Tình bạn |
Tác Giả: Phan Hạnh, Toronto. | |||
Thứ Ba, 23 Tháng 12 Năm 2008 16:50 | |||
December 23, 2008 Tình bạn là chất keo sơn vi diệu của linh hồn, là hương vị ngọt ngào của cuộc đời, là quân binh của xã hội! Robert Blair viết lên trong thi phẩm Nấm Mồ (The Grave). Nhà thơ người Anh Robert Blair (1699-1746) cùng với Thomas Gray và Edward Young là các thành viên của nhóm Thi Đàn Nghĩa Địa (The Graveyard Poets) vào thế kỷ thứ 18. Những giòng thơ của họ mang đầy nỗi buồn thảm nói về nỗi chết, sự thương tiếc, và niềm hiu quanh của nấm mồ. Nhà thơ tiền chiến Chế Lan Viên phải chăng đã chịu ảnh hưởng của thi phái này. (Xin xem bài Tản Mạn Nỗi Chết). Phải lắm! Ai sống mà không có bạn. Tình yêu không biên giới. Tình bạn cũng thế thôi. Amour và amitié đều là aimer. Một đôi bạn thân chỉ cần hiểu nhau và quí trọng nhau; ngoài ra, các yếu tố khác chỉ là ngoại vi và phụ thuộc. Số phận rủi may của mỗi người mỗi khác, con người không thể kiểm soát và điều khiển. Tình yêu, danh vọng, sự nghiệp, sức khỏe có được hay không, tốt hay xấu không ảnh hương đến tình bạn thuần túy chân thật. Xét qua những đôi bạn hợp tính ý và tư tưởng, tôi nghĩ đến đôi bạn Sào Phủ và Hứa Do trước nhất. Dẹp qua mối hoài nghi hai nhân vật này có thật trên đời không, tôi chỉ thích cái tinh thần ngạo mạn xem thường công danh của họ mà thôi. Đời Nghiêu Thuấn xa xưa bên Tàu được xem là thời hoàng kim thịnh trị thái bình, khi tính thiện của con người hoàn toàn chưa bị ô nhiễm. Sào Phủ và Hứa Do là hai con người tiêu biểu của thời đó. Hai ông đều có tài văn võ, vốn học cao rộng, nhưng chê bả công danh, chỉ sống nghề đốn củi và chăn trâu nơi vùng hoang vắng. Thời đó các vua đều là bậc minh quân, không truyền ngôi cho con cháu mà chỉ truyền ngôi cho những bậc hiền tài trong thiên hạ. Nhưng những bậc hiền tài thì lại trốn công danh và đều lui về vùng “kinh tế mới”, báo hại vua phải thân hành lặn lội đi tìm. Gặp Hứa Do đi đốn củi từ trong núi về, vua chận hỏi, Hứa Do lẳng lặng bỏ đi không trả lời. Tùy viên của vua tài khôn báo cáo rằng người đó chính là Hứa Do, một bậc minh triết, hiếu đạo và hiền tài, nổi tiếng vì đã giết cọp cứu trâu của bạn là Sào Phủ. Vua ngỏ ý muốn gặp hai người đó; tùy quan thưa rằng vua phải giả dạng nhà quê mới mong được họ tiếp. Lần kế, vua làm theo lời khuyên của tùy quan, thấy Hứa Do gánh củi về liền chào hỏi, nhưng lại gọi Hứa Do là hiền nhân. Hứa Do giẫy nẩy,"Tôi làm nghề đốn củi mà hiền nhân cái nỗi gì! Ông nhìn lầm người rồi đó!" Tùy viên của vua đỡ lời, "Đó chính là hoàng đế giả trang. Nhà vua đi tìm người tài đức để nhường ngôi". Hứa Do nghe xong hết hồn gánh củi bỏ chạy. Vua thất vọng ra về. Chiều hôm đó, Sào Phủ lùa trâu về, gặp Hứa Do đang đứng tắm dưới sông. Sào Phủ hỏi, "Sao anh làm gì mà nghiêng đầu xuống nước hoài vậy?" Hứa Do nói phải rửa cái lỗ tai cho thật sạch vì đã lỡ nghe những tiếng công danh có mùi quyền quí làm bẩn tai. Sào Phủ nghe vậy đâm hoảng, bèn dắt trâu lên thượng nguồn cho trâu uống nước trong chưa bị ô nhiễm mùi công danh! Câu chuyện trên đây cứ coi như là một huyền thoại đi, nhưng nó đã nói lên được ngụ ý của sự việc hai tư tưởng vĩ đại gặp nhau. Hai người bạn như vậy chơi thân với nhau, thật là tâm đầu ý hợp. Đôi bạn Marx và Engels Karl Marx (1818- 1883), cha đẻ của Bản Tuyên Ngôn Cộng Sản và Tư Bản Luận, và Friedrich Engels (1820-1895) là hai người bạn chí thân. Tuy các tác phẩm tư tưởng đều mang tên của Marx, nhưng ai cũng biết công của Engels đóng góp không nhỏ. Cuộc đời của Karl Marx quả là một bi kịch đầy khốn khổ gian truân và nhiều cay đắng. Nguyên nhân chỉ vì ông muốn cống hiến trọn vẹn cuộc đời phụng sự cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Ông sẵn sàng đoạn tuyệt với nguồn gốc Do Thái mà ông cho là ích kỷ, buôn bán bẩn thỉu, tôn thờ đồng tiền tư bản. Ông trở thành một danh nhân lớn trong lịch sử, vừa là một triết gia, một nhà kinh tế và là một nhà cách mạng mà ảnh hưởng của ông vẫn còn lưu lại đến ngày nay. Đậu tiến sĩ năm 23 tuổi, ông viết báo, làm chủ bút, nghiên cứu và đưa ra nhiều sách lược mới mẻ trong các lãnh vực triết học, chính trị, kinh tế và xã hội. Vậy mà đời ông không khá, bị sạt nghiệp vì tờ báo bị đóng cửa, bị "quê hương ruồng bỏ giống nòi khinh" vì bị nhà cầm quyền Đức truy nã và cả hai bên cha mẹ đều giận ghét không thèm giúp đỡ, phải làm thân lưu vong qua nhiều nước, sau cùng định cư ở Luân Đôn qua sự tận tình giúp đỡ của người bạn quí là Friedrich Engels vì Engels đang điều hành một xưởng dệt ở đó. Engels đỡ đần Marx về vật chất lẫn tinh thần, là người nâng Marx dậy khi Marx ngã, là người đọc điếu văn trong buổi an táng Marx tại nghĩa trang Highgate của thủ đô Luân Đôn. Như cái tên gọi, Engels quả là thiên thần độ mạng cho Marx. Friedrich Engels gốc kỹ sư ngành dệt vải vì muốn nối nghiệp cha. Sau đó ông kinh doanh và viết báo về những vấn đề cải cách luật lao động nhằm cải thiện đời sống thợ thuyền. Hai người bạn gặp nhau lần đầu tiên trên bước đường lưu vong ở Ba Lê năm 1844, và cảm thấy tư tưởng hai người hoàn toàn hợp nhau trong các vấn đề căn bản xã hội. Engels giúp Marx sửa bài, bổ sung ý kiến và đúc kết quyển hai và ba của bộ Tư Bản Luận. Tình bạn kéo dài suốt bốn mươi năm cho đến khi Marx chết. Đôi bạn Valéry và Gide Trước hết, ta hãy đọc bài thơ Le Bois Amical sau đây của Valéry. Nous avons pensé des choses pures (Paul Valéry) Bài thơ này Paul Valéry (1871-1945) sáng tác để tâm tình với người bạn thân là André Gide (1869-1951). Valéry được coi là nhà thơ lớn nhất trong thế kỷ hai mươi của Pháp. Gide là nhà văn nổi tiếng cùng thời, được trao giải Nobel văn chương năm 1947. Valéry và Gide cùng có tư tưởng tự do phóng khoáng và chí hướng văn học, cùng thuộc trường phái biểu tượng, là hai người bạn đường tương đắc, tâm đầu ý hiệp. Hai người thường hay dạo chơi với nhau, chỉ cần đi bên nhau, tay nắm tay, không cần phải nói năng gì nhưng vẫn có thể thông cảm, như thể ý tưởng của hai người đã truyền đạt qua tay nhau rồi. Ngày xưa, và ngay cả ngày nay ở những nơi chưa bị ảnh hương của văn hóa và lối sống của tây phương tiêm nhiễm, hai người bạn trai thân nhau vẫn nắm tay nhau lúc đi dạo. Thuở còn ở bậc tiểu học, tôi nắm tay hoặc choàng vai bạn tôi (không phải bạn gái) đi chơi long nhong ngoài phố là chuyện thường. Đối với Valéry và Gide, là hai người có tư tưởng tự do, thì việc nắm tay nhau đi dạo buổi tối, dám tự ví mình là "fiancés", hai người càng coi là chuyện tự nhiên thôi. Cánh Rừng Thân Thương Ta cùng nghĩ những điều tinh khiết, (Phan Hạnh phỏng dịch) Bây giờ ta hãy đọc bài thơ Nhắn Bạn của Tú Xương gửi cho Phan Sào Nam: Ta nhớ người xa cách núi sông Ở đây ta bắt gặp một sự trùng hợp tương tự thật là dễ thương. Hai thi sĩ, sinh cùng thời, một đông một tây lại cùng có ý tưởng hết sức giống nhau khi nói đến tình bạn. Trần Tế Xương sinh năm 1870, Paul Valéry sinh năm 1871. Chắc chắn một điều là hai người không hề biết đến nhau, không hề đọc thơ của nhau nên không thể có trường hợp người nầy mượn ý của người kia. Tú Xương nói, hai người bạn thân nhau, quí mến nhau và tương tư nhau chẳng khác gì một đôi tình nhân (tương tư lọ phải là trai gái). Bên trời tây, Valéry phơi bày một ý tương y hệt như vậy (Nous marchons comme des fiancés). Tú Xương nói, hai người bạn tuy xa nhau nhưng cùng nghĩ những điều giống nhau (Khi nhớ, nhớ cùng trong mộng tưởng); Valéry cũng nói y như vậy khi đôi bạn im lặng đi bên nhau: Nous avons pensé des choses pures. Tú Xương và Valéry đều chết trước bạn, như thể đó là một định luật oan nghiệt dành cho những người làm thơ bằng tất cả tâm hồn. Một bài thơ Nhớ Bạn nữa của Tú Xương là: Ai về còn nhớ ai không, Xem đó, tình bạn cũng có thể rất tha thiết như là tình yêu của lứa đôi, cũng có thể làm cho ta ngơ ngẩn nhớ nhung. George Gordon Byron (1788-1824) gọi tình bạn là tình yêu không có đôi cánh (L'Amitié est l'Amour sans Ailes). Non và nước được thi sĩ Tản Đà đem ví với tình vợ chồng qua bài Thề Non Nước. Thì ở đây, nhà thơ Trần Tế Xương xem non và nước là đôi bạn tri kỷ. Nhiều người nói vợ chồng là cần thiết nhưng cũng không thể sống thiếu bạn bè. Ca sĩ Khánh Ly đi một bước xa hơn khi cô cho rằng cô có thể cãi vã với chồng nhưng không thể làm mất lòng bạn. Tình bạn giữa Đinh Hùng và Vũ Hoàng Chương và tình bạn giữa hai nhà thơ người Anh Wordsworth và Coleridge cũng có vài điểm tương tự. Thi hào William Wordsworth (1770-1850) với thi sĩ Samuel Taylor Coleridge (1772-1834) một thời là anh em bạn cột chèo (có vợ là hai chị em ruột). Wordsworth mồ côi mẹ lúc tám tuổi, mồ côi cha lúc 13 tuổi. Wordsworth và Coleridge cùng thuộc trường phái thi ca lãng mạn, đồng tác giả của tập thơ nổi tiếng Lyrical Ballads xuất bản năm 1798. Tình bạn được Coleridge định nghĩa: Hoa đáng yêu, tình yêu như hoa/Tình bạn bóng cây che phủ ta/Ôi niềm vui như thể mưa rào/ Ôi tình bạn, tình yêu, và tự do: Flowers are lovely; love is flower-like; "Vũ Hoàng Chương (1915-1976) là anh rể của Đinh Hùng (1920-1967), kết hôn với người chị kế của Đinh Hùng là Đinh Thục Oanh năm 1944. Sau khi Đinh Hùng mất, Vũ Hoàng Chương viết: "Ở cương vị một người bạn, tôi đã từng kể lại trước máy vi âm một vài kỷ niệm thuở ban đầu tôi cùng họ Đinh gặp gỡ, và kể tóm tắt trong mục Nghệ Thuật Truyền Thanh của đài Phát Thanh Saigon. Và ngay tối hôm ấy, tức là 28/8/1967 Dương lịch, theo thói quen mỗi tuần nằm nghe mục Tao Đàn, chợt nghe mấy tiếng Hùng vang dội, mặc dầu biết trước đó chỉ là do một cuốn băng nhựa được quay lại trước máy thu thanh của đài, tôi cũng vô cùng xúc động, tưởng như cõi chết gần gũi đâu đây, và Đinh Hùng, bạn tôi, với tư cách trưởng ban Tao Đàn, lại tiếp tục lên tiếng gửi mười phương thính giả." Người thơ nằm xuống đó hiên ngang (Thi Hào Đã Khuất của Vũ Hoàng Chương) (Tiếng Đó Người Đâu? của Vũ Hoàng Chương) Huy Cận và Xuân Diệu là đôi bạn thi sĩ thiết thân. Huy Cận sinh năm 1919, gốc gia đình địa chủ giàu có ở Hà Tĩnh, học Trường Quốc Học Huế, Trường Cao Đẳng Nông Lâm Hà Nội, xuất bản tập thơ Lửa Thiêng năm 1940, Thứ Trưởng Thanh Niên của chính phủ Việt Minh năm 1945, Thứ Trương Văn Hóa của miền Bắc năm 1955. Xuân Diệu tên thật Ngô Xuân Diệu, sinh năm 1917 tại thị xã Qui Nhơn, học ở Hà Nội cho đến khi đỗ Tú Tài, thích làm thơ hơn thích học. Dáng vẻ thư sinh, đeo kính cận, tóc quăn bồng bềnh tự nhiên, mắt nhìn mơ mộng ngơ ngác. Thi và trúng tuyển vào làm ngành quan thuế, phục vụ ở Mỹ Tho vài năm thì bị đuổi việc và trở về Hà Nội. Tác giả tập thơ Gửi Hương Cho Gió. Huy Cận có địa vị và quyền thế hơn Xuân Diệu nên nâng đỡ Xuân Diệu rất nhiều. Hai người tuy công tác xa nhau nhưng thư từ liên lạc thường xuyên, hễ có dịp là gặp nhau. Theo như tác giả Kim Nhật viết trong quyển Nhà Văn Tiền Chiến Hà Nội Hôm Nay thì Huy Cận xấu trai, khắc khổ, khô khan, ít bạn, "nếu cái mặt to hơn tí nữa thì đúng là em của Phạm Văn Đồng!". Mai Sau ( Huy Cận gửi Xuân Diệu) Xuân Diệu đọc nhiều thơ của các tác giả Pháp nên chịu ảnh hương của thơ Pháp rất nặng. Có thể nói ông phóng tác thơ ông từ các bài thơ của Pháp, nhất là thơ của Paul Valéry. Chỉ có Xuân Diệu mới viết những câu thơ nghe như "Tây" nói: Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm và Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành. Riêng bài thơ Với Bàn Tay Ấy trên đây mang nhiều nét nhang nhác với bài Le Bois Amical của Valéry. Rất có thể Xuân Diệu đã đọc bài Le Bois Amical có câu Nous nous sommes tenus par les mains của Valéry rồi cảm tác ra bài Với Bàn Tay Ấy cho nên cũng có rừng cây, trăng trên cao, đồng cỏ, bờ rêu, một tối đầy, và đôi bạn tay trong tay lặng im không nói. Một lứa chung tình từ tứ chiếng Thanh Nam Trần Đại Việt là một nhà thơ hào sảng luôn nặng tình với bạn bè văn nghệ. Ông thích thù tạc, lại là một tay uống rượu có hạng như Mai Thảo, nên bạn rất nhiều. Một trong những người bạn thân của ông là Hoàng Hải Thủy, sau khi đọc xong bài thơ Khúc Ngâm Trên Đất Tạm Dung của Thanh Nam, đã viết: "Thấm quá Thanh Nam ơi. Vì mày đã chết nên khi viết những dòng này, tao định gọi mày là "bạn", xưng "tôi", nhưng tao nghĩ: lúc mình sống, mình thân mật mày tao, tại sao khi mình chết, mình lại gọi nhau là "bạn"? Bây giờ tao gọi mày là "bạn" cũng được thôi, nhưng tại sao mình lại phải đổi cách xưng hô sang bạn bạn tôi tôi chỉ vì một thằng đã chết, một thằng còn sống? Ngày gặp lại nhau mình sẽ mày tao mà! Mày làm những lời thơ này năm 1979. Năm 1979 tao đang nằm trong nhà giam số 4 Phan Đăng Lưu. Hai mươi năm trôi qua rồi đấy, Thanh Nam. Chiều nay mày đã về trong đất mười bốn năm, tao đọc thơ mày mà cảm khái, tưởng nhớ mày, thấy hiển hiện hình ảnh mày, tay cầm ly rượu, đứng cũng rung đùi; nhớ những lần chúng mình cùng Trịnh Viết Thành lên Quang Minh Đỉnh, những đêm mưa mình ngồi uống bia 33 ở cái quán bên Chợ Đũi Saigon ngày xưa. Thanh Nam ơi, thơ mày thật hay, thật thơ, làm tao cảm động. Ôi những buồn cơm áo, nhục tha hương. Mày đi trước 30 Tháng Tư 1975, mày còn may mắn, ít nhất cũng may mắn hơn tao. Đi thoát hay kẹt lại, chúng mình cùng chung cái nhục bại trận, nhục bỏ chạy, nhục đầu hàng. Tao kẹt lại, tao chịu cái nhục cúi mặt trước kẻ thù, và sau mày đến hai mười mùa lá rụng, tao theo mày chịu cái nhục tha hương. Ở xứ người bốn năm, mày thấm trò dâu biển, hôm nay tao cũng ở xứ người bốn năm ." Khúc Ngâm Trên Đất Tạm Dung Uống say mai sớm bạn lên đường (Thanh Nam) Lưu Biệt Tiệc này đêm cuối mai chia ly Đau tình không xót bằng đau nghĩa Rượu xuân càng chịu cay mùi cũ Đất trời rộng quá, tôi không chịu Sáng mai qua bến Ninh Cơ lạnh (Thâm Tâm) Cũng theo Hoàng Hải Thủy, Mai Thảo là một người văn chương khác mến bạn. Thời gian sống ơ Quận Cam, Cali., Mai Thảo ngụ nơi một căn phòng nhỏ sau tiệm ăn Song Long. Cảnh trí này được tìm thấy trong bài thơ tứ tuyệt Đợi Bạn sau đây: Nửa khuya đợi bạn từ xa tới Hơn một ngàn năm trước, Triệu Sơ Tú đời Đường cũng có cùng tâm cảnh đó, nửa đêm thức bên đèn đợi bạn qua bài thơ Ước Khách: Hoàng mai thời tiết gia gia vũ Nguyễn Bính dịch là: Khách Hẹn Trong hai bài thơ Gửi Bác Châu Cầu và Lụt Hỏi Thăm Bạn, nhà thơ Yên Đỗ nhắc đến người bạn tâm giao cùng học và cùng thi đỗ một khoa cử nhân là Bùi Văn Quế, người làng Châu Cầu, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Bạn thân thiết hợp tính nhau xưa gọi là bạn kim lan, do hai câu chữ nho Nhị nhân đồng tâm, kỳ lợi đoạn kim; Đồng tâm chi ngôn, kỳ xú như lan, có nghĩa là hai người mà đồng lòng thì chặt sắt cũng đứt, lời nói của bạn đồng tâm thì thơm như hoa lan. Gưi Bác Châu Cầu Kim lan từ thuở nhỏ chơi bời, Sau khi từ quan về ở hưu, Nguyễn Khuyến dạy học (Kẻ già nét bút chăm cùng trẻ), còn Bùi Văn Quế làm thầy thuốc bắc (Người khỏe, tay dao độ lấy đời). Lụt Hỏi Thăm Bạn Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu, Cũng như tình yêu lứa đôi, tình bạn vượt lên trên mọi giai cấp. Cụ Phan Thanh Giản khi làm quan đến chức Kinh Lược Đại Thần mà vẫn giữ tấm lòng quí trọng một người bạn cũ đang sống trong cảnh nghèo. Mỗi khi tới chơi với bạn, sợ bạn bị mặc cảm đâm ra e dè mất tự nhiên, cụ Phan mặc thường phục và đi bộ một mình. Sự đối đãi với bạn chỉ bằng một tấm lòng thành không phân biệt đẳng cấp sang hèn của cụ Phan đã khiến cho người bạn nghèo cảm động. Tình bạn tâm giao thân thiết tự nhiên muốn bền vững lâu dài cần có một sự tương kính phẩm giá của nhau, tôn trọng sự tự do lựa chọn lối sống của nhau, và nên duy trì một khoảng cách giới hạn để khỏi suồng sả xen lấn xâm phạm đời tư của nhau. Tình bạn nầy là một thí dụ của câu thành ngữ Sai Đẳng Chi Giao, có nghĩa là tuy khác đẳng cấp nhưng vẫn là bạn thâm giao. Tình bạn giữa hai người giàu sang, nghèo hèn khác nhau mà vẫn kính trọng và thân thiết với nhau do sự tích thời Chiến Quốc, Quản Trọng, một tướng quốc của nước Tề, và Nịnh Thích, một kẻ chăn trâu, quen nhau và kết nghĩa anh em. Bá Nha và Tư Kỳ cũng thế, một người là đại quan tại chức của triều đình, một người chỉ là tiều phu đốn củi; vậy mà vẫn kết nghĩa anh em chỉ vì một tấm lòng tương kính thuần túy mà thôi (Xin xem bài Tản Mạn Một Vầng Trăng). Công danh là hư ảo. Tình bạn mới ngọt ngào. Oliver Wendell Holmes (1809-1894), một nhà thơ/nhà văn ái quốc của Mỹ, vừa là giáo sư đại học y khoa Harvard, từng nói: Công danh là đóa hoa hướng dương (Phan Hạnh phỏng dịch) (Fame is the scentless sunflower, Bạn tốt chia cơm xẻ áo cho nhau là thường. Bạn đồng ngũ trong quân đội có khi còn hy sinh mạng sống cho nhau. Cuối đời Xuân Thu ở nước Sở có Tả Bá Đào và Dương Giốc Ai là đôi bạn thân cùng nhau khăn gói rời quê nhà xuống kinh đô dự thi. Không ngờ đường xa diệu vợi lại gặp lúc thời tiết xấu, mưa gió rét căm căm khiến cho cuộc hành trình của hai người trở nên thật là gian nan vất vả; lương thực mang theo cũng sắp cạn. Tả Bá Đào nhận thấy mình lớn tuổi hơn, sức khỏe yếu kém, tương lai có vẻ mờ mịt nên muốn hy sinh cho bạn. Nhân lúc Dương Giốc Ai đi kiếm củi khô về sưởi, Tả Bá Đào cởi áo để lại cùng với hết phần lương thực của mình và lẻn đi. Dương Giốc Ai chạy tìm gặp lại và muốn đôi bạn sống chết có nhau. Tả Bá Đào nói hai người chết hết chẳng ích lợi gì, chi bằng một người sống quyết đoạt công danh làm rạng rỡ cho xóm làng, như vậy người chết cũng hả dạ. Đào nhứt định không chịu mặc áo, không chịu ăn, sau cùng vì sức yếu nên ngã quị và chết bên đường. Giốc Ai đành vùi xác bạn, dẹp bi lụy và quyết chí lên đường đi kinh đô. Tình chiến hữu, tình đồng đội là tình bạn cao cả nhất vì nó gắn bó bằng một tập thể phục vụ chung lý tưởng và cận kề với nỗi chết. Mạng sống mong manh mở ra trong con người lòng vị tha và hi sinh, sẵn sàng chia ngọt xẻ bùi, thương nhau như anh em, xem nhau như ruột thịt. Trong bài viết Bầu Trời Đánh Mất, tác giả Trường Sơn Lê Xuân Nhị suy tư về những người bạn cũ trong Phi Đoàn 114: Không viết thì thôi, mà viết về Phi-đoàn, về bạn bè, về cuộc đời bay bổng của mình ngày xưa, lần nào cũng cảm thấy mắt mình cay cay như có ngấn lệ. Sang Mỹ, đã không biết bao nhiêu lần, tôi ngủ nằm mơ thấy mình đang ngồi trong phi-đoàn cười đùa giữa anh em để chờ cất cánh. Hỡi những thằng bạn trời đánh ngày xưa cùng chung một lứa tuổi và cùng chung một đời, chúng mày bây giờ đâu hết cả? Hay đã chết cha nó ở mấy cái xó xỉnh nào rồi. Thương nhớ chúng mày. Đứa nào còn sống thì mai mốt mình sẽ gặp. Nếu gặp, ông hứa, dù nghèo kiết xác, nhưng ông sẽ lén vợ, vồ một ít tiền để dắt chúng mày đi chơi bời một hôm cho bỏ ghét. Mỹ, Mễ, Đại Hàn, Thái Lan gì ở đây đều có đủ cả. Tóc vàng mắt xanh gì cũng cùng một giá ráo. Bọn mình sẽ ngồi uống bia, sẽ chửi thề, sẽ tán dóc, sẽ kể chuyện tiếu lâm, sẽ ngửa mặt lên trời cười ngạo mạn, sẽ ngâm thơ Quang Dũng, sẽ triết lý vặt, sẽ phanh ngực áo, sẽ ra sau hè đứng đái, sẽ thả dê chạy vòng vòng, sẽ sờ mó và bốc hốt các em, sẽ y như ngày nào hồi bọn mình còn trẻ, còn là phi công của quân đội, tao bảo đảm! Chúng mày tới Mỹ, tao còn phải dạy cho câu văn chương tiếng Mỹ này để mà nói khi thiên hạ hỏi về cuộc đời của những thằng phi công hết thời như bọn mình. Chúng mày phải nói, "I can't fly anymore, but I know exactly where I belong to. Up there, in that fucking sky!" Thằng nào chết, cho tao đốt nén hương. Biết làm gì hơn đây? Một nén hương với tất cả tấm lòng thành cầu nguyện cho chúng mày, vong hồn bọn mày có linh thiêng xin về đây chứng giám cho tao. Ai thua thì thua chứ tao không thua tụi nó đâu. Làm sao thua được? Bằng cách này hay bằng cách khác, tao sẽ trả thù cho chúng mày. Một nén hương trầm tao đốt cho mỗi đứa tụi mày để đánh dấu một thời bọn mình đã từng chiến đấu và từng sống như người. Đoạn văn trên chắc chắn phải được viết với ngọn trào lòng, với niềm cảm xúc chứa chan không màu mè, che đậy. Cảm nghĩ yêu thương về bạn bè cùng đơn vị của tác giả tuôn chảy tự nhiên như một lời kể lể tâm tình. Nhiều người cho rằng bạn hàn vi nhiều tình nghĩa hơn bạn sang giàu. Họ viện dẫn câu tục ngữ Giàu đổi bạn, sang đổi vợ. Trong hồi ký Viết Trên Gác Bút, nhà văn Nguyễn Thụy Long nói về bạn bè ông: Tôi có nhiều bạn bè, những người bạn chơi với nhau từ thuở nhỏ còn để chỏm, bạn nghề nghiệp có. Tôi từng mất những người bạn về lý do gì đó, còn những người bạn nay chống gậy đi thăm nhau cùng nhau ngồi thưởng thức một chén trà ngon, dành cho nhau, đọc cho nhau nghe bài thơ mới làm hoặc một đoạn văn mới viết , kể cho nhau nghe dựng nên một cuốn tiểu thuyết, một cuốn phim có tầm cỡ như mộng ước. Tất cả đều thật tình với nhau, như thuở nào chia nhau hơi thuốc lào hiếm hoi trong tù. . Tôi từng nắm tay bạn trên giường bệnh, cảm thấy tay bạn lạnh giá mà nước mắt trào ra ướt khuôn mặt vàng võ. Bạn sắp từ giã cõi đời mà bạn còn điều gì đó chưa làm được hoặc chưa nói nên lời, tiếc nuối nghẹn ngào. Cái đau là ở chỗ đó, cái thê lương cũng ở đó. Cuộc đời quả thật ngắn ngủi, chỉ như một giấc chiêm bao. Tôi nhớ câu nói đó của người bạn, thi sĩ Thùy Dương Tư. . Bạn bè tôi nhiều lắm, còn sống tại đây hay đã chết. Ở nước ngoài cũng có nhiều, mang nhiều thứ quốc tịch, nhưng gốc vẫn là Việt Nam. Chúng tôi gặp lại nhau, còn nhớ đến nhau, mừng mừng tủi tủi. Dĩ nhiên là hỏi han nhau, hỏi về đời sống những người bạn khác còn sống, và đã chết. Tôi tình thật kể lể, chẳng cần thêm bớt một điều gì. Amicus certus in re incerta cernitur,(khi ta gặp khó khăn mới biết ai là bạn quí), người La Mã xưa có nhiều tấm gương sáng về tình bạn: Achilles và Patroclus, Pylates và Orestes, Nisus và Euryalus, Damon và Pythias. Thế kỷ thứ tư trước công nguyên, Pythias bị nhà độc tài Dionysius của nước Syracuse kết tội chết, nhưng Pythias cần phải về quê để thu xếp việc gia đình. Bạn thiết thân của Pythias là Damon đứng ra bảo lãnh cho Pythias, hứa chịu chết thế nếu Pythias trốn luôn không trở lại. Pythias đúng hẹn trở lại. Dionysius cảm kích trước tình bạn thiêng liêng, nên tha mạng cho cả hai. Nisus và Euryalus là bạn đồng đội đi đánh trận. Euryalus bị tử thương; Nisus đau lòng, quyết xông pha chiến đấu, giết Volscens (là tướng giặc đã giết bạn mình) trả thù cho bạn, nhưng cũng bị tử trận. Pylates và Orestes là hai anh em họ, vừa là đôi bạn thiết thân trong huyền thoại cổ thư anh hùng ca của Homer. Cha Orestes là Agamennon bị mưu sát; Pylates giúp Orestes trả thù cho cha; sau đó Pylates kết hôn với em gái của Orestes là Electra. Achilles và Patroclus cũng là những nhân vật anh hùng trong truyện Illiad của văn hào Hy lạp Homer. Achilles là con vua Peleus nước Thessaly dân Myrmidons. Achilles và Patroclus cầm binh đi đánh quân Trojans. Patroclus bị tướng của Trojans là Hector giết chết. Achilles phản công, giết được Hector và đẩy lui quân Trojans. Nhưng sau đó Achilles cũng tử trận. Những người có số phận không may bị bạn xấu lừa đảo đã chua chát và cay đắng nhìn tình bạn một cách mai mỉa và tiêu cực. Đó là ý của Oliver Goldsmith (1730-1774), một nhà thơ lâm cảnh nghèo khổ và túng quẩn người Ái nhĩ lan, có lẽ không được bạn giàu sang danh vọng giúp đỡ, nên cay đắng định nghĩa tình bạn qua bốn câu thơ như sau: And what is friendship but a name, Tình bạn là chi! Một cái tên! (Phan Hạnh phỏng dịch) Bạn không giúp đỡ thì đã lấy gì làm chua cay. Biết đâu người bạn có hảo ý, một mặt giả làm lơ, một mặt giúp đỡ ngầm để nâng bạn dậy, như sự tích Lưu Bình Dương Lễ. Nhắc đến sự phản trắc trong tình bạn, ta nghĩ ngay đến sự tích Tôn Tẩn và Bàng Quyên. Nhiều người chua cay cho rằng Hoa Kỳ bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến Việt Nam cũng là một hành động phản trắc trong tình bạn. Huy hiệu tượng trưng cho tình thân hữu giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là hai bàn tay nắm bắt nhau. Một cánh tay áo có lá cờ Mỹ; cánh tay áo kia có lá cờ VNCH. Tình bạn đó gắn bó suốt hai mươi lăm năm; vậy mà đột ngột một người không giúp một người. Cánh tay cứu giúp buông thả; cánh tay kia chới với trong sững sốt. Người Mỹ lúc bấy giờ dường như đã quên câu A friend in need is a friend indeed mà họ thường hay nói. Nhưng phải chăng Hoa Kỳ thấy sự chênh lệch và khác biệt giữa hai nước quá to tát; yếu tố hổ tương (mutuality) không hiện hữu; tình bạn một chiều, do đó, không bền vững. Trong loạt bài Viết Ở Rừng Phong của tác giả Công Tử Hà Đông (Hoàng Hải Thủy) có một bài mang tựa đề Bạn Và Thù; trong đó tác giả kể ra trường hợp một đô đốc và một phó đô đốc hồi hưu của Hải Quân Hoa Kỳ, từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam Việt Nam, tiếp đãi ân cần Trần Bạch Đằng, một ông "nhà nghiên cứu láo lếu" của Việt cộng đến Virginia, nơi tác giả đang cư ngụ. Việc làm đó của người Mỹ khiến cho tác giả không khỏi bùi ngùi về ý nghĩa của hai tiếng bạn, thù. Ông viết: Những thằng bạn cũ của mình nó bỏ rơi mình, nó tay bắt mặt mừng những thằng kẻ thù của mình. Những thằng kẻ thù của mình trước đây cũng là kẻ thù của nó, nay nó nhận những thằng kẻ thù cũ đó là bạn mới của nó! Chúng nó vui vẻ với nhau, mình làm gì? Mình đứng đó mình giương mắt chẫu mình nhìn chứ mình còn làm gì được nữa! Mình có dám chửi nó không? Chửi nó hay xông đến đấm đá nó là police Mỹ nó quật mình ngã sấp, nó còng tay mình sau lưng, nó cho mình nằm sấp ngửi bụi đường nửa tiếng nó chưa cho thân già ngồi dậy. Hung hăng con bọ xít là nó tống vào tù, nó cho xuống hầm tàu nó trả về bản quán quê hương xã hội chủ nghĩa. Không em ạ. Không còn can đảm nữa. Không thời gian, nhiệt huyết cũng khô rồi .Em hãy đốt giùm anh trong mắt lửa. Chút đắng cay còn sót ở đôi môi! Bạn tâm giao, tri kỷ, chí thiết thường nảy nở và phát triển giữa những người bạn cùng quê quán, cùng học một trường hay một thầy, cùng sở thích, cùng lớn lên phục vụ chung một lý tương. Trần Hoài Thư viết về Tình Bạn Với Phạm Văn Nhàn như sau: Cám ơn Thượng Đế đã cho tôi có một người bạn như anh. Anh chơi với bằng hữu thật tình. Anh đến với bằng hữu không câu hỏi, và thắc mắc. Anh cho nhiều hơn anh nhận. Căn nhà khu Sáu ở Qui Nhơn vào những năm 68, 70, 71 là một bằng chứng. Một người lính nghèo như anh lại dám bỏ ra thuê một nơi dùng để dung dưỡng bao bọc những bạn bè bằng hữu và cả những người lao công đào binh của đơn vị mà anh bảo lãnh ra ngoài. Nơi này, có Mường Mán, Thái Ngọc San, Lê Văn Ngăn, Lê Văn Trung, Phạm Cao Hoàng, Mai Khế v.v. Nơi này những bài thơ, bài văn của bạn bè tiếp tục xuất hiện trên các tạp chí văn học Sài Gòn cùng với những bữa đói bữa no, cùng mì gói, và thực phẩm quân tiếp vụ. Tình bạn là gì nếu không phải là sự chia xẻ nỗi buồn nỗi vui cùng bạn bè mình. Trong những lúc cô đơn đến chảy nước mắt, nhất là sau khi tự in tập văn Đại Đội Cũ & Trang Sách Cũ và tập thơ Qua Sông Mùa Mận Chín, tôi càng thấm thía thế nào là tình nghĩa văn chương. Và tôi lại càng cảm ơn anh và những người bạn khác. Các anh đến với tôi giữa lúc tôi muốn dẹp bỏ máy in, máy cắt. Chính anh đã chọn cái tên Thư Ần Quán giùm tôi. Xin cám ơn anh Phạm Văn Nhàn đã cho tôi được cơ hội tô điểm thêm màu xanh trên Vùng Đồi, một màu xanh kỳ diệu, mà khi tôi đọc xong, tôi lại càng cảm nhận hơn về ý nghĩa của nhân sinh, về màu áo trận, về những con người rất vô danh mà tâm hồn vô cùng lớn lao. Vùng Đồi đã cho tôi thiết tha hơn với cuộc sống, giúp tôi ngẩng mặt với chiếc áo trận xanh bạc màu từ lâu đã bị bỏ quên. Sách Luận Ngữ của Khổng Tử có viết: "Hữu bằng tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ? Nhân bất tri nhi bất uẩn, bất diệc quân tử hồ?" (Có bạn từ phương xa đến, há cũng chẳng vui ư? Người không hiểu ta mà ta không giận, há không phải là quân tử sao?) Hè vừa qua, bạn tôi, người bạn ngực bự, đã một mình đứng ra tổ chức một cuộc họp mặt bạn học chung trường cũ có cả mấy chục người tham dự. Tôi không phải là bạn học cũ của anh, nhưng có hề gì, tứ hải giai huynh đệ mà. Rồi hai câu thơ của ai đó:"Hữu bằng tự viễn phương lai đáo, Sơ kiến hà như cựu thức thân. (Bạn từ xa đến thăm ta,Dù là mới gặp nhưng mà đã thân). Đó là tình bạn mới kết thân; họ gặp nhau sau khi đã biết đến nhau và quí mến nhau qua sự liên lạc của người bạn trung gian, qua thơ văn, hay qua điện thư. Thôi tạm ngưng viết tào lao, nào mình hãy lai rai ba sợi cho nó nở ngực./.
|