Home Đời Sống Tài Liệu Tìm hiểu về cặn carbon trong đầu máy

Tìm hiểu về cặn carbon trong đầu máy PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Thứ Hai, 01 Tháng 12 Năm 2008 04:47

 Xe “về già” thường uống xăng nhiều hơn vì những tầng carbon đóng (carbon deposit) ở trong lòng xi lanh, hút lấy một phần nhiên liệu khiến máy luôn luôn khát xăng. Lại nữa, những tầng carbon ấy còn cản đường tiếp nạp khí trời vào trong máy, khiến tiến trình cháy nổ không được trọn vẹn, nhiệt độ hạ, xăng cháy không hết mà đã bị thải ra. Vẫn chưa hết, trên đường đào thải, luồng xăng cháy dở đó không thể thoát trọn vẹn, mà để rơi rớt nhiều dấu vết, làm tầng carbon mỗi lúc một dầy lên, tiếp nối vòng lẩn quẩn - carbon đóng tầng khiến xăng cháy không hết, xăng cháy không hết lại tạo thêm nhiều tầng carbon mới... Các tầng carbon này cứ theo nhau xếp chồng xếp đống trong máy, lúc đầu còn dẻo và nhầy như keo (gum), rồi được hun nóng miết trở nên cứng láng, như những lớp men tráng trong lòng chén đĩa, hoặc lớp vẹc ni (varnish) trên mặt bàn tủ... Và tội nợ cứ theo nhau kéo đến, thúc đẩy tiến trình lão hóa của cái xe.

Ðó là điều chúng ta đã nhắc đến trong bài trước. Vấn đề nay được đặt ra là có cách nào để ngăn chặn hoặc làm chậm lại tiến trình tích lũy của các lớp vẩy carbon đó không? Và nếu chúng đã xuất hiện, thì liệu có cách nào để tẩy trừ chúng đi không?

I. Nguyên nhân tạo ra lớp vẩy Carbon

Muốn ngăn chận hoặc làm chậm lại tiến trình hình thành và tích lũy của các lớp vẩy carbon ấy, chúng ta phải tìm hiểu vì đâu chúng sinh ra. Trước tiên, sự hình thành những lớp vẩy này có vẻ như một điều không thể tránh được với thời gian, bởi vì carbon là thành phần vốn có sẵn trong xăng (dưới dạng hydrocarbon). Thế nhưng, vấn đề lại không phải chỉ có thế. Ðể có được những lớp carbon xây tầng đóng vẩy kiên cố trong lòng xi lanh như vậy, “công trạng” đó phần lớn là của chúng ta, những người sử dụng xe. Ðồng thời, cũng không thể bỏ qua vai trò của nhớt máy (engine oil). Mà sở dĩ nhớt máy góp phần được vào đó cũng là do chúng ta. Bạn ngạc nhiên phải không? Thì đây, xin trả lời từng điểm một để giải oan cho những người... “vô số tội”:

Cũng như một dòng nước chảy trên mặt đá, miết rồi sẽ để lại vết rêu xanh, là vì trong nước đã có sẵn những mầm rêu xanh đó. Xăng cũng vậy, nó vốn có Carbon mà cháy nổ liên tục trong lòng xi lanh thì đương nhiên phải để lại những cặn Carbon trên đó chứ, có cái gì bình thường hơn chuyện ấy không? Cái bình thường này thực không có gì đáng trách, là vì khi lớp cặn carbon tích lũy đến một mức không thể chấp nhận được, thì các thứ thuốc tẩy trong xăng sẽ bào mòn chúng đi, hoặc sức nóng trong phòng cháy nổ sẽ thiêu rụi cái phần “thặng dư” ấy.

Thế nhưng, nếu độ nóng trong máy không bao giờ đủ cao để đốt, hoặc sức máy không bao giờ đủ mạnh để “thổi bạt” các chất cặn ấy đi, thì lâu ngày chầy tháng chúng sẽ theo nhau tích lũy, lập thành sào huyệt vững vàng trong lòng máy. Sở dĩ đến nông nỗi này là vì thói quen hoặc vì hoàn cảnh của chúng ta. Tra chìa khóa vào ổ, nghe tiếng “xình xịch” là dọt luôn ngay khi máy xe vẫn còn lạnh là một tội; Thế nhưng, warm-up quá lâu cũng là một tội khác; Ðang lái xe gặp bạn giữa đường liền ngừng lại thò cổ ra nói chuyện gần nửa tiếng đồng hồ mà vẫn để máy nổ; Lái xe đi những quãng đường quá ngắn, máy xe chưa phát huy hết công suất đã đến nơi; Xe lăn bánh phần lớn trong thành phố, cứ cách vài bước lại có một cái ngã tư đèn xanh đèn đỏ... tất cả đều là những hoàn cảnh rất “lý tưởng” để gia tăng tiến trình hình thành các tầng cặn carbon trong đầu máy. Là vì, đi quãng ngắn như vậy, hoặc để máy nổ lâu tại chỗ như vậy, máy không đủ nóng, qui trình cháy nổ không trọn vẹn, xăng còn lẫn trong khí thải, bằng chứng là nếu để bàn tay ở đầu ống bô một lúc là chúng ta sẽ thấy bàn tay ướt xăng. Tất cả những trường hợp này không phải do người điều khiển xe gây ra - do thói quen, hoặc do hoàn cảnh không thể tránh được - thì do ai?

Thế còn nhớt? Nhớt vốn là chất lỏng để làm trơn các linh kiện máy, giúp máy hoạt động tốt hơn, tại sao cũng có lỗi trong việc gây ra các tầng cặn carbon? Bởi vì, nhớt là chất nhờn giúp vận hành chu kỳ đóng mở của Intake Valve, là bộ phận điều hòa tiến trình nạp xăng vào phòng cháy nổ. Nếu không được thay đúng thời biểu để bảo đảm độ trơn, nhớt không làm trọn vẹn được nhiệm vụ của mình, gây ra những tầng Carbon trên mặt Intake Valve. Ngoài việc hấp thụ xăng làm phòng cháy luôn luôn hao hụt nhiên liệu, các tầng carbon trên mặt Intake Valve (gọi tắt là IVD, intake valve deposit) còn làm trở ngại hoạt động đóng mở của Valve khiến Valve có thể bị cháy.

Ngoài ra, như trên đã nói, trong xăng cũng có một hàm lượng thuốc tẩy (detergent) để có thể góp phần bào mòn các cặn carbon tích lũy. Thế nhưng, trong lúc carbon có điều kiện để tích lũy mà nhiên liệu chúng ta dùng lại không đủ độ tẩy để bào mòn phần nào các cặn bẩn thặng dư ấy, thì đúng là “nối giáo cho giặc”, phải không bạn? Nhưng ai nối giáo cho giặc đây? Cứ hỏi người đi đổ xăng và thay nhớt. Không phải bạn và tôi thì ai vào đây nữa?

II. Làm thế nào để ngăn ngừa sự hình thành các tầng Carbon

Xem những cái nguyên nhân như vậy thì chúng ta biết là cần chỉnh đốn như thế nào rồi, phải không bạn? Ðừng nói rằng “tuổi già là túi bệnh” rồi để mặc chiếc xe. Một điều Phạm Ðình cần phải lập lại, đó là việc chạy xe trong thành phố, xe chỉ được dùng những quãng ngắn, nổ máy tại chỗ quá lâu mà không lăn bánh... đó là những điều kiện rất lý tưởng cho carbon tích lũy, cũng như cơn mưa vun cho cỏ dại xanh um vậy. Thế nên, khi bạn đi mua xe, nếu nghe quảng cáo rằng, xe chỉ chạy trong thành phố, chỉ chạy đi làm, hoặc thậm chí có mục quảng cáo lại nói rõ, “xe chỉ do phụ nữ dùng”, thì bạn phải dè dặt. Nhưng hơn ai hết, Phạm Ðình cần phải dè dặt trước đã, kẻo mang tiếng là kỳ thị phái tính, thì sợ rằng sống không yên với bà xã trong nhà, và uổng cả mùa lễ tưng bừng đang tới đi. Phạm Ðình xin có lời cáo lỗi với phái nữ, anh chàng này không bao giờ có ý kỳ thị, trái lại luôn luôn kính trọng phụ nữ - vợ mình đã vậy mà gặp vợ người khác hoặc phụ nữ không phải là vợ ai cả thì lại càng kính trọng hơn! Ðề cập vấn đề ở đây, anh chàng chỉ trình bày sự kiện liên quan đến cái xe, và giải tỏa một số hiểu lầm liên quan đến việc dùng xe mà thôi. Thực vậy, khi quảng cáo “xe chỉ do phụ nữ lái”, có phải người bán muốn nói với bà con thiên hạ rằng xe dùng ít, không đi xa, và chỉ chạy những quãng ngắn... không? Toàn là những cơ hội có thể tạo điều kiện cho carbon đóng tầng! Như vậy, nếu là người dùng xe, bất kể đàn ông hay đàn bà, lâu lâu chúng ta phải dùng xe đi những quãng xa, với vận tốc cao ngoài xa lộ, đó mới thực sự là tốt đẹp cho sức khỏe của xe.

Ðọc đến đây, hy vọng độc giả Trang Xe Hơi không ai giận Phạm Ðình, hoặc nói lại với “nội tướng” rằng chiếc xe của cô không được tốt bởi vì chỉ “do phụ nữ lái”, kẻo cơm không lành, canh không ngọt trong những ngày lễ hội cuối năm này. Có thể chúng ta phải cần thêm một trang báo nữa để nói về những vấn đề liên quan các tầng carbon: Một khi chúng đã tích lũy thì có cách gì trị hay không? Phạm Ðình phải ngưng ở đây, vì Vũ Hằng đang gọi í ới ngoài sân kia rồi! Hy vọng không phải là gọi để đưa cô đi shopping vì cửa hàng đang “big sale” cho mùa lễ.