Home Đời Sống Tài Liệu Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán PDF Print E-mail
Tác Giả: Chân Quê   
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 01:04

Nguyên-Đán là chữ Nho; diễn nghĩa theo chữ nôm ý chỉ: Những buổi rạng đông của sự khởi đầu; khởi đầu cho Năm, Tháng và Mùa.  Người Việt-Nam chúng ta phân chia thời-gian dựa theo sự vận hành của mặt trăng, mỗi Tháng được bắt đầu vào ngày của tuần trăng mới và Năm cũng khởi đầu vào tuần trăng mới đầu tiên tiếp theo lúc mặt trời ra khỏi Chí-Tuyến-Nam.  Như vậy, Tết dựa theo sự vận hành của mặt trời lẫn mặt trăng.  Nó mở đầu Mùa Xuân, vì thế Tết bao giờ cũng rơi vào thời-gian của hạ tuần tháng Giêng hoặc trung-tuần tháng Hai (Dương-Lịch).

Việc chuẩn bị cho Tết Nguyên-Đán bắt đầu ngay sau ngày cúng Thần Bếp, nhằm ngày 23, tháng Chạp (Âm-Lịch).  Thần Bếp chính là Táo-Quân (thường hay bị nhầm lẫn với Thổ-Công hay Thổ-Địa).  Để phân biệt Thổ-Công và Táo Quân thì Thổ-Công được trình bầy trên bàn Thờ bằng một cặp vợ chồng, còn Táo-Quân là một bộ ba; gồm một Thần Nữ có hai Thần Nam kề bên.  Theo lời dậy truyền của các nhà Nho, người ta thường công nhận rằng Thổ-Công được gộp trong bộ ba đó; gồm Thổ Kỳ, Thổ Địa và Thổ Công.  Các vị này được tiêu biểu bằng ba hòn gạch xếp thành cái kiềng đun bếp.  Hòn thứ nhất tiêu biểu cho Đất Nước nói chung.  Hòn thứ hai là Đất trong Nhà và hòn thứ ba là Thần Bếp.

Theo truyền-thuyết kể rằng: ngày xửa, ngày xưa có đôi vợ chồng, người chồng tên Trọng-Cao; vợ là Thị-Nhi.   Vì ở với nhau mãi mà không có con cái nên tính tình họ trở nên cáu gắt.  Rồi đến một ngày kia Trọng-Cao trở thành kẻ nghiện rượu và cờ bạc hư hỏng; lại đối xử ngược đãi với vợ mình là Thị-Nhi.  Nàng bỏ nhà ra đi, sau đó tái hôn với  Phạm-Lang, là một người chồng tốt chăm chỉ ruộng vườn, thương yêu nàng hết mực.  Thị-Nhi và Phạm-Lang sống rất hạnh-phúc bên nhau, trong khi Trọng-Cao - người chồng cũ của nàng sống cảnh cơ-hàn, phải đi ăn xin khắp các nẻo đường.  Đến một ngày kia Trọng-Cao đói lả người, ngã trước cửa nhà Thị-Nhi.  Nàng nhận ra người chồng cũ; đem lòng thương-xót, cho anh vào nhà ăn uống.  Trọng-Cao khốn khổ ăn xong thì ngã lăn ra đất mà ngủ.  Thị-Nhi thấy Phạm-Lang chồng của mình sắp trở về nhà bèn khiêng Trọng-Cao dấu kín vào trong một đống rơm ở giữa đồng.  Nào ngờ sau bữa cơm tối, trước khi đi nghỉ Phạm-Lang nghĩ đến công việc là phải đốt rơm để sáng hôm sau rắc tro lên thửa ruộng lúa mà cầy.  Phạm-Lang vô tình châm lửa vào đống rơm có Trọng-Cao đang ngủ say trong đó,  Thị-Nhi thấy lửa cháy và nghĩ mình là nguyên-nhân vụ ngộ sát Trọng-Cao, rồi để tự trừng-phạt nàng lao vào ngọn lửa.  Phạm-Lang yêu vợ tha thiết, thấy thế cũng nhảy theo nàng.  Người đầy-tớ trung-thành trong nhà nhìn thấy ông-bà chủ chân tay co quắp trong đống lửa hồng nên cũng lao đầu vào chết theo.

Về sau, người ta đặt tên cho hòn đá đặt hai bên bếp lửa là Ông; nhắc lại hai người chồng.  Hòn đá đặt phía trước là Bà; hiện thân của người vợ.  Có một viên cuội đặt trên than để không cho lửa cháy quá nhanh đó là hòn Lộc; tiêu-biểu cho người đầy-tớ trung-thành.  Thượng-Đế ở trên Trời xúc động trước tấm bi-kịch này bèn giao cho họ trông nom bếp núc của tất-cả các gia-đình trên thế-gian và đánh-giá mọi hành-vi của con người trong năm.  Sau đó sẽ trình tấu lên Ngọc-Hoàng Thượng-Đế vào ngày 23, tháng Chạp (Âm-Lịch).

Cho đến ngày hôm nay, ở Việt-Nam rất nhiều người vẫn tìm mọi cách lấy lòng các vị Thần Bếp đó, họ cúng cho các vị này một bữa cỗ thật thịnh-soạn, đốt cho các Thần những chiếc mũ tuyệt đẹp trang điểm hoa sặc sỡ, nhiều thoi vàng và bạc bằng hàng mã (giấy).  Người ta thả xuống khúc sông gần nhất những con cá Chép dùng làm ngựa cho các Thần đó cưỡi trên chặng đường mây dài từ Đất lên Trời hầu mong được ơn phúc.  Hủ-tục này cũng bị người đời châm-biếm vì những sự ác-độc của con người trong năm, họ không hoán cải sống thiện, sống lành.  Chỉ mong làm vui lòng Táo Ông, Táo Bà để lập công với Thượng- Đế trong việc cúng tế mà thôi.

 Ngày mùng 1 Tết Nguyên-Đán theo phong-tục, tập-quán của người Việt-Nam xưa kia, người ta thổi ống Tiêu để đoán tính chất điều-kiện khí hậu trong suốt một năm.  Người ta cũng uống rượu để xua đi các hơi lạnh và tử-khí.  Ngoài ra còn có một hủ-tục nữa là tục Đốt Vàng Mã nhằm xua đuổi hiểm-họa, binh đao.  Người ta giặt quần áo để tránh mọi bệnh tật đồng thời may áo mới để tránh sự khốn khó suốt trong năm.

Xưa kia ở miền Bắc, trước nửa tháng Tết, những Ông Thầy Đồ ra chợ trải chiếu ngồi để viết câu đối bán.  Người nào đi buôn hoặc đi làm ăn xa xôi đều nghỉ việc để về nhà ăn Tết.  Những ngày cuối năm ai nấy cũng dọn dẹp, chùi rửa mọi vật dụng, nhất là các lư-hương trên bàn Thờ sáng choang.  Có người dán tranh Quan-Tướng trước cửa nhà hoặc dán bốn chữ Thần Trà - Uất Lũy, nhằm để ma quỷ sợ không dám vào nhà họ (theo điển tích đây là tên hai ông Thần ở dưới một gốc cây đào lớn thuộc núi Độ-Sóc; cai quản đàn Quỷ dữ.  Hễ Quỷ nào làm hại nhân-gian thì Thần ấy sẽ giết đi mà ăn thịt).   Có nhiều nhà chặt tre làm cây Nêu hoặc lấy cành Đa, lá Dứa cài ngoài cửa ngõ hoặc rắc vôi bột, vẽ bàn cờ, cái Cung, cái Nỏ trong sân… Tất cả đều có ý trừ Quỷ, không muốn chúng vào nhà họ quấy phá trong năm mới.

Nửa đêm 30, rạng sáng mùng 1 Tết, nhà nào cũng bày Hương-Án ra giữa sân để cúng Giao-Thừa.  Ở những thôn xóm nhỏ trong làng quê họ cúng Tế nơi có trống đánh và pháo đốt.  Tập tục nước ta tin rằng mỗi năm đều có một Ông Hành-Khiển coi việc nhân-gian, hết năm thì Thần nọ bàn-giao công việc cho Thần kia, cho nên việc cúng tế là để tiễn đưa Ông cũ và đón Ông mới về.

Đến sáng mùng 1 Tết phải làm cỗ cúng Gia-Tiên, có bánh-chưng, giò chả, dưa hành… Người miền Nam thường cúng ngũ quả, trong đó bắt buộc phải có: Mẵng-Cầu, Dưa-Hấu, Dừa, Đu-Đủ, Xoài. Ý cầu xin Trời Phật, Ông-Bà  cho được: Cầu Vừa Đủ Xài (tiếng miền Nam phát âm trại từ Vừa thành Dừa, Xoài thành Xài ).   Có nhà dựng hai cây Mía cạnh bàn thờ để làm gậy chống cho Ông Vải. 

Trong ngày này ai ai cũng phải giữ-gìn từng  lời ăn, tiếng nói vì họ sợ nói bậy sẽ Dông cả năm.  Nhiều gia-đình nhờ một người phúc-hậu, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nhân-từ; sáng sớm mùng 1 Tết đến Xông Đất nhằm mưu cầu cho cả năm mọi người trong nhà được mọi sự may mắn tốt lành, không bị đau ốm vặt.

Có người kiêng không được quét nhà hoặc hốt rác, chỉ vun vào một xó, đợi sau ba hôm động-thổ rồi mới đem đi đổ.  Tục truyền kể rằng trong Sưu Thần-Ký của Trung-Hoa có câu chuyện một người làm nghề lái-buôn tên Âu-Minh một hôm đi qua hồ Thanh-Thảo, Thủy-Thần cho một nàng tên Như-Nguyện theo chân về nhà hầu hạ Âu-Minh được vài năm, chàng trở nên giàu có.  Vào ngày mùng 1 Tết năm ấy, Âu-Minh say khướt trở nên hung-hãn đánh đập Như-Nguyện, nàng hầu sợ quá chui vào đống rác rồi biến mất về với Thủy-Thần.  Từ đó trở đi cơ-nghiệp nhà Âu-Minh sa sút trầm trọng.  Theo tục này, người ta kiêng không dám hốt rác trong ba ngày Tết vì sợ bị khó nghèo.

Cũng trong mùng 1 Tết Nguyên-Đán, cúng Gia-Tiên xong, con cháu quây quần quỳ cúi lậy hai lậy dưới chân Ông Bà, Cha Mẹ để Mừng Tuổi.  Sau đó Ông Bà, Cha Mẹ cũng Mừng Tuổi lại bằng cách Lì-Xì cho con cháu.

Người xưa có câu: Mùng 1 Tết Mẹ, Tết Cha.  Mùng 2 Tết Chú, Mùng 3 Tết Thầy.  Họ hàng thân-tộc, thầy trò, bạn hữu, xóm giềng đến nhà nhau chúc Tết với những câu như: Thăng Quan, Tiến Chức, Sinh Năm, Sinh Bảy, Vạn Sự Như Ý, Buôn Bán Phát Tài, Học Hành Tấn Tới, Sức Khỏe Dồi Dào…

Trong những hôm Tết, có người chọn ngày hợp tuổi, giờ tốt để Xuất Hành đúng hướng, người đi Chùa hái Lộc (hoa trái) về cài vào cửa nhà.  Người làm Quan chọn ngày Khai Ấn.  Học-Trò chọn ngày Khai Bút.  Người buôn bán chọn ngày mở cửa hàng.  Nông-Phu chọn ngày tốt để làm Lễ Động-Thổ… Tất cả đều mưu cầu mọi sự may mắn, tốt đẹp cho trọn năm tới.

Tết Nguyên-Đán ngày xưa bắt buộc phải có đốt pháo.  Điển tích này trong Kinh Sở Tuế Thời Ký của người Tàu kể rằng Sơn-Tiêu (tức là Ma Núi) trong ngày đầu năm khi chạm vào người nào, người đó sẽ bị đau ốm cả năm.  Nó chỉ sợ tiếng pháo, hễ đốt pháo thì nó sẽ không dám đến gần người ta.   Nhưng theo truyền-thuyết của người Việt-Nam thì tiếng pháo nổ dòn tan là tiếng vui mừng đón Xuân chứ không có ý trừ ma quỷ.

Sau ba ngày Tết, sang mùng 4 dân-gian có hủ-tục Hóa Vàng (đốt những tờ tiền, quần áo, nhà xe… bằng hàng mã dùng để cúng người quá-vãng với hy-vọng họ dùng được trong thế-giới bên kia).  Nếu rơi đúng vào ngày kỵ tuổi của chủ nhà thì họ sẽ Hóa Vàng trước hay sau một ngày đều được.

Các truyền-thống cổ xưa không còn được áp dụng nhiều vào ngày nay.  Nhưng chẳng có biến cố nào của thế-giới bên ngoài có thể cướp đi ở người Việt-Nam nghèo nhất đến kẻ giàu nhất niềm vui đón Tết-Nguyên-Đán.

Ngày xưa vào năm 1789. Vua Quang-Trung đã phải cho binh-sĩ  ăn mừng Tết Nguyên-Đán trước mấy ngày rồi mới bất ngờ phục kích quân Trung-Quốc đóng ở Hà-Nội vào giữa ngày Lễ Hội Truyền-Thống trước khi nhà Vua tiến quân đánh chiếm lại xứ Bắc, Việt-Nam.

Trong thời-kỳ chiến-tranh khốc liệt nhất các chiến-sĩ Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa cũng đón Xuân nơi tiền đồn khi thấy mai vàng khoe sắc thắm và trong các học-đường thường tổ-chức Cây Mùa Xuân cho Chiến-Sĩ nhằm gửi quà, khăn quàng hay áo ấm đến những anh-hùng nơi tuyến đầu tổ-quốc.  Tôi còn thuộc lòng một bài Ám Đọc thời niên-thiếu:

Mùa Xuân đến nơi xa trường gió lạnh.

Người quân-nhân lăn lộn với gió sương.

Gia-đình em đang sống cảnh yêu thương.

Em đâu nỡ quên chàng trai dũng-mãnh.

Đây chiếc áo len đan trong đêm lạnh.

Nền xanh lam thêu đậm nét vàng tươi.

Em gửi tặng chàng chiến-sĩ xa xôi.

Để ấp ủ lòng người nơi biên ải

Đã trải qua mấy mươi cái Tết biệt xứ tha hương.  Giờ tôi mới nhớ ra mùa Tết năm đó cũng là cái Tết đầu tiên tôi biết đan áo và khăn quàng; không biết chiếc áo và khăn quàng do chính tay tôi đan gửi anh lính-chiến ngày xưa giờ đi về đâu cũng như Anh đang lưu lạc chốn nào?  Nhưng tôi chắc chắn rằng lòng tri-ơn chân tình quý trọng của tôi dành cho Anh là muôn đời, bất di-bất dịch.

Cảm-ơn Anh: những chiến-sĩ ngày nay là các Cựu Quân-Nhân Quân-Lực Việt-Nam-Cộng-Hòa cùng những Chiến-Sĩ Đồng-Minh trong mọi binh-chủng;  những người đã hy-sinh canh giữ biên thùy, cho tôi mừng bao nhiêu cái Tết Nguyên-Đán nơi thành-phố Saigon vô cùng an-bình hạnh-phúc năm xưa.  Cảm-ơn Anh: Những Người Chiến-Sĩ Vô-Danh…