Cá salmon tại Bắc Mỹ |
Tác Giả: Nguyễn Thượng Chánh, DVM | |||
Thứ Sáu, 06 Tháng 3 Năm 2009 12:02 | |||
Cá saumon (salmon) hay cá hồi có tên khoa học là Salmo salar là một loại cá vùng nước lạnh, như Canada và Bắc Âu. Tại Bắc Mỹ, cá saumon được thấy bán rất nhiều trong các chợ cá, trong các siêu thị cũng như trong các chợ Á Đông. SAUMON LÀ CÁ GÌ? Tên saumon có nguồn gốc từ tiếng la tinh salmo có nghĩa là nhảy. Đây ám chỉ khả năng đặt biệt của một loài cá có thể nhảy ngược dòng, vượt qua các chướng ngại vật và ghềnh thác để tìm đường đến đẻ tại những vùng nước ngọt. Lưng cá có màu xanh dương, lóm đóm đen Hông và bụng có màu vàng. Thịt màu hồng. Saumon là một loại cá hay di chuyển. Cá trưởng thành sống ngoài đại dương nước mặn, nhưng đến thời kỳ sinh dục thì cá đực lẫn cá cái đều lội cả trăm thậm chí cả ngàn cây số, ngược dòng trở về sông rạch nước ngọt để đẻ trứng và thụ tinh. Khi vừa làm xong nhiệm vụ cao quý để duy trì và bảo tồn nòi giống thì cá cái chết đi vì kiệt sức. Cá con sống tại vùng nước ngọt trong vòng hai năm. Sau đó chúng tìm cách lần lần lội xuôi theo dòng nước trở ra biển để tiếp tục trưởng thành và tăng trưởng. Cá saumon có thể cân nặng từ 4kg -20kg. PHẦN LỚN CÁ SAUMON BÁN NGOÀI CHỢ ĐỀU LÀ CÁ NUÔI. Các quốc gia như Écosse, Norvège và Irlande dẫn đầu thế giới trong việc sản xuất cá saumon. Cá nuôi cho một loại thịt thô, nhiều mỡ hơn cá sống trong thiên nhiên. Tính chất của thịt cũng còn tùy thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng và thức ăn dùng để nuôi cá. Theo Cơ quan Pêches et Océan Canada thì tính bổ dưỡng của cá saumon nuôi cũng không khác gì với saumon sống trong thiên nhiên. Nỗi lo ngại lớn nhất của người tiêu thụ là vấn đề hóa chất, kháng sinh và hormones sử dụng trong việc nuôi cá. Cơ quan trên cũng cho biết là không có vấn đề xài hormones tăng trưởng, còn thuốc kháng sinh thì vẫn được Cơ quan CFIA theo dõi và kiểm soát thường xuyên . Vấn đề nhiễm hóa chất độc BPC (biphényles polychlorés) cũng không mấy quan trọng vì dư lượng vẫn nằm dưới mức quy định được cho phép. Chúng ta cũng không ngạc nhiên chút nào hết. Những gì bất kỳ một chánh phủ nào nói ra thì cũng luôn luôn là tốt đẹp mà thôi. Luôn luôn là ok là very good... Xin đừng có đa nghi và thắc mắc làm chi cho mất công và tổn thọ. DÙNG CÁ SAUMON CÓ ÍCH LỢI GÌ CHO SỨC KHỎE? Cá saumon chứa nhiều mỡ. Mỗi 100gr cá cấp 10.85 gr lipids và 183 calories. Rất nhiều chất acid béo oméga 3 rất tốt cho hoạt động tim mạch. Cá saumon chứa vitamin A-D, các bần tố như magnesium rất cần cho nhịp đập của tim và hoạt động thần kinh. Ngoài ra còn có chất sắt rất tốt cho máu. Cá saumon cũng là một nguồn cung cấp chất phosphore tốt cho xương. NUTRITIONAL INFORMATION Per 3.5 oz/100 grams of raw edible portion Calories 183 Total fat 10.85 g Saturated fat 2.18 g Protein 19.90 g Cholesterol 59.0 mg Sodium 59.0 mg Source: USDA CÁC LOẠI CÁ SAUMON BÁN TRÊN THỊ TRƯỜNG BẮC MỸ Saumon de l’ Atlantique (Atlantic salmon) : Rất được người tiêu thụ ưa chuộng. Thịt rất chắt. Đây là giống cá saumon hoang duy nhất tại vùng Bắc Đại Tây Dương. Việc câu cá bị hạn chế vì loài cá này đang bị đe dọa bởi tình trạng ô nhiễm và việc khai thác đánh bắt thái quá. Saumon royal (Chinook): Đánh bắt ở vùng biển phía Tây Canada. Thịt có màu hồng cam. Hông màu ánh bạc. Loại cá Chinook rất phổ biến dưới dạng hong khói. Đôi khi cũng được thấy bán dưới dạng cá tươi hoặc đông lạnh. Saumon rose (Pink): Ngày xưa , người ta cho rằng đây là một loại cá có phẩm chất kém vì thịt bời rời và rất bở. Cá pink salmon được bán tươi, đông lạnh hoặc hong khói. Thường nhất là cá saumon rose đóng hộp (conserve). Saumon rouge (Sockeye): Thịt màu đỏ sậm, ăn rất bùi. Thường được đóng hộp. Đôi khi Saumon rouge được bán dưới dạng cá muối(salted) hoặc cá hong khói (smoked). Saumon argenté (Coho): Ít phổ thông hơn cá Saumon Chinook và cá Sockeye. Tuy vậy đây là loại cá được bán nhiều tại các vùng ven biển về phía Tây Canada. Saumon Keta: Được xem là loại cá có phẩm chất kém nhất vì thịt màu tái nhạt và xốp. CÁ SAUMON LÀM GÌ ĂN? Cá saumon được bán dưới dạng tươi hoặc đông lạnh nguyên con, dạng khứa, khúc, miếng dầy(steak), lát cá thái không xương (filet). Cá saumon cũng thấy bán dưới dạng hong khói. Nói chung thì cá tươi giá đắt hơn cá đông lạnh. Người viết thường hay mua cá saumon trong các siêu thị lớn như Costco tại Montreal.Thường là cá tươi được lạng dọc theo xương sống thành hai miếng cá rất dầy, dài lối 60 cm và nặng khoảng trên 2kg. Giá bán lối 20-25$. Đem về, chia ra thành miếng nhỏ để dành ăn trong đôi tuần lể. Cái tiện lợi là cá saumon có rất nhiều thịt nhưng lại không có xương nhỏ. Tại các chợ Á đông hoặc chợ Việt Nam thì cá saumon trở thành cá chỉ,có nghĩa là muốn mua bao nhiêu, mua đoạn nào, thì cứ việc chỉ vào con cá mình thích và người bán sẽ cắt theo ý mình. Nên biết là cá saumon có nhiều loại nên giá cả cũng phải khác nhau. Cá saumon cho thịt chắt và cứng lúc nấu chín. Theo ý riêng của tác giả thì loại cá này nấu canh chua, canh ngót ăn không ngon. Có thể đút lò, nướng BBQ, hấp, chiên, kho hoặc chưng vv...Cái sướng là cá toàn là thịt không hà, ăn không sợ xương mắc cổ. Vậy, muốn nấu canh chua, các bạn nên chọn các loại cá khác như cá trout(truite), codfish(morue), hoặc cá sea bass...thịt mềm và ngon béo hơn cá saumon nhiều. Ngoài ra cá saumon tươi cũng còn có thể được sử dụng trong các món sushi và sashimi. KẾT LUẬN Theo các nhà dinh dưỡng thì mỗi tuần nên ăn hai lần cá để có đủ nhu cầu chất acid béo Omega 3 rất cần thiết cho một sức khỏe tốt. Nhưng có cái hơi kẹt, là vào mùa đông giá lạnh, tại Canada thì nhà nào nhà nấy cũng đều cửa đóng then cài kín mít. Mua cá về chiên thì khói bay mù mịt, nhà cửa quần áo đều hôi mùi cá cả đôi ba ngày mà vẫn chưa hết. Đây là nói mình đang ở nhà mình vừa mới tậu và muốn giữ cho kỹ, còn trường hợp ở muớn trong apartment hoặc trong chung cư có nhiều sắc tộc thì đã có sẵn đủ thứ mùi rồi, có thêm mùi cá chiên thì cũng chẳng thay đổi gì hết mà còn giúp làm đậm thêm sắc thái đa văn hóa của cái quê hương băng giá này. Thực tế cho thấy cá tươi sản xuất tại hải ngoại không thiếu gì, nhưng tại sao bà con mình cứ phải mua ba thứ cá đông lạnh nhập từ Á Châu chẳng hạn như lươn, cá trê, cá tra, cá ba sa, cá hú, cá lóc, cá bóng kèo, cá rô Phi (Tilapia) làm chi để ăn rồi sau đó phải hồi hộp đủ thứ chuyện? Người ta thường hay nói, thói quen và kỷ niệm khó mà bỏ mà quên đi được./.
|