Ung Thư Gan PDF Print E-mail
Tác Giả: Bác sĩ Nguyễn Ý Đức (Texas- Hoa Kỳ)   
Thứ Năm, 04 Tháng 12 Năm 2008 06:32

  Gan là bộ phận lớn nhất trong cơ thể, nằm phía bên phải bụng, dưới hoành cách mô, trên dạ dày, sau xương sườn. Gan có hai thùy: thùy phải và thùy trái, nhỏ hơn.

Gan tiếp nhận máu qua động mạch và tĩnh mạch gan.

Gan có nhiều nhiệm vụ quan trọng để giữ cơ thể khỏe mạnh:

- Lọc bỏ các chất có hại ở máu như dược phẩm, hóa chất, rượu.

- Sản xuất enzym và mật để tiêu hóa thực phẩm.

- Chuyển hóa thực phẩm ra những chất cần thiết cho sự sống và sự tăng sinh mô bào.

- Điều hòa lượng đường và chất béo trong máu.

 

Ung thư gan có thể là:

- Nguyên phát, từ chính các tế bào gan bị ung thư, hoặc:

- Thứ phát, ung thư từ các bộ phận khác di căn tới gan, như ung thư phổi, dạ dày, ruột già.

Ung thư gan nguyên phát đứng hàng thứ 5 trên thế giới trong số các bệnh ung thư với hàng triệu tử vong mỗi năm. Ung thư này có nhiều ở các quốc gia vùng Đông Nam châu Á, Nhật, Đại Hàn, và các quốc gia châu Phi gần Sahara. Nơi đây, số người bị bệnh viêm gan B cũng khá cao.

Tại Việt Nam, ung thư gan đứng hàng thứ nhì sau ung thư phổi và 70% do biến chứng của bệnh nhiễm virus viêm gan B.

Riêng tại Hoa Kỳ, hàng năm có khoảng 14,000 tử vong vì ung thư tế bào gan.

 

Rủi ro đưa tới ung thư gan

 

Nguyên nhân chính xác gây ra ung thư gan chưa được biết rõ. Tuy nhiên có một số rủi ro đã được chứng minh:

a- Viêm gan kinh niên.

Viêm gan do virus B và C là rủi ro thường thấy đưa tới ung thư gan. Các virus này xâm nhập cơ thể khi dùng chung kim tiêm ống chích nhiễm virus hoặc khi có quan hệ tình dục giữa người bệnh với người lành.

Ung thư gan phát triển rất chậm, có khi cả chục năm sau khi gan bị viêm.

Thai nhi cũng có thể bị lây nhiễm viêm gan từ mẹ.

b- Xơ cứng gan

Trong xơ cứng gan, các tế bào lành bị các mô cứng thay thế.

Rượu, hóa chất, một vài loại virus là nguyên nhân gây xơ cứng gan. Tuy nhiên chỉ 5% xơ cứng mới chuyển sang ung thư gan.

c- Hóa chất aflatoxin

Đây là một hóa chất độc do một vài loại meo mốc sản xuất. Hóa chất thường có trong bắp, đậu, các loại hạt bị mốc.

Loại ung thư  này thường thấy nhiều hơn tại các quốc gia châu Á, châu Phi.

d- Uống quá nhiều rượu sẽ đưa tới thay đổi cấu trúc mô bào gan và là rủi ro đưa tới ung thư gan.

e- Mắc bệnh tiểu đường, bệnh ống dẫn mật, hút thuốc lá cũng là rủi ro gây ra ung thư gan.

Ngoài ra, ung thư gan thường thấy ở người trên 60 tuổi, nam nhiều gấp đôi nữ và nếu trong gia đình có người bị ung thư gan.

 

Dấu hiệu bệnh

 

Ung thư gan vẫn được coi như loại “bệnh thầm lặng”, vì trong giai đoạn đầu, dấu hiệu chưa xuất hiện.

Sau đây là một số dấu hiệu:

- Đau phía bên phải của bụng, có thể lan ra phía lưng.

- Bụng chướng nước.

- Mất cân

- Ăn mất ngon

- Mệt mỏi, suy nhược

- Buồn nôn, ói mửa

- Da vàng

- Nóng sốt.

Thực ra, các dâu hiệu này cũng không phải là đặc biệt của ung thư gan mà còn thấy trong vài bệnh khác của cơ quan này. Do đó, nếu có các dấu hiệu vừa kể, xin tới bác sĩ để được khám nghiệm, định bệnh.

 

Định bệnh

 

Để xác định ung thư, các thử nghiệm sau đây sẽ được bác sĩ thực hiện:

a- Khám sức khỏe tổng quát để tìm các dấu hiệu như chướng bụng nước, thay đổi hình dạng và kích thước của gan, vàng da hoặc giác mạc.

b- Thử nghiệm máu

Gồm có:

- Thử nghiệm về chức năng của gan

- Thử nghiệm đo lượng hóa chất alpha-fetoprotein (AFP) trong máu. Sự hiện diện của chất này biểu hiện sự thay đổi tế bào gan và là chỉ dấu của ung thư gan.

Chỉ số bình thường của AFP là 10-29 ng/ml.  Nồng độ AFP lớn hơn 400 ng/ml là có thể xác định ung thư gan.

Tuy nhiên khi u gan nhỏ hơn 4 phân thì 2/3 trường hợp có nồng độ khoảng 200 ng/ml.

c- Chụp X-quang

- CTscan, MRI có thể khám phá ra các thay đổi về cấu trúc của gan như u bướu, sưng gan.

- Máy siêu âm dùng các sóng âm thanh mà tai không nghe được. Các sóng này được hướng về cơ quan nội tạng, ghi nhận cấu trúc cơ quan như u bướu gan hoặc các bộ phận khác trong bụng. Siêu âm không đau và thực hiện dễ dàng trong 30 phút.

d- Chụp hình mạch máu gan với chất cản quang

e- Sinh thiết, cắt một chút gan để tìm kiếm tế bào ung thư

 

Biến Chứng

 

Ung thư gan có thể đưa tới suy gan, suy thận, lan ra các bộ phận khác như xương và phổi.

Khi gan suy, các chức năng của gan ngưng hoạt động và đưa tới rối loạn cho sự tiêu hóa và giảm khả năng loại bỏ chất độc hại ở máu.

Trong suy thận, chức năng lọc máu bị rối loạn, chất có hại sẽ tích tụ trong cơ thể.

 

Điều trị

 

Ung thư gan có nhiều giai đoạn: hoặc trú khu tại một vùng của gan hoặc đã lan ra khắp gan và các bộ phận khác của cơ thể.

Điều không may là ung thư gan chỉ chữa lành khi khám phá ra sớm, trước khi tế bào ung thư lan xa và nếu bệnh nhân khỏe mạnh, chịu được được phẫu thuật.

Khi u nhỏ dưới 2 phân và nằm ở một thùy gan thì khả năng sống sót trong 2 năm là 5%.

Tuy nhiên phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị có thể kiểm chế ung thư, giúp cho người bệnh sống lâu hơn và cảm thấy dễ chịu hơn.

a- Phẫu thuật cắt bỏ khi ung thư thu gọn ở một phần của gan. Tuy nhiên ung thư có thể tái xuất hiện tại nơi khác trong gan.

b- Tiêu hủy ung thư bằng cách đưa luồng điện, chất đông lạnh, rượu, hóa chất vào u ung thư.

c- Xạ trị với tia phóng xạ đưa trực tiếp vào u gan hoặc xạ trị ngoài để tiêu diệt hoặc làm teo lại.

d- Hóa trị với các hóa chất thật mạnh đưa vào cơ thể qua dòng máu hoặc đưa trực tiếp vào u ung thư.

e- Điều trị miễn dịch với interferon để ngăn chặn sự tăng sinh của virus và chống sự phát triển tế bào ung thư.

g- Điều trị gen là liệu pháp có nhiều triển vọng tốt. Nguyên lý của liệu pháp là các gen ngoại lai được gắn vào gen tế bào gan qua virus hoặc vi khuẩn, từ đó sẽ khống chế tế bào ung thư.

h- Khi u ung thư nhỏ và chỉ nằm ở gan, thay gan có thể là phương án tốt.

i- Năm 2007, Cơ quan Thực Dược Phẩm Hoa Kỳ chấp nhận dược phẩm Sorafenib (Nexavar) để trị ung thư gan. Kết quả được cho là có triển vọng tốt trong việc tiêu diệt và ngăn chặn ung thư phát triển.

 

Phòng tránh

 

Phòng tránh ung thư gan là điều khó thực hiện, đặc biệt là đối với ung thư từ các bộ phận khác di căn tới gan.

Với ung thư xuất phát từ tế bào gan do viêm gan B, xơ gan hoặc do các bệnh khác của gan, ta có thể tránh được một phần nào.

a- Viêm gan do virus loại B.

Khoảng 10% viêm gan B kinh niên có thể đưa tới ung thư gan.

Chủng ngừa viêm gan B giảm thiểu rủi ro mắc bệnh tới 90%. Thuốc chủng được tiêm làm ba lần và công hiệu kéo dài trong nhiều năm, đôi khi suốt đời.

Trẻ em và người cao tuổi đều có thể chủng ngừa.

b- Hiện nay, chưa có thuốc ngừa viêm gan C nhưng có thể giảm rủi ro mắc bệnh bằng không dùng kim chích chung với người bệnh, xâm da với kim khử trùng, áp dụng an toàn sinh hoạt tình dục với người lạ…

c- Không lạm dụng rượu, hóa chất độc hại.

 

Kết luận

 

Bình thường thì ai cũng tin rằng có thể kiểm soát được cuộc đời của mình. Nhưng chẳng may khi lâm vào một trọng bệnh mới thấy điều đó không hoàn toàn đúng.

Làm sao đối phó với nan bệnh là cả một khó khăn và cần nhiều thời gian.

Hãy chia sẻ cảm xúc với người thân thiết nhất, với người lắng nghe để hiểu mình nhiều hơn là hiến cách cứu chữa.

Chấp nhận rằng nếp sống của mình sẽ có nhiều thay đổi, sức lực còn lại rất giới hạn. Đây là lúc cần sắp xếp ưu tiên sự sống. Tránh những xúc động quá mạnh, những gắng sức không cần thiết.

Ta không quay lại được với quá khứ, mà tương lai chưa tới. Vậy hãy sống với hiện tại trong thức tỉnh, kiên nhẫn và nhiều nhiệt tình.