Home Đời Sống Tài Liệu An Sinh Xã Hội Kiểu Obama

An Sinh Xã Hội Kiểu Obama PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Văn Tích   
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 10:09

Tổng thống tân cử Hoa Kỳ Barack Obama đã bổ nhiệm Tom Daschle, sáu mươi mốt tuổi, người tiểu bang South Dakota, làm Bộ trưởng Y Tế. Đó là một nhân vật biết rõ thảm trạng y tế cường quốc USA, bởi lẽ ông là tác giả cuốn sách “Critical : What Can We Do About The Health Care Crisis“ (Khủng hoảng : Chúng ta có thể làm gì nhằm chống khủng hoảng y tế). Daschle là một chính trị gia chuyên nghiệp, từng tham gia quốc hội Hoa Kỳ trong hai mươi sáu năm, thoạt tiên ở hạ viện rồi ở thượng viện, qua tư cách lãnh tụ đa số nhóm Dân chủ. Obama hy vọng với một quá khứ tham gia ngành lập pháp lâu ngày như vậy, tân Bộ trưởng Y Tế sẽ có nhiều mối liên lạc hữu hảo với các bạn đồng viện nhằm đạt được hậu thuẫn cho chủ trương canh tân hệ thống y tế Hoa Kỳ.
 
 Chính quyền Mỹ quả thực khó tự hào ở một số lĩnh vực an sinh xã hội. So sánh với các quốc gia kỹ nghệ khác về tuổi thọ dự tính (life expectancy) của người dân, Mỹ chỉ được xếp hạng thứ mười bốn. Trong lĩnh vực phòng ngừa những nguyên nhân gây tử vong có thể tránh được (avoidable causes of death), Mỹ đứng hàng thứ mười chín. Qua khía cạnh tử vong nhi đồng (infant mortality), Hoa Kỳ còn đáng xấu hổ hơn vì nằm vào thứ hai mươi chín. Không những chỉ các cá nhân hay các gia đình than van về chi phí bảo hiểm bệnh tật mà các hãng xưởng cũng kêu trời. Những cơ sở kinh doanh nhỏ hay vừa không dám mướn thêm người vì sợ khoản tiền bảo hiểm sức khoẻ phải đóng cho nhân viên. Ngành sản xuất xe hơi đang lâm cảnh kinh tế tài chánh bi đát do nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân là chi phí gián tiếp, chi phí phi sản xuất, dành cho bảo hiểm sức khoẻ quá nặng. Nhiều cơ quan bảo hiểm y tế từ chối thu nhận những người không may có một quá khứ bệnh lý phức tạp hoặc mắc các chứng bệnh di truyền bẩm sinh nan trị.
 
 Trong quá trình tranh cử, Obama thường xuyên hô hào là phải làm sao cho mọi người dân Hoa Kỳ đều có đủ khả năng trả chi phí bảo hiểm sức khoẻ. Mỗi lần nghe như thế, người dân Mỹ không hề tiếc vỗ tay nồng nhiệt hoan hô. Bốn mươi sáu triệu công dân USA không có bảo hiểm bệnh tật. Đó là một quốc nhục. Đồng thời, cùng với khủng hoảng kinh tế tài chánh, con số những người Mỹ không đủ sức trả thù lao cho tất cả các dịch vụ y tế cứ tăng thêm mặc dầu họ phải nai lưng đóng tiền bảo hiểm nặng hơn và chủ nhân cấp việc cho họ cũng cứ mỗi ngày mỗi tốn tiền hơn cho phần đóng góp của mình. Đã có một số không nhỏ gia đình Mỹ khai phá sản vì không thể chịu nổi gánh nặng thanh toán các biên lai nợ bác sĩ và/hoặc bệnh viện. Thực ra, từ thời Roosevelt, nhiều vị tổng thống tiền nhiệm của Barack Obama đã thất bại trong cố gắng canh tân và cách tân hệ thống bảo hiểm sức khoẻ. Gần Obama nhất là Hillary Clinton, đệ nhất phu nhân Mỹ quốc, đã từng cổ vũ một chính sách bảo hiểm bệnh tật theo kiểu nước Đức, đã từng được quốc hội và giới lobby rùm beng tán dương, nhưng chỉ để rồi thất bại.
 
 Và thực tế chẳng lấy gì làm sáng sủa cứ ngoan cố tồn tại. Nhiều người Mỹ chánh hiệu, có của ăn của để, cũng phải tự chế trong tự cung tự cấp dịch vụ y khoa. Obama biết rõ hiện trạng. Trong quá trình vận động tranh cử, ứng viên tổng thống người da màu đã từng tận tai nghe người dân kể chuyện : một cặp cha mẹ không mang được con ốm đau đến bác sĩ vì không đủ tiền, nhiều người già phải bẻ đôi viên thuốc nhằm kéo dài tình trạng đủ thuốc uống hằng ngày mặc dầu như thế là giảm hẳn một nửa liều lượng dược phẩm.
 
Quả thực là các trường hợp cấp cứu đều được chữa trị nơi những emergency rooms. Nhưng các cơ sở điều trị này đều bị tràn ngập. Mỗi năm nước Mỹ có đến một trăm hai mươi triệu trường hợp emergencies. Cách đây mười năm, con số này chỉ đạt đến chín mươi triệâu. Một tổ chức đại diện cho hai mươi bảy ngàn bác sĩ trực cứu cấp vừa lên tiếng báo động khẩn cấp là hệ thống emergency rooms có cơ sụp đổ đến nơi vì quá tải.
 
 Mà người Mỹ đâu có chắt bóp hà tiện trong lĩnh vực an sinh xã hội cho cam. Hệ thống y tế Hoa Kỳ ngốn tiền như một con thủy quái khổng lồ, như một thứ leviathan. Mỗi năm cái hệ thống đó nuốt trôi hai phẩy ba triệu triệu Mỹ kim (2,3 billions dollars); nó đắt đỏ nhất thế giới, nó chiếm mười sáu phần trăm tổng sản lượng quốc gia Hoa Kỳ. Giới chính trị gia và giới bác sĩ, khoa học gia Hợp Chủng Quốc vẫn thường tự hào là nền y khoa Mỹ đứng đầu thế giới. Có lẽ điều đó cũng đúng một phần. Ai cũng ngưỡng mộ những bệnh viện như Sloan-Kettering ở New York hay M.D.Anderson ở Houston chuyên về ung thư hoặc Cleveland Clinic chuyên về bệnh tim. Nhưng chỉ những thành phần tỷ phú, triệu phú mới được chữa bệnh tại các cơ sở này, mới được hưởng thụ các tiến bộ tân kỳ nhất của kỹ thuật hiện đại, mới được chính những giáo sư, bác sĩ từng lãnh giải Nobel Y khoa cùng môn đệ họ chẩn đoán điều trị. Còn đại đa số quần chúng thì chẳng bao giờ léo hoánh được đến những nhà thương vừa kể.
 
 Vị tổng thống thứ bốn mươi bốn đang đối diện với một tình huống chung khủng khiếp mà trước ông ta, chỉ có hai tổng thống Hoa Kỳ phải trải qua khi nhậm chức. Abraham Lincoln (gương mẫu số một của Obama) vào năm 1861 khi sắp phải đương đầu với cuộc nội chiến Bắc-Nam. Franklin D. Roosevelt (gương mẫu số hai của Obama) vào năm 1933 khi đang đứng trên đỉnh cao khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Obama cũng thừa hưởng một gia tài tương tự với hai trận chiến do người tiền nhiệm tham dự hay gây ra, với sự mất uy tín danh vọng của nước Mỹ trên sân khấu chính trị thế giới, với một số không nhỏ những trung tâm khủng hoảng khác, mà dải Gaza chỉ là một.
 
 Nhiều công dân Hoa Kỳ đặt hy vọng tràn trề và tin tưởng sâu sắc vào khẩu hiệu Yes, we can. Chả thế mà giới truyền thông ước đoán rằng ngày hai mươi tháng giêng dương lịch tới đây, thủ đô Hoa Thịnh Đốn sẽ chứng kiến một quang cảnh tập trung dân chúng đông đảo nhất lịch sử Hiệp Chủng Quốc. Người ta tính toán sẽ có khoảng từ ba đến năm triệu người đủ mọi lứa tuổi, đủ mọi sắc tộc, đủ mọi màu da tham gia đại lễ nhậm chức của vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử lập quốc và kiến quốc Hoa Kỳ.
 
 Obama hứa hẹn một affordable, accessible health care. Barack Obama – và người trực tiếp phụ trách y tế Tom Daschle – sẽ hành động cụ thể ra sao? Có thể chính quyền tương lai của Mỹ sẽ để cho quốc gia đứng ra cáng đáng gánh nặng trợ cấp y phí dành cho những thành phần nghèo khó. Có thể giới lãnh đạo và giới chính trị gia sẽ khuyến khích các cơ quan, các công ty bảo hiểm cạnh tranh với nhau mạnh mẽ hơn và hữu hiệu hơn. Có thể Bộ Y Tế sẽ tìm cách cải thiện điều kiện hành nghề của giới bác sĩ, sẽ cố gắng đào tạo một cách quân bình đồng bộ hơn các thành phần y sĩ toàn khoa và y sĩ chuyên khoa. Có thể chương trình y học dự phòng sẽ được xúc tiến triệt để hơn nữa, nhằm phòng ngừa các chứng bệnh tim-mạch, nhằm chống lại chứng béo phì, nhằm hỗ trợ các chương trình cai thuốc lá. Có thể... Chuyện nghiền thuốc lá chẳng hạn là một vấn nạn to lớn. Bốn mươi ba triệu người Mỹ đang mắc nạn này. Chính cá nhân tổng thống đắc cử đã phải ân hận thú nhận là bản thân mình cũng thỉnh thoảng phì phèo điếu thuốc những khi lâm cảnh căng thẳng đầu óc. Luật pháp bảo vệ người không hút thuốc ở Mỹ kém thua luật pháp liên hệ ở Đức. Hành pháp sẽ phải hành động, và trước hết Obama phải làm gương qua việc cai thuốc. Các hiệp hội người không hút thuốc và các nghiệp đoàn bác sĩ nuôi hoài bão tổng thống tân cử sẽ quitten thành công, để cho quần chúng bắt chước nhằm có lối sống khoẻ mạnh hơn. Rồi lập pháp cũng phải tham gia qua việc ban hành những đạo luật tiến bộ. Dầu sao đi nữa thì nữ Ngoại trưởng tương lai của Hoa Kỳ, lúc còn là First Lady, cũng đã cho thiết lập trong Toà Bạch Ốc một vùng cấm địa dành cho người không hút thuốc.
 
 Y tế dự phòng và chăm sóc sơ khởi sẽ là hai cột trụ chống đỡ chương trình an sinh xã hội Mỹ. Dầu sao Obama, Daschle và nhóm chuyên viên phụ trách cải tổ y tế cũng đã có sẵn một mẫu mực hành động để noi theo phần nào. Tại tiểu bang Massachusetts, chế độ bảo hiểm bệnh tật toàn bộ cho hầu hết công dân đã được luật pháp qui định từ năm 2006 và từ đó đến nay, tiểu bang đã gánh được gánh nặng tiến hành bảo hiểm cho bốn trăm bốn mươi ngàn trường hợp mới gia nhập bảo hiểm. Dĩ nhiên chính quyền đã chủ động can thiệp vào quá trình đào tạo bác sĩ và đã linh hoạt tích cực chi phối hình thức cung cấp dịch vụ y khoa. Chẳng hạn, Massachusetts là tiểu bang có tỷ số bác sĩ phụ trách primary care cao nhất USA. Bên cạnh các đồng nghiệp này, tiểu bang còn phân bố và phân công hợp lý cho những y sĩ thuộc những chuyên khoa khác như bác sĩ gia đình, bác sĩ toàn khoa, bác sĩ nội khoa, bác sĩ sản phụ khoa, y tá điều dưỡng và nhất là tiểu bang đã lưu tâm cải tiến mạnh mẽ các điều kiện hành nghề của họ.
 
 Obama bảo sẽ hủy bỏ những đặc quyền thuế vụ mà tổng thống đương nhiệm George W. Bush đang dành cho các hãng kinh doanh lớn. Obama cũng hứa sẽ đánh thuế nặng hơn những công dân Hoa Kỳ nào có thu nhập hằng năm vượt quá hai trăm năm mươi ngàn Mỹ kim. Giới kinh tế tài chánh ước tính cặp bài trùng Obama-Daschle sẽ cần từ sáu mươi lăm đến một trăm tỷ Mỹ kim để thực hiện lời hứa tranh cử về an sinh xã hội. Nếu đưa ra bảy trăm tỷ Mỹ kim để vực nền kinh tế dậy thì có thể chi một trăm tỷ Mỹ kim cho con bệnh y tế Hoa Kỳ đang cần cấp cứu lắm chứ. Tuy chưa chính thức dọn nhà vào địa chỉ 1600 Pennsylvania Avenue nhưng ngày nào Barack Obama cũng bắt tay vào việc với lý do mỗi ngày qua đi mà không làm gì là một ngày mất đi. Cứu bệnh như cứu hoả, con bệnh y tế Hoa Kỳ đang là một emergency case.
 
 Đội ngũ thân cận Obama có nhiều thành viên thuộc y giới. Có lẽ chỉ Franklin D. Roosevelt, vị tổng thống mắc di chứng ấu liệt, mới có nhiều chân tay thủ túc thuộc giới áo trắng hơn. Michelle Obama cho đến ngày tham gia vận động tranh cử vốn là một thành viên giữ chức vụ chỉ huy hành chánh của University of Chicago Medical Center. Vị đệ nhất phu nhân da màu đã được Valerie Jarrett cất nhắc vào chức vụ quan trọng này, vì Jarrett là bạn chí thiết của gia đình Obama. Sau ngày hai mươi tháng giêng, Valerie Jarrett sẽ giữ chức cố vấn tối cao Senior Advisor ở Toà Bạch Ốc. Từ thuở còn là sinh viên Harvard, Obama đã hết sức nặng tình kim lan với viên Phó Giám đốc Bệnh viện, Bác sĩ Eric Whitaker. Jarrett, Whitaker và Martin Nesbitt sẽ luân phiên nhau đến Washington vào những ngày cuối tuần hầu mang chút ít không khí quen thuộc miền Chicago đến làm quà cho vị đệ nhất phu nhân. Nesbitt cũng có liên hệ với giới y khoa : vợ ông ta, nữ bác sĩ sản phụ khoa Dr. Anita Blanchard, đã đỡ đẻ hai cô con gái Malia và Sasha của tổng thống đắc cử, khi hai cô bé này chào đời ở University of Chicago Medical Center.
 
 Ngày tân tổng thống Hoa Kỳ nhậm chức đến sau ngày đưa ông Táo về Trời hai ngày. Cầu mong Ngọc Hoàng chấp nhận và ủng hộ lời sớ Táo quân Hợp Chủng Quốc tâu trình về chương trình an sinh xã hội mới của Barack Obama. Vì nếu không có một sự chiếu cố từ trên cao, e rằng sau nhiệm kỳ bốn năm, Barack Obama vẫn chưa thể hoàn tất được công việc Hercule của mình trong lĩnh vực y tế xã hội.
 
 God bless America.