Dơi Huyết |
Tác Giả: Vũ Bằng | |||
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 06:56 | |||
Quả tình hôm đó, tôi muốn mắc một bệnh thật nặng để chết ngay cho rảnh nợ. Ờ, mà đùa cái gì cũng được đi, cớ sao lại đùa ác đến thế bao giờ! Mời người ta đến ăn cơm, sửa soạn đường hoàng, nào ăn cho phễnh bụng, thế rồi xong xuôi đâu vào đó thì tuyên bố: “Anh vừa ăn dơi đấy, chớ không phải gà lôi đâu”. Thế thì có giết mình không? Phản ứng của con người ta lạ thực. Từ đầu đến cuối bữa ăn hôm đó, ở nhà cô Ba Dung, tôi phải nói thực là tôi ăn “khoái khẩu” lạ lùng, ấy vậy mà vừa nghe thấy cô Ba “tuyên bố lý do” như thế thì tôi lợm ngay giọng liền và cảm thấy mình chưa ăn uống kinh tởm đến như thế bao giờ. Trong một phút, bao nhiêu cái gì là ngon lành, thú vị, mùi mẫn vụt tan biến hết để cho từ đáy dạ dầy tôi không chỉ còn một vị dơ dáy cuồn cuộn lên cuống họng, đắng ra đầu lưỡi, nhạt cả mồm miệng, y như thể là mình vừa mới mắc bịnh cúm Hồng-kông! Từ thuở bé, tôi vẫn sợ con dơi, sợ còn hơn cả các bà, các cô sợ chuột. Khômg phải sợ dơi nó cắn, dù vẫn biết rằng ở vài nước Nam Mỹ có thứ dơi khổng lồ nhảy đại vào trẻ con để hút máu; nhưng sợ vì cái giống gì hôi quá, không thể nào chịu nổi. Đọc truyện “Tây Du”, “Phong Thần”, thấy đứa gian thần nào củng “đầu dơi tai chuột”, tôi đã có thành kiến đó là cái giống vật xấu xí, nhơ bẩn, đáng ghét nhất trần gian; nhưng thật kinh tởm con dơi, phải đợi đến lúc tôi đi học, một hôm, cùng các bạn đi Chùa Trầm, lọt vào một cái hang dơi. Hôi đâu mà hôi lạ lùng đến thế! Ở trên các nẻo đường Sài Gòn - Chợ Lớn, đôi khi người đi dạo, lang thang hè phố, đã từng gặp những ông hay gánh hai cái lồng thép bán dơi, hoặc còn đủ cả lông cả cánh, hoặc đã lột da rồi. Đứng gần lại mà xem, mùi dơi xông ra vừa khai, vừa hôi, vừa thối, vừa tanh, nhức đầu nhức óc không thể nào chụi nổi. Ấy vậy mà mùi đó, so với mùi hôi thối ở trong hang dơi trong Chùa Trầm chưa có thấm vào đâu hết. Bởi vì cái hang này chứa có đến hàng mấy mươi vạn con dơi, nên mùi ở mình chúng thoát ra đã buồn nôn, lộn mửa lắm rồi, ấy thế mà, ở dưới đất ở khe núi, ở lưng chừng trời, ở rễ cây, ở thạch nhũ… lại không biết bao nhiêu cứt đái do chúng bài tiết ra và tích lũy không biết mấy ngàn năm nay tại đó… Phải rồi, có vào một cái hang như thế và cảm thông một nùi có thể làm cho kẻ ngửi thấy lên kinh mà té xỉu người ta mới có thể quan niệm được loài dơi hôi hám đến chừng nào, kinh tởm loài dơi đến chừng nào. Vậy mà cô Ba lại nhè đúng một anh sợ dơi như thế mời đến ăn cơm - nói là thịt gà lôi, rồi đến lúc ăn xong đâu vào đấy rồi, khách sắp từ biệt yêu gia chủ thì chính thức tuyên bố là vừa cho mình “dơi huyết”! Làm như cô sợ nói ăn dơi thì chưa đủ “khoải tỉ”, phải thêm chữ “huyết” vào nữa cho hoàn toàn! - Khéo làm bộ thì thôi. Người ta làm cho một bữa dơi ngon như thế, đã chẳng cảm ơn thì chớ, lại còn trách cứ. Ghét chưa? Thì ra cô Ba Dung không có ý định đầu độc tôi. Cô mời tôi ăn dơi là vì “đầu thiện chí”. Sỡ dĩ không nói ra cho tôi biết thức ấy, chỉ vì cố biết tôi sợ riêng cái loài có vú này. - Nếu anh biết trước, anh sẽ từ chối luôn. Mà em không muốn anh từ chối vì phàm đã ăn các món ăn ngon vật lạ ở miền Nam này rồi mà chưa thưởng thức món dơi huyết, tức là còn thiếu thốn rất nhiều. Đó anh coi. Vị nó có phải lạ không? Ăn vào sướng lắm chớ! Nhưng cái đó cũng chưa sướng bằng điểm này: thịt dơi ăn bổ chân thận thật đấy, anh ạ. Tôi mê cô Ba vì sáu câu Vọng cổ, nhưng thực không ngờ để cổ lại hát lên nổi một câu nói ý nhị và đa tình đến thế. Nghĩ cũng lạ kỳ: con dơi hôi thế mà không hiểu sao đến lúc làm thành món này, món nọ thì tuyệt nhiên lại không có mùi gì tanh hôi. Nếu cô Ba không bảo cho tôi biết, thú thực, đến lúc chết tôi cứ yên chí đó là thịt gà lôi và có lẽ tôi sẽ cứ ăn mãi, mà lại còn xin cô thỉnh thoảng lại làm cho ăn là khác. Cô bảo: - Ở đời, chỉ chết vì thành kiến cả. Hồi còn bé, em có theo ra Bắc, thấy người ta nói ở miền Thượng du ngoài đó, người ta ăn con bọ hung , bọ xít hôi rình; ở phía Bắc miền Trung có những người đi rừng thổi cơm nếp với trứng kiến ăn ngon hết sức; lại còn có chỗ bắt phèo, ăn dế nhũi, ăn con chim cú, ăn quạ, ăn chuồn chuồn lem lém. Nếu con bọ xít dem nấu lên rồi mà không hôi nữa, trứng kiến không cay, con bọ hung không nặng mùi…thì dơi huyết cũng y như vậy. Điều cần phải chế biến chế hóa, không biết chế hóa thì sơn hào, hải vị quí đến bực nào đi nữa, cũng dở ẹt… Làm lươn phải tướt bằng tro, và mổ ruột bằng dao tre, không đụng đến nước lạnh thì ăn vào không lo đau bụng; làm vịt phải nhớ bỏ hai cục hôi đi, thịt nó mới thơm; thì làm dơi, bỏ mấy cục xạ lớn bằng đầu ngón tay út trẻ con đi, ta có thể chắc chắn là không còn hôi hám mảy may gì nữa. Lột da, bỏ ruột, rồi chặt ra từng miếng ướp muối, hành, tiêu, sả, anh đưa cái tô lên mà ngửi sẽ thấy thơm mát như thịt gà giò. Dơi có hai loại chính là dơi quạ và dơi sen. Theo lời truyền tụng, dơi quạ hay dơi sen thì cũng xấu như ma mút, nhưng người ta bảo rằng dơi bắt được ngửi càng hôi thì thịt lại càng thơm. Chẳng rõ có đúng như thế không? Chỉ biết rằng người ta thường ăn dơi quạ, có lẽ vì dơi quạ to con, lợi thịt, nhiều huyết. Căng một con dơi quạ lớn ra, từ đầu cánh này sang đầu cánh kia có thể dài đến một sải tay. Mình nó thui lông đi rồi, to chừng con gà mái tơ. Dơi sen là giống dơi mà ta vẫn thường thấy chiều chiều bay chập chờn trên thành phố hay đồng quê bắt muỗi. Giống này nhỏ, chỉ hơn con chim sẻ một chút và có tiếng là hôi hơn quạ nhiều. Nhưng dầu là dơi sen hay dơi quạ, một khi làm thịt mà bỏ vào mấy cục xạ đi rồi, thịt cũng thơm phưng phức, hấp dẫn “con nhà người ta” đáo để. Mấy hôm nay, trời nóng, ăn không được, anh muốn đổi món cho lạ miệng thì bảo làm bát cháo mà ăn, mát ruột mà lành, hạ đờm lại không tiểu tiện. Nhưng người cầu kỳ không ăn như thế. Có dơi thì phải có rượu, cũng như như có bướm phải có hoa, có trăng phải có gió. Theo lời dạy bảo của các ông bợm nhậu, thịt dơi kẹp lại nướng than tầu vừa nóng, nhắm với rượu, đậm hơn thịt gà, xương nó mềm hơn, nhai giập ra ngon lạ lùng, mà lại thơm, thoang thoảng cái vị chim se sẻ. Nướng được gắp nào, nhắm ngay gắp đó, điểm mấy cánh ngò và mấy tí hành hoa chấm muối, tiêu, chanh, ớt, anh sẽ cảm thấy rằng ông thánh tổ nào nghĩ ra cách ăn dơi quả đã là người …thông suốt! Thích thú nhất là thịt nó mềm mà không bã, hơi bùi bùi, nhưng không vì thế mà thô. Ăn với cơm, dơi có thể làm thành nhiều thứ, nhưng được hoan nghênh nhiều là hai món xào lăn và băm viên; nhưng dù là nướng chả, băm viên hay xào lăn, tất cả các thứ đó cũng không quí bằng món huyết - một “siêu phẩm” của dơi mà có người đã dám quả quyết với tôi còn quí hơn cả tiết dê và tiết chim se sẻ nữa. Ai đã từng pha tiết dê với rượu uống để bổ cho con thận tất đã nhận thấy cái rượu tiết dê dù pha tài cách mấy cũng cứ như có cục, mà uống vào nó nhạt phèo mà lại có vị tanh như nước lạnh có nhiều chất sắt và thuốc khử trùng. Rượu pha với tiết ba ba cũng vậy; còn rượu hòa với huyết chim sẻ thì không tanh, nhưng chẳng có gì đặc biệt cho lắm, bởi vì độ mạnh của rượu đánh tan mùi huyết chim đi. Đến rượu pha với huyết dơi thì khác hẳn. Hồi còn cái Quán Dơi ở Xóm Gà, người ta cũng bán thứ rượu này và kêu đó là “món đặc biệt của nhà hàng”, nhưng người thực muốn thưởng thức rượu huyết dơi không thể dễ tính như thế được. Theo họ thì dơi đem thui riêng hai đầu cánh nó đi, vặt lông măng cho thật sạch rồi chính tay mình phải cắt tiết ở hai đầu cánh ấy, hứng vào rượu, khoắng lên cho đều mà uống ngay mới tốt; chớ cắt huyết cho vào rượu, đóng chai, như nhà hàng, nó mất cái tươi đi, dù là đã bị nút chai thật kín. Cầu kì hơn một chút thì lúc cắt bỏ đi tí huyết đầu, tí huyết đuôi, chỉ dùng cái huyết giữa mà thôi. Như thế, mới bổ vá mới mát. Là vì, vẫn theo các tay bợm rượu, huyết dơi mát lắm. Hỏi: Tại sao biết là mát? Thì họ trả lời: - Trời ạ, bố không biết hay sao? Cái giống dơi này, thuộc vào loài có vú, ban ngày thì ngủ , đêm mới chui ở tổ ra bay luợn kiếm mồi để ăn; vì thế nó “thụ được nhiều khí âm”; lại chỉ toàn ăn hoa lá, cây trái và sâu bọ, không có ăn thịt, nên huyết nó mát, uống vào hạ hỏa, sáng mắt, nhưng không vì thế mà “hàn” khả dĩ làm cho ta “lãnh tính”, trái lại, lại làm cho ta “hăng đi” là khác. Là bởi vì nó bổ toàn thân ta như cao hổ cốt, hay tuyết nhung chớ không kích thích một vài bộ phận nào đó như tống cú hay tôm hùm. Ấy cái hồng sâm của Cao Ly thế nào thì huyết dơi cũng vậy. Bố uống sâm có thấy nó nóng đâu mà sao mạnh và “bền” thế? Nhiều người cứ tưởng là một thức gì muốn cho bổ chân thận thì cần phải nóng; quả thực là lầm to! - Đó là lần đầu tôi được một nhà “tiến sĩ danh dự” giảng về “huyết dơi trị liệu” cho nghe mà không phải trả tiền. Thực là một khám phá vô cùng quan trọng. Theo sự hiểu biết nghèo nàn của tôi thì cho tới nay, các nhà động vật học chưa có đem phân chất huyết dơi để rút lấy một kết luận nào; chỉ biết rằng loài “biểu bức” (chiroptère) đó, tựa như loài chuột cơm nhưng có khi còn tinh khôn, ma mãnh hơn loài chuột nữa. Chúng thường không làm tổ như các loài có vú khác sống ở ngoài thiên nhiên, nhưng ở các kèo nhà, các hang hốc, các đền đài bỏ phế, các kẽ cây dừa nước, thốt nốt và có khi ở luôn trên những cành cây sao. Ai đi bộ từ Trà Vnh qua quận Tiểu-cần, chắc đã có lần để ý đến một cây sao ở trong một ngôi chùa nọ, có những lùm đen rủ từ ttrên ngọn xuống đất y như những bất-định-căn khổng lồ! Ủa, cây sao gì mà lạ vậy? Không phải đâu: dơi đấy. Phải nói là có hàng vạn con dơi. Phải nói là có hàng vạn con dơi hợp nhau tại đó, đêm thì bay đi kiếm mồi, đến sáng kéo nhau về kêu chí cha chí chóe, làm ồn cả một vùng lên. Chúng bám vào thân cây mà ngủ, treo đầu xuống đất như thể ta “trồng cây chuối” theo thuật du-già, con nọ dựa vào con kia, có khi cắn đuôi, cắn cánh nhau liền thành một chuỗi thằng lẵng ở trên những cành sao tại Tiểu-cần chính là những chuỗi dơi đang ngủ vậy. Dơi cái cũng đẻ theo kiểu treo chân lên trời như thế. Có một lần tôi được đọc một tập văn của một ký giả người Âu nhan đề là “Bạch Phu-nhân” (Madame Blanche) . Phu nhân họ Bạch này là một con dơi cái trắng. Ký giả nuôi nó từ lúc nó mới sanh, thỉnh thoảng đem về nhà chơi dăm bữa, rồi lại đem trả lại nó cho bầy. Vì tiếp xúc với nhiều dơi, ông đã nhận xét nhiều điều mới mẻ. Trước khi đậu, bao giờ con dơi cũng bay lượn nhiều lần; và bao giờ cũng thế, con nào cũng chỉ đậu vào một nơi nhất định của con ấy, ít khi “vi phạm lãnh thổ ngoại bang”. Sỡ dĩ thế không phải là vì mắt nó tinh, nhưng chính vì loài dơi có một thứ “ra-đa” thiên nhiên gíup cho nó “không nhìn mà thấy”. Từ nơi miệng, con dơi phát ra một thứ tiếng nhỏ siêu thanh; thứ tếng đó gặp một cản trở nào thì dội lại tai nó với tốc độ 1.200 cây số chia đôi, 600 một giờ; cho nên nếu một sự kiện trục trặc gì xảy ra, nó biết trước và tránh được dễ dàng. Ký giả nói trên đã có lần bắt Bạch Phu-nhơn đem về nhà, đóng kín cửa lại, vặn quạt trần rất mạnh rồi thả dơi ra. Con dơi bay vào trong cánh quạt đang xoay, nhưng không hề bị cánh quạt chạm tới mình. Một lần khác, ký giả nọ lại đem dơi lên xe hơi đi đến một tỉnh khác xa ngót bốn trăm cây số rồi thả nó lên trời. Con dơi bay mất. Ký giả lái xe về, yên chí nó không thể biết đường về được thì kỳ lạ, đến nhà xem lại tổ con dơi trắng đã đậu lù lù ơ chỗ của nó tự bao giờ rồi. Nhưng, muốn khôn đến chừng nào thì khôn, dơi cũng bị thua mưu mẹo của loài người ma mãnh. Vì thịt của nó ngon, vì mỡ của nó béo mà không ngấy, vì huyết của nó ngọt lại có tiếng là bổ thận, trừ lao, người ta tìm đủ mọi cách để bắt nó đem bán để ăn và nhậu. Ở Bắc Việt, cứ vào cữ nước lên như dạo này, các người đi bẻ nhãn thường phải luân phiên thức để canh dơi. Họ còn căng những cái lưới như lưới cá, rất lớn, lên trên cây rồi dùng sào nứa chẻ ở đầu ra đập. Tiếng nứa chạm vào nhau kêu lách cách làm dơi hoảng sợ, chạy vào lưới; do đó, có đêm ở một khu vườn nhãn, người ta có thể bắt được hàng trăm con. Bắt dơi ở trong hang có ý dễ hơn một chút: người ta tìm lối dơi bay ra bay vào, đặt lưới; dơi đâm vào lưới cả đống; càng giẫy, càng húc đầu thì vào trong lưới càng sâu vì chúng không biết lùi lại để tìm miệng lưới. Ở một vài nơi biết là có dơi hay đậu, người ta lại đặt những cái thùng bằng cây thông hay kết bằng dạ để cho dơi đến ở, rồi đợi đến khi được nhiều thì bịt cửa, bắt không thiếu một con nào. Tội nghiệp, có ai đã từng dự một cuộc vét dơi ở trong lưới ra để xẻ vào lồng đem bán, hoặc xem người ta đem chúng ra để lột da mới cảm thấy cái giống dơi nó thông minh đến chừng nào. Tiếng kêu i í của chúng như y như là tiếng trẻ con bị mắng mỏ và bị nhốt vào trong buồng kín. Những con bị lột da giãy giụa và chảy nước mắt ra như khóc thực; có con chưa bị lột, nhưng biết là sắp đến phiên mình rồi, giấu đầu vào cánh và tìm cách bò trốn vào một nơi kín đáo. Tôi còn nhớ mãi câu chuyện của ký giả Hilton nói về óc thông minh và lòng bác ái của loài dơi. Nhân một dịp nghỉ hè, Hilton cùng một đoàn leo núi đi vào thăm một hang nọ ở chót vót lưnh chừng trời, có tiếng là hiểm trở nhất vùng Mễ-tây-cơ. Đoàn này có một chương trình nhất định, không muốn đi sâu hơn những cái hang đã vạch sẵn trong kế hoạch; nhưng Hilton lại không muốn thế, ông muốn đi xa hơn nữa. Vì thế, chuẩn bị đèn bấm và dây thừng để đánh dấu lối ra, phòng ngừa đi về một mình mà không tìm được lối ra chăng. Kế hoạch của Hilton được thực thi như ý định: ông bỏ đoàn leo núi nọ, một mình thám hiểu sâu hơn, sâu hơn nữa, thì bỗng đâu trong bóng tối mịt mùng, dầy dặc, ông chạm phải một đống gì …biết nói! Thì ra đó là một người đã bị lạc vào hang này trong bốn năm rồi. Hỏi, mới biết đó là giáo sư Đại học đường Yale đi tìm cổ tích, vào trong hang, rồi không nhận được lối ra. Quần áo của ông rách hết; mắt ông ta mù vì bốn năm không nhìn thấy ánh sáng; ông gần như quên mất cả ngôn ngữ loài người. Thế thì làm sao ông ta sống được? Ông ăn gì? Uống gì? Giáo sư Glassier cho biết ông ta sống được là nhờ vì loài dơi ở trong hang kiếm trái cây, rau cỏ sâu bọ về nuôi ông. Hilton, theo đường thừng đánh dấu sẵn, đưa giáo sư Glassier về thành và giữ giáo sư ở lại nhà mình để đi thăm dò tin tức vợ con cho giáo sư – vì bây giờ bà đã dọn đi nơi khác. Tin tức lượm được không lấy gì làm phấn khởi: bà giáo sư đã đi lấy chồng khác, con cái mỗi người đi một xứ, tha phương cầu thực… Biết là không là không thể giấu được câu chuyện đau lòng, Hliton nói thực cho giáo sư nghe, thì ông ta cười như không có chuyện gì xảy ra. Ông bảo: “Vợ tôi đi lấy chồng khác như vậy là phải lằm”. Nhưng tối hôm ấy, Hilton đi dự một bữa tiệc về nhà thì không thấy giáo sư mù đâu nữa. Chờ mãi không thấy ông ta về, Hilton bèn đi dò la, thăm hỏi thì biết ông ta đã chống gậy đi về phía hang dơi. Nhưng đến một khách sạn gần chân núi chừng năm cây số, ông mệt quá phải vào thuê tạm một căn phòng khách sạn để ngủ đêm và cũng đêm ấy ông đã chết trên giường, môi còn mỉm nụ cười. Ông chủ khách sạn cho Hilton hay rằng lúc ông già mù đó lên phòng thì các cửa đều đóng kín, nhưng đến sáng, biết tin ông chết, người quản lý khách sạn lên coi thì các cửa đều mở rộng và có hàng vạn con dơi lượn ở chung quanh giường ông ta rồi bay cả về phía núi. Ký giả Hilton kết luận rằng dơi ở trong hang đã tìm được ông nên rủ nhau để tiếp đón người về; nhưng vì sức yếu, ông không chịu nổi một niềm vui quá mức, nên đã tắt thở giữa những bạn chung thủy duy nhất. Sau bữa thưởng hức món dơi ở nhà cô Ba Dung, tôi bận công việc nên không năng đi lại. Ngày rằm tháng bảy mới đây, nhân lễ xá tội vong nhân, tôi đến thăm cô Ba, định rằng thừa dịp ăn cỗ để kể cho cô nghe câu chuyện: “Ông vua dơi” vừa được đọc thì hoa vàng rơi lả tả trên rêu xanh, vài con én liệng trên cái am vàng xa xôi nào rồi… Biết nhau từ khi còn nhỏ, đôi bên cha mẹ không chiều lòng, nhưng rồi lại gặp nhau tồi thương yêu nhau trong một bữa ăn dơi huyết; đến khi biết thưởng thức món quà ngon đồng đội thì người cũ đã bạt ngàn mây khói mất rồi!... Thực tình, chưa bao giờ tôi lại buồn như hôm đó; nhưng bây giờ, biết còn ai làm được một bữa dơi ý nhị và hữu tình như thế nữa? Thương yêu nhau, người ta thường ước mơ lắm cái lạ kỳ. Có người muốn làm chim để hót ru cho người yêu ngủ; có người muốn làm bướm để đậu lên mái tóc người tình trao một tiếng hôn thương. Ước gì em hóa ra dưa Lại nghe thấy nói: thức ăn thường trực tiếp giúp ích cho cơ quan suy kém tương đương ở trong người; vì thế ai đau gan mà ăn nhiều gan thì tốt; yếu tim, ăn tim nhiều thì tim mạnh; làm việc bằng óc, ăn óc gia súc nhiều thì óc minh mẫn hơn lên. Ước làm sao tôi ăn thịt dơi rồi cũng hóa ra dơi để bay đi khắp hải giác thiên nhai, dùng “ra-đa” như dơi trong động Mễ-tây-cơ để tìm người thương mến bây giờ không biết ở đâu… Vui biết chừng nào, sướng biết bao nhiêu nếu làm cho người trông mưa nhớ nhà mà biết được đôi chuyện vui buồn nơi cố ý; nhắn được cho người vợ cô trích biết được tin nhạn cá của chồng; hay an ủi những tình nhân bằng cách trao cho họ một lời thương của tình nhân xa cách vạn nhịp cầu mây nước!
|