Tự Lo |
Tác Giả: Ts. Nguyễn Đình Thắng | |||
Thứ Năm, 16 Tháng 4 Năm 2009 06:22 | |||
Apr 15th, 2009 • (Bên trái: Ts. Nguyễn Đình Thắng tại Boston 27 tháng 5 2008) Cộng đồng chúng ta ở Hoa Kỳ còn rất non yếu vì không được mấy ai chú tâm vun bồi. Năm 1996 khi Quốc Hội ban hành luật cải tổ trợ cấp xã hội và di dân, cộng đồng Việt đã điêu đứng vì thiếu khả năng đối phó. Trong cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, rất nhiều gia đình Việt không biết nương tựa vào đâu. Mười ba năm trôi qua, cộng đồng chúng ta vẫn còi cọt về tổ chức và thiếu vắng điểm tựa cần thiết cho những người trong hoàn cảnh nhỡ ngại hay hoạn nạn. Xã hội dân sự, được hiểu là cơ chế để người dân tự lo và tương trợ lẫn nhau cũng như ảnh hưởng đến ngoại cảnh, còn rất thô thiển trong phạm vi cộng đồng chúng ta. Một chỉ dấu của xã hội dân sự là tỉ lệ các tổ chức dân sự đủ thực lực để phục vụ thiết thực cho người dân. Cứ 200 người Mỹ thì có một tổ chức dân sự như vậy. Chiếu theo chỉ dấu này thì cộng đồng chúng ta quá xơ xác về xã hội dân sự. Chúng ta thiếu hẳn các chương trình lo toan cho người cao niên, thanh thiếu niên, phụ nữ; hoặc giúp công ăn việc làm cho người mới đến hay mất việc; hoặc chăm lo sức khoẻ, kể cả sức khoẻ tâm thần, cho người ốm bệnh. Lại cũng chẳng có các chương trinh phát triển tiểu thương, giúp đồng hương sở hữu căn nhà, hướng dẫn người tị nạn và di dân vào đại học hay trường huấn nghệ. Và rất thiếu những tổ chức bênh vực quyền và lợi ích của người Việt trước các chính sách từ địa phương đến liên bang. Sự yếu kém này không do chúng ta còn quá mới mẻ, cũng không do chúng ta thiếu năng lực, mà do chúng ta thiếu quan tâm. Phần lớn các cuộc gây quỹ trong cộng đồng Việt đều dành cho các công tác cứu tế, các chương trình xã hội, các việc xây cất chùa và nhà thờ ở Việt Nam. Trong khi đó chẳng có bao nhiêu cuộc gây quỹ để giúp người già neo đơn, nạn nhân bạo hành gia đình, hay cựu tù nhân Ềcải tạoỂ bị cắt trợ cấp của chính phủ. Tôi không kêu gọi chấm dứt việc cứu tế cho đồng bào ở trong nước. Chúng ta có nghĩa vụ đối với họ. Điều tôi muốn nhắc nhở là chúng ta cũng có nghĩa vụ với chính cộng đồng của mình ở ngay tại Hoa Kỳ, một nghĩa vụ bị chểnh mảng từ hơn 30 năm qua. Sự quân bình giữa hai nghĩa vụ này rất cần thiết, vì nhiều lý do. Lý do quan trọng nhất là nhu cầu thực tế của đồng hương để ổn định và thăng tiến đời sống và của cả cộng đồng để không bị thua thiệt so với các sắc dân bạn. Kế đến, khi chúng ta tự lo thì cũng là góp phần giải quyết những vấn nạn của xã hội Hoa Kỳ; khi chúng ta xây dựng xã hội dân sự trong nội bộ cộng đồng thì cũng là góp phần củng cố nền dân chủ Hoa Kỳ. Đó là cách đền đáp thiết thực nhất đối với đất nước và dân tộc Hoa Kỳ, đã cưu mang chúng ta. Cuối cùng, chúng ta phải tự mình vững chãi thì mới giúp được đồng bào trong nước cách bền bỉ và hiệu quả. Khi sức mạnh kinh tế của người trong cộng đồng suy giảm thì tự khắc khả năng đóng góp của họ cho các công tác xã hội ở Việt Nam cũng kém đi; khi chính chúng ta chưa đủ khả năng xây dựng xã hội dân sự quanh mình thì lấy kiến thức và kinh nghiệm đâu để góp với đồng bào trong nước? Trước những thử thách nẩy ra từ luật cải tổ trợ cấp xã hội và di dân năm 1996, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, ngay từ năm 1997, bắt đầu nỗ lực dài hạn để xây dựng thực lực cho cộng đồng. Chúng tôi đã mở ra nhiều văn phòng ở các tiểu bang, hỗ trợ cho trên 50 tổ chức phát triển năng lực, và thiết lập trên một chục chương trình phục vụ dân sinh. Trước cơn khủng hoảng kinh tế hiện nay, UBCNVB đã khởi sự kế hoạch giúp cộng đồng tự cứu nguy và sớm phục hồi. Nhưng nỗ lực của một tổ chức chẳng thấm vào đâu. Tôi thiết tha kêu gọi những nhân sĩ có uy tín và ảnh hưởng cùng nhau thiết lập sự quân bình cần thiết để cộng đồng chúng ta có thể phát triển và trường tồn. Nếu đồng bào trong nước là “anh em như thể tay chân” thì cộng đồng chúng ta ngay ở Hoa Kỳ là lục phủ ngũ tạng cần được chăm sóc cẩn thận.
|