Home Đời Sống Tài Liệu Bạn bè là Phúc lộc Trời cho

Bạn bè là Phúc lộc Trời cho PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm   
Thứ Sáu, 21 Tháng 11 Năm 2008 05:00

Sắp đến mùa Lễ Tạ ơn Thanksgiving rồi, tôi muốn xin được viết ít dòng về các người bạn thân quý mà tôi có duyên được gặp gỡ, quen biết từ thời niên thiếu cho tới ngày nay đã ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi.

Như đã có dịp thưa trước đây, đời tôi có hai niềm say mê, đó là sách vở và bạn bè. Các bạn đã cho tôi một nguồn an ủi lớn lao, trong những ngày tháng đen tối khó khăn thờì ly loạn, đặc biệt là những ngày ở trong nhà tù cộng sản ở Việt nam.

Những người bạn hồi còn học bậc Tiểu học trước năm 1945 tại thị xã Thái bình nơi trường Monguillot, mà cho tớí nay tôi vẫn còn hay gặp lại, đó là các bạn Trần ngọc Vân (tức nhà văn Trần Phong Vũ), Đinh Đăng Kỳ, Nguyễn Phi Hùng. Cả ba người này đều cùng học với tôi tại lớp sơ học(cours elementaire) do thầy giáo Vinh phụ trách. Sau này vào năm 1951-52, chúng tôi lại học chung với nhau tại trung học Hồ ngọc Cẩn ở Bùi chu. Tính ra tình bạn giữa chúng tôi đến nay đã kéo dài tới trên 60 năm rồi.

Cũng từ thời gian học ở Bùi chu gần quê nhà, tôi còn nhiều người bạn khác, đó là các anh Đỗ Huy Hoàng, Lê Đức Cửu, Ngô Đình Thuấn, Hoàng Sĩ Quý, Nguyễn Hữu Ru, Nguyễn Hữu Tuệ, Nguyễn văn Quý, Nguyễn Duy Hy v.v… Các bạn đó sau này lại cùng lên Hanoi tiếp tục học chung với tôi ở trường Chu văn An nữa. Tôi đã có dịp viết về các bạn cùng lớp Đệ Nhất 1D năm 1953-54 vào hồi đầu năm 2008 rồi. Riêng người bạn cùng học với tôi trong Lớp Đệ Nhị A năm 52-53 tại Chu văn An, mà nay chúng tôi hay gặp lại, đó là anh Trịnh Đình Cương, người gốc từ Cự Đà Khúc Thủy gần Hanoi . Người bạn khác rất thân thiết với tôi trong lúc cùng ôn tập bài vở để đi thi bằng Tú tài phần 2 ở Hanoi, đó là anh Võ Thế Hào, một trí tuệ thông minh tuyệt vời, mà cũng là một người bạn rất chung thủy của tôi. Chúng tôi cũng mới gặp nhau ở Washington DC năm 2007 vừa qua.

Vào miền Nam hồi 1954, thì tôi học ở Trường Luật trên “con đường Duy Tân cây dài bóng mát”, rất là thơ mộng cho tuổi đôi mươi thuở ấy. Người bạn thân thiết cùng lớp mà nay hay gặp lại ở Quận Cam, đó là anh Nguyễn Đình Thảng gốc ở Hội An gần Đà nẵng. Về các bạn cùng xuất thân từ Trường Luật Saigon năm 1958, thì mới đây tôi đã viết trong bài “Hồi tưởng của một sinh viên Trường Luật khóa 1958” rồi. Điều đáng ghi nhớ nhất trong thời gian là sinh viên ở Saigon là tôi được ở Đại học xá Minh Mạng chung với các bạn sinh viên di cư từ Hanoi vào miền Nam năm 1954. Anh Trần Thanh Hiệp được bầu làm Chủ tịch Đoàn sinh viên di cư chúng tôi, lúc đó anh đang học Luật, nhưng đã rất năng nổ họat động cả về chính trị cũng như văn hóa.Tôi ở chung phòng với các anh Vũ Hữu Bao, Từ Ngọc Quang, Trần Cự Uông, Trần văn Thảo, Nguyễn Dương…

Sau này từ năm 1956-58, thì tôi đến ngụ tại cư xá Câu lạc bộ Phục Hưng. Tại đây, tôi lại quen biết thêm rất nhiều bạn gốc từ miền Trung như Bùi Minh Đức, Hòang Ngọc Tuệ, Nguyễn Tấn Thọ, Trang Kiên, Cao Huy Thuần v.v…Vào cái tuổi đôi mươi lúc đó, chúng tôi được sống trong cảnh thanh bình thịnh vượng ở Saigon  vào giữa thập niên 1950, thật là một kỷ niệm tuyệt đẹp của thế hệ sinh viên bọn tôi.

Cũng trong thời gian này, tôi sinh họat với anh chị em trong Nhóm Sinh viên Công giáo do Linh mục Nguyễn Huy Lịch làm Tuyên úy hướng dẫn. Các anh Nguyễn văn Trung, Phùng văn Hạnh, Trương văn Ngọc, Phạm văn Ngôn, Trần Quý Thái, Trương Đình Tư, Nguyễn Đức Quý…và các chị Trần thị Lài, Lê thị Hồng, Nguyễn thị Kim Chi, Lê thị Mỹ Nhan…là những thành viên rất tích cực trong các sinh hoạt tôn giáo của Nhóm.

Sau khi tốt nghiệp trường Luật năm 1958, thì tôi đi làm cho Quốc hội thời Đệ nhất Cộng hòa. Tại đây, tôi lại quen biết với nhiều đồng nghiệp trẻ tuổi khác nữa như các Anh Đặng Đức Hiền, Trịnh Xuân Lam, Nguyễn văn Ngân, Phạm Gia Lũy v.v…Năm 1962, tôi được lệnh trình diện khóa 13 Liên Trường Võ khoa Thủ Đức, và sau khi tốt nghiệp, thì phục vụ trong ngành Hành chánh Tài chánh thuộc Bộ Quốc Phòng. Tôi làm Trong Phòng Pháp chế Tố tụng dưới quyền Đại úy Nguyễn Thanh Tịnh làm Chủ sự và Thiếu tá Phạm Đỗ Thành làm Chánh sự vụ. Các bạn cùng khóa 13 Thủ Đức mà làm chung ở Bộ Quốc phòng thì tôi vẫn còn nhớ có anh Nguyễn Khánh Hải, Nguyễn Hữu An.

Gia đình Hành chánh Tài chánh của Quân lực Việt nam Cộng hòa rất đông đảo, tôi sẽ xin viết riêng về kỷ niệm của mình trong gia đình này vào một dịp khác.

Đặc biệt nhờ họat động xã hội với giới thanh niên sinh viên từ năm 1964 trở đi, thì tôi được sát cánh với rất đông anh chị em trẻ tuổi thời đó. Với nhiềm say mê nhiệt thành, chúng tôi đã tham gia vào rất nhiều công tác cứu trợ nạn nhân bão lụt miền Trung năm 1964, Chương trình Công tác Hè 1965, công việc cứu trợ nạn nhân chiến cuộc liên tục trong suốt cuộc chiến tranh đến 1975…Các bạn gắn bó trong phong trào sinh hoạt thanh niên hồi thời kỳ trước 1975 này thì đông đảo vô số kể, chỉ xin ghi ra mấy khuôn mặt điển hình như Chị Phạm thị Thân, các anh Đỗ Ngọc Yến, Trần Ngọc Báu, Đỗ Anh Tài, Đỗ Quý Toàn, Nguyễn Đức Quang, Lê Đình Điểu, Trần Đại Lộc, Phạm Phú Minh, Hà Tường Cát, Hoàng Ngọc Tuệ, Trần văn Ngô, Ngô Mạnh Thu v.v…

Riêng Chương trình Phát triển Quận 8 Saigon thì để lại cho tôi một kỷ niệm sâu xa nhất và anh chị em chúng tôi đã thật sự gắn bó với nhau rất chân thành, thắm thiết; tất cả cũng chỉ vì lý tưởng chung là “Phục vụ tầng lớp bà con kém may mắn” ở khu vực ngoại ô thành phố. Các anh Hồ văn Minh, Hồ ngọc Nhuận, Mai như Mạnh, Hồ công Hưng, Nguyễn Phúc Khánh, Uông Đại Bằng, Nguyễn Đức Tuyên, Dương văn Long, Võ văn Bé, Đào Quốc Chính, Đặng Di Hùng, Đặng Kỳ Trân, Trần Kim Hoa, Lê Xuân Tảng.., các em Huỳnh văn Nguôn, Lương văn Tròn, Mai viết Phương, Mai viết Khắc, Nguyễn Hoài Tân,Dương Kim Cúc, Nguyễn thị Ngọc Nga, Nguyễn thị Xuyến v.v…là những cán bộ tự nguyện nòng cốt của chương trình phát triển cộng đồng này. Tôi đã có vài bài viết về chương trình này, và sẽ viết thêm chi tiết nữa khi có điều kiện và thời gian thuận tiện hơn.

Về phía các bạn bè quốc tế, thì tôi cũng được dịp quen biết thân thương gắn bó với họ rất nhiều từ trên 40 năm nay. Đó cũng là nhờ cái duyên cùng hoạt động xã hội,giúp đỡ các nạn nhân chiến cuộc, các trẻ em bụi đời v.v…Các đòan viên của tổ chức Thanh niên Chí nguyện Quốc tế (IVS = International Voluntary Service) như Don Luce, John Sommer, Mark Lynch, Gene Stolfuss,Masafumi Nagao,Jackie Chagnon v.v…vẫn thường sát cánh với giới thanh niên sinh viên chúng tôi trong nhiều công tác xã hội ở nông thôn cũng như ở ngoại ô thành phố. Đặc biệt Dick Hughes là người đã xả thân tìm mọi cách để cứu thoát tôi ra khỏi nhà tù cộng sản ở Việt nam.Lại còn các bạn khác như Steve Young, Pat và Earl Martin, Sophie Quinn-Judge v.v… mà tôi đã có dịp viết đến trong loạt bài “Tôi vẫn lạc quan, vì gặp được nhiều người tốt bụng”, nên khỏi cần viết lại chi tiết ở đây nữa.

Ngoài ra lại còn một số người bạn khác ở Âu châu mà tôi đã quen biết gần gũi từ trước 1975, cũng trong khuôn khổ sinh hoạt văn hóa xã hội và tôn giáo. Các chi tiết này sẽ được ghi lại trong một dịp khác. Tôi cũng dự định viết riêng một cuốn sách về “Các bạn bè quốc tế” này.

Sau năm 1975, tình hình sinh họat xã hội thật là đen tối bế tắc, nhất là đối với các gia đình có người phải “đi học tập cải tạo” trong các trại tập trung. Nhưng tôi vẫn còn có thể gặp gỡ tâm sự được với một số bạn hữu thân tình, cụ thể như là anh Nguyễn Xuân Quỳnh ở Phú Nhuận, anh Nguyễn Mạnh Cường ở cùng lối xóm, các anh Nguyễn Ngọc Lan, Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Ngọc Luơng, Phạm văn Bồng, Vũ Sinh Hiên …, rồi đến các anh Trần văn Hy, Nguyễn Đăng Dũng, Cao Đức Thư, Dương Mạnh Thường, Phạm Xuân Thương, Nguyễn Vĩnh Lộc v.v…, tất cả đều là chỗ nương tựa tinh thần cho tôi, kể cả trong thời gian tôi bị giam giữ trong tù từ năm 1990.

Kể cả các bạn đồng cảnh trong nhà tù với tôi suốt từ 1990 đến 1996 lúc tôi ra khỏi nhà giam để cùng với gia đình qua định cư tại Mỹ, thì các bạn tù chính trị rất là gắn bó với nhau, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Xin ghi lại tên một số bạn điển hình như : Phạm Đức Khâm, Nguyễn Đan Quế, Đoàn Viết Hoạt, Vương Đức Lệ, Tô văn Huờn, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Trì, Châu Sơn, Lý Trường Trân, Phan văn Phần, Nguyễn Hiển, Võ Thành Sắc, Lê Thái Chân, Võ văn Sáu,  Phạm Thế Công, Bùi văn Phước,Phạm Quang Huy,Huỳnh văn Giàu, Đỗ Ngọc Long, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Thanh Vân… Và đặc biệt nhất là Thầy Đạt, tức là Hòa Thượng Thích Huệ Đăng. Những anh em mà ở lâu tại trại lao động Z30D Hàm Tân, thì càng có nhiều dịp tâm sự sâu đậm thắm thiết và nâng đỡ tinh thần cho nhau. Thành ra đúng là “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí”, như lớp sinh viên thường hát hồi trước, dù họ có ngả theo phía Mặt Trận Giải Phóng của Cộng sản đi nữa.

Từ ngày định cư tại Mỹ, thì tôi sinh họat nhiều nhất với các anh chị em trong tổ chức Mạng Lưới Nhân quyền Vịêt nam, điển hình như các Chị Jackie Bông, Hồng Liên, Đỗ thị Thuấn, Lâm Thu Vân, Nguyễn thị Tuyết Mai, các anh Nguyễn Ngọc Quỳnh, Lê Minh Nguyên, Trần Minh Công, Nguyễn Minh Cần, Đoàn Việt Trung,Tôn Thất Diên, Lưu Trung Khảo, Trần Đức Thanh Phong, Nguyễn Thanh Trang, Nguyễn Bá Tùng, Đoàn Thế Cường, Ngô văn Hiếu, Đỗ Như Điện và cùng rất nhiều anh chị em khác trên toàn thế giới. Nhờ sự thông tin liên lạc mau lẹ qua hệ thống internet, nên công việc của Mạng Lưới đạt nhiều kết quả khả quan trong mục tiêu bảo vệ Nhân quyền cho người dân ở trong nước dưới chế độ hà khắc, áp bức của chính quyền cộng sản Hanoi. Anh chị em chúng tôi rất gắn bó, thân thiết với nhau qua nhiều năm tháng hoạt động chung trong tổ chức này.

 Bài viết này đã được gợi hứng từ rất lâu, khi Chị Kathleen Bagen cùng làm việc chung với tôi năm 1972-74 tại văn phòng của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (World Council of Churches), chị hay nói với tôi : “Friends are blessings”. Và sau 1975, khi tôi có dịp đọc lại cuốn sách Docteur Zhivago bản tiếng Pháp, thì tôi rất tâm đắc với câu đối thoại ngắn ngủi này : “Cuộc sống của bạn là ở nơi những người khác” ( nguyên văn tiếng Pháp : “Votre vie, c’est dans les autres”. Thành ra câu nói này cũng y hệt như câu dân gian thường nói : “Trong người có ta, mà trong ta cũng có người”. Nói một cách văn hoa, triết lý , thì có thể gọn gàng là “ mỗi con người chúng ta thì đều là cùng bản tính với nhau” (co-substance) .

Khi viết những dòng chữ này, tất cả các bạn còn sống tại thế hay đã ra đi, thì đều hiện nguyên hình trong tâm khảm và trí óc của tôi. Mỗi lần nhớ đến các bạn là tâm hồn tôi đều rung động với niềm vui khôn tả. Và tôi xin cảm ơn Trời, cảm ơn Đời vì đã ban tặng cho tôi có được nhiều bạn hữu quý báu thân thương đến thế, dù tôi đã phải trải qua bao nhiêu song gió thăng trầm vì chiến tranh sắt máu, vì độc tài áp bức, vì tù ngục đọa đày.

 Để kết thúc bài viết đã khá dài này,tôi xin được ghi ra đây mấy câu thơ làm hồi còn ở trong nhà tù tại trại Z30D ở Hàm Tân Phan Thiết năm 1994-95. Bài thơ như sau  :

Từ nhà tù, xin gửi về các bạn :                                            

Gửi bạn thân yêu niềm thương nhớ,

Đẹp biết bao kỷ niệm một thời.

Bởi duyên lành ta luôn gắn bó

Suốt cả đời mãi mãi yêu mến nhau.

California , Tháng 11 năm 2008