Nói Đúng Lúc Và Ý Nghĩa |
Tác Giả: Oanh Thơ | |||
Thứ Sáu, 31 Tháng 10 Năm 2008 05:16 | |||
Khi phải đối diện với những hoàn cảnh tế nhị trong đời sống thường ngày, thí dụ như một người bạn hay người quen mất đi người thân yêu của họ, hoặc bị đau nặng, li dị hay mất việc, bất cứ ai trong chúng ta cũng khó lòng để biết cách ứng xử sao cho phù hợp. Chúng ta sợ rằng những lời nói hay cử chỉ của mình không biết có thể an ủi, hay lại làm cho họ đau khổ hơn không biết chừng? Một bài viết của ký giả Michele Meyer trên tờ “Better Homes and Gardens” sẽ đề nghị một số cách diễn đạt hay bày tỏ sự quan tâm đối với nỗi đau buồn hay thất vọng với bạn bè và thân hữu trong 5 trường hợp tiêu biểu sau đây. 1/ Cái chết Sự ra đi vĩnh viễn của một người thân yêu là nỗi đau đớn tột cùng đối với mỗi cá nhân trong gia đình đó. Bà Mari Pitcher, một cán sự xã hội lo về tâm lý thuộc Cơ quan Duke Health Community Care ở North Carolina nói: “Khi một người đang buồn khổ thì không có gì quan trọng hơn là tình thương yêu từ những người thân, bạn bè dành cho họ.” Bà Pitcher khuyên chúng ta nên nói: “Xin chia buồn với bạn hay anh, chị” và tự nhiên bày tỏ sự đồng cảm của mình khi nói: “Tôi hiểu rằng bạn, chị, anh nhớ tiếc cha hay mẹ lắm và tôi xin chia sẻ nỗi buồn khổ đó.” Những xúc cảm thành thật của mình dành cho người ở trong hoàn cảnh đó sẽ làm cho họ cảm thấy ấm áp và được an ủi hơn. Hãy giúp đỡ họ một cách thực tế qua việc làm, chứ không phải chỉ bằng lời nói, vì lúc ấy đầu óc của những người này đang bối rối lo đủ thứ chuyện. Chẳng hạn như chúng ta có thể đề nghị mua giùm một vài món hàng ở chợ, nấu giùm bữa ăn tối, coi sóc trẻ con, giặt đồ, dọn dẹp nhà cửa, viết giùm những thiệp cảm ơn. Ðó là những việc làm không tên mà người gặp chuyện buồn không còn tinh thần nào để lo toan nữa cả. Hãy gọi điện thoại nói chuyện với họ vào thời gian mà họ nhớ thương người thân yêu của họ nhất. Mặc dù tùy người và tùy lúc nhưng bà Lisa Lewis, một cố vấn tâm lý gia đình ở Houston khuyên chúng ta nên gọi cho người đó vào buổi tối . Bà kể lại rằng sau khi chồng bà mất, người bạn thân gọi lại nói chuyện với bà mỗi buổi tối và gởi cho bà những cái email rất dễ thương. Còn người hàng xóm thì rủ bà cùng đi bộ mỗi buổi sáng. Những điều mà các người quen này làm khiến bà cảm thấy xúc động vô cùng vì biết là họ luôn luôn nghĩ đến mình. Nên tiếp tục thăm hỏi cho dù tang lễ đã qua đi vài tháng rồi. Bà Pitcher nói: “Cái chết vẫn còn đó cho dù bạn không nói đến nó nữa. Dĩ nhiên, thời gian sẽ tiếp tục trôi đi và mọi người đều phải trở lại đời sống thường nhật. Thế nhưng, nếu là bạn thân của một người vừa mất đi người vợ hay chồng, bạn nên ghi xuống ngày giỗ hay sinh nhật của người khuất bóng, để khi đến ngày kỷ niệm, gởi một tấm thiệp ghi câu: ‘Tôi đang nghĩ đến bạn - I'm thinking of you’, hoặc gọi điện thoại rủ bạn đi uống cà phê hay ăn tối để bạn cảm thấy được an ủi”. 2/ Ly dị Khi biết được bạn mình phải chia tay với vợ hay chồng của họ, không bao giờ nên cho ý kiến, phê bình hoặc nói xấu người kia. Bà Julian D. Ford, giáo sư về tâm lý thuộc trường Ðại Học Connecticut Health Center cảnh cáo: “Thật là một lỗi lầm to lớn nếu bạn tham dự vào sự đổ vỡ này và khuyên họ phải làm điều này, điều nọ. Hãy để những người trong cuộc tự quyết định và chọn lựa. Ngoài ra, biết đâu họ hòa giải rồi trở lại với nhau và bạn sẽ trở thành kẻ thù của người kia vì những lời bàn ra tán vào.” Hãy chứng tỏ cho người thân quen đang ở hoàn cảnh khó khăn ấy biết bạn luôn luôn là một người bạn sẵn sàng hỗ trợ và họ có thể vững tâm tin vào bạn. Bà Michelle Rozzell ở Houston, ly dị 10 năm trước đây, kể lại rằng khi bà ly dị, người bạn của bà chỉ nói với bà những câu nói chẳng hạn như: “Tao tin tưởng vào những suy nghĩ chín chắn của mày”. 3/ Tai tiếng Gia đình bị một tai tiếng nào đó trong cộng đồng cũng là một nỗi đau. Khi tin tức về việc một người trong gia đình bị bắt giữ hay lâm vào cảnh nghiện ngập bị đồn đãi trong cộng đồng thì lại làm cho thảm họa này trở nên bi đát hơn. Isadora Almaan, một cố vấn hôn nhân và gia đình ở San Francisco nói: “Các thành viên trong gia đình đó không những phải đối phó với sự khổ tâm này ở nhà mà còn sợ bị mất mặt ngoài xã hội. Ðối với nền văn hóa của người bản xứ cũng như của người Việt Nam, sự mất mặt cũng rất quan trọng. Bởi vậy, một tai tiếng có thể ảnh hưởng và gây ra những hoàn cảnh khác nhau cho từng cá nhân trong gia đình. Ðối với gia đình này thì việc một người con phải đi chữa trị bệnh nghiện thuốc phiện cũng xấu hổ không kém gia đình khác có người chồng bị bắt giữ vì gian lận trốn thuế.” Ðối với những trường hợp kể trên, bà Almaan khuyên bạn chỉ nên nói: “Rất tiếc là bạn phải trải qua hoàn cảnh khó khăn này.” Và nếu họ muốn nói nhiều hơn thì chỉ nên lắng nghe và không nói thêm gì nữa cả vì bạn không thể làm gì khác hơn. 4/ Bệnh nan y Khi một người bạn biết được là họ mắc bịnh nan y như ung thư, hoặc sắp phải trải qua một cuộc giải phẫu, hy vọng và tình bạn là những thứ cần thiết cho họ, cũng giống như thuốc thang mà một bác sĩ dùng để cứu chữa một người bệnh. Bởi thế cho nên những lá thư thăm hỏi, lần thăm viếng, cú điện thoại, cái ôm, rất ý nghĩa trong hoàn cảnh này. Brian West, một bác sĩ tâm lý ở Charleston, South Caroline cho biết rằng những đụng chạm như cầm tay, vỗ vai có khả năng chữa lành hiệu nghiệm nhất, bởi vì khi người bệnh nằm trong nhà thương họ chỉ tiếp xúc toàn là với những mũi kim chích mà thôi. Trước khi đến thăm người bệnh nên tìm hiểu lúc nào nên đến vì nhiều khi bệnh nhân còn mệt, chưa sẵn sàng để gặp ai cả sau cuộc giải phẫu. Hoa luôn luôn là quà tặng vui tươi làm sưởi ấm lòng người bệnh, thế nhưng một người bị bệnh lâu dài thì họ sẽ ưa thích sách báo, nhạc êm dịu hơn. Những tấm thiệp khôi hài mà bạn gởi đến cho họ, việc bạn lấy thư từ giùm, cho mèo hay chó của họ ăn, coi ngó giùm nhà cửa nếu họ ở một mình, trang hoàng phòng bệnh ở nhà thương... là những điều mà chúng ta có thể làm cho người bệnh được ấm lòng. Hãy nhớ là chúng ta đến thăm người bệnh và làm cho họ cảm thấy đỡ đau hay đỡ lo sợ. Ðừng bao giờ kể về cái chết của những người có cùng một loại bệnh cho họ nghe biết và nhớ đừng ngồi lên giường của người bệnh vì có thể làm cho họ đau. 5/ Bị cho nghỉ việc Dù việc họ bị mất việc xảy ra bất ngờ hoặc đã được thông báo trước, người quen của bạn đều cảm thấy hoang mang trước sự ra đi này. Bà Alman nói: “Người bị cho nghỉ việc cảm thấy mặc cảm khi bị cho biết là người ta không cần họ nữa. Họ cảm thấy lo sợ cho tài chánh của gia đình, cùng lúc cảm thấy thất vọng về chính mình”. Trong hoàn cảnh này, đừng bao giờ nói “Mọi chuyện sẽ được giải quyết tốt đẹp thôi”, cho dù bạn muốn chứng tỏ sự lạc quan và muốn khuyến khích bạn mình, thế nhưng khi nói như thế bạn biết thừa đi là chuyện bị cho nghỉ việc không thể được giải quyết một cách khác đi. Ðối với Esther Hobbs thì những người bạn thân của cô sau đó đã giúp cô tìm việc làm từ nhiều nguồn tài liệu trên Internet, đóng góp ý kiến để cô sửa soạn một cái resumé chuyên nghiệp hơn và nhờ đó cô đã có thể tìm được một việc làm mới trong một thời gian ngắn sau đó. Nói những lời có ý nghĩa và làm những việc làm đúng có thể giúp cho bạn được an ủi và cũng làm cho tình bạn giữa hai người trở nên thắm thiết hơn. Cho đến khi có những chuyện quan trọng như thế xảy ra trong cuộc đời, bạn mới có thể biết được ai là người bạn tri kỷ của mình. (OT)
|