Can Đảm Và Cảm Thông |
Tác Giả: Ngọc Nga sưu tầm | |||
Thứ Sáu, 13 Tháng 2 Năm 2009 08:51 | |||
Có một người thanh niên nọ chán chê cảnh đời, đã tìm đến với vị thiền sư. Người thanh niên thưa với vị thiền sư như sau: Thưa ngài, con đang chán đời. Con muốn được giác ngộ để thoát khỏi cảnh đời lầm than. Nhưng con không thể sống khắc khổ ngồi thiền lâu giờ được. Trước sau gì rồi con cũng vấp ngã lại. Thầy có thể chỉ cho con một con đường nào đó ngắn và đơn giản nhất không? Vị thiền sư liền quả quyết: Dĩ nhiên là có, nếu anh thực sự có quyết tâm. Nhưng trước hết anh hãy cho tôi biết là anh có chuyên môn nào và anh có khả năng tập trung tư tưởng vào khả năng chuyên môn đó không? Người thanh niên trả lời: Con chẳng có nghề ngổng gì cả. Gia đình con giàu có, cho nên con không phải làm gì. Chỉ có một điều con có thể tập trung tâm trí vào là đánh cờ. Con đã ngồi hàng giờ trước bàn cờ. Vị thiền sư suy nghĩ một lúc rồi nói với một vị tu sĩ trong thiền đường như sau: Thầy đã hứa tuân phục tôi như là bề trên của thầy. Và giờ đây tôi yêu cầu thầy hãy thực thi sự vâng lời đó đối với tôi. Thầy hãy ngồi vào bàn cờ và thi đấu với người thanh niên này. Nếu thầy thua, tôi sẽ chém đầu thầy với thanh kiếm này. Dĩ nhiên thầy sẽ được lên Niết Bàn. Còn nếu thầy thắng, tôi sẽ lấy đầu người thanh niên này. Ðấu cờ là môn duy nhất mà người thanh niên này đã tập luyện suốt đời. Nếu anh ta thua, anh ta sẽ phải mất đầu thôi. Người tu sĩ lẫn người thanh niên đều hiểu rằng vị thiền sư sẽ không đùa cợt trong những lời lẽ vừa rồi. Cuộc thi đấu bắt đầu. Cả hai người đều đắn đo từng bước một. Nhưng chỉ vài nước cờ, người thanh niên đã ở thế thượng phong. Nhưng lạ lùng thay nhìn sang người tu sĩ, anh không thấy có bất cứ nét bối rối nào hiện lên trên khuôn mặt. Những năm tháng dài tập luyện và sống khắc khổ đã làm toát lên trên gương mặt của vị tu sĩ sự thanh thản và an bình. Người thanh niên bỗng nhìn lại quãng đời đã qua của mình. Anh đã phung phí tiền của và sức lực để chạy theo những phù phiếm. Cuộc sống của anh quả là một cuộc sống không đáng sống. Tự nhiên sự kính phục và cảm thông dâng trào trong anh. Anh liền quyết định nhường bước cho vị tu sĩ. Từ thế thượng phong, anh dần dần tự đặt mình vào thế bị tấn công. Theo dõi cuộc thi đấu, vị thiền sư nắm bắt được từng chuyển vận trong tâm tư của người thanh niên. Ông ra lệnh cho ngưng cuộc đấu. Rồi tuyên bố:
Không có ai thắng ai thua cả. Cũng chẳng có chiếc đầu nào phải rơi ở đây. Tôi chỉ xin hai điều… Nói tới đó, ông liền quay sang người thanh niên và nói tiếp: Một là tập trung tư tưởng hoàn toàn. Hai là niềm cảm thông. Hôm nay, anh đã học được cả hai điều đó. Anh đã hoàn toàn tập trung vào trận đấu. Nhưng trong sự tập trung ấy, anh đã cảm nhận được lòng cảm thông và muốn hy sinh chính mạng sống của anh. Anh có thể ở lại với chúng tôi vài tháng để tập luyện theo tinh thần ấy. Chắc chắn anh sẽ được giác ngộ.
************ ********* ********* *** Quý vị và các bạn thân mến, Tính hướng thiện, lòng can đảm, sự thanh liêm, lòng cảm thông hẳn luôn luôn có trong đáy thẳm tâm hồn mỗi người. Ðó có thể là bài học mà chúng ta có thể rút ra được từ câu chuyện trên đây. Chính từ trong đáy thẳm tâm hồn mà như có tiếng gọi thúc đẩy chúng ta mở ra để chia sẻ san sớt với những người túng cực hay bênh đỡ kẻ cô thế. Chính từ đáy thẳm ấy mà chúng ta nghe được như thôi thúc để reo vui khi gặp được hạnh phúc và để đau buồn trước nỗi khổ của người đồng loại. Hẳn không cần phải là một bậc đại thánh mới có thể làm được những hy sinh vĩ đại, sự cảm thông và tình yêu không nhất thiết phải được biểu lộ bằng những việc phi thường. Những dịp để bày tỏ sự tha thứ đến bất cứ lúc nào trong cuộc sống mỗi người. Mỗi lần chúng ta làm một nghĩa cử là một lần chúng ta góp phần xây dựng một thế giới đáng sống hơn. ************ ********* ********* *** Lạy Chúa, Chúa đã tạo dựng chúng con theo hình ảnh của Chúa. Chúa đã đặt để trong chúng con một quả tim biết yêu thương. Cuộc sống của chúng con chỉ có ý nghĩa khi chúng con biết sống theo ơn gọi ấy. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe tiếng Chúa và không ngừng đáp trả lại bằng những nghĩa cử yêu thương. Amen.
|