Truyện Vũ Hổ, người làng Nhân |
Tác Giả: Vietsciences- Phan Huy Đường | |||
Thứ Tư, 25 Tháng 3 Năm 2009 21:26 | |||
Nước Ðại Hạnh, tuy nhỏ, là một nước thịnh vượng hồi đầu thế kỷ thứ 21. Nước Ðại Hạnh có kinh tế hùng hậu, công nghiệp hiện đại, và nền văn hoá phong phú, đa dạng lạ thường. Người Ðại Hạnh nổi tiếng cần cù, thông minh, hài hước. Hầu hết giỏi một ngành khoa học, thạo một môn thể thao, sành một ngón văn nghệ (không kể thơ, điều này đối với người Ðại Hạnh coi như đã đành). Tác phẩm văn học, nghệ thuật của người Ðại Hạnh phổ biến khắp thiên hạ, có cả trăm triệu khán giả, độc giả ham mộ. Tuy vậy, suốt mấy trăm năm, người Ðại Hạnh không để lại cho đời một trường phái triết học, văn học hay nghệ thuật. Ðiều này thật khó hiểu. Có lẽ vì người Ðại Hạnh quá hài hước. Khi có tác phẩm ra đời, họ tụm nhau khen chê, bàn tán inh ỏi hơn vỡ chợ. Chẳng mấy hồi, cuộc tranh luận tan trong trận cười quên lãng, và cuộc tranh luận khác nổ ra. Về phương diện này, mỗi người Ðại Hạnh là cả một trường phái ! Do đó người Ðại Hạnh, tuy sành nghệ thuật, không ai ham nghề phê bình văn học, nghệ thuật. Ở Ðại Hạnh, nghề đó chết đã lâu. Ðiều lạ nữa : với truyền thống như vậy, suốt mấy trăm năm, những nhà cầm quyền ở Ðại Hạnh không có người nào nổi tiếng văn học, nghệ thuật, ngoài ông vua cuối cùng triều Vũ. Ông cũng chỉ nổi tiếng từ ngày ông ngâm thơ từ chức, bỏ ngai vàng, lập nền cộng hoà dân chủ. Bài thơ đó còn giữ trong viện bảo tàng. Người qua lại đọc còn thấy thích. Văn nhân, nghệ sĩ đều khen hay. Theo ông Hiền, hiện tượng kỳ lạ này có từ đời Vũ Hổ, người sáng lập triều đình nhà Vũ. Vũ Hổ sinh thời Bắc thuộc, cuối thế kỷ thứ 14, người làng Nhân, ở chân núi Nam Bình. Năm đó sưu cao, thuế nặng, lại mất mùa. Nạn đói lan tràn. Người gồng, kẻ gánh la liệt ngập các nẻo đường. Mẹ Vũ Hổ ôm Vũ Hổ lết tới cây đa đầu đình làng Nhân thì tắt thở, mặt vẫn tươi, môi vẫn cười, mắt trừng trừng, không ai vuốt nhắm được. Người làng Nhân động lòng, mang Vũ Hổ về, chia nhau nuôi. Vũ Hổ lớn lên, khỏe như voi, nhanh như cắt, sống nghề săn thú, ham mê võ nghệ, say sưa đèn sách, nổi tiếng văn võ song toàn. Núi Nam Bình có nhiều hang động. Thuở đó có con yêu tinh chiếm đóng một hang lớn ngay đầu làng Nhân, phá phách dữ tợn, không ai sống yên được. Nó đặt lệ, cứ đêm trăng rằm, phải hiến một cô gái. Người làng Nhân mời ông đạo, thầy tu yểm bùa, niệm chú. Không bùa chú nào diệt được nó vì không ai đoán được nó là thú gì thành tinh. Người cho nó là lợn tinh vì nó ngáy khò khè như lợn ăn cám. Người lại nghĩ nó là chuột tinh vì có lúc nó ngủ trong hang đuôi nó thò ra, coi như đuôi một con chuột khổng lồ. Số đông tin nó là vượn tinh vì khi nó chụp cô gái làng mang cúng nó, tay nó dài, lông lá như tay vượn. Ðiều chắc chắn, quái vật này sống bằng thịt người. Buổi sáng, sau đêm trăng rằm, luôn có một suối máu nhỏ rỉ từ miệng hang. Trai làng Nhân, đã nhiều người tuốt gươm xông vào động. Không ai trở về. Một đêm Vũ Hổ ngủ dưới cây đa đầu đình làng. Bỗng thấy mình bơi trong một biển máu. Táp vào bờ, gặp một vựa lúa mênh mông, hạt vàng nặng trĩu. Vũ Hổ tiến sâu vào vựa lúa, thấy một vườn hoa tuyệt đẹp, phong phú lạ thường. Giữa vườn hoa, có một lán nhỏ, thanh tao. Trong lán, một thanh niên đang cầm bút. Vũ Hổ rùng mình : thân hình, vẻ mặt thanh niên ấy y hệt như mình. Vũ Hổ dơ tay vẫy, cất tiếng gọi. Thanh niên biến mất. Vũ Hổ giật mình tỉnh dậy, thấy một lưỡi gươm dài, ánh sáng toả ra trong và lạnh như đêm trăng buồn. Sáng đến, Vũ Hổ đem gươm trình làng. Bô lão nói : Ðời nay, thiếu gươm giáo khó nên người. Thần làng cho con gươm để lập nghiệp. Con sống cho xứng với nó. Vũ Hổ xách gươm lao vào động, xách đầu yêu tinh phóng ra. Mọi người kinh ngạc : yêu tinh chẳng khác gì người. Có mắt, có mũi, có miệng, có tai. Da mặt hồng hào, không có gì khủng khiếp ngoài đôi nanh nhọn hoắt. Không biết nó thành tinh từ thuở nào mà lông mày dài, trắng như bông. Vũ Hổ chém yêu tinh xong, dấy cờ khởi nghĩa. Trai làng Nhân và các vùng lân cận ùa theo. Nhân tài bốn phương tụ về như kiến. Chẳng bao lâu, Vũ Hổ lập được căn cứ địa vững chác. Giặc vây đánh nhiều lần không sao diệt nổi. Có lúc Vũ Hổ đột ngột xuất quân hạ thành. Nhưng rồi không sao giữ được. Hai bên giằng co nhau mười năm, không phân thắng bại. Một hôm, trong lúc Vũ Hổ suy tính cách đánh giặc, Văn Thành xin yết kiến. Nhìn thanh niên Vũ Hổ cảm thấy lạ lạ, chắc chắn gặp người quen mà không sao nhớ được là ai, ở đâu. Sáng hôm sau, soi gương, mới hiểu : Văn Thành trông y hệt Vũ Hổ thời thanh niên. Hai người đàm luận với nhau ba ngày đêm, rất tâm đắc. Vũ Hổ chưa từng gặp ai thấu hiểu lòng mình như Văn Thành. Vũ Hổ mừng rỡ, mở tiệc. Rượu nồng, cảm hứng trào họng, Vũ Hổ ngâm một câu thơ vịnh sông núi. Văn Thành ứng khẩu một câu. Cứ thế, mỗi người một câu, quyện lại thành bài Vịnh Núi Sông tuyệt vời, sử sách còn ghi. Vũ Hổ sai lấy một tấm lụa, truyền Văn Thành ghi lại thơ, rồi hoa bút vẽ chân dung Văn Thành. Lại sai Văn Thành vẽ chân dung mình vào tấm lụa. Quần hào tấm tắc khen đẹp như Tử Kỳ, Bá Nha. Thành không phải võ tướng, không biết điều quân. Nhưng thơ văn của Thành lay chuyển lòng người. Ðược Thành giúp, Vũ Hổ được ngòi bút thần phóng thơ, truyền hịch. Chẳng bao lâu uy tín, ảnh hưởng của Vũ Hổ cuồn cuộn sóng. Khắp nơi vang tiếng giáo gươm. Vũ Hổ đánh đâu thắng đấy. Có khi không đánh mà được thành. Chiếm được thành, không chi quân bảo vệ vẫn không mất. Tết năm ấy, Vũ Hổ mở cuộc tổng tiến công, đánh trận quyết định trên sông Bạch. Hai bên đem toàn lực chọi nhau. Nước sông đỏ ngầu, sụt sùi ba ngày ba đêm không ngớt. Vũ Hổ toàn thắng, kéo quân về Kinh Thành, lên ngôi hoàng đế, mở tiệc khao quân, lập đàn thưởng tướng. Vua thưởng phạt rất công minh, mọi người thán phục. Lúc mãn cuộc vua mới cho vời Văn Thành lên đàn : Trẫm dựa vào lòng dân để dựng nước. Vậy khai sơn, lập quốc, công đầu là thơ văn của khanh. Gươm này, Trẫm mang từ thuở cơ hàn, chém yêu tinh, khởi nghĩa, lập cơ đồ. Ðây là phần thưởng cao nhất, Trẫm dành riêng cho Khanh. Văn Thành quỳ lạy, ôm gươm, trào nước mắt. Vua sai sửa sang dinh thự, cung thất. Nhớ thuở hàn vi, Vua sai cất một lán nhỏ bên hậu cung. Những đêm trăng rằm, Vua ra đó suy nghĩ, ngắm cảnh, làm thơ. Ðại thần văn hay chữ tốt, Vua cho tham dự, được Triều Ðình coi như những ngôi sao sáng của trời đất, soi đường chỉ lối cho muôn đời... Rồi Vua cất quan cai trị, ban bố pháp lệnh nghiêm khắc để giáo huấn dân, ổn định nước. Ðại thần khen là anh minh và lạy mừng. Chỉ có Văn Thành không nói gì. Vua gọi Văn Thành vào hậu cung hỏi ý. Thành tâu : Nước nhà binh lửa quá nhiều năm. Dân đen lầm than cơ cực đủ điều. Bệ Hạ nên mở lòng nhân, nới rộng vòng sống cho trăm họ, hoà hợp muôn nhà. Dân được thở, chăm lo cuộc sống, an cư lạc nghiệp, dân sẽ giàu, nước sẽ mạnh, ngai vàng như bàn thạch nghìn thu. Vua phán : Lòng khanh chẳng khác lòng Trẫm. Nhưng khanh thấy một mà không thấy hai. Nước nhà vừa qua cơn binh lửa. Trộm cướp lúc nhúc khắp nơi. Tôi trung, tớ phản, chung một mặt người. Lòng trắng, dạ đen làm sao phân biệt ? Quân thù lại lăm le phía bắc, gườm ghè phía nam. Sơn hà xã tắc này không thể để mất. Nay ta ban pháp lệnh nghiêm minh, uốn nắn lòng người, cải tạo nếp sống, đưa cuộc đời vào vòng chính đạo, trăm họ như một nhà, giang sơn vững hơn bàn thạch, phồn vinh, phú quý sẽ đến với muôn dân. Thành thở dài : Ðiều đó, đám công thần kia làm sao kham nổi ? Toàn là những trang anh kiệt thật. Nhưng bấy nhiêu năm đâm chém đã thuần tay, mưu mẹo đã mềm lưỡi, nay đi uốn nắn nhân tình ắt tan nát. Bệ Hạ nên treo bảng cầu hiền mà trao trọng trách. Vua cũng thở dài : Trẫm đâu phải không thấy điều đó. Người hiền xứ này cũng không thiếu. Nhưng khác nào những ngọn đèn le lói trong đêm. Tụ cả nghìn, chẳng qua cũng như đàn đom đóm, chỉ một cơn gió lốc, tan tành ngay. Ðám công thần kia theo Trẫm từ thuở hàn vi, nằm gai nếm mật, rèn luyện, gọt dũa bấy nhiêu năm, máu xương mới quyện thành khối đồng, đủ cân lật định mệnh trên sông Bạch, trấn sơn hà hôm nay. Rồi Vua ban cho Thành một bầu rượu quý, cho về. Hôm sau Thành cáo bệnh từ quan. Thành sống ẩn dật, an nhàn, ưa đi đây đó, thăm người, viếng cảnh, làm thơ. Người đời yêu thơ Thành, truyền miệng ngâm nga, lan nhanh hơn lửa. Một hôm, có quan đại thần tâu : Văn Thành cậy công, sanh lòng bất mãn, làm thơ ta thán Triều Ðình, phá rối lòng người, có ý nghịch loạn. Tội đáng chém. Vua sai mang thơ Văn Thành vào nộp. Vua đọc qua, thở dài, đanh mặt lại, truyền gọi Văn Thành vào chầu. Vua tôi gặp nhau cả một buổi, không biết nói với nhau những gì. Ngay sau đó, Vua sai bày tiệc đãi Văn Thành, ép Thành uống chung một bầu rượu, rồi sai đao phủ chém đầu Thành bêu ngoài chợ. Nhà Thành bị chu di tam tộc, của cải xung vào công quỹ. Riêng thanh gươm báu, Vua giữ lại treo trên tường lán. Từ ấy, dân Ðại Hạnh không ai dám làm thơ. Triều Ðình cũng vậy. Ngoài mấy ông sao sáng của trời đất không ai dám ghẹo vần mân nhịp. Tuy vậy, thơ văn vẫn là công tác quan trọng bậc nhất trong Triều. Người làm thơ thì ít. Người bình luận thơ, không bao giờ thiếu. Còn người bình luận bình luận, không sao kể xiết. Công việc Triều Ðình nhốn nháo, căng thẳng, phức tạp vô cùng, không ai thông suốt nổi. Mười năm thịnh trị, dân vẫn lận đận, nước vẫn lao đao, giặc vẫn gườm ghè, Triều Ðình nghiêng ngửa. Không quan nào dám hạ bút tâu trình. Thuở đó, cầm bút nguy hiểm hơn xách dao lao vào hang cọp. Một hôm Vua cải trang, len vào đám dân, thăm dò nhân tình. Làng xã xác sơ, phụ nữ tiêu điều, đàn ông len lét. Vua không vui, vào một quán nhỏ giải buồn. Trong quán, có đám thanh niên tranh luận sôi nổi. Một người bỗng ngâm một bài thơ. Mọi người xúc động, lặng im. Vua nghe qua, rùng mình, lẩm bẩm : Văn Thành chết đã lâu, ai dậy gã thanh niên hành văn như vậy ? Vua về cung, sai tóm cổ đám thanh niên, mang ngay ra chợ chém. Thanh niên nọ, bước lên đoạn đầu đài, vẫn ngâm nga. Ðao phủ tâu lại. Vua nghe xong thở dài : Ta đã quá già rồi. Giang sơn gấm vóc này là quá khứ của ta. Tương lai kia là của họ. Không ai ghìm được tương lai, hơi đâu mà bịn rịn ! Sáng hôm sau, lâm Triều, Vua phán : Các quan lớn nhỏ trong Triều, ai yêu thơ, đứng sang một bên. Triều thần sao xuyến, không biết phải xử sự thế nào. Một lúc lâu sau, một số người tách sang một bên, trong đó có cả vài ông sao sáng của trời đất. Vua ban thưởng hậu cho từng người, đuổi về làm dân. Người ra về, kẻ mừng thầm, người đau xé ruột. Vua lại phán : Từ nay, trong Triều, cấm quan lớn nhỏ làm thơ, bình thơ, đề cập tới thơ văn. Ai trái lệnh, chém đầu không tha. Quan nghe phán, người mừng thầm, kẻ đau xé ruột. Vua lại bảo thế tử : Ngươi văn võ song toàn, theo ta lập quốc từ nhỏ, đã thấy máu người sôi sục ba ngày đêm trên sông Bạch, nay đã nghe rõ mệnh ta, phải biết liệu thân. Thế tử sụp lạy, trào nước mắt, xin nhường ngôi cho em. Vua đanh mặt lại, đuổi khỏi cung, cho làm thường dân. Rồi Vua sai chất thơ văn thời kháng chiến vào kho, đốt sạch thơ văn mười năm thịnh trị. Từ đó Vua không vào lán ngắm cảnh, làm thơ nữa. Một hôm, quan Ðại Tư Mã hấp tấp vào chầu, khẩn trương báo cáo : Các quan yêu thơ, bị đuổi về làng, bất mãn, tụ năm tụ bẩy bàn luận nhảm nhí, ngâm nga có ý phạm thượng. Ðây là mầm phản loạn nghiêm trọng, xã tắc lâm nguy, phải nghiêm trị xác đáng. Vua cau mày quát : Trẫm đã có lệnh cấm Triều Ðình đả động tới thơ văn, sao ngươi dám trái mệnh ? Bèn quay sang Tể Tướng : Pháp lệnh thế nào ? Tể Tướng đáp gọn : Tội khi quân, phải chém. Bèn hô tả hữu chém đầu Ðại Tư Mã, bêu giữa Triều. Quan lớn nhỏ không ai hé miệng can, người mừng thầm, kẻ tê tái. Từ đó trong Triều Ðình không ai dám đả động đến thơ văn. Bớt chuyện bàn láo, không khí bớt căng thẳng, trong sáng dần. Quan lớn hết làm thơ đâm ra có thời giờ học nghề quan lớn. Quan nhỏ hết bình thơ đâm ra có thời giờ chạy việc quan nhỏ. Công việc Triều Ðình tự nhiên hết bề bộn, ngăn nắp dần, lân la thành nếp. Dân không làm quan, ngứa miệng ngâm nga. Thơ văn trong làng xóm dập dìu biển cả. Thơ hay không thiếu. Thơ tồi không phải hiếm hoi. Dân không làm quan, khen chê vô thưởng vô phạt, đâm ra quen thói khen chê thẳng thừng, kịch liệt. Những cuộc tranh luận nổ ra hàng ngày, sôi nổi, ồn ào. Nhưng rồi mây trôi, bèo nổi, hoa tàn. Tính hài hước của người Ðại Hạnh có lẽ bắt nguồn từ đó. Nụ cười làm cuộc sống bớt ngộp. Trời lại cho được mùa mấy năm liền. Nước Ðại Hạnh trở nên giàu có, hùng cường, không ai dám dòm ngó nữa. Năm 79 tuổi Vua lâm bịnh, biết mình chẳng sống được nữa. Vua gọi thế tử vào chầu, trao hết chính sự, dặn dò vài câu, rồi rút về lán nhỏ, chờ chết. Vua ở lán, không tiếp đại thần, không cho hoàng hậu, hoàng tử vào thăm. Vua sai người vào kho lấy sách sử thuở xưa, đọc qua ngày, thấy lòng bớt lạnh nhạt. Một hôm, Vua mở một tấm lụa, thấy bài Vịnh Núi Sông, chân dung Vũ Hổ, Văn Thành còn tươi nét mực. Vua thở dài, gấp lại, sai mang sách sử trả về kho. Rồi Vua mê sảng. Nhắm mắt lại, thấy mình lướt trên một biển máu. Tắp vào bờ, gặp một vựa lúa mênh mông, hạt vàng nặng trĩu. Vua tiến sâu vào vựa lúa, thấy một vườn hoa tuyệt đẹp, phong phú lạ thường. Giữa vườn hoa có một lán nhỏ, thanh tao. Trong lán, một thanh niên đang cầm bút. Vua rùng mình : phong cách, gương mặt thanh niên ấy y hệt như mình thời niên thiếu. Vua mừng rỡ, dơ tay vẫy, cất tiếng gọi. Thanh niên biến mất. Vua giật mình tỉnh dậy, thấy một lưỡi gươm dài, ánh sáng toả ra trong và lạnh như đêm trăng buồn. Vua băng hà, không để lại di chúc. Lúc lâm chung, mắt trừng trừng găm vào gươm báu thần làng Nhân tặng thuở xưa, tay lều khều chỉ trỏ, môi mấp máy như muốn trối trăng điều gì, rồi thở dài, nhắm mắt lại, đi như người đi ngủ, không cần ai vuốt mắt. Nhà Vũ trị vì hơn bốn trăm năm, vẫn duy trì lệ cũ : quan không làm thơ, thơ không làm quan. Ðời nào cũng có anh hùng hào kiệt. Ðời nào cũng có văn nhân, nghệ sĩ trác tuyệt. Ðầu thế kỷ 20 nhà Vũ cạn nghiệp trời. Vua Vũ sinh được một trai, Vũ Thành, thì mất. Vũ Thành, giọt máu tận cùng của Vũ Hổ, là một đứa trẻ khôi ngô, tuấn tú, thông minh lạ thường. Năm tuổi, Thành xuất khẩu thành chương. Bẩy tuổi, đường cờ như rồng bay phượng múa, Triều Ðình không ai địch nổi. Chín tuổi, vẫy bút thành tranh. Mười ba tuổi, thổi tiêu, người nghe ngấn lệ. Năm Vũ Thành 18 tuổi, Triều Ðình sai lập đàn tế trời đất, mời Vũ Thành lên ngôi. Vũ Thành lên đàn, vái trời, lạy đất, ngâm một bài thơ thống thiết, từ mệnh, bỏ ngôi, rời trời, trả đất cho thiên hạ, xin được làm người. Triều Ðình vội họp bàn mưu xử sự. Thuở đó, nước Ðại Hạnh đã chuyển qua nền quân chủ lập hiến từ lâu. Hoàng tộc chỉ còn tính chất tượng trưng truyền thống. Việc Triều Ðình tập trung vào bốn mùa tế lễ. Thế mà quan quân vẫn bị cấm làm thơ ! Ðời sống trong Triều tẻ nhạt. Gặp dịp, một đại thần bèn phát huy sáng kiến... đề xuất nghị quyết... giải tán Triều Ðình. Cả Triều Ðình mừng rỡ ! mau mau nhất trí thông qua. Chính phủ hoảng hốt, can thiệp... giải thích... tranh thủ... Sao cũng không được. Chính phủ đành ban cho Triều Ðình huân chương anh hùng lao động tập thể bội tinh, cho xây viện bảo tàng lưu truyền thơ Vũ Thành, tuyên bố nền Cộng hoà dân chủ. Từ ấy, người Ðại Hạnh hết là thần dân. Từ ấy, nước Ðại Hạnh thừa sức cạnh tranh với thiên hạ. Từ ấy, trong tim người Ðại Hạnh không còn nắng hạ. Chỉ còn nụ cười vênh váo, khốn nạn của hôm nay. Ðó là truyền thuyết về Vũ Hổ, người làng Nhân, nước Ðại Hạnh, nhà Vũ, thế kỷ 20. Ông Hiền hớp cạn ly uítkidônioancơ, thở dài, cười ngất.
|