Home CĐ Việt Xây Dựng CĐ Việt Phát Triển Cộng Đồng là Củng Cố Xã Hội Dân Sự

Phát Triển Cộng Đồng là Củng Cố Xã Hội Dân Sự PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Ba, 21 Tháng 10 Năm 2008 03:11

* Đoàn Thanh Liêm

Như ta đã biết Xã Hội Dân Sự (XHDS) có hai vai trò, đó là vừa làm Đối tác và vừa làm Đối trọng đối với Nhà nước (Counterpart/Counterbalance). Và chỉ khi nào XHDS làm tròn được cả hai vai trò này, thì quốc gia mới tránh được nạn độc tài chuyên chế do giới cầm quyền thường áp đặt lên trên xã hội, như ta đã thấy trong các chế độ phát xít hay chế độ độc tài tòan trị cộng sản.

Trong bài này, chúng ta chú trọng đến vai trò thứ nhất của XHDS, đó là làm Đối tác với Nhà nước. Còn vai trò làm Đối trọng, chúng ta sẽ bàn tới trong một bài sau.

Trong số những “tổ chức phi chánh phủ” (non-governmental organizations), thì phần đông đều có tính cách từ thiện nhân đạo hay văn hóa xã hội. Do đó mà họ dễ dàng hợp tác với Nhà nước tại cấp hạ tầng cơ sở (grassroots level) như xóm làng ở nông thôn, hay khóm hẻm ở thành phố, để cùng bắt tay thực hiện những công việc có lợi ích chung cho cộng đồng địa phương. Lọai công việc này được gọi là “Công tác Phát Triển Cộng Đồng” (Community Development Works). Cụ thể như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Cơ quan từ thiện bác ái thuộc các tôn giáo v.v…, thì họ chuyên chăm lo việc cứu trợ nạn nhân thiên tai, bão lụt, hỏa họan hay tổ chức sinh họat vui chơi, giải trí lành mạnh cho giới thanh thiếu niên nhằm mục đích giáo dục uốn nắn, hướng dẫn giới trẻ góp phần xây dựng tương lai xứ sở. Lọai công tác “chỉnh trang cải thiện môi trường vật chất” như bảo đảm vệ sinh, đào mương, đặt đường cống thóat nước, tu sửa đường sá, giải tỏa khu nhà ổ chuột v.v… thì dễ thuyết phục được quần chúng quy tụ lại với nhau để góp công sức và tài lực, vật lực vào việc thực hiện những công trình có ích lợi thiết thực rõ rệt cho cộng đồng ở từng địa phương một.

Những công tác cụ thể, thiết thực như vậy vừa có kết quả là cải thiện môi trường sinh sống của người dân, vừa có tác dụng tinh thần là làm tăng thêm sự liên kết gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng với nhau. Cái tác dụng tinh thần này còn được gọi là “tăng thêm Vốn Xã Hội” cho tập thể cộng đồng (Social Capital). Ta có thể thấy được là một cộng đồng nào mà có được cái số Vốn Xã Hội càng dồi dào, phong phú, thì dân chúng ở đó càng được sinh sống tự do, thỏai mái yên vui hơn. Thông thường thì số đông quần chúng nhân dân vẫn còn rời rạc, lẻ tẻ thụ động, ít có khi tự phát mà đồng lọat nhất tề đứng lên để phát động thành một phong trào sinh họat tập thể nào cho bền vững, liên tục được. Do đó mà luôn luôn cần phải có một số cán bộ nòng cốt đóng vai trò làm chất men, chất xúc tác (catalyst) để khơi động được một thứ phản ứng dây chuyền (chain reaction), có tác dụng vận động được cả khối quần chúng cùng đồng lòng, hợp ý với nhau, để cùng dấn thân, nhập cuộc vào việc thực hiện công tác vì lợi ích của cả tập thể. Đó là một lọai công tác “Vận Động/Gây Men Nơi Quần Chúng” (Mass Mobilisation/Mass Fermentation).

Các nhà nghiên cứu xã hội học thường phân biệt là số nhu cầu thực tế (real needs) của một tập thể thì rất nhiều, không làm sao mà đáp ứng cho thỏa đáng hết được. Trái lại, chỉ có những nhu cầu mà chính quần chúng đích thân cảm nhận được (felt needs), thì họ mới cùng nhau ra tay để mà hợp lực tìm phương cách giải quyết cho rốt ráo hòan tòan được. Người cán bộ chuyên môn về công tác phát triển cộng đồng chính là người biết đi sâu, đi sát với quần chúng nhân dân để có thể hiểu biết thấu đáo về tâm tư nguyện vọng sâu kín của họ và lần hồi tìm cách thuyết phục, lôi cuốn họ cùng nhau ý thức và cảm nhận được đâu là những nhu cầu thiết thực, cụ thể và ưu tiên cấp bách cần phải đáp ứng ngay của tập thể.

Phương thức Phát Triển Cộng Đồng như vừa ghi trên đây đã được phát động tại nhiều nơi trên thế giới. Cụ thể như tại Philippines, thì từ lâu đã có một chức vụ “Phụ Tá Tổng Thống về Phát triển Cộng Đồng” để phối hợp chương trình PTCĐ trên tòan quốc. Và đã có rất nhiều Đại Học, lại có cả một Phân Khoa chuyên môn dạy về môn Phát triển Cộng Đồng (Department of Community Development). Ở miền Nam Việt nam từ thời trước năm 1975, tại Trường Công Tác Xã Hội do Liên Hiệp Quốc bảo trợ đã có một lớp đào tạo “Phối Trí Viên PTCĐ” để thành chuyên viên làm việc cho các địa phương do Bộ Xã Hội điều động và tổ chức. Nhưng tiếc rằng sau này dưới chế độ cộng sản, thì không thấy phát huy lọai mô hình công tác này. Mặc dầu người ta vẫn thường nghe nói đến phương thức “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” để chỉ những việc nhân dân có hưởng ứng đóng góp vào những công việc của địa phương do chính quyền sở tại đứng ra phát động khơi mào. Trong một dịp khác, người viết sẽ phân tích và lượng giá chi tiết hơn về các mặt của lọai hình công tác “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” dưới chế độ độc tài tòan trị cộng sản ở nước ta từ mấy chục năm gần đây.

Trong khuôn khổ hạn chế của bài báo, tôi chỉ xin ghi ngắn gọn như sau: Vì Đảng Cộng sản chủ trương dành quyền Lãnh đạo tòan diện, tuyệt đối và tập trung, nên không những họ nắm giữ độc quyền về chính trị, kinh tế mà còn cả về tư tưởng, văn hóa, xã hội nữa. Cho nên ngay đến Hội Hồng Thập Tự, thì trong nội bộ tổ chức cũng có một chi bộ của Đảng CS để chỉ huy lãnh đạo. Hội Hướng Đạo thì hòan tòan bị giải thể, bị gạt ra ngòai; để dành độc quyền thao túng cho Đòan Thanh Niên Cộng sản Hồ chí Minh. Hội Phụ Nữ cũng vậy. Tất cả mọi đòan thể quần chúng thì đều do Đảng CS nắm đầu chỉ huy, điều động hết. Kể cả các tổ chức tôn giáo, thì cũng đều bị họ lũng đọan, thao túng, khống chế đến độ gần như bị tê liệt tất cả. Không hề có một tổ chức tự nguyện của tư nhân nào được phép họat động. Như vậy là chế độ cộng sản đã triệt tiêu tòan bộ Xã Hội Dân Sự, để cho một mình đảng của họ tòan quyền mặc tình làm mưa làm gió trên quê hương đất nước VN chúng ta.

Trong hòan cảnh bế tắc tòan diện như vậy, thật là khó lòng cho những người có thiện chí muốn đóng góp cụ thể vào công cuộc xây dựng hạ tầng cơ sở tại các xóm làng ở nông thôn, hay tại các ngõ hẻm nơi thành phố. Đó là lý do khiến cho trong mấy năm gần đây, giới trẻ ở trong nước đã bắt đầu gồng mình đứng lên đòi lại quyền tự quyết cho đồng bào của mình trong việc giải quyết những khiếu nại của dân oan bị cán bộ chèn ép tước đọat mất ruộng đất, vườn tược. Cũng như là Đòi Tự Do Ngôn Luận, Tự Do Lập Hội, Tự Do Tôn Giáo v.v… Dù bị đàn áp tàn bạo, các chiến sĩ tranh đấu cho Tự do, Dân chủ, Nhân quyền này vẫn kiên trì, quyết liệt trong thế trận đối đầu với nhà cầm quyền cộng sản. Đó là một niềm hy vọng đầy phấn khởi cho nhân dân chúng ta vào đầu thế kỷ 21 hiện nay.

Và song song với phong trào tranh đấu sôi nổi về chính trị và nhân quyền này, vẫn còn có những cố gắng âm thầm của nhiều nhóm nhỏ bé, mà kiên trì nhẫn nại theo đuổi những công việc xã hội từ thiện không tên, không tuổi tại nhiều địa phương trên khắp nước. Đây là những anh hùng vô danh (unsung heroes) đang miệt mài lót đường cho thế hệ tương lai của dân tộc chúng ta. Dĩ nhiên là họ cũng có tầm nhìn rộng rãi bao la (global vision); nhưng họ lại biết khiêm tốn bắt đầu bằng những việc làm nhỏ bé ở từng địa phương trong tầm tay với của mình (Act locally). Nhờ vậy mà tránh được sự dòm ngó, nghi kỵ của công an mật vụ cộng sản, vốn có mặt khắp nơi và lại đa nghi, lươn lẹo tàn ác như Tào Tháo. Chính lớp người trẻ này đang gây được thiện cảm và lòng tin của quần chúng nhân dân tại hạ tầng cơ sở, và như vậy họ đang tạo dựng tiền đề cho công cuộc phục hồi Xã Hội Dân Sự, một khi chế độ độc tài tòan trị cộng sản hiện nay phải sụp đổ, như đã xảy ra tại Đông Âu và tại chính Liên Xô mà vẫn được coi là thành trì của chủ nghĩa xã hội.

Và đây mới chính là những bước đầu của một cuộc Cách Mạng bất bạo động, không đổ máu, để tiến tới xây dựng một xã hội công bằng, nhân ái như cha ông chúng ta đã từng nhắc nhở từ bao nhiêu đời nay. Đó cũng là “một quá trình tiến bộ không thể nào đảo ngược” được nữa (Irreversible process). Mặc cho người cộng sản ngoan cố có dùng mọi thủ đọan tàn bạo, bất nhân và vô luân đến đâu đi nữa, để dẹp tắt phong trào quần chúng tranh đấu bất bạo động này.