Home Đời Sống Tài Liệu Ngày Tết nói chuyện ăn uống

Ngày Tết nói chuyện ăn uống PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Tư, 14 Tháng 1 Năm 2009 11:32

“Miếng ăn là miếng tồi tàn
Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”

Chiều cuối tuần đầu năm (Dương lịch-Tết Tây) đúng ngay vào thứ Bảy, Chúa Nhật cho nên thiệt là sung sướng. Tuy là mùa Đông nhưng có nắng ấm, có chút gió nhè nhẹ đủ làm se lạnh những ai mang nỗi buồn cô đơn. Nói là vậy nhưng ngày cuối tuần có nắng xuân vàng rớt nhẹ trên mái tóc, vấn vương tà áo áo mấy cô gái du xuân…Tây ở các chùa. Hơi hiếm hoi áo dài vì trời se se lạnh. Một vài nhóm bạn bè cùng nhau nâng cốc ta chúc nơi nơi “Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi. Người thương gia lợi tức. Người công nhân ấm no. Thoát ly đời gian lao nghèo khó Á ... a ... a ... a. Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui ” kiểu ông Phạm Đình Chương (Ly Rượu Mừng) Đúng là vui như Tết. Dầu gì thì thì cũng bước vào tháng Chạp rồi, bây giờ chắc là bên nhà không khí Tết (Nguyên Đán-Tết ta) đã tràn ngập phố phường rồi?

Cuộc vui sớm nhân cái Tết của Tây bắt đầu ở quán café Paloma có đâu khoảng gần chục người, và người nào người nấy đã đến cái tuổi “nhi nhỉ thuận” hết rồi.

Cũng chẳng ai nhắc nhở gì đến Tết nhứt gì ráo. Chỉ là một cử café đầu năm cho vui bạn vui bè vậy thôi. Chủ nhân Linh Nguyễn có mời một ai đó uống café rhum (một chút rhum trắng pha trong ly café sữa nóng) Café rhum uống vào buổi sáng phải nói là tuyệt vời, nhất là buổi sáng mùa Đông…ở xứ người.

Sau cử café, có 4 người bạn rủ nhau đón Xuân ở một nơi khác. Bàn tiệc đón xuân có hơn 5 người, có anh Cà Mau, anh Bạc Liêu, anh Trảng Bàng, anh Quảng Ngãi và anh Quảng Nam…Câu chuyện họ kể ra vui như tết. Người nào cũng nhắc nhớ đến quê hương, đến vùng đất đã có một thời thanh bình và cuộc sống ấm no hạnh phúc như lời chúc của nhạc sĩ Phạm Đình Chương “Nhấc cao ly này Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do Nước non thanh bình Muôn người hạnh phúc chan hòa Ước mơ hạnh phúc nơi nơi Hương thanh bình dâng phơi phới”. Ngoài những lời chúc Xuân, bản nhạc của ông nhạc sĩ nầy …dường như có lời tiên tri cho tình cảnh hôm nay: “Kìa nơi xa xa có bà mẹ già. Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa. Chúc bà một sớm quê hương. Bước con về hòa nỗi yêu thương Á ... a ... a ...” Có bao nhiêu người đang có ước mơ sẽ về thăm mẹ già? Và có bao bà mẹ già chờ mong con về thăm?..Cái điều đáng nói ở đây là tại sao có cảnh “xa quê hương nhớ mẹ hiền” như vầy?

Bàn tiệc đơn giản là những món ăn Việt Nam, những món ăn gà, vịt, heo, cá…v.v. Câu chuyện xoay quanh chữ và nghĩa, câu chuyện còn xoay quanh vùng đất quê hương là Vũng Thơm, là Cổ Cò, là SôngTrèm Trẹm, là rừng U Minh…bến bắc Vàm Cống, bắc Cần Thơ…Trảng Bàng, Tha La…là Bornard Rue, đường Tự Do, là Lê Lợi, Bến Thành…những con đường nhỏ, những chuyện “rất xưa” đối với nhiều bạn trẻ. Rồi cũng có lúc chuyện ăn uống được nhắc đến, ca dao tụ ngữ được dẫn chứng…và liên quan đến ăn có câu nầy “Miếng ăn là miếng tồi tàn. Mất ăn một miếng lộn gan lên đầu” không biết xuất xứ từ đâu, năm nào, và nói lên cái gì??? Bàn thì cứ bàn, cãi thì cứ cãi…câu đó bây giờ có còn đúng hay không? Thì vẫn là dấu hỏi.

Ông kia nói “Đừng tưởng ở Mỹ thức ăn đầy đủ, dư thừa, sợ mập, ăn kiêng…mà người ta không “lộn gan lên đầu” khi mất “ăn” đâu nhé.” À, thì ra ông nầy nói nghĩa chữ ăn bao la lắm không phải nhai nuốt mới là ăn. Ví dụ ăn ảnh, ăn nắng…ăn hối lộ, ăn mảnh, ăn gian, ăn đằng sóng (nói đằng gió)…và v.v. Ông ta nói “Các ông có biết khi uống rượu muốn không bị say ta ăn gì không?” ai cũng chịu thua; và ông đáp “Ăn gian” vì chỉ có ăn gian mới không say khi ngồi trong tiệc rượu cùng nâng ly.

Nhắc đến ăn phải kể đến quán, nhà hàng, tiệm…là nơi bán thức ăn. Ở trong nước có chuyện quán ăn như vầy “Quán bún nằm sâu trong chợ Ngô Sĩ Liên (quận Đống Đa, Hà Nội) chỉ bán từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều hằng ngày nhưng vẫn nườm nượp khách ra vào. Tuy nhiên, quán ở đây rất đỗi kỳ lạ…chính là thái độ phục vụ của chủ quán và nhân viên. Đã đến quán, ít ai quên giọng điệu “thánh thót” của bà chủ: “Để xe kiểu gì vậy? Ăn thì để xe cho gọn vào không thì về luôn đi”. Chủ chửi cứ chửi, xung quanh, khách lẳng lặng ăn, người đợi cũng lẳng lặng đợi, không nói lấy một lời. Hai người khách mới bước vào, đang loay hoay tìm chỗ đã bị bà chủ “rèn luyện tinh thần”: “Đừng đứng chổng mông vào mặt người khác như thế, gọi gì gọi luôn đi, không có hết là nhịn đấy! Ăn gì?”. Chỉ thấy người con gái trả lời lí nhí: “Cho hai bát bún lưỡi” rồi lẳng lặng đi vào phía góc quán…Ngay cả khi tính tiền, bà chủ cũng làm cho không ít khách hàng sợ xanh mặt: “Có 15,000 đồng một bát thôi! Chị ăn mấy bát thì cứ nhân lên mà trả tiền”. Và cái quán nầy người ta đặt tên là quán Bún Mắng”(không phải Bún Măng). Chưa hết, đông khách không thua kém gì “bún mắng” Ngô Sĩ Liên, là quán “cháo chửi”. Bà chủ ở đây không chửi khách mà chửi nhân viên. Từ tờ mờ sáng cho đến tận đêm khuya, nơi đây ầm ĩ tiếng mắng, chửi. Nghe bà chủ chửi nhân viên, khách lạ thì cau mặt, khách quen thì cười tủm tỉm cho đây là một “đặc sản”.(Source: Người Lao động)

Cũng chuyện ăn, có người muốn ăn “đặc sản” phải tới lui đến 4 lần mới thưởng thức được món chả nhái nổi tiếng ở Khương Thượng, Hà Nội vì 3 lần trước bị đuổi. Còn ăn phở, anh Hoàng và vợ vẫn đều đặn đi gần 30 km mỗi sáng để ăn được bát phở xếp hàng. Vợ chồng anh Hoàng, phải chở nhau lên tận phố Bát Đàn ăn phở. Anh chị phải trải qua gần 30 cây số khứ hồi. Điểm đặc biệt và hiếm có ở chỗ quán mà anh chị thường ăn phải xếp hàng dài lê thê trên vỉa hè, trả tiền trước, rồi phải tự bưng bê lấy, đứng ăn là chuyện bình thường mà giá thì cũng không rẻ. Tuy vậy không những chỉ vợ chồng anh mà còn nhiều người khách khác vẫn cảm thấy hứng thú đến đây ăn. Anh Hoàng bảo: “Chấp nhận vất vả tý nhưng được bát phở ngon. Vợ chồng tôi lại rất hợp nhau trong vấn đề ăn uống” (Theo NgLĐ). Thật là cái “thú đau thương” Nhiều người chấp nhận cái thú đau thương đó để được “ăn”. Nhiều quán khi đến ăn, quá đông mỗi khách đều được phát một chiếc túi to cho giày dép và xách vào trong tự “bảo quản” ngay bên cạnh người. Chẳng qua là tại Việt Nam kẻ gian “ăn” trộm như rươi.

Cũng không thiếu những quán ăn nổi tiếng đến độ không cần khách hàng, và sẵn sàng đuổi khách thẳng tay. Báo Việt Nam đưa tin “Bà chủ ở đây hứng chí thì lúc 3 người cũng tiếp, khi có vẻ không thấy thiện cảm thì đuổi luôn“. Khi được vào bàn ăn thì “Vừa nhâm nhi món khoái khẩu trên gác, chúng tôi vừa phải hứng những từ ngữ khó nghe từ phía dưới mà theo nhiều người kể lại đó là chuyện bình thường. Ngoài chuyện bà ấy gọi gia đình tôi là chúng mày và xưng tao thì còn nhiều câu nghe chướng tai, rất chợ búa.” (Source:Trường Giang-NLĐ)

Ở Việt Nam bây giờ ăn uống được nâng lên hàng “Văn Hóa Ẩm Thực”. Khi đọc các đoạn tin nêu trên chắc hẳn không thể nào liệt “ăn” vào nền “văn hóa” được. Tuy nhiên, trong mấy chục triệu người Việt Nam cũng còn có những “ẩn sĩ” đem chuyện ăn vào văn hóa như các bài thơ dưới đây:

Bánh tráng Trảng Bàng

Vấn vương khuôn nguyệt tráng bên thềm
Đất Trảng thương hoài... xếp bánh đêm
Hấp bột, vải căng, phơi nắng ráo
Nướng lò, phên trải, đẫm sương mềm
Nồng hương gạo mới đi còn nhớ
Dẻo thịt cơm dầy gói tặng thêm
Tinh lực đất trời ươm lá cuốn
Ai xuôi miệt ấy... ghé về xem...

Hủ tiếu Mỹ Tho

Ai xuôi miệt ấy... ghé về xem...
Hủ tiếu quê hương vẫn mãi thèm
Bánh đổ gạo ngon rau giá trụng
Canh hầm xương ngọt mỡ hành nêm
Nước lèo bốc khói hơi thơm ngát
Tôm thẻ cong đuôi thịt đỏ mèm
Trứng cút, tần ô, dầm cải thảo
Tương, hành, chanh, ớt, chị mời em

Bánh Lá (bánh nậm Huế)

Mời em bên nớ tóc mây bồng
Bánh nậm mần răng rứa chỉ không ?
Quết bột hòa đều đơm lá biếc
Xào tôm tán nhuyễn trải nhân hồng
Ép dài tay gói viền xinh khéo
Hấp chín hương lan tỏa dịu nồng
Nước mắm ngọt chua cùng chả rán
Phi hành thơm rải… để chờ trông …

Cơm hến

Chờ trông thưởng thức gánh hàng chiều
Món Huế sang hèn thảy mến yêu
Hến trắng lau nhau bày ắp dĩa
Nước ngà lợn cợn nấu lưng niêu
Một thồ cơm nguội mùi bay khắp
Dăm miếng rau thơm lá xếp đều
Ruốc sống, đậu mè, thêm tóp mỡ
Ớt cầm đổ lệ, ... cũng còn kêu

Bánh cuốn Thanh Trì

Còn kêu văng vẳng giọng rao giòn
Bánh cuốn Thanh Trì nổi tiếng ngon
Ngâm gạo nở mềm xay bột nhuyễn
Nhúm than đươm đỏ tráng khuôn tròn
Mỏng trong trải thắm nền sen ngọc
Mượt dẻo ươm nồng vị ruốc son
Cà cuống, rau thơm, kèm chả quế…
Tìm cô đội thúng… guốc thêm mòn

Bún riêu

Thêm mòn con mắt ngóng trông qua
Bát bún riêu cua vị đậm đà
Váng nổi trắng lềnh, điều nhuộm nước
Gạch xào vàng ngậy, mỡ tươm da
Bập bềnh miếng đậu, đen màu huyết
|Nghi ngút hơi tôm, đỏ sắc cà
Kinh giới thơm nồng, rau muống chẻ
Một còn chửa thấm, gọi hai ba

Bún thang

Hai ba bát nữa nhé cô hàng
Hà Nội ai về nhớ … Bún Thang
Xương, nấm, mực khô hầm nước ngọt
Giò, gà, trứng mỏng thái tơ vàng
Sợi đơm, lòng đỏ sườn xen giữa
Chanh xắt, rau nồng ruốc điểm ngang
Cà cuống mắm tôm nêm đủ vị
Dậy hương khói tỏa ngát bên đàng…

 Mì Quảng

Dậy hương khói tỏa ngát bên đàng
Mì Quảng ăn ghiền vị đậu rang
Nước nấu sườn heo nhân thịt ngọt
Sợi pha bột nghệ bánh đa vàng
Con tôm Cửa Đại trông dày dặn
Nước mắm Nam Ô nếm kỹ càng
Rau đắng, húng, ngò, hành, diếp cá
Đến từ Trà Quế mới là sang

Bún cá Kiên Giang

Mới là sang đó món quê ai
Tô bún Kiên Giang nấu thật tài
Hầm rục xương tươi lòng cá ngọt
Đơm vàng trứng nhuyễn, thịt tôm dai
Gạo thơm thành bánh xoăn hình trám
Lóc trắng ra khoanh đẹp cánh lài
Mắm nhỉ vùng này nêm mới đậm
Rau hành hương ngát, nhớ chưa phai

Bánh xèo

Chưa phai mùi vị bánh xèo ngon
Mỗi lúc thèm ăn đợi mỏi mòn
Ba rọi xào sơ, dừa béo ngậy
Đậu xanh hấp chín, giá tươi dòn
Tráng đều bột mỏng, hành dăm lát
Bỏ trộn nhân dày, tép mấy con
Sạn gập thân đôi hình bán nguyệt
Cuốn rau chấm mắm, bụng căng tròn

Xôi gấc

Căng tròn quả gấc đỏ cam tươi
Đem nấu xôi ngon dẻo ngọt mời
Nếp thấm nước trong chờ hạt nở
Múi dầm rượu trắng dậy màu khơi
Thêm dừa cốt béo đều tay trộn
Hấp xửng hương thơm đẹp ánh ngời
Đơm ép khuôn xinh mừng Tết đến
Vui hòa sắc thắm rộn nơi nơi

Bánh bèo tôm

Mê tơi món Huế thật bình dân
Dĩa bánh bèo ngon đẹp trắng ngần
Nước ấm thêm dầu hòa bột tẻ
Chén tròn hấp xửng nổi đường vân
Chà bông tôm thẻ tô nhưn thắm
Chấy nóng hành hương điểm nhụy trần
Nêm mắm ngọt chua cùng ớt tỏi
Đậm đà mùi vị ... chắc lên cân

 Cháo vịt

Đậm đà mùi vị ... chắc lên cân
Bắt vịt làm lông dọn mấy phần
Mỡ bỏ, luộc mềm ninh ngọt cháo
Gạo chà, rang vội nấu nhừ chân
Hành tây bắp cải tay bào nhẹ
Giấm ớt rau răm đũa trộn lần
Giã củ gừng cay dầm nước mắm
Hít hà miệng thổi, nóng toàn thân

Bún bò Huế

Thổi nóng toàn thân tộ bún bò
Ai tường món Huế chỉ dùm cho
Nước lèo thịt bắp hầm thêm sả
Mắm ruốc giò heo nấu rải ngò
Xào đỏ điều màu tươi óng ánh
Phi vàng hành củ ngát thơm tho
Vân Cù sợi bánh nêm tương tỏi
Sa tế rau xanh... bụng hết dò

Bánh tằm bì

Bụng hết dò rồi dạ lại ghi
Thơm ngon gạo mới bánh tằm bì
Bột nhào ép sợi, thăn chiên mỏng
Da luộc bào dây, cải cắt vi
Vắt cạn cốt dừa, pha mắm tỏi
Rang vàng đậu phọng, rải hành phi
Rau tươi, giá trụng, cho vào đáy
Một dĩa đầy vun chẳng nể vì

 Gỏi ngó sen

Một dĩa đầy vun chẳng nể vì
Mê hoài món gỏi ngó sen chi ?
Tôm càng chín tới chia hai mảnh
Cọng cuống giòn tan rửa mấy thì
Trộn muối vắt chanh đường cát rải
Thái ngò giã lạt củ hành phi
Rau răm nồng vị chan thêm mắm
Cắn bánh phồng chiên... miệng khỏi ghì

Chạo tôm

Miệng khỏi ghì sang món tuyệt chiêu
Chạo tôm em nấu lại ưa nhiều
Làm lưng rút chỉ xay cùng mỡ
Bóp muối hoà đường trộn với tiêu
Mía vót chừa đầu, trong thịt bọc
Hương xông nức mũi, giữa lò thiêu
Gan heo tán nhuyễn dầm tương, ớt
Mặn, ngọt chua, cay, chấm đủ liều

Cua rang sốt me

Mặn, ngọt chua, cay, chấm đủ liều
Cua rang hấp dẫn thấy càng xiêu
Mai chùi rửa sạch thân chia miếng
Chảo bắc chiên sơ sắc trở điều
Chế rượu dầm me đun sệt nước
Cho dầu xào tỏi bốc thơm niêu
Nêm ngon vừa miệng bày hành lá
Thích nhậu mời anh, cực cũng chiều

 Ốc bung

Cực cũng chiều chàng món ốc bung
Bươu vàng nước gạo bỏ ngâm chung
Thịt heo thái chút nêm cơm mẻ
Chuối hột ninh sơ trộn dọc mùng
Nồng nặc mắm tôm mùi toả nức
Đậm đà đậu phụ miệng thèm hung
Tía tô hành lá bày ra đĩa
Gắp miếng đưa hơi nhậu tới cùng

Cua hấp bia

Gắp miếng đưa hơi nhậu tới cùng
Hấp bia cua lớn đãi bàn chung
Dầu tiêu muối ướp đều nguyên tộ
Ớt tỏi hành phi ngát cả vùng
Rượu trải hương nồng say đượm vị
Cà chen sắc đỏ ửng đầy vung
Liu riu lửa nhỏ chừng năm phút
Dọn đũa mời nhau thỏa thích dùng

 Lẩu mắm

Thoả thích dùng nào các bạn ơi
Ăn tô lẩu ngọt nhớ muôn đời
Xương heo muối sả hầm lên bọt
Mắm sặc hành riềng nấu rục hơi
Mực sống tôm tươi cà tím nổi
Bún ngon cá béo thịt quay mời
Xắt vài cọng hẹ rau cùng giá
Mắt mũi cay xè lệ chực rơi

Canh chua cá lóc

Mắt mũi cay xè lệ chực rơi
Canh chua hấp dẫn tộ không rời
Quả me nấu kỹ mùi thơm bốc
Cá lóc chiên đều vị đậm khơi
Cà đỏ bạc hà lừng sắc dậy
Khóm vàng đậu bắp ngát hương mờ
Ngò gai ớt hiểm hòa thêm giá
Mấy chén cơm đầy vẫn muốn xơi
 
Miến lươn xào

Vẫn muốn xơi thêm dĩa miến xào
Dễ làm ngon miệng ít công lao
Lươn ngâm sạch nhớt moi lòng ruột
Nước hứng đầy tô trụng bún tàu
Ướp kỹ hành băm xương rỉa bỏ
Đảo đều nạc hấp miến đem xao
Ngò thơm tiêu bột lai rai rắc
Mời bạn cùng tôi thưởng thức nào

Chả giò

Mời bạn cùng tôi thưởng thức nào
Chả giò món quý tiện làm khao
Miến dong ngâm nở tai mèo thái
Thịt nạc bằm xay củ cải bào
Tán nhỏ cua càng hòa trộn kỹ
Trải đều bánh tráng cuốn chiên mau
Tía tô húng lủi bên ngò giá
Mắm ớt nêm vừa dọn đãi nhau

 Chả đùm

Dọn đãi nhau ăn miếng chả đùm
Bàn bày nguyên liệu thấy tùm lum
Thịt bò xắt nhuyễn nêm đường ướp
Gan lợn bằm tươi ém mỡ trùm
Đổ xuống khuôn nồi đun nhỏ lửa
Chấm vào mắm tỏi giã đầy chum
Ngò hoa đậu phọng vừa trang trí
Kẹp bánh phồng tôm nói chuyện rùm

Phở bò

Chuyện rùm cả phố gánh hàng đông
Món phở dân gian tỏa khói nồng
Hầm kỹ xương bò chăm chút nước
Nêm thơm tai vị miệt mài công
Bánh ngâm trụng tới bày tô kiểu
Thịt thái đơm lên xếp cánh hồng
Rau quế ngò hành tương ớt đỏ
Đậm đà hương sắc khiến người trông

Bánh canh cua

Khiến người trông đợi bánh canh cua
Đã một lần ăn nhớ mấy mùa
Nhồi bột tay vò se sợi nhỏ
Khử mùi gạch lể vắt chanh chua
Giò heo đổ nước hơi đun sủi
Mắm muối bằm tôm thịt trộn đùa
Hành lá tiêu đường nêm đủ thứ
Miệng mồm sì sụp húp thi đua

Vịt nấu cam

Thi đua ai thử món ngon này
Vịt nấu cam sành gọi đến ngay
Nước mắm muối tiêu hoà trộn kỹ
Củ hành gừng ớt thái nêm cay
Thắng vàng đường sánh màu loang dậy
Chiên ửng da giòn khói tỏa bay
Vắt sạch quả tươi đều mặt rưới
Chờ thêm vài phút dĩa xinh bày.

Chuyện đó là chuyện Việt Nam, còn ở địa phương nầy, thành phố thung lũng không thiếu các món ăn kể trên. Bạn muốn ăn chỉ việc phóng xe đến khu phố Việt là có ngay không vất vả gian nan như người Việt trong nước. Cái ăn cái mặc ở Mỹ quả thật dư thừa hơn Việt Nam nhiều lắm. Ở đây, ở cái Góc Việt nhỏ nầy chuyện ăn không cầu kỳ, không khó khăn nhưng cũng không thiếu chuyện để kể…Như cái quán phở kia rất đông anh hùng hảo hán, tai to mặt lớn đến ăn vì ở đó có món Phở rất đặc biệt. Và cũng ở đó có anh chủ thật “đặc biệt” luôn. Mặt lúc nào cũng “nghiêm và buồn”, mang gương mặt rất “hình sự” khi tiếp khách hàng. Một ông ở Nam CA lên làm việc ở đây kể lại “Tôi mới vừa ngồi xuống, anh bồi (sau nầy mới biết là chủ quán) đem tờ thực đơn ra, tôi mới cầm lên xem, anh ta đứng ở đấy chờ. Tôi nói cho xin đọc chút xíu. Thế là anh ta đi tiếp bàn khác. Đợi mãi trong khi các bàn khác vào sau đã có ăn, không thấy anh ta trở lại tôi mới gọi đến và phàn nàn. Anh ta nói “Tôi tưởng ông muốn đọc, tôi để cho ông đọc cho đã.” Nhiều khách đến ăn cũng đã từng bị “đuổi” và “đọc báo”. Nghe đâu quán đã sang tên.

Chưa hết, ở đường Story có một quán ăn có người thu ngân viên (casher) có bộ mặt “nghiêm và buồn” chẳng có lấy 1 nụ cười chào khách khi khách đến trả tiền. Có ông nọ “social talk” trong lúc trả tiền bị bà ta mắng ngay vào mặt “đó không phải là chuyện của ông”.

Dường như không thiếu nhiều quán ăn, nhà hàng…chủ nhân và nhân viên có “bộ mặt hình sự” đối với khách hàng. Nói năng kém lễ độ, xẳng giọng, lạnh lùng…v.v. không như câu quảng cáo trên các làn sóng phát thanh “Vừa lòng khách đến, vui lòng khách đi” hoặc “khách là thượng đế”

Nhiều bà nội trợ rất sợ đi ăn “nhà hàng” vì “Vừa tốn tiền vừa mất vui.” Thời buổi kinh tế khó khăn thì ta cứ theo sách “cơm nhà quà vợ” cho chắc “vừa đở đồng tiền, vừa đở tốn công…bực mình”