Vua Doughnuts Cambodge Triệu Phú Thành Kẻ Không Nhà |
Tác Giả: Sam Quinones | |||||||||
Thứ Tư, 11 Tháng 3 Năm 2009 07:46 | |||||||||
Los Angeles Times số ra ngày 19-1-05
Ted Ngoy ham mê bài bạc. Nay bỏ đạo Phật theo Tin Lành và chấp nhận Chúa phạt vì đã phản bội vợ con. (Ảnh Gary Friedman/ LAT) Dưới mái hiên của một Mobile home ở Long Beach, vua Doughnuts Cambốt, ngả lưng nằm nguy ngẫm sự đời. Một thời được hưởng giầu sang và sự nể trọng của cộng đồng; Một chú bé nghèo rớt mùng tơi, lấy được con gái người danh gia vọng tộc nhất Cambốt; Triệu phú, đã gặp mặt và tài trợ cho 3 vị Tổng thống Hoa kỳ. Ted Ngoy tạo sự nghiệp bằng nghề làm Doughnuts. Qua nhiều năm ông hướng dẫn hàng ngàn đồng bào ông vào thương trường. Nhờ doughnuts, nhiều người Cambốt đã thoát khỏi hoàn cảnh cô lập đi vào dòng sinh hoạt chính của người Mỹ. Tạo dựng hình ảnh nơi thương trường: “Những chủ nhân ông doughnuts, người Cambốt.” Ngày nay, ở tuổi 62, vua doughnuts đã phá sản, vô gia cư và sống nhờ vào sự bố thí của vài người bạn còn lại. Ông James Dok, Chủ tịch Liên Hiệp Cộng Ðồng Cambodge, cán sự xã hội ở Long Beach nói: “Ông ta đã mất hết mọi tiệm doughnuts, giờ đây ông mới bắt đầu một đời sống mới.” Với cái tên cúng cơm Bun Tek Ngoy, mẹ nuôi Ngoy tại một làng nhà quê sát biên giới Thái Miên. Anh thuộc giống Miên gốc Hoa, thành phần bần dân ở xứ Chùa Tháp. Năm 1967, mẹ gởi anh lên học ở thủ đô Nam Vang. Anh phải lòng một cô gái đẹp và kiêu sa. Tên cô Suganthini Khoeun. Bố cô là một viên chức cao cấp trong chính phủ. Anh rể cô, Sutsakhan Sak, là cảnh sát trưởng, đã một thời gian thật ngắn, trong những biến động chính trị của Cam Bốt đã hành sử quyền làm tổng thống trong vài ngày ngắn ngủi. Cha mẹ nàng mong muốn con mình sẽ nên duyên chỗ xứng đôi vừa lứa. Lúc bấy giờ, ở tuổi 16, Suganthini bị kín cổng cao tường, không bạn bè, không được nói chuyện với con trai và hoàn toàn cấm ra khỏi nhà một mình. Ngoy sống trên gác xép, một căn nha thuê, cách căn phố lầu của nhà nàng mấy con đường. Là con trai một anh phu xích lô chắc hẳn không có chút hy vọng nào được lọt vào mắt nàng, không có cả quyền mơ đến chuyện yêu cô. Nhưng một đêm anh đã nghĩ ra cách. Giống như truyện Trương Chi, Ngoy leo lên nóc nhà ngồi thổi ống sáo, tiếng sáo lánh lót vang xa khắp xóm. Suganthini và mẹ cô nghe được tiếng sáo thiên thai ấy. Mẹ cô nói đó là loại âm thanh của người con trai đang yêu. Ngoy viết thơ cho nàng, nhận là người thổi sáo ấy, và nhờ cô sen của nàng đem thơ trao nàng. Tuần sau, Suganthini hồi âm, từ đó cô cậu bắt đầu bí mật trao đổi thư tín. Và rồi, Ngoy xin được gặp mặt. Nàng viết, “Em nghĩ anh không dám vào phòng em đâu, hà em đầy lính gác và có nhiều chó dữ.” Một đêm mưa tầm tã, Ngoychui qua rào kẽm gai bị xước da rách thịt, leo cây dừa chung quanh nhà nàng. Ðu cây dừa nhẩy lên mái nhà rồi lẻn chui qua một cửa sổ. Ướt như chuột, máu me tùm lum, Ngoy rón rén ngoài hành lang mà cũng không biết phòng nào là phòng nàng. Hé mở cửa và lại trúng ngay chóc phòng Suganthini. Cô nàng kinh hoàng, nhưng cũng cho anh ở lại. Suốt 45 ngày, anh trốn trong phòng nàng. Ngủ dưới gầm giường và phải trốn khi gia nhân vào phòng dọn dẹp. Ðêm đêm, Ngoy cõng nàng trên lưng leo cây dừa xuống đường, đạp xe đưa nàng ra dạo phố Nam Vang. Gần sáng lại phải đưa nàng về phòng. Một đêm, dưới ánh trăn rằm, hai người quì gối bên nhau, chích máu ngón tay, nặn vào ly nước, cùng uống, thề trọn đời chung thủy. Bất thần, bố mẹ nàng khám phá chuyện bí mật tống cổ Ngoy ra khỏi nhà. Họ dàn cảnh cho Ngoy hẹn gặp nàng tại nhà một người quen, ép Ngoy phải nói anh chỉ đùa với nàng mà thôi. Bố mẹ cô và người nhà ngồi nấp phía trong theo dõi. Thoạt đầu, Ngoy nói không yêu cô; Anh chỉ giả bộ vậy thôi. Nhưng sau đó Ngoy rút dao ra đâm vào bụng mình và thú thật, anh nói theo lời ép của bố mẹ em. Máu me lênh láng, buộc lòng bố cô phải kêu xe cứu thương chở đi bác sĩ. Sau biền cố ấy, Suganthini bị nhốt trong phòng nhiều ngày. Bất mãn, đau khổ, cô uống thuốc ngủ tự tử. Nhờ phát giác kịp Suganthini chỉ bị coma. Sau khi cả hai bình phục, buộc lòng bố mẹ nàng phải chấp thuận cho họ lấy nhau. Chiến tranh bùng nổ, năm 1970, Ngoy nhập ngũ. Ðược người anh rể nàng nâng đỡ, Ngoy leo lên đến cấp thiếu tá và được bổ đi làm tại lãnh sự quán bên Thái Lan. 1975, Pol Pot và Khờ Me đỏ cướp chính quyền, cuộc diệt chủng Cam Bốt mở màn. Ngoy sang Mỹ khởi nghiệp trong thế giới doughnuts. Họ thuộc đợt dân Cambốt đầu tiên đến tị nạn ở Mỹ. Hai vợ chồng, ba người con đến trại Pendleton không một xu dính túi. Nhà thờ Lutheran Peace ở Tustin thuê Ngoy làm hốt rác, quét dọn. Anh xin được việc làm thứ hai tại cây xăng. Gần cây xăng có một tiệm donut. Hàng đêm anh quan sát khách ra vào tiệm. Hăm hở muốn học việc buôn bán, Ngoy tìm gặp ông chủ tiệm. Họ nói Winchells Donut có chương trình huấn luyện và thuê làm quản lý. Ngoy xin vào học nghề rồi nhận tiệm Winchell donut ở Newport Beach. Anh thuê vợ và đứa cháu vào làm. Mấy người nhà làm 17 giờ mỗi ngày và dành dụm nhiều năm. Ngoy mua tiệm donut đầu tiên của một cặp vợ chồng về hưu, tiệm xìu xìu ễn ễn. Từ ngày đổi tên là Christys Doughnuts ở La Habra bắt đầu sung túc. Từ đó bất cứ tiệm donut nào Ngoy mở cũng mang tên Christys Doughnuts. Trong vòng năm sau Ngoy mua các tiệm ở Fullerton, Anaheim, Anaheim Hills và Buena Park. Anh còn muốn mua thêm tiệm nữa, nhưng đã thấm mệt với 5 tiệm đầu tiên này. Ngoy nẩy ra sáng kiến. Dân Cambốt tị nạn đến California khá đông. Tiệm đo nut rất dễ điều hành. Chủ nhân có thể thuê mướn toàn người nhà. Ngoy mua và mở thêm nhiều tiệm và cho người đồng hương sang lại. Ngoy gật gù: “Tôi vui và mọi người đều vui vẻ cả làng.” Ngoy lái xe motorhome, xe đủ tiện nghi đi vòng quanh California, mở tiệm ở Los Angeles, Modesto, Fresno, San Jose, vùng vịnh Brisbane, Sacramento và San Diego. Tại mỗi địa phương anh dựng tiệm và huấn nghệ cho gia đình rồi sang lại cho chủ nhà. Ngoy dạy họ cách làm bánh và tính sổ sách. Anh dạy họ tên từng loại bánh: Old fashion, Jelly-Filled, Glazed. Anh giúp họ xin giấy phép. Anh cùng đứng tên với chủ vay tiền mua dụng cụ và hàng hóa. Ngoy giúp cho hàng trăm dân Cămbốt tị nạn xin nhà ở và thẻ An sinh xã hội. Cũng nhờ Ngoy mà nhiều người Cambốt khai nghề nghiệp đầu tiên của họ ở Mỹ là làm Donut. Doughnuts giúp cho nhiều ngàn người thoát khỏi gánh nặng Welfare. Nhiều gia đình đã đi theo bước chân của Ngoy học buôn bán, làm ăn và học Anh ngữ. Lợi tức từ tiệm donut đưa con cái họ vào đại học. Ðến bấy giờ Ngoy không nhớ nổi đã làm chủ bao nhiêu tiệm donut, 40 ? 50 ? 60 ? Ngoy thường nói: “Tôi muốn mở càng nhiều tiệm càng tốt. Chẳng biết rồi sẽ ra sao, nhưng tôi vẫn cứ tiếp tục mở thêm tiệm.” Cũng như Ngoy, nhiều người Cambốt gốc Hoa sang tiệm của ông. Họ sang tiệm và giao dịch bán buôn chỉ cần một cái bắt tay. Ông nói hầu như mọi người đều sòng phẳng với ông. Khoảng giữa thập niên 1980 Ngoy đã thành triệu phú. Nhưng, hơn cả tiền tài, ông được sự kính nể của mọi người. Năm 1985, ông và Suganthini trở thành công dân Mỹ. Họ thay tên Mỹ. Ông là Ted bà là Christy. Vợ chồng ông mua căn nhà 3 tầng, 7,000 square-feet, trị giá $1 triệu đô, garage 3 xe ở Lake Mission Viejo, Quận Cam. Ted thích chơi xe Cadillac và bà vợ khoái Mercedes-Benz mui trần. Họ có một căn nhà mát ở Big Bear, và phần nhà chung nghỉ hè ở Acapulco, Mexico. Họ đã đi du lịch sang Âu Châu hai lần. Ted Ngoy gia nhập đảng Cộng Hòa, tổ chức tiệc gây quĩ cho tổng thống Buch bố, đã diện kiến tổng thống Reagan và Nixon.Ông luôn luôn cổ động đồng hương gốc Á Châu ủng hộ đảng Cộng Hòa.
Năm 1991 Ted Ngoy gia nhập Ðảng Cộng Hòa, giúp gây quỹ tuyển cử cho Tổng Thống George Bush. (Ảnh Gary Friedman/ LAT) Dân Cambốt theo kiểu Ted Ngoy làm thương mại. Khách hàng của Ted mở thêm tiệm và cho đồng hương sang lại. Khoảng đầu thập niên 1990 con số tiệm Doughnuts, do người Cambốt làm chủ tại California lên đến 2400 tiệm. Ngoy mãn nguyện: “Mọi người đã tìm được mỏ vàng.” Thế nhưng, dù với những thành công ấy, Ted Ngoy vẫn cảm thấy không hạnh phúc và bị cô lập. “Thiếu chính trị, thiếu tôn giáo, chỉ có làm và làm;” “Tất cả chỉ thấy tiền, đonut rồi ngủ.” Ông sẵn sàng đi vào một thứ đam mê khác. Ngoy cảm nhận hương vị đam mê mấy năm trước đó. Gia đình ông Ngoy đi Las Vegas lần đầu năm 1977. Họ coi Elvis Pressley trình diễn, và Ted chơi vài ván “Zì Zách.” Mấy năm sau, Ted trở lại Vegas hàng tháng, coi show Tom Jones, Diana Ross và Wayne Newton, và cũng đánh bài nhiều hơn. Các sòng bài Caesars Palace, MGM Grand và Mirage đón rước Doughnuts King rất phải phép. Họ cho phòng free, đồ ăn, vé máy bay hạng nhất, ngồi hàng đầu xem show và boxing. Ngược lại, Ted cúng cho sòng bài hàng ngàn, hàng ngàn đô la. Ted Ngoy tâm sự: “Las Vegas là thế giới mới, bên cạnh tiền và Donut.” Vợ Ngoy rất ghét tánh cờ bạc của ông. Chị thấy những khoản tiền thua bạc khổng lồ rồi họ cãi cọ liên miên. Nhiều lần bà tha thứ khi ông hứa bỏ, nhưng ít lâu sau, chứng nào tật ấy. Bà nói: “Tôi đã tin lời hứa của ổng cả ngàn lần rồi.” Rồi Ngoy lén bay đi Las Vegas không cho vợ biết, nhiều khi đi cả tuần không về. Bà lái xe, chở đứa con út, kiếm ổng từ sòng bài này tới casino khác. Ngoy ký giả tên vợ, check vợ. Ngoy mượn tiền của các chủ thuê tiệm. Mượn nhiều quá ổng gán tiệm luôn cho họ. Ngoy tâm sự: “Khi ngồi vào bàn bạc, ta thấy hứng khởi, ma lực trong cơ thể sai khiến ta, không thể cưỡng lại nổi.” Tiếng đồn lan ra. Người tị nạn vẫn đến nhờ ông cố vấn bắt đầu xa lánh, họ sợ bị ông vay tiền. Trong lớp hướng dẫn tránh bài bạc Gamblers Anonumous, Ngoy than: “Tôi khóc, mọi người thề thốt, nhưng sau đó chúng tôi vẫn trở lại với thần đỏ đen.” Ngoy còn cá độ với những tay bookies Cambốt đủ đồ chơi: football, basketball. Nhiều Chua nhật ông thua cả 50 ngàn đô. Năm 1990, Sau cuộc khủng hoảng bài bạc ở Las Vegas, ông Ngoy bay lên Washington DC xin vào chùa, cạo đầu, mặc áo cà sa. Ông vua Donut tu tâm trọn tháng. Sau đó ông còn bay sang chùa ở miền quê bên Thái Lan. Sáng sáng ôm bình bát, đi chân không, trên nhiều khúc đường sỏi đá xin ăn với các khất sĩ khác. Sau chuyến khổ tu, trở lại quận Cam, ông lại cờ bạc hơn trước. Ngoy than: “Sư sãi, không giúp được tôi, Phật cũng chẳng cứu nổi tôi.” Cambodge có chương trình bầu cử lần đầu năm 1993, nhà nước kêu gọi công dân về tham chánh. Ngoy là một trong số những người nghe theo. Tài sản Doughnuts của ông cũng gần tiêu tan hết. Ông bán luôn mấy tiệm còn lại. Nhà băng tịch thu căn nhà ở Mission Viejo. Trở về Cambốt, Ngoy lập đảng Cộng Hòa Tự Do Phát Triển. Ông Ngoy tin sẽ giúp tạo cơ hội cho mọi người phát triển đi đến phồn vinh. Ông cũng hy vọng với việc tham gia sinh hoạt chính trị sẽ giúp ông lánh xa bài bạc. “Khi thành một nhân vật lớn, tôi không thể bài bạc được nữa vì cử tri sẽ không bỏ phiếu cho tôi. Họ không tin kẻ bạc bài.” Ðảng của ông thảm bại cả hai cuộc bầu vào quốc hội 1993 và 1998. Nhưng thủ tướng Hun Sen mời ông Ted Ngoy làm cố vấn về thương mại và nông nghiệp. Dùng ảnh hưởng thân cận với đảng Cộng Hòa, ông Ngoy thành công trong việc vận động Hoa kỳ ban qui chế Tối Huệ Quốc cho Cam bốt, năm 1995, giúp cho kỹ nghệ may mặc phát triển mạnh tạo hàng ngàn việc làm. Khi Christy trở về California dự sinh nhật cháu ngoại năm 1999, Ngoy cặp một thiếu nữ, ông mang về sống trong nhà. Ðối với Christy, đó là sự phản bội sau cùng. Bà ly dị và không trở lại Cambốt nữa. Ông Ngoy rời chính trường bất ngờ năm 2002, khi chống lại hai người đồng minh lớn, bộ trưởng thương mại và Chủ tịch phòng Thương mại Cambodge. Trong một cuộc họp báo ông Ngoy tuyên bố giải tán đảng và tố cáo chính quyền tham nhũng. Ngày hôm sao ông bay trở lại Los Angeles, bỏ sau lưng bà vợ mới và hai đứa con với bà. Ông vua doughnuts một thời đến phi trường LAX chỉ còn $50 đô trong túi. Ông trở lại với cộng đồng tỵ nạn ngày xưa. Trong khi ấy 30 tiệm Doughnuts của bà Christy vẫn còn hoạt động cũng như hàng trăm tiệm của những chủ nhân Cambodge khác. Người Cambodge cũng đang bắt đầu bỏ dần nghề đô nut, vì quá mệt mỏi với cách làm việc 17 giờ mỗi ngày mà chỉ kiếm được 13 xu lợi tức từ mỗi chiếc bách bán ra 65 xu. Họ bắt đầu tiến lên, đầu tư vào tiệm liquor, chợ và nhà hàng. Không một người nào đã được ông Ngoy giúp đỡ ngày xưa cứu vớt ông. Ông Ngoy trách: “Tôi dạy cho họ, chia xẻ tình yêu với họ, bằng con tim trí óc. Và bây giờ họ đâu hết rồi?” Ông nói tật bài bạc của ông đã kiểm soát được rồi - hoặc chẳng còn tiền bạc để thử nữa. Hiện giờ ông Ngoy sống nhờ vào lòng từ bi của vài người bạn bố thí cho. Ông từ chối lam gác dan, vì: “Còn sức đâu mà đứng ngày 8 tiếng.” Ông có học lớp địa ốc nhưng than không thể nhớ nổi nhiều chi tiết. Ông Ngoy đã tin Chúa Jesus, cho biết ông cầu nguyện mỗi ngày, xin Thiên Chúa cứu giúp ông. Chua Nhật ông thường dự Thánh lễ tại nhà thờ Parkcrest Christian ở Long Beach, rồi trầm tư mỗi chiều, một mình, ngồi đọc Thánh Kinh.
Ted Ngoy nhờ một mái hiên, mobile home ở Long Beach làm nhà trọ lúc cuối đời, sau khi đã lên voi, xuống chó vì tính cờ bạc. (Ảnh Gary Friedman/ LAT) Một tín hữu cùng Hội thánh cho ông ngủ nhờ ở mái hiên có lưới, bên ngoài cái mobile home của bà. Ông thu vén lại thành chỗ ngả lưng, gia tài còn lại là mấy cái áo và vài cái quần máng trên dây phơi. Ông Ngoy tự xét mình, đang chịu hình phạt của Thiên Chúa, phạt ông về tội bội lời thề uống máu của ông và Suganthini dưới ánh trăng rằm ở Nam Vang năm nào. Bà Christy Ngoy hiện giờ làm chủ một nhà hàng đặc sản Peru ở Irvine. Một người con trai của họ làm cố vấn tài chánh, người kia làm Computer Networking. Con gái bà làm chủ tiệm Hamburger kiểu cổ điển cũng ở quận Cam. Bà Christy nói về người chồng cũ: “Ðã có lần tôi tưởng, chắc tôi chết nếu có chuyện gì xẩy đến với anh ấy. Nhưng cuộc tình lãng mạn ấy giờ đây đã quá xa, tôi thấy dường như đã xẩy ra cho một người nào khác. Người đàn ông lạ đột nhập vào phòng ngủ của tôi cách đây 35 năm là một người xa lạ với tôi rồi.” Ted Ngoy cũng trở thành người xa lạ với chính ông ta. Ông nói: “Tôi không biết bây giờ tôi là ai. Tôi tự hỏi: Ted, Ông là Ai? Tôi cũng không biết luôn.”
|