Muốn Mau Khá Tiếng Anh, Phải Giỏi Tiếng Việt Trước Đã |
Tác Giả: GS Đàm Trung Pháp | |||
Chúa Nhật, 28 Tháng 6 Năm 2009 04:24 | |||
Hai loại tiếng Anh Cần phân biệt hai loại tiếng Anh: (1) tiếng Anh “hội thoại” để truyền thông trong các cuộc giao tế hàng ngày, và (2) tiếng Anh “hàn lâm” để dùng trong học đường, trong sách giáo khoa, trong các cuộc tranh luận trí thức, và trong các loại văn viết trang trọng. Muốn thành công nơi học đường, tất cả các học sinh bắt buộc phải “chế ngự” được cả hai thứ tiếng Anh này. Các học sinh gốc ngoại quốc thường có thể làm chủ được tiếng Anh hội thoại khá nhanh, trong khoảng tối đa là 2 năm. Nhưng các em cần khá nhiều thời gian (từ 5 đến 7 năm, hay hơn nữa) mới có thể đạt được mức tiếng Anh hàn lâm của các học sinh bản xứ cùng lứa tuổi, từ khi sinh ra chỉ nói tiếng Anh. Tiếng Anh được học sinh ngoại quốc thủ đắc thế nào? Nhiều công trình khảo cứu trong vòng 25 năm nay của các chuyên gia về song ngữ và song văn, như giáo sư James Cummins tại Gia nã đại và nhất là giáo sư Stephen Krashen tại Hoa kỳ, đã đưa ra giả thuyết cho rằng học sinh ngoại quốc thủ đắc (acquire) tiếng Anh khi mà các em hiểu được điều người khác diễn tả với các em qua thứ tiếng nói ấy, trong một trạng thái tinh thần thoải mái, chứ không phải khi mà các em học thuộc lòng các từ vựng hoặc cặm cụi làm các bài tập văn phạm khô khan và máy móc trong tiếng Anh. Do đó, các bài học tiếng Anh hữu hiệu nhất phải là những cuộc đàm thoại hấp dẫn, những câu chuyện lôi cuốn, những bài ca, những sinh hoạt nhóm vui tươi để cùng nhau thực tập tiếng nói mới, mà tất cả học sinh đều thích thú tham gia. Khi các em nhận được những thông điệp, những chia xẻ mà các em có thể hiểu được (danh từ chuyên môn gọi chung yếu tố quan trọng này là “comprehensible input”) trong tiếng Anh, thì việc thủ đắc ngôn ngữ ấy sẽ tự động xảy ra trong não bộ các em. Kiến thức bối cảnh Một phương thức hữu hiệu để khiến cho tiếng Anh trở thành “có thể hiểu được” để đi đến chỗ “có thể thủ đắc” là cung cấp cho các học sinh kiến thức bối cảnh (background information). Kiến thức bối cảnh có thể chỉ là một bức hình liên hệ, một tựa đề cho câu chuyện, hoặc một dàn bài sơ lược viết trên bảng cho đoạn văn, nhưng nó lại có hiệu lực giúp cho các em hiểu thêm. Chúng ta có thể tóm tắt những điều vừa nói qua một biểu đồ tiến trình như sau, trong đó ký hiệu “ =>” xin đọc là “dẫn đến”: Kiến thức bối cảnh => Thông điệp có thể hiểu được Thông điệp có thể hiểu được => Ngôn ngữ sẽ được thủ đắc Tiếng Việt và kiến thức bối cảnh Khi được học hỏi bằng tiếng mẹ đẻ, học sinh Việt Nam nào cũng dễ dàng thu thập được kiến thức giáo khoa cũng như kiến thức tổng quát ngoài đời. Kiến thức này sẽ làm cho học liệu viết bằng tiếng Anh dễ hiểu hơn, và do đó việc thủ đắc tiếng Anh sẽ mau chóng hơn. Biểu đồ dưới đây tượng trưng tiến trình học hỏi này: Học hỏi bằng tiếng Việt => Kiến thức bối cảnh gia tăng Kiến thức bối cảnh gia tăng => Học liệu tiếng Anh trở thành dễ hiểu hơn Học liệu tiếng Anh trở thành dễ hiểu hơn => Tiếng Anh thủ đắc mau chóng hơn Quả thực, nếu đã nắm vững được kiến thức giáo khoa qua tiếng Việt, thì khi học sinh thấy kiến thức ấy diễn tả trong tiếng Anh, các em sẽ hiểu ngay. Xin đưa ra một thí dụ để làm sáng tỏ điều này. Giả dụ có hai em học sinh người Việt chưa biết tiếng Anh cùng xin vào học lớp 4 tại một trường tiểu học tại Mỹ. Khi ở Việt Nam, em A đã học toán rất kỹ, nhưng em B không được may mắn như thế, và giờ đây hai em đều phải học chương trình toán lớp 4 bằng tiếng Anh. Em nào có lợi điểm hơn? Hiển nhiên là em A, vì em này sẽ học thêm được cả toán (vì có căn bản học toán bằng tiếng Việt) và thủ đắc tiếng Anh dễ dàng (vì học liệu tiếng Anh qua môn toán sẽ trở nên dễ hiểu hơn). Ngược lại, em B không học thêm được môn toán (vì mất căn bản từ hồi còn ở quê nhà) và cũng khó lòng thụ đắc tiếng Anh qua môn toán được (vì môn toán đã trở nên một thứ học liệu bất khả lãnh hội cho em). Trong trường hợp này, nhà trường phải giúp đỡ em B rất nhiều về cả toán và tiếng Anh. Giải pháp lý tưởng nhất về môn toán cho em B là nhà trường cũng như gia đình cùng trợ giúp em mau chóng lấy lại căn bản toán bằng tiếng Việt. Căn bản về toán này sẽ giúp em học thêm được tiếng Anh qua phương tiện môn toán dạy bằng tiếng Anh. Tóm lại, kiến thức bối cảnh thiết lập qua tiếng Việt sẽ làm bài học tiếng Anh dễ hiểu hơn, và do đó sẽ giúp các em phát triển từ vựng, cú pháp, cũng như khả năng đọc và viết tiếng Anh. Phát triển khả năng đọc và viết qua tiếng Việt Một số nhà nghiên cứu về giáo dục song ngữ mới đây cho thấy con đường ngắn nhất dẫn đến khả năng đọc và viết (literacy) là qua ngôn ngữ mẹ đẻ. Khả năng trí tuệ này có thể được hiểu theo hai lối nhìn. Lối nhìn thứ nhất (qua lăng kính “hội thoại”) coi khả năng đọc và viết đồng nghĩa với sự làm chủ được một hệ thống ký hiệu (code), để giúp người ta đọc và viết tàm tạm ở mức độ văn phạm và chính tả vừa phải trong các giao dịch thường nhật. Người có khả năng này có thể nhìn chữ viết mà suy ra ý nghĩ, căn cứ vào kiến thức bối cảnh. Lối nhìn thứ hai (qua lăng kính “hàn lâm”) về khả năng đọc và viết coi đó là khả năng dùng ngôn ngữ để thảo luận những ý niệm trừu tượng, để giải quyết vấn đề, để biện minh, vân vân, trong lãnh vực hàn lâm và trí tuệ cao độ. Khả năng đọc và viết theo lối nhìn thứ hai này cần được bắt đầu tại nhà, như khi cha mẹ đọc truyện bằng tiếng mẹ đẻ cho con cái nghe, hoặc khi người lớn thảo luận với trẻ em về những đề tài hợp với tuổi tác các em và khuyến khích các em sử dụng các khả năng so sánh, phân tích, tổng hợp, và lượng giá các vấn đề đang được thảo luận. Thật vậy, các trẻ em nào khi nhập học mà không có những kinh nghiệm nói và viết quý báu đó qua tiếng mẹ đẻ để chuẩn bị cho khả năng đọc và viết tiếng Anh thì quả là quá thiệt thòi! Khả năng đọc và viết tự động chuyển nhượng Nếu “đọc” là nhìn vào chữ viết để lấy ra ý nghĩa, thì hiển nhiên điều ấy được thực hiện dễ dàng nhất trong một ngôn ngữ mà các học sinh thông thạo rồi, tức là tiếng mẹ đẻ. Một khi các em đã “đọc” được tiếng Việt thì khả năng trí tuệ này hầu như tự động chuyển sang tiếng Anh. Nói một cách khác, khả năng đọc và viết giữa tiếng Việt và tiếng Anh của các em có thể coi như “cùng chung một mối” và mối liên hệ của chúng là một “bình thông đáy.” James Cummins mệnh danh mối liên hệ quan trọng này là “the common underlying proficiency,” theo đó nếu một người đọc và viết giỏi tiếng mẹ đẻ rồi thì người đó hầu như chắc chắn sẽ cũng đọc và viết giỏi bất cứ một ngôn ngữ nào khác mà người ấy ra công chinh phục. Ngược lại, một người không biết đọc và viết tiếng mẹ đẻ thì người ấy sẽ gặp muôn vàn khó khăn khi chinh phục một ngôn ngữ khác. Giáo chức dạy tiếng Anh cho học trò ngoại quốc tại Hoa kỳ và Gia nã đại, nhất là ở bậc trung học, rất ái ngại khi trong lớp họ có những học trò chưa biết đọc và viết tiếng mẹ đẻ của các em. Các em này thường là nạn nhân của chiến cuộc, của nghèo đói, nên đã lỡ việc học ở quê nhà; nay được định cư tại Bắc Mỹ lại bị thêm một thách thức ngặt nghèo về giáo dục, tội nghiệp thay!
|