiên, nhưng vẫn theo lời dặn của ông, bưng ấm trà và 4 chiếc tách lên bàn VIP, sau đó xuống kể cho ông nghe về thái độ của từng người trong bàn.
Vị sư phụ không nói gì cả, ông nấu thật nhanh và để tất cả thức ăn trong một chiếc mâm rồi kêu tôi bưng mâm theo ông lên. Tại bàn ông đưa từng món cho từng người, mà không hề nói một lời nào. Kết quả 4 người khách ăn rất ngon miệng, thưởng cho tôi và sư phụ $40 tiền tip (số tiền này thời 90 rất lớn). Tôi khá thắc mắc là tại sao sư phụ lại biết rõ khẩu vị của 4 người khách kia, vì họ cũng không phải là khách quen đến ăn mỗi ngày. Tôi hỏi, và sư phụ trả lời:
Cái người chưa ngồi xuống đã nói liên tục, người này mỗi ngày tiêu hao năng lượng rất nhiều, nên tao mới làm món thịt bò cho ông ta, vì ông ta cần ăn nhiều thịt đẩy lấy lại năng lượng, còn cái người chưa ngồi xuống mà lấy khăn giấy lau ghế, lau mặt bàn rồi xin thêm khăn giấy, người này vốn kỹ lưỡng về sức khỏe, nên thích ăn rau nhiều hơn, tao làm món chay cho ông ta, 2 người còn lại trẻ tuổi lại xin mày cây nĩa chứ không dùng đũa, là những người chưa quen thuộc với đồ ăn Á Đông, nên tao làm món hủ tiếu xào dễ ăn nhất cho họ.
Giải thích xong ông nói thêm rằng, nghề nấu ăn ngoại trừ tay nghề ra, phải hiểu rõ tâm lý của khách hàng, phải biết quan sát để đoán biết cá tánh của con người. Thế là tôi học được bài học quí giá từ vị sư phụ đầu bếp người Hongkong ấy, cách quan sát con người qua sự ăn uống.
Bài học này tôi đã áp dụng trong đời sống hơn 20 năm qua, dù có đôi lúc hơi bị “trật búa rìu” nhưng tựu trung đa phần lại rất trúng, nhờ đó mà tôi tránh được nhiều xung khắc trong xã hội.
Hơn 20 năm qua theo nghề truyền thông, từ báo nói (radio), báo hình (TV) cho đến báo viết, tôi tiếp xúc đủ loại người, từ những thương gia chỉ biết làm ăn, từ những “ông anh lớn” của nghề truyền thông cho đến những người bạn trong giới văn nghệ sĩ, hay thực dụng hơn như những người làm nghề nail, kể cả những đứa em “giang hồ”… Tôi đã học được nhiều bài học khác về nhân sinh, cách ứng xử, lối ăn nói,… tóm lại đều là những bài học quí để áp dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, sau hơn một tháng theo Phượng Mai, bà xã tôi, vào nghề bán Hủ Tiếu, có lẽ đây là bài học lớn nhất mà tôi học được, đó là cách ứng xử bằng… trái tim, bằng cảm xúc của chính bản thân.
Như bao người khác, khi mở tiệm Hủ Tiếu, tôi phải tính toán chi li từng chi tiết để cân, đo, đong, đếm làm thế nào để không bị lỗ lã và có chút tiền lời trang trải mọi thứ.
Ngược lại, bà xã tôi khác. Lối hành xử của Phượng Mai luôn theo cảm tính của một người nghệ sĩ: Khi mua vật dụng nấu nướng cho khách, cô luôn quan niệm chọn cái ngon và tươi trước, trong khi tôi luôn nhìn vào… giá cả.
Khi nấu cho khách, có những việc vụn vặt không cần thiết, tôi muốn bỏ qua nhưng Phượng Mai lại để tâm rất kỹ, từ lúc pha chế nước xốt, cách cắt thịt, “trụng tôm” cho đến việc trụng bánh Hủ Tiếu,… tất cả đều phải đúng “qui trình” không được sai sót. Rớt một chiếc muỗng trong bếp, cô bắt nhân viên phải lập tức rửa ngay, dù đang lúc bận rộn nhất. Tôi cằn nhằn thì Phượng Mai trả lời tỉnh queo “tô hủ tiếu anh cũng có phần ăn, không thể sai sót.”
Khi tiếp xúc với khách hàng, có những người khách vô cùng khó tính, trong khi tôi cố gắng nở nụ cười tiếp đãi thì Phượng Mai tự nhiên hơn, cô tâm tình với khách, lắng nghe và giải thích, đôi khi có những điều “không nên nói” trong nghề, cô cũng tự nhiên nói “huỵch tẹt” ra luôn. Vậy mà thực khách trở lại nhiều lần, và nói thẳng với tôi là họ “thích con người Phượng Mai,” mộc mạc, bình dân, còn tôi thì họ cười: “còn láu cá” lắm.
Thì ra triết lý cuộc sống vốn kỳ lạ: Khi ta nghĩ rằng hành xử phải mực thước, đúng lối chuyên nghiệp mà xã hội Mỹ đòi hỏi nhưng chưa chắc đã chiếm được cảm tình của người khác. Còn lối ứng xử tự nhiên, mộc mạc xuất phát từ trái tim, đôi lúc có vẻ như không “hợp lúc, hợp thời” thế mà lại được nhiều người cảm tình hơn.
Bà xã tôi vốn là con nhà nòi ngành sân khấu, không ăn học nhiều, tất cả những cách ứng xử đều phát xuất từ sân khấu, từ khán giả của Phượng Mai chứ không phải từ học đường. Những thói quen đó đã theo bà xã tôi nhiều năm, chúng ăn sâu vào trái tim nên hành xử của bà xã tôi trở thành tự nhiên sống động. Trong khi tôi tự cho là mình“thông minh,” hiểu nhiều thì rõ rệt lại ít được cảm tình của mọi người và rất “khó gần gũi,” hay nói một cách khác là những người tiếp xúc với tôi lần đầu tiên đều cho là tôi “láu cá.”
Có lẽ trong xã hội, khi ai tự cho là mình thông minh, tự tin quá thì hành xử thường vướng một thứ gì đó khác thường, không thật và luôn làm cho người đối diện phải đề phòng, mất đi lòng tin tưởng.
Còn cách ứng xử tự nhiên, xuất phát từ trái tim, có một điều gì đó huyền diệu, luôn chinh phục được cảm tình của nhiều người. Mộc mạc, bình dân và nói “thẳng như ruột ngựa” thì đều được trân quí.
Nhờ hành nghề hủ tiếu, tôi lại học được thêm một bài học mới: Những ngôn từ hoa mỹ chỉ có thể chinh phục người khác trong ngắn hạn, nhưng thường khiến cho người ta dè chừng. Trong khi những từ ngữ nói ra từ trái tim, không qua chạy qua khối óc thì chính là “bề sâu” của triết lý cuộc sống, quả thật rất “đơn giản.” Nhưng chữ “đơn giản”này tôi phải học cả một đời, bây giờ bước vào tuổi trung niên mới thẩm thấu được rằng cách ứng xử bằng trái tim, nó lâu bền hơn tất cả những “bao bì” khác được bọc bằng ngôn từ hoa mỹ.
Và tự nhiên tôi lại yêu tô hủ tiếu đến vậy! Cả tháng nay tôi ăn hủ tiếu nhiều hơn bao giờ hết trong cuộc đời của mình: vì nhờ tô hủ tiếu, tôi lại được hiểu thêm “công lực”của trái tim con người đến mức độ nào. Và như Duyên Anh đã từng nói trong tác phẩm “Nhà Tôi” của anh: “không cần cao xa như tôn giáo, không cần hoa mỹ như nhà thơ, nhà văn mà chỉ cần tình người.”
Tô hủ tiếu của Phượng Mai có lẽ sẽ còn nhiều bài học cho tôi ở những năm tháng cuối đời, hãy sống bằng trái tim hơn là khối óc, nó sẽ tạo ra niềm tin giữa con người với con người.