Từ Hồng Y đến Linh Mục lên hàng Giáo Dân |
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục | |||
Thứ Năm, 25 Tháng 3 Năm 2010 23:15 | |||
“Một định giá có vẻ ngạo mạn: giáo dân tốt hơn linh mục, linh mục hơn giám mục.” (Giám mục Phao Lô Lê Đắc Trọng) Từ hàng Hồng Y Giáo Chủ lên đến hàng linh mục và lên đến hàng giáo dân Từ lâu tôi đã có dự tính phải viết một bài so sánh giữa hai biểu tượng của công giáo Việt Nam bây giờ, linh mục Nguyễn Văn Lý và Hồng y Phạm Minh Mẫn. Nay dịp ấy đã đến. Lm. Lý vừa được tạm ra khỏi nhà tù. Hồng Y Mẫn định làm một chuyến công du hải ngoại trong một tình thế không thuận lợi với dư luận hải ngoại phản đối khắp nơi. Người ta tẩy chay ông như tẩy chay sự có mặt của Nguyễn Minh Triết, Nguyễn Tấn Dũng. Trong khi đó cũng ở Hải ngoại, cha Lý trở thành biểu tượng sáng ngời như người anh hùng cho lý tưởng chống cộng sản độc tài. Có điều gì thay đổi trong tâm thức người công giáo. Rõ ràng có sự đánh giá một con người không căn cứ trên phẩm trật màu đỏ hay màu đen của chiếc áo. Hồng y Phạm Minh Mẫn, ngược lại, dù chức phận cao nhất trở thành thứ Unwanted. Kẻ không được mời, không ai muốn mà đến. Nhưng nhìn sâu xa, cả hai biểu tượng Nguyễn Văn Lý và Phạm Minh Mẫn cho thấy chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam, trong một chế độ độc tài cộng sản. Vì thế, không thể có một Nguyễn Văn Lý anh hùng ở Mỹ được, vì ông không có cơ hội để làm anh hùng. Ông sẽ Không có cơ hội bốn lần quỳ xuống hôn đất nhà tù và nói với Chúa, “Con xin nhận nhiệm sở mới.” Và cũng một cách thức như thế, nhưng ngược lại, không thể có một Phạm Minh Mẫn được. Chỉ cỏ ở Việt Nam mới có mảnh đất tạo nên anh hùng và cũng là nơi mà quyền lực là thước đo mọi giá trị - một mảnh đất mà ma với người chen nhau sống.
Mà Tổng giáo phận đâu có cần xin ý kiến ông Thủ tướng Harper xem có nên chọn một anh boat people cai quản hàng linh mục bản xứ hay không? Cũng ở Canada, Montréal, vào tháng 10, Vatican sắp phong thánh cho một ông thày gác cửa một trường học. Ông thày André. Ông không phải anh hùng như Nguyễn Văn Lý, ông cũng không chức quyền như Hồng y Mẫn. Ông không có chữ nghĩa nên làm một công việc thấp kém nhất trong giáo hội là gác cửa một trường học. Nhưng cơ hội của Chúa vẫn đến tay mọi người. Ngay cả những người cùng khó, yếu kém nhất.
Hạt giống đã rơi vào nơi đã được chọn. Ông là người được chọn trong số muôn người. Đó cũng là ý nghĩa biểu tượng của xứ sở tự do này. Ở một nơi mà ai cũng đủ cơ may làm người tử tế. Chỉ cần nhìn, so sánh hai vị nói trên sẽ thấy được bộ mặt thật của giáo hội Thiên Chúa giáo Việt Nam ra sao. Bộ mặt thật của một đồng tiền với hai mặt sấp ngửa. Linh mục NVL (Nguyễn Văn Lý) theo tôi chỉ đại diện cho một cộng đồng bé nhỏ người Thiên Chúa giáo trong nước trọng nguyên tắc, trọng lý tưởng, trọng lẽ phải. Nhưng lại không đại diện cho các tổ chức công giáo như Hội Đồng giám mục, các tòa giám mục, các cha xứ vì những cơ chế ấy nặng về quyền bính và các quyền lợi thế tục. Những cơ chế này thường dễ đi đến thỏa thuận, nhân nhượng theo chủ nghĩa thực dụng để bảo đảm được sự an toàn cần thiết. Vì thế người ta mới nói, vào nước Thiên đàng khó lắm nếu mang theo hành lý kềnh càng. Do đó Lm. Nguyễn Văn Lý ít được các vị bề trên công khai hoặc trực tiếp ủng hộ, ngay cả tại Huế, vì sợ đụng chạm đến quyền lợi thực tế của họ. Ai là người đại diện của Chúa đã đến thăm cha Lý. Ai là người tuân giữ giới luật trong 8 mối phúc thật? Không lẽ là những nhà chính trị những vị dân cử từ Mỹ sang? Chỉ nhìn điều đó, tôi thấy được những điều không ổn trong Giáo hội. Tranh đấu cho quyền lợi giáo hội mà không được nhìn nhận. Trong khi đó, không ai bảo ai, cộng đồng người hải ngoại đều một lòng vinh danh Lm. Lý như một thứ anh hùng. Người anh hùng ấy không thuộc vào ai cả, không thuộc vào nhóm nào cả mà của chung mọi người. Ông Lý có thể không phải là người giỏi chính trị, ăn nói còn quờ quạng, bất cập. Nhưng thái độ bất khuất thì quả không thiếu. Ông là người tranh đấu chứ không phải nhà chính trị. Vì thế, những ai ở bên này, chưa có một ngày ở tù, tìm cách bắt bẻ từng câu, từng chữ xem ra cao ngạo lắm. Người ta cũng có thể chê cộng đồng hải ngoại nhiều thứ. Nhưng lòng tin vào sự công chính và cao trào đấu tranh cho tự do dân chủ thì cũng có mẫu số chung đấy chứ? Đó là tinh thần hiệp nhất đấy, họa phải tìm đâu xa. Nhưng cũng phải nhìn nhận vì cộng đồng hải ngoại không phải lo lắng bị mất mát về các quyền lợi thực tế như cơ sở, đất đai, nhà cửa như trong nước. Chính vì thế, tiếng nói tranh đấu bênh vực Lm. Lý mới mạnh bạo, nổi lên khắp nơi, báo chí truyền thông phổ biến mỗi ngày. Chúng ta không có cơ hội phải đối đầu trực diện, nhưng cơ hội để lên tiếng thì không thiếu. Lm Nguyễn Văn Lý: Đả đảo Đảng Cộng sản Việt Nam (30/3/2007) Chính nhờ bi bịt mồm, tiếng nói của ông vang ra xa hơn, đi khắp mọi nơi. Càng không được nói thì tiếng nói của kẻ bị bịt mồm càng trở thành tiếng loa nhân bản tới tai nhiều người. Tiếng nói bất bạo động của ông trở trở thành cao trào nhân bản chống lại nhà cầm quyền cộng sản đàn áp tự do tôn giáo. Họ tranh đấu rất “vô tư” mà không sợ bị đi tù, đòi hỏi quyết liệt, làm áp lực đủ thứ theo “tiêu chuẩn hải ngoại”. Áp lực cụ thể của cộng đồng hải ngoại là mong muốn tiếng nói của Hội đồng giám mục trong nước phải trở thành tiếng nói đại diện cho đòi hỏi tự do tôn giáo, từ lương tâm chứ không phải từ những nguyên tắc sáo rỗng. Chẳng hạn thay vì nói, Nửa thế kỷ, người công giáo đồng hành với dân tộc thì xin nói, Chúng tôi không muốn bị sách nhiễu, chúng tôi muốn thay đổi. Người ta không thể mãi mãi tự đánh lừa chính mình và người khác bằng những nguyên tắc sáo rỗng ấy mãi. Cho nên phải nhìn nhận là có một khoảng cách không gian vật chất mà trong đó có hoàn cảnh khác biệt giữa người trong nước và ngoài nước, giữa giáo dân và hàng giáo phẩm và giữa hàng giáo phẩm và giáo dân hải ngoại. Tiếng nói của giáo dân hải ngoại một cách gián tiếp là tiếng nói lương tâm cho hàng giáo phẩm trong nước. Sự cách biệt không gian đó sinh ra những thái độ ứng xử, cách nhìn một vấn đề khác nhau từ nhiều góc độ. Nói chung người ta đánh giá tiếng nói Hội Đồng Giám mục từ bao nhiêu năm rồi chỉ là tiếng nói để khỏi phải lên tiếng. Nói mà không nói gì cả. Trong khi đó Hồng y giáo chủ Phạm Minh Mẫn ngược lại có thể là đại diện cho số đông chức sắc công giáo trong nước trong Hội Đồng Giám Mục, trong chính quyền lợi của Giáo phận Sài Gòn và quyền lợi bản thân của giám mục Mẫn theo cái tinh thần mà cố Giám Mục Lê Đắc Trọng trong cuốn Chứng Từ của một Giám Mục gọi là Chủ Nghĩa Thực Dụng (pragmatisme), Giám mục Trọng viết: “Miền Nam, chịu ảnh hưởng chủ nghĩa thực dụng của Mỹ, làm sao được lợi nhiều, nặng về quyền lợi hơn là nguyên tắc. Ở đây không phê phán lối sống đó, nhưng chỉ nêu một nhận xét lo lắng làm sao giữ được quyền lợi, làm được một việc gì đó, mặc dù vì thế ảnh hưởng không hay đến nguyên tắc.” Và Giám Mục Trọng gay gắt hơn: “Họ phải thừa hiểu rằng: được chín cái lợi mà hy sinh một điều thôi, có thể là hết tất cả.. (...) Nhưng một khi đã trót rồi không thể rút ra được nữa. Kinh nghiệm xưa đã thế, nay vẫn thế. Nào mất quyền lợi, nào nguy cơ tưởng tượng, nào sĩ diện...” Và Giám mục Trọng đã đưa ra một trường hợp cụ thể, một cái chướng mắt, một cái ung thư đáng nhẽ phải có can đảm nhổ đi từ đầu. "Một Giám mục nói về Tổng đại diện của mình đang thao túng mọi việc trong Giáo phận mà vị đó là và nay vẫn còn tinh thần patriot (ám chỉ chủ trương của cộng sản gọi người công giáo yêu nước). Tòa Thánh đã biết, dư luận chống đối, muốn vị đó từ chức. Đức Giám Mục nói, ‘Ông ấy tốt, giúp nhiều việc, làm sao bãi chức ông được. Khi nào tôi chết, tức khắc ông ấy hết quyền.’ Bi đát làm sao, truyện thật 100%.” Trích Chứng Từ của một giám mục, Phao Lồ Lê Đắc Trọng, trang 262-264 Xin nói rõ thêm ý của giám mục Trọng. Chữ Giám Mục ở đây chỉ Hồng Y Giáo Chủ Phạm Minh Mẫn đã tiếp tục dùng linh mục Huỳnh Công Minh theo cộng sản từ trước 1975. (Có bốn linh mục là đảng viên cộng sản từ trước 1975 là: Huỳnh Công Minh, Phan Khắc Từ, Trương Bá Cần và Vương Đình Bích mà đáng lẽ Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình phải loại trừ cả bốn tên đó ra khỏi Giáo phận Sài Gòn ngay từ đầu. Nhưng nói thì dễ, nhưng làm không dễ, vì hồi đó còn có nhiều thành phần trí thức công giáo ngả theo bốn tên đó đứng đằng sau như Nguyễn Đình Đầu, linh mục Nguyễn Huy Lịch, Thanh Lãng, linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan và đám linh mục trẻ thuộc dòng Chúa Cứu thế, Lý Chánh Trung, v.v...) Chế động cộng sản Hà Nội với cơ chế ấy, với sự can thiệp thô bạo vào các tổ chức tôn giáo đã sinh ra những mẫu người như Hồng Y Giáo Chủ. Khi còn làm giáo sư Đại Chủng Viện ở Cần Thơ, linh mục Mẫn cũng biết đứng thẳng và được coi là loại “linh mục rồi giám mục tủ lạnh”, nghĩa là giữ đúng cương vị của mình đối với nhà nước, khác với loại “4 linh mục còi hụ” của Đảng. Nay được lên chức Tổng Giám Mục, nhiều người tự hỏi, ông còn giữ đúng cương vị “tủ lạnh” nữa hay không? Người ta thấy không vui khi trong bài diễn văn nhận chức ngày 2-4-1998, tân Tổng giám mục Mẫn không có đến nửa lời cám ơn vị tiền nhiệm là giám mục Huỳnh Văn Nghi, vốn là giám quản trong suốt 5 năm và đã không được chính quyền cộng sản công nhận. Sự cố tình bỏ quên đó phải chăng để đẹp lòng nhà nước với những lời lẽ hoa từ, xây dựng “Trời mới Đất mới, con người mới”, “một cộng đồng nhân loại mới, một nền văn minh tình thương”? Chú thích: Khi giám mục Huỳnh Văn Nghi cầm bài sai của Vatican, đề ngày 15-8-1993 từ Phan Thiết về Sài Gòn trong vai trò Giám quản Tông tòa. Ông bắt tay vào việc sắp xếp tổ chức nhân sự như thể đã chính thức với một ê kíp. Dưới mắt nhà nước là contestable về phương diện chính trị. Trong đó có dự tính loại bỏ Huỳnh Công Minh ra ngoài trong một tương lai gần. Có sự căng thẳng giữa chính quyền và Gm. Nghi mà đến một lúc nào đó, tòa thánh phải chọn một giải pháp thay thế, trái đệm. Việc Giám mục Mẫn là nằm trong chính sách của nhà cầm quyền muốn có một người có thể nói chuyện được. Công chuyện chi tiết thì dài vô kể và khúc mắc. Vấn đề chính là nhà nước muốn kiểm soát nội bộ Thiên Chúa giáo. Việc trở thành tổng giám mục Sài Gòn được cộng sản chấp nhận với 3 điều kiện: chấp nhận đường lối của Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình. Tiếp tục xử dụng Huỳnh Công Minh trong vai trò Tổng Đại Diện. Và giao hảo tốt với Ủy Ban Đoàn kết. Mối giao hảo giữa vị tân Tổng Giám Mục xem ra có dấu hiệu tốt ngay từ đầu thay vì sóng gió gần 5 năm thời Giám Mục Huỳnh Văn Nghi. Bởi vì, ngay sau buổi nhận chức thì trưa cùng ngày, tại tòa Tổng Giám Mục, “Tổng Giám mục Phạm Minh Mẫn đã trân trọng tiếp chủ tịch Ủy Ban nhân dân thành phố Võ Viết Thanh, Phó ban Tôn giáo Chính phủ Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng Ban dân vận Thành Ủy đoàn Lê Hương, chủ tịch Ủy ban Mặt Trận Tổ Quốc Thành Phố Lê Khắc Biên, Trưởng ban tôn giáo thành phố Nguyễn Ngọc San và đại diện Ủy ban Nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc, Ban tôn giáo các tỉnh đến chúc mừng Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn mới nhận chức.” (Trích báo SGGP, 3-4-1998, trang 1). Sự có mặt đầy đủ quan chức chính quyền cộng sản là một giấy chứng nhận tuyệt vời. Phải làm đẹp lòng bấy nhiêu người thì còn gì là bản sắc giáo hội? Đúng như lời cảnh cáo của cố Giám Mục Lê Đắc Trọng: một khi đã trót rồi thì không thể rút ra được. Đến khi lên đến chức Hồng Y giáo chủ thì Ngài chọn lựa đi bước trước. Sau đây, xin tường thuật việc Hồng Y giáo chủ kể lại cho phóng viên của hãng UCA News, ngày 4-08-04 như sau: “Tôi đi bước trước đến gặp gỡ các viên chức Nhà nước để tìm hiểu điều gì đang diễn ra. Tôi đã nghe những lời đồn về việc tôi được bổ nhiệm từ các linh mục của tôi và các giám mục khác. Tôi nói (với các viên chức đó) rằng tôi nhận được tin bổ nhiệm nhiệm này giống mọi người khác và không biết trước về điều này. Tôi còn nói “Hồng Y” là một tước hiệu, không phải là một trách nhiệm mới, không có gì thay đổi, ngoại trừ màu sắc của phẩm phục.” Trích “30 năm công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản”, Đỗ Mạnh Tri, Pháp, trang 590. Việc làm ngày hôm qua xác định cho việc làm ngày hôm nay. Một khi đã trót rơi vào thì không thể rút ra. Tiếng nói nhỏ bé của một người con gái trở thành tiếng nói bất khuất Tôi chỉ làm công việc ghi chép tóm tắt lại bài phỏng vấn của cô mà chắc chắn là không hoàn hảo. Phải được nhìn cô, phải được nghe chính cô nói, phải nghe chính cô cười. Phải thấy được sự dung dị của một tấm lòng chân thật và sự hăng say đầy dũng khí với niềm tin sắt đá vào đạo. Tôi đã nhìn cô cười khúc khích, nhìn cô phát biểu, nhìn tận bên trong sự trung thực, nhìn sự can đảm ở nơi cô mà ở khóe mắt mình ướt lúc nào không hay. Cô để lại nơi tôi những ấn tượng khó quên. Mỗi lời nói của cô làm cho hàng trăm ngàn người theo dõi trên màn hình nhỏ không cầm được giọt lệ thương mến. Vậy mà vẫn có những người nỡ lòng nào xúc phạm đến cô. Tôi còn “bận phải đi tù”. Tuổi đời chưa tới 30. Lẽ thường bận ăn học, bận yêu đương, bận toan tính chuyện tương lai. Vậy mà oan nghiệt thay, người con gái ấy chỉ còn một nỗi bận trong cuộc đời ô trọc này: bận phải đi tù. Vậy mà cô còn đủ dũng khí nói được câu đó tiếp theo sau là một nụ cười khúc khích. Trên thế giới này có ai bận đi tù không? “Nguyện vọng của tôi: an toàn khi ở tù.” Không có gì lo sợ cho người đi tù là sự bất an, tưởng rằng bị bỏ quên. Vì thế khi hỏi cô có nguyện vọng gì không? Cô bày tỏ là khi ở trong tù chỉ mong là là được thông tin, được mọi người biết tới là đang ngồi tù. Chỉ cần bên ngoài biết được chúng tôi, thế giới biết được chúng tôi: Đó là an toàn rồi. Chúng tôi cần dư luận và tiếng nói công luận nâng đỡ chúng tôi. Đi tù là điều bất đắc dĩ, là điều phải chấp nhận. Nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Điều tồi tệ nhất là chúng tôi không được thông tin và không được ai biết tới. Hãy hiểu cho nỗi lòng của cô, hiểu cho những người đi tù mong được chia xẻ. Điều gì đã nâng đỡ cô khi ở trong tù? Cô thú nhận trong suốt những ngày ở tù, chỉ có cuốn kinh thánh làm bạn. Cô đọc ròng rã hơn một năm trời, vì thời gian trong tù dài vô hạn. Cô nhớ lại kinh nghiệm đau xót tủi nhục vì có người bạn tù tên Nguyễn Ngọc Diệp (Maria), phạm tội buôn ma túy, đồng đạo với cô khi nghe cô đọc kinh thánh thì đã chửi rủa cô bằng những lời tục tĩu. Cô cảm thấy đau đớn vô cùng. Nhưng cô vẫn tiếp tục đọc kinh thánh ngay cả khi ra tòa: “Tôi chỉ nghĩ tới kinh thánh mà không để ý gì đến việc xét xử đang diễn ra.”
Đối với Lê Thị Công Nhân, Chúa là người bạn, người Thầy, người đồng đội, Chúa rèn luyện tôi và giúp tôi tin rằng việc làm của tôi hoàn toàn là chính đáng. Phần cha Lý đã dạy tôi, “Con hãy đừng sợ, con hãy dùng thông minh để tìm thấy nguồn vui của cuộc sống này.” Cha bảo, “nụ cười của chúng ta sẽ là nguồn hạnh phúc của chúng ta và sẽ là nỗi kinh hoàng đối với kẻ thù của chúng ta.” Và tôi đã thực hiện như lời cha dạy. Có nhắn gì với Thủ Tướng? Khi được công an cho biết có phái đoàn đến thăm, tôi hoàn toàn không biết gì cả. Cán bộ bắt tôi mặc quần áo đẹp nhất. Tôi không chịu, nhất định mặc áo tù có kẻ sọc. Họ năn nỉ, họ dọa, Nếu không mặc mất đi cơ hội gặp phái đoàn, chỉ thiệt thân tôi thôi đấy. Tôi nói: Họ đến gặp tôi, nào tôi có xin gặp họ đâu, nói rồi tôi đi luôn. Họ cứ muốn tôi phải xin họ. Tại sao tôi phải xin một điều tôi không biết. Trong buổi gặp gỡ, phái đoàn nói, tối nay có buổi gặp gỡ, ăn tối với Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng, cô có muốn nhắn gì không? Tôi không có gì để nhắn nhủ với ông ta. Tôi suy nghĩ. Tôi cũng đâu có dám so sánh với con cái ông ấy. Người ta đi du học, học giỏi, kiến thức học ở ngoại quốc. Còn tôi cùng lắm học tại chức tại Việt Nam, làm sao tôi có thể so sánh với con cái ông ta được. Cuối cùng tôi nhắn ông ta là: Ông ta có muốn con cái mình được sống trong một xã hội dân chủ không? Phái đoàn ra về lòng đầy cảm phục và nghĩ rằng chúng tôi muốn thấy đây mới là những người lãnh đạo tương lai đất nước. Chị có cần giúp đỡ gì không? Cụ thể như vận động gây quỹ? Có lẽ theo tôi đây là một câu hỏi tế nhị không nên hỏi công khai như thế. Phần cô Lê Thị Công Nhân đã trả lời gián tiếp. Gia đình nuôi, xã hội nuôi. Việc làm của tôi liên quan đến xã hội, xã hội nuôi tôi thì đó cũng là một tiếp nhận tự nhiên. Trong lúc này, tôi không muốn đề cập đến vấn đề này. Xin hiểu cho trạng thái tâm lý của tôi, tôi không muốn đề cập đến nữa. Tôi vốn đã tập sống vô cùng đơn giản. Cha Lý đã dạy tôi khi vào tù. Con không nên lo lắng về tài chánh. Cha nói, “Chúa đã tạo ra con tốt đẹp như thế này, chẳng có gì con phải lo đến đói khổ. Tôi nghe lời cha và vấn đề tài chánh không đặt ra nữa.” Chị có gì muốn nhắn nhủ cộng đồng người Việt Hải ngoại? Tôi chỉ ao ước cộng đồng người Việt Hải Ngoại có được điều cần thiết nhất: Đó là lòng dũng cảm mà tôi thấy vẫn còn chưa đủ. Đấu tranh dũng cảm và dấn thân, chấp nhận mất mát hy sinh. Tôi có một, cùng lắm chỉ mất một, quý vị có mười thì mất mười. Sự hy sinh là lớn lao hơn tôi nhiều. Tôi nghĩ tới anh Lê Công Định, anh ấy mất rất nhiều so với gì tôi mất. Nghĩ tới anh Lê Công Định, tôi không khỏi rơi nước mắt. Phần tôi, ra khỏi tù, tưởng được tự do mà tôi vẫn có cảm giác mất tự do giữa lòng Thủ đô, không khác mấy ở trong tù. Nếu không trải qua, không thấy hết được những điều ấy. Ra tù, tôi vẫn hồi hộp, tôi mất ăn, mất ngủ. Người ta bảo được ra khỏi tù, giống như được sinh ra một lần nữa. Nhưng tôi chẳng thấy được cảm giác tự do như thế nào? Công an phường canh gác tôi cả ngày cả đêm, không biết đến bao giờ. Xin được chấm dứt bài viết ở đây và nếu tôi có cơ hội được gặp giáo chủ áo đỏ thì thay vì quỳ gối xin hôn nhẫn. Tôi xin dành việc ấy cho Lê Thị Công Nhân. Tôi xin được cúi đầu, quỳ xuống và xin được hôn lên bàn tay của cô. Người phụ nữ cao quý mà trên đời gặp được một lần đã là quý rồi.
|