Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Trả thù hay tha thứ?

Trả thù hay tha thứ? PDF Print E-mail
Tác Giả: SOKREAKSA S. HIMM - N.T.ĐA dịch   
Thứ Tư, 26 Tháng 11 Năm 2008 02:13

25/11/2008, 08:05

TTCT - Nhiều năm sau vụ Khơme Đỏ sát hại người thân của mình, ông Sokreaksa S. Himm trở về Campuchia tìm gặp những kẻ sát nhân ngày ấy...

 

Chấm dứt thời thơ ngây

Tôi lớn lên ở miền bắc Campuchia, tại Siem Reap, một thành phố thanh bình với măng cụt, dừa, xoài và đu đủ. Ngôi nhà cũ của tôi nằm cách con sông nhỏ khoảng trăm mét. Chiều nào tôi cũng tắm ở đấy. Thỉnh thoảng, cha tôi dẫn anh em chúng tôi đi câu. Tôi có 11 anh chị em. Chúng tôi tạo thành một gia đình đông vui, hạnh phúc và đoàn kết. Là người nghiêm khắc và trọng các giá trị luân lý, cha tôi khuyến khích chúng tôi chăm chỉ học hành. Cha tôi nói: “Người không có kiến thức luôn là nạn nhân của những gì mình không hiểu biết”.

 

Tôi không ngờ hạnh phúc của gia đình mình lại kết thúc đột ngột đến thế!

 

Khơme Đỏ lên nắm quyền ngày 17-4-1975, khi tôi mới 11 tuổi. Vài ngày sau, cũng như bao gia đình khác, chúng tôi phải rời bỏ ngôi nhà của mình. Người ta đưa chúng tôi về nông thôn. Bị buộc phải lao động suốt ngày, ăn uống thiếu thốn, ngủ không ngon giấc ban đêm, chúng tôi nhanh chóng bị kiệt sức, chán chường và thất vọng.

 

Chúng tôi sống trong sợ hãi: sự bất tuân nhỏ nhặt nhất đối với các cấp chỉ huy Khơme Đỏ là có thể bị trừng phạt bằng cái chết. Điều kiện sống như thế sớm gặm mòn sức lực và tinh thần. Tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè của mình chết đói. Cha mẹ họ cũng đã quá yếu sức để có thể chôn cất họ đàng hoàng, và những người hàng xóm phải làm giúp.

 

Một kỷ niệm sẽ mãi mãi không hề phai nhạt trong tôi đó là khi người em 10 tuổi của tôi bị buộc tội sai là đã ăn cắp bắp. Vài tên lính trói tay em ra sau lưng và đánh đập em tàn nhẫn, lại còn lấy chân đá vào đầu em nhiều lần đến ngất xỉu mới thôi. Khi họ dùng hình phạt tương tự như thế với một trong các anh của tôi, chúng tôi bắt đầu mất hết hi vọng là sẽ thoát chết.

 

Một buổi sáng tháng 11-1977, khi đi lấy nước tôi thấy vài tên lính ngồi mài dao và rìu. Tôi liền chạy về báo với cha:

 

“Cha ơi, con tin họ sẽ giết chúng ta sáng nay!”.

 

Nghe thế cha tôi mở to mắt kinh ngạc và không nói lời nào.

 

Một tên chỉ huy trẻ đến gặp chúng tôi, cầm theo một tờ giấy của quan địa phương Khơme Đỏ. Hắn ta nói:

 

“Angkar muốn gặp ông ngay”.

 

Tôi tin chắc lại sắp xảy ra chuyện gì ghê gớm. Cha tôi trả lời:

 

“Vài phút nữa tôi sẽ đến. Chờ tôi mặc quần áo đã”. Xong xuôi, cha nói với tôi: “Reaksa, dù chuyện gì xảy ra với cha hôm nay, cha xin con và hai anh con phải giết bọn người này cho cha”.

 

Nói xong cha ra đi. Tôi lẽo đẽo đi theo cha từ xa để xem Angkar muốn gì ở cha. Một trong những tên chỉ huy bảo cha tôi dừng lại, hắn cột hai tay cha tôi ra phía sau trong lúc một tên khác nói:

“Mày là kẻ thù của Angkar. Mày đã cộng tác với Mỹ. Mày sẽ bị xử tử”.

 

Tôi ba chân bốn cẳng chạy về nhà nói với các anh chị:

 

“Cha đã bị bắt giữ. Họ sẽ giết cha hôm nay. Em không biết phải làm gì bây giờ!”.

 

Chúng tôi sáu đứa ngồi trong nhà, tuổi từ 2-13. Trong khi ấy, hai anh lớn của tôi đi lao động với nhóm lưu động, còn mẹ và chị tôi làm việc trên cánh đồng.

 

Bọn lính dẫn cha tôi về nhà, ra lệnh cho chúng tôi ra khỏi nhà và tuyên bố: “Chúng mày sẽ bị xử tử vì là kẻ thù của Angkar. Hãy lập tức đi theo cha chúng mày!”.

 

Chúng tôi bị đẩy lên chiếc xe bò và đưa ra khỏi làng, còn chúng bắt cha tôi phải đi phía trước để chúng tôi chứng kiến sự nhục nhã của cha mình.

 

Vào đến khu rừng, chúng tôi nhìn thấy nhiều đứa trẻ khác cùng với cha của chúng. Chúng tôi quen một số người trong đó. Họ cũng tỏ vẻ sợ hãi như tôi. Tôi bám lấy đứa em tôi, song hai tay run rẩy không kiểm soát nổi. Tôi cảm thấy kiệt sức.

 

Cách xa làng khoảng 3km, chúng tôi được lệnh dừng lại. Bọn lính đã đào sẵn một đường hào dài làm nơi chôn chúng tôi. Tôi bước xuống xe, ẵm đứa em đến gần cha và cha quỳ hôn nó. Sau đó, chúng tôi lần lượt hôn cha mình. Tôi vòng tay ôm chặt lấy cha, vì cha không thể làm gì khi đôi tay đã bị trói chặt. Cha nói:

 

“Reaksa, lòng cha tan nát. Cha sống như thế là đủ rồi, còn anh chị em của con, các con còn quá trẻ mà đã phải chết”.

 

Em gái tôi thốt lên: “Cha ơi cứu con. Con sợ quá!”.

 

Cha tôi đã không trả lời. Cha giờ là một người đàn ông bất lực khi sắp bị giết. Bọn lính mặc đồng phục đen và choàng khăn đỏ buộc cha tôi quỳ xuống cạnh đường hào. Cha quay nhìn chúng tôi lần cuối trước khi bọn lính lấy cuốc bổ xuống đầu cha. Cha kêu một tiếng lớn rồi rớt xuống hố.

 

Một trong số những tên lính liền nhảy xuống hố và bổ thêm nhát cuốc nữa lên đầu cha. Tôi không muốn nhìn, nhưng không sao nhắm mắt lại nổi. Cảnh tượng thảm khốc này làm trái tim tôi ngập tràn sự căm thù gấp bội, bởi tôi không thể giúp đỡ cha cùng những người khác. Tôi như nghẹt thở.

Sau đó, bọn lính ra lệnh cho chúng tôi quỳ trước huyệt mộ. Một người tên Mao đánh vào lưng tôi, tôi ngã xuống trên xác cha tôi. Cha tôi chưa chết hẳn! Tôi nghe giọng rên của cha, rồi không còn nghe gì nữa. Anh chị em của tôi và bọn trẻ các gia đình khác cứ bổ nhào xuống người tôi. Sau đó, bọn lính đánh chết đứa em 2 tuổi của tôi. Ba lần bị đập nó đều kêu khóc, nhưng đến lần thứ tư nó không còn khóc nữa. Tôi biết rõ như thế, song tôi không thể cử động. Bọn lính nhảy vào hố đâm rạch lên người chúng tôi cách dã man, điên cuồng cắt xéo mọi người, trừ tôi.

 

Tôi nghe một tên nói: “Tao tin là thằng này chưa chết”.

 

Tôi không biết người hắn muốn nói là ai vì tôi nằm sấp, bị kẹt giữa xác cha tôi và những người khác. Một tên lính bắn vào một xác nằm trên tôi và bổ nhát cuốc xuống người tôi, nhưng nhát cuốc không quá mạnh để tôi phải hồn lìa khỏi xác.

 

Bọn chúng đều nghĩ tôi đã chết. Nếu tôi động đậy tay chân chúng sẽ kết liễu đời tôi ngay, hoặc là tôi không thể cử động do có nhiều xác chết đè lên người tôi. Chúng bắt đầu lấp đất lên người chúng tôi, song một tên nói:

 

“Khoan chôn bọn chúng đã. Còn chờ nhiều tên khmang (kẻ thù) khác bị tiêu diệt nữa”.

 

Nghĩ rằng mọi người đã chết, chúng kéo đi tìm các nạn nhân mới.

 

Lời hứa trả thù

Năm phút sau khi chúng bỏ đi, tôi cố vùng dậy. Tôi quá yếu nên phải mất đến nửa giờ mới vùng ra khỏi các xác chết. Các thành viên gia đình tôi đều chết cả rồi. Gập người trên các thi thể bị băm nát đau đớn, tôi rơi vào tuyệt vọng, chờ đến phiên mình bị xử tử. Tôi khóc đến khi không còn giọt nước mắt nào nữa.

 

Khoảng một giờ sau, khi không có ai đến nữa, tôi cố bước ra khỏi hào và nhìn những người thân của mình lần cuối, ai nấy đều đẫm máu. Lúc này, tôi nhìn thấy từ phía tây và phía nam lố nhố những tên lính đang dẫn đến một số người. Nếu chần chừ ít phút bên cạnh người thân, chắc là tôi sẽ bị bắt lại và mạng sống chẳng còn. Nấp sau các bụi cây, tôi nhìn và bỗng nhận ra người mẹ yêu dấu của tôi và các chị tôi đang bước chệnh choạng tới hầm đào. Khuôn mặt họ bị phủ khăn, họ kêu khóc thảm thiết. Tôi muốn la to để mẹ quay mặt lại và tôi có thể nhìn mẹ lần cuối, nhưng miệng tôi như cứng lại, không thốt được lời nào nữa.

 

Bị bọn lính xô mạnh mẹ, các chị tôi và nhiều người khác ngã xuống hố. Tôi muốn nói với mẹ rằng tôi yêu mẹ biết mấy. Tôi muốn nói lời từ biệt họ. Nỗi đau dâng trào, tôi cảm thấy tâm trí mình trào lên niềm căm giận. Tôi muốn giết hết bọn đồ tể này để cứu mẹ và các chị mình, song bất lực. Thậm chí tôi không còn sức la lên để chúng đến giết tôi nữa. Tôi chỉ biết đứng nhìn chúng lấp đất rồi bỏ đi.

Mặt trời vừa lặn, tôi rời khỏi chỗ nấp và đến huyệt mộ. Tôi dùng đầu và tay gõ vào huyệt mộ. Tôi khóc nói với mẹ:

 

“Mak ơi, hãy đưa con đi theo mẹ. Con không muốn sống nữa!”.

 

Chỉ có sự im lặng đáp lời tôi. Cuối cùng, tôi cúi đầu xin hứa ba điều với cha mẹ và anh chị em của mình:

 

“Nếu còn sống, con sẽ trả thù. Nếu không trả thù được, con sẽ đi tu. Nếu con không giữ được hai lời hứa này, con sẽ rời bỏ Campuchia”.

 

Trốn trong rừng, tôi nghĩ đến cách tìm cái ăn để sống sót. Ba ngày sau, quá đói khát tôi liều mạng trở về làng, mặc người ta muốn làm gì tôi thì làm. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy dân làng, trong số đó có những người trước đây vài ngày đã kết án tôi là khmang (kẻ thù), đón tiếp tôi chân thành. Họ kinh ngạc khi thấy tôi còn sống, họ sờ tay vào người tôi và gọi tôi là “người sống lại” và là “người quá may mắn”. Sau đó, họ buộc những sợi chỉ trắng vào bàn tay tôi rồi mời hồn và tâm trí tôi trở lại với xác thân tôi. Họ cho tôi áo mới và cho tôi ăn uống.

 

Cả làng tụ tập lại vào dịp này và quyết định gửi tôi cho một ông tên là Mov, và tôi trở thành con nuôi ông. Ông bảo bọc tôi và ngăn tôi đừng trả thù. Khi đó, đối với tôi trả thù là một vấn đề danh dự.

 

Ra đi, trở về

Sokreaksa (phải) nói chuyện với Ean, người đã giết chết mẹ anh

Đầu năm 1979, Khơme Đỏ bị lật đổ và không còn nắm quyền. Tôi trở về Siem Reap sống với Sopheap Himm, người chị ruột duy nhất còn sống do không sống chung với gia đình khi vụ sát hại xảy ra. Ba người anh của tôi không có may mắn này, họ bị giết chết lần lượt từng người một. Sau đó một thời gian tôi đến sống với dì tôi tại một quận khác của Siem Reap, nơi tôi bắt đầu đi học và khởi đầu một cuộc sống mới.

 

Năm 1983, tôi tham gia lực lượng cảnh sát với mục đích duy nhất là lợi dụng chức vụ để trả thù cho gia đình. Lòng tôi tràn đầy sự căm hờn, sầu não và khao khát giữ lời đã hứa. Giờ đây tôi đã có súng, tôi có thể giết kẻ thù của mình. Nhưng trong thực tế, tôi không thể làm vậy. Khi có dịp thuận lợi và đối diện các tên sát nhân, một sức mạnh kỳ lạ lại xâm chiếm con người tôi: ngón tay đã đặt lên cò súng, song tôi không thể bóp cò.

 

Càng khát khao trả thù, cuộc sống của tôi lại càng trở nên không thể chịu đựng nổi. Năm 1984, tôi trốn khỏi Campuchia đến một trại tị nạn ở Thái Lan, gần thành phố biên giới Aranayaprathet. Tôi muốn qua Mỹ nhưng yêu cầu của tôi bị bác bỏ. Trong hi vọng làm dịu nỗi sầu não của mình, tôi bắt đầu tham dự các buổi cầu nguyện trong trại và nghe họ đọc kinh. Tôi không được an ủi bao nhiêu, bởi vì ở đó cũng chẳng có câu trả lời nào cho nỗi khổ đau trong tâm hồn mình. Tôi quyết định nộp đơn đi Canada. Năm 1989 tôi sang Toronto, sống trong một trung tâm của tổ chức phi chính phủ World Vision (Tầm nhìn thế giới). Ở đây, nhiều người giúp đỡ tôi. Tôi kết thân với Chjuck Ferguson, một thành viên của tổ chức, và ông giúp tôi sống một cuộc đời mới thật sự, tôi không còn cảm thấy cô độc nữa.

 

Một năm sau, tôi đậu cử nhân ở Đại học Tyndale ở Toronto và thạc sĩ Trường Providence Theological Seminory ở Manitoba. Tốt nghiệp năm 1996, tôi thành lập một công ty vệ sinh ở ngoại ô Toronto, North York. Sống cuộc đời mới, hài lòng với thành công của mình, tôi dần bỏ lại quá khứ phía sau mình. Năm tháng trôi qua, người ta thường hỏi tôi liệu tôi có trở về Campuchia không. Mỗi lần như thế, tôi rất tự tin trả lời:

 

“Không bao giờ! Trở về một nơi đầy kỷ niệm đau buồn liệu có lợi gì cho tôi?”.

 

Tiến tới chữa lành

Sau nhiều năm sống như người bị từ chối và đầy uất hận, tôi dần nghĩ cuộc sống của mình chỉ là bóng tối. Tôi đã sống với ước mơ nồng cháy là sẽ có ngày giữ lời hứa với gia đình mình. Trong vô thức, tôi đã nuôi dưỡng nỗi đau khổ của mình. Tôi giữ nó chặt trong một góc tâm hồn và dành cho nó một vị trí quan trọng trong đời mình. Thật vậy, nó đã trở thành ưu tiên của tôi.

 

Nuôi dưỡng ước muốn trả thù, tâm trí tôi tạo ra một thế giới tưởng tượng, một ảo ảnh giúp tôi tồn tại ngày qua ngày. Trong đầu tôi đã sáng tạo ra cả một nhà tù mà ở đó tôi nhốt những tên sát nhân của gia đình tôi. Mỗi ngày từ cách đây đã 15 năm qua, tôi vẫn còn nhìn thấy trong đầu mình từng người thân bị đánh đập, bị bổ cuốc xuống đầu, bị đâm, chém, cắt xẻo. Khi nỗi buồn xâm chiếm tâm trí tôi, tôi thấy mình vào nhà tù hành hạ từng tên sát nhân, trút căm giận xuống chúng. Tôi tin mình kiểm soát được nhà tù này, nhưng thật ra chính nó lại kiểm soát tôi.

 

Ít lâu sau, vào năm 1998, Tổ chức World Vision viết thư cho tôi và cho biết họ cần người tình nguyện ở Campuchia. Lá thư nói có rất nhiều người ở đó đang cần sự trợ giúp để vượt qua các chấn thương tâm lý do chế độ Khơme Đỏ để lại. Tôi là người có khả năng nhất để đối mặt với thực tế này. Nhưng liệu tôi có dám quay về một đất nước đã làm tôi đau đớn ê chề không?

 

Không hòa giải nào mà không có tha thứ. Không người nào sớm mai thức dậy quyết đi tìm kẻ đã sát hại người thân của mình, để rồi chiều đến xây dựng mối quan hệ không thù hận với kẻ sát hại ấy nổi cả. Tôi tin sẽ dễ viết một thư tha thứ cho kẻ sát nhân từ xa, song sự gặp mặt nhau là chuyện hoàn toàn khác, nhất là kẻ ấy đã sát hại người thân của mình. Tôi đã mất nhiều năm trước khi có thể nói đến sự hòa giải với các tên đao phủ, mà vẫn nghĩ là không thể làm nổi. Tôi không chắc mình sẽ làm gì hoặc nói gì khi đứng trước những người đã giết chết gia đình mình. Nhưng dẫu sao tôi cũng hướng chuyến đi của mình cho sự hòa giải này. Viễn cảnh đáng sợ biết bao!

 

Tôi tự hỏi liệu họ có giết tôi không khi họ nghĩ tôi quay về để trả thù. Ban đầu tôi chỉ đến gặp họ - tôi không thể tha thứ nếu không gặp họ trực tiếp. Vì ở Campuchia không có thói quen nói câu “tôi lấy làm tiếc”, tôi không chờ đợi lời xin lỗi. Nhưng tôi muốn họ biết tôi về gặp họ để giải thoát tôi và giải thoát họ khỏi ước muốn trả thù của tôi. Họ không phải sợ tôi vì tôi không muốn họ chết.

 

Gặp gỡ những kẻ sát nhân

Sau khi quyết định, tôi đáp máy bay về Campuchia tháng 5-1999. Trong khi tôi đến thăm chị tôi ở Siem Reap, nhiều bạn bè, trong đó có người giữ chức vụ quan trọng, đề nghị cho lính hộ tống tôi về làng, bởi vì nhiều cựu thành viên Khơme Đỏ còn sống ở đó. Nhưng tôi thích cùng đi với hai mục sư Campuchia là Sokcheat và Narath.

 

Con đường hư thảm hại, chỉ còn là con đường xe bò. Chúng tôi đến nơi lúc 10g sáng. Tôi đến ngay nhà của cha nuôi là ông Mov. Sửng sốt khi thấy tôi xuất hiện, mẹ nuôi tôi cho biết ông Mov đi vắng cả ngày. Tin tôi về làng nhanh chóng lan ra và nhiều người đến thăm tôi. Có nhiều người chưa quen biết tôi.

Khi tôi hỏi về những người đã dính líu vào vụ sát hại người thân của mình, ai cũng bị sốc. Vì sao tôi lại quay về sau 20 năm để tìm họ? Họ hiểu là tôi muốn trả thù?

 

Không ai nói cho tôi biết những kẻ sát nhân giờ ở đâu. Lúc ấy, tôi đến thăm anh bạn cũ Sak, vì anh và tôi từng sống trên các cánh đồng thời Khơme Đỏ. Sak bị buộc đi lính và có lần anh cùng hai người lính khác đi đánh cá bằng bom. Một quả bom phát nổ bất ngờ giết chết hai người lính kia, còn Sak bị mù do hơi bom. Sak cho tôi biết bốn trong sáu tên lính mà tôi đang tìm đã chết khi Campuchia được giải phóng, chỉ hai người còn sống. Mao - kẻ đã bổ nhát cuốc vào người tôi - đang sống ở làng, còn Ean đã chuyển qua làng bên cạnh.

 

Tôi đến nhà ông Mao, song ông ta đang lao động ngoài đồng. Tôi nhờ một dân làng và mục sư Sokcheat đi tìm ông và dẫn ông về nhà cha nuôi của tôi. Tôi nói với họ:

 

“Xin nói với ông ta đừng ngại ngùng gì, bởi vì tôi không có ý xấu. Tôi chỉ muốn gặp ông ta để tha thứ cho ông ta thôi”.

 

Ngồi chờ ông Mao, tôi hàn huyên với dân làng và biết những ai đã chết trong cuộc chiến. Nhiều người cao tuổi dường như đã quên những gì xảy ra với gia đình tôi. Lúc đầu họ ngại nói chuyện với tôi, nhưng sau họ hỏi tôi sống ở đâu trong 24 năm qua.

 

Ông Mao đang cày ruộng khi mục sư Sokcheat và người làng đến gặp. Ông tỏ ra bất ngờ và ngạc nhiên khi nghe nói tôi mời ông đến gặp. Tuy lo lắng, ông cũng ngừng làm việc và cột bò trên cánh đồng rồi về.

 

Khi ông đến, tôi nghĩ ông sẽ cố tỏ ra can đảm nhưng ông lại sợ sệt. Tôi chào ông, mời ông ngồi ăn cơm với tôi. Một số người khác cũng ngồi dùng bữa, tôi đưa bánh mì cho ông để cố giúp ông thoải mái.

 

Có ai đó đề nghị uống rượu. Sau khi uống chút rượu, ông ta bắt đầu nói chuyện với tôi. Sau bữa cơm, tôi muốn biết ông cảm nhận gì khi nhìn thấy tôi. Ông cười nhẹ. Tôi hỏi:

 

- Ông biết ông đập tôi vào đâu không?

- Biết chứ.

- Hôm ấy ông giết bao nhiêu người, ông nhớ không?

- Không, tôi không nhớ.

- Chúng tôi có 33 người. Nhưng 32 người đã chết. Tôi là người duy nhất còn sống.

 

Ông tỏ vẻ ngạc nhiên nhưng không nói gì, có lẽ do sợ hãi. Ông không nhìn vào mắt tôi nữa. Tôi nói:

 

- Tôi đến đây để giải thoát ông khỏi nỗi sợ hãi. Tôi mang cho ông một số quà đây nhé.

 

Tôi khoác chiếc khăn quàng kiểu Campuchia lên vai ông và nói:

 

- Đây là một krama. Đó là biểu tượng của sự tha thứ mà tôi trao cho ông.

 

Tôi thấy rất khó để nói những lời này với một người đã giết cha mình. Nhiều lời khác không nói được nghẹn lại trong họng và tim tôi rướm máu.

 

Nếu bị thương ở chân, người ta tháo băng ra và rửa vết thương. Nó hơi đau nhức nhưng vết thương sẽ chóng lành. Cần thì phải rửa vết thương để mau lành. Nói lời tha thứ với kẻ giết cha mình là điều khó khăn đối với tôi, nhưng đó cũng là một bước cần thiết để chữa lành vết thương của tôi.

 

Khi tôi hỏi về tình cảm của ông, ông không tỏ ra một chút xúc động nào, một chút hối hận nào, một chút ăn năn nào về những gì ông đã làm xưa kia. Dường như ông ta đã chết từ lâu. Tôi hỏi:

 

- Ông nói gì khi giờ đây tôi đã tha thứ cho ông?

 

Ông chỉ đáp:

 

- Cám ơn.

 

Sau ba giờ nói chuyện với ông, tôi vòng tay ôm ông và nói: “Tôi biết là ông không có ý giết hại gia đình tôi, nhưng ông phải làm theo lệnh cấp trên của Khơme Đỏ. Điều gì xảy ra trong quá khứ thì bây giờ được xóa sạch hết, ông có thể ra về bình an”.

 

Nhiều người dân tỏ vẻ ngạc nhiên khi thấy tôi ôm ông. Ở Campuchia, đàn ông hiếm khi ôm nhau - trừ dịp gặp lại nhau hoặc để từ biệt, nếu là bà con gần. Do đó, việc tôi ôm một người từng giết gia đình tôi không có ý nghĩa gì đối với họ. Có lẽ họ nghĩ tôi làm như trong phim - tôi diễn vai của mình, nhưng một ngày nào đó tôi sẽ trở lại để giết ông ta.

 

Sau đó, ông Kmao, phó trưởng làng xưa kia, bước vào nhà. Ông ta đã ra lệnh cuối cùng cho ông Mao và những người khác sát hại gia đình tôi. Tôi đã mời ông đến. Ông cũng tỏ ra rất bất ngờ khi nhìn thấy tôi, vì ông tin là tôi đã mất tích từ 24 năm qua. Ông cũng tin là tôi trở về với các ý định xấu xa. Ông ngồi câm như hến.

 

Ngồi gần chúng tôi, một người nói:

 

- Thời ấy, ông này là phó trưởng làng, chính ông quyết định mọi chuyện, xấu cũng như tốt. Cũng chính ông ra lệnh giết chết gia đình anh.

 

Nghe xong, ông ta quá sợ hãi, kêu lên:

 

- Tôi không muốn, nhưng họ ép buộc tôi. Tôi có thể làm gì được chứ?

 

Đám đông im lặng - điều ông nói là sự thật.

 

Tôi cúi người chào ông. Khi đến gần ông, tôi đặt một tay lên vai ông. Ông thở khó nhọc. Tôi hỏi:

 

- Có chuyện gì vậy?

- Tôi nghẹt thở.

 

Tôi thấy ông run rẩy mà không kiểm soát nổi. Để trấn an ông, tôi nói:

 

- Nhiệm vụ của tôi hôm nay là giải thoát ông khỏi món nợ đối với gia đình tôi. Tôi không đến để làm điều xấu với ông, nhưng là tha thứ cho ông. Cũng như tôi đã tha thứ cho ông Mao trước đó.

 

Bước cuối cùng

 

Trước khi lên đường, tôi hứa với dân làng là sẽ trở lại để đào nhiều giếng nước và xây dựng một trường học. Tôi cũng thông báo với họ là tôi thích được gặp ông Ean, người đã sát hại mẹ tôi, để tha thứ cho ông ấy.

 

Ít tháng sau, tôi gặp ông Ean tại nhà ông. Ông đang chờ. Trái với những người khác, ông ta nhận tội của mình. Ông nói:

 

- Tôi rất hối hận về những gì đã làm. Lẽ tất nhiên tôi bị buộc phải phạm những tội ác ấy, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình phạm tội cho đến cuối đời mình. Anh cần phải hiểu rằng tôi không có sự lựa chọn nào khác. Nếu tôi trái lệnh, tôi cũng sẽ bị giết chết. Nhưng dẫu tôi có làm gì, tôi cũng sai lầm rồi.

 

Cảm động về lời nói của ông, tôi chỉ nói: “Tôi đến để tha thứ cho ông”.

 

Ean đã can đảm đáp lại: “Hãy tha thứ cho tôi về mọi khổ đau tôi đã làm cho gia đình anh”.

 

Vừa nghe những lời này, trái tim tôi mềm nhũn, xúc động, tôi cảm thấy nỗi đau đớn tàn khốc bị bóp nghẹt lâu nay sắp được chữa lành. Ông là kẻ sát nhân đầu tiên của gia đình tôi đã biết nhìn nhận tội ác của mình và xin tha thứ. Đây lại là điều tôi đã chờ đợi suốt đời mình.