Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Giấc ngủ và thi sĩ

Giấc ngủ và thi sĩ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Mộng Tú   
Thứ Sáu, 30 Tháng 1 Năm 2009 09:30

 Thursday, January 22, 2009  
 Ðêm qua tôi mất ngủ, ngủ một giấc ngắn lắm, ngủ chập chờn giữa mơ mơ tỉnh tỉnh.

Chưa sáng hẳn đã thức dậy, thấy người như thiếu thiếu một cái gì, bước xuống giường như hụt hẫng. Nhìn ra ngoài cửa sổ, mặt trời chưa thức, chắc bà Trời đang ngủ ngon lành. Tôi bỗng nhớ đến câu các cụ ngày trước thường nói:

“Ăn được ngủ được là Tiên

Không ăn không ngủ mất tiền thêm lo.”

Không biết là Tiên sướng như thế nào, nhưng các Cụ mình đã nói ít khi sai lắm. Không có gì sung sướng bằng sau một giấc ngủ ngon trở dậy, dù buổi sáng hôm đó có là Mùa Ðông lạnh giá chăng nữa, ta vẫn thấy thể xác khỏe mạnh, ấm áp, lòng an vui, yêu người, yêu đời, dễ dàng với thế giới chung quanh mình.

Theo thống kê năm 2005 của Viện Y Tế Quốc Gia (National Institute of Health), người Mỹ (adult) có từ 10%-15% bị bệnh mất ngủ.

Giấc ngủ không trăn trở, không mơ những giấc mơ làm ta giật mình, toát mồ hôi, hay nói mê trong giấc ngủ, được coi là một giấc ngủ an bình.

Những bà mẹ ban ngày bận trăm việc quên đi một mối lo nào mình đang có trong lòng, nhưng khi ngả lưng xuống giường thì mối lo đó hiện ra ngay, và nó kéo lan man thêm bao nhiêu mối lo khác nữa, làm cho bà không thể nào ngủ được. Cứ thế, mặt trời mọc ngoài cửa sổ, giấc ngủ vừa chợt đến, đúng lúc bà cần ra khỏi giường cho một ngày mới.

Hoặc có bà mẹ cứ nằm đó, nhưng không ngủ, mở mắt trong đêm tối, canh thức nghe tiếng xe con lái vào garage hay tiếng con mở cửa vào nhà, rồi bà mới thở ra một hơi dài, ngủ được.

Bà mẹ trẻ thời nay có cả trăm lý do làm bà mất ngủ: Con bé mọc răng, ấm đầu; con lớn xao nhãng học hành, nhà giữ trẻ không được tốt; công việc làm ở sở, nhiều quá, làm không hết. Hay công việc không vững chắc, không thích hợp, phải nghĩ đến tìm việc khác; bữa ăn chiều trong bếp hôm nay sao cho vừa miệng cả chồng, con; nhan sắc mình héo úa khi nhìn vào gương sau một ngày mệt nhọc.

Những ông bố phải lo chiếc xe đã cũ, cái mái nhà cần lợp lại; món nợ chưa kịp trả, tiền để dành bắt đầu hao hụt v.v...

Tất cả những linh tinh của một đời thường ban ngày, ảnh hưởng rất nhiều vào giấc ngủ ban đêm. Có thể những bận rộn đó đưa ta tới một giấc ngủ nặng nề hay một đêm thức trắng.

Trong khi đó các cụ già mất ngủ vì: Ði ngủ không đúng giờ mỗi tối, cũng làm cho giấc ngủ không được dài. Có những bệnh đánh thức giấc ngủ của mình như: Nhức mỏi, bệnh bao tử, bệnh xốp xương, bệnh quên lãng (Alzheimer)... Nói chung bệnh tật làm mất ngủ. Uống thuốc về ban đêm để chữa những bệnh trên cũng làm ta mất ngủ.

Một người bạn, hay một người trong gia đình qua đời, hoặc phải dọn nhà đi đến nơi mình không thích, bị căng thẳng tinh thần, xuống tinh thần cũng khó mà có được giấc ngủ ngon. Rồi còn nỗi “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc” cũng làm cho các cụ mất ngủ triền miên.

Ngoài ra còn có những người bị bệnh mất ngủ kinh niên vì bất cứ lý do gì.

Dưới đây là những lời của các vị hướng dẫn y tế khuyên những người hay mất ngủ:

- Nên đi ngủ đúng giờ. Cố gắng đi ngủ và thức dậy mỗi ngày cùng giờ giống nhau.

- Chỗ ngủ cần phải thoải mái, tối và yên tĩnh.

- Tạo môi trường ngủ tốt như mở nhạc êm dịu, uống loại trà hoa cỏ (Herbal) nào giúp ngủ ngon (người Việt hay ăn chè hạt sen, uống trà tâm sen). Nên tự nói với mình là bây giờ ngủ đây, không để ý đến gì khác nữa.

- Ngâm mình trong nước ấm, ngồi thiền hay tập thở, hoặc đi bộ. Như vậy sẽ giúp thân thể thư giãn trước khi vào giường.

- Một bữa ăn no quá và nhiều dầu mỡ cũng dễ làm ta mất ngủ. Nên đi ngủ sau bữa ăn ít nhất là ba tiếng. Nếu phải đi ngủ ngay thì nên ăn rất nhẹ thôi.

- Uống một ly sữa ấm trước khi ngủ cũng có khả năng giúp cho giấc ngủ đến nhanh hơn.

- Có cái gì cần nghĩ đến thì nghĩ trước khi leo lên giường đi ngủ, hoặc ngồi xuống viết ra một cái danh sách những điều mình sẽ phải làm trong ngày mai hay cuối tuần. Ðể nó đấy, coi như mình đã nghĩ đến nó rồi “Ði Ngủ”.

- Ðọc sách cho thật mỏi mắt, hay mở băng nghe nhạc, nghe đọc truyện cũng giúp mang ta vào giấc ngủ dễ dàng hơn.

Nếu làm tất cả các biện phát trên rồi mà ban đêm vẫn thường xuyên mất ngủ, ban ngày mệt mỏi thì bạn nên đến gặp bác sĩ của mình để được hướng dẫn và chăm sóc.

Mất ngủ có hại cho sức khỏe thật đấy, nhưng các thi sĩ, văn sĩ không mất ngủ thì làm sao thiên hạ có những bài thơ, những truyện dài, truyện ngắn để đọc. Chính những người viết này đã mất ngủ, thức dậy giữa đêm để viết ra những áng văn chương, giúp cho người mất ngủ khác đi tìm vào giấc ngủ. Ðó mới là một điều nghịch lý.

Các thi sĩ, văn sĩ thức với đêm rằm hay những đêm đổi gió sang mùa. Cơ thể của họ tự đánh thức họ dậy hay môi trường chung quanh đánh thức họ. Trăng sáng quá, hay gió thổi hiên ngoài, làm sao ngủ! Thi sĩ thức dậy, đứng sau song cửa, ngắm trăng:

“Trăng lên, quả bóng xanh lồng lộng

Lơ lửng treo trên mấy xóm nhà

Ta đứng bồi hồi sau song cửa

Nhìn trăng, ai thức hãy cùng ta.”

(Nguyễn Xuân Thiệp)

Có ông thi sĩ luôn luôn đi về nhà vào lúc một, hai giờ sáng, rồi thức suốt đêm uống rượu như ông Mai Thảo. Chắc không phải ông có bệnh Insomnia.

“Sớm ra đi sớm hoa không biết

Ðêm trở về đêm cành không hay

Vầng trăng đôi lúc tìm ra dấu

Nơi góc tường in cái bóng gầy”

(Mai Thảo)

Ông thi sĩ này nữa, không biết ông đang mất ngủ hay đang ngủ mớ với người tình tưởng tượng:

“Ðêm nay em ngủ một mình

Còn ta vẫn ngủ với hình bóng em

Quờ tay ôm cái gối mềm

Mê man hôn cánh tay mình mê man”

(Luân Hoán)

Ðọc câu thơ khật khờ trên, người miền Nam gọi là “Hết thuốc chữa”.

Thi sĩ đôi khi không muốn mất ngủ một mình, còn muốn kéo thêm người khác thức trắng đêm với mình. Chàng muốn nàng thành vì sao để đi với chàng suốt một đêm trăng:

“Em là một ngôi sao mới băng

Xuống đây, đi với anh đêm trăng”

(Xuân Diệu)

Chắc cô thiếu nữ nào cũng muốn được người tình rủ rê mình đi dạo trong đêm trăng bằng một câu thơ nồng nàn như thế!

Có người cho một đêm mưa nhỏ hạt sẽ giúp cho một giấc ngủ êm ả, nhưng thi sĩ, họ không ngủ ngon trong những đêm mưa như người bình thường, họ thức nguyên đêm, nằm nghiêng, thưởng thức từng giọt mưa, rồi than thở:

“Tai nương nước giọt mái nhà

Nghe trời nằng nặng nghe ta buồn buồn”.

(Huy Cận)

Mất ngủ để viết xuống một câu thơ đài các và trữ tình như thế này cũng xứng đáng:

“Tuyết phủ đêm nay một góc giường

Nằm nghe quanh chiếu rộn tang thương

Ta say gọi ngã vầng trăng khuyết

Khanh của Hoàng ơi! Lửa bốn phương”

(Vũ Hoàng Chương)

Như vậy, mất ngủ của thi sĩ, chính là nguyên nhân để những câu thơ được viết xuống. Bóng đêm như chiếc nôi cho họ ru những đứa con “Thơ” của họ. Câu nói “Ăn được, ngủ được là tiên” có một thể nói một cách khac “Ăn không được, ngủ không được là thi sĩ” chắc nghe cũng không sai lắm.

Chẳng có vị bác sĩ nào chữa bệnh mất ngủ được cho những người này. Toa thuốc của thi sĩ là những trang thơ. Họ bỏ vào siêu, sắc nhỏ lửa, rót ra và uống từ từ, một mình.

Họ uống để thức bằng những Giấc Ngủ Thơ của họ.

“Trăng kim nhũ tràn vào cửa sổ

Trải lên giường một tấm chăn vàng

Cởi áo ra đắp trăng đi ngủ

Không dám cựa mình

Chỉ sợ trăng tan”

(tmt)