Home Đời Sống Tài Liệu Hao mòn của nhớt máy

Hao mòn của nhớt máy PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Thứ Hai, 26 Tháng 1 Năm 2009 06:16

Tiêu Chuẩn Đánh Giá Mức “Hao Mòn” của Nhớt.
Lần trước, chúng ta có nói về việc nhớt trong đầu máy hút lấy những mụn “mồ hóng” (soot) và đẩy chúng lửng lơ theo dòng nhớt, mà không cho phép chúng đọng lại trên mặt các bộ phận nội tại của máy. Thế nhưng cho đến một lúc nào đó, thì khả năng đó bị bão hòa, có nghĩa là số mồ hóng quá nhiều, nhớt không còn đủ sức chứa và đẩy nó đi phiêu du lơ lửng nữa. Khi đó, nếu chúng ta chưa thay nhớt, thì các cặn mồ hóng sẽ đọng lại, và “định cư” trên mặt các bộ phận máy. Tình trạng này sẽ không thể xảy ra được nếu chúng ta thay nhớt đúng định kỳ, tức là đưa nó ra ngoài cùng với tất cả những cặn mồ hóng lởn vởn trong đó.

Câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào biết được khả năng hấp thụ mồ hóng của nhớt đã bị bão hòa để kịp thời thay thế? Ðây là một câu hỏi mà ai trong chúng ta cũng phải đối diện. Xem ra dễ trả lời mà thực sự không dễ.

Dễ nhất là theo sự khôn ngoan truyền thống đã có từ vài chục năm nay: Thay nhớt sau 3,000 dặm đường xe chạy! Xin nhắc lại, đây là sự khôn ngoan đã có từ vài chục năm nay. Nhưng, kỹ nghệ xe hơi không dừng lại ở bất cứ một thời điểm nào, nó tiến bộ từng ngày. Cơ chế chiếc xe, nguyên vật liệu và nhiên liệu dùng cho xe ngày nay không còn giống như vài chục năm trước, khi mà nhớt máy vẫn còn là nhớt đơn (single weight) và không có chất tẩy (non-detergent). Bây giờ, nếu chúng ta vẫn cứ áp dụng thời biểu “3000 dặm” đó thì chắc chắn mấy nhà sản xuất nhớt sẽ vỗ tay, và cả giới thợ máy nữa. Chứ sao, bạn mang công ăn việc làm lại mà “thiên hạ” không cổ võ ư? Nhất là khi bạn cần tới họ nhiều hơn mức cần thiết. Tại sao? Bởi vì, nhớt bây giờ tốt hơn, có thể phục vụ lâu hơn. Bạn không nhất thiết phải bỏ tiền ra mua nhớt mới, lọc mới, và tiền công cho thợ thay nhớt sau mỗi 3,000 dặm đường!

Chính vì thế mới có những lời rao truyền về các loại nhớt tốt, có thể phục vụ tới 7,500 dặm đường trong đầu máy. Mặc dầu lời quảng cáo ấy không hoàn toàn là thậm xưng, nhưng Phạm Ðình thì không dám chờ lâu đến như vậy. Có thể từ 5,000 hoặc hơn 5,000 dặm một chút là vừa! Nhưng, bạn sẽ hỏi lại, anh chàng này dựa vào đâu mà nói như vậy? Có tiêu chuẩn gì rõ ràng không?

Tiêu chuẩn đánh giá mức “hao mòn” của nhớt

Thực sự không ai có thể ấn định một con số rõ ràng và chắc chắn như đinh đóng cột rằng đến mức đó, mức đó... là phải thay nhớt. Ngay cả nhà sản xuất xe hơi cũng không khẳng định được. Ðây, sách cẩm nang (Handbook) cho xe Toyota Corolla,Tacoma (các kiểu Toyota khác có thể cũng thế) viết về việc bảo trì nhớt như sau:

- Nhớt máy hao ngót (Engine Oil Consumption): Ðương nhiên là nhớt máy có hao ngót trong các điều kiện hoạt động bình thường của đầu máy. Nguyên nhân hao ngót là vì nhớt len vào giữa “cánh cửa” của các Intake Valves, khi chúng khép mở cho khí trời và nhiên liệu ra vào phòng đốt, nhớt len vào các khe piston, các “vòng nhẫn” quanh piston, để làm trơn sự chuyển động của piston trong xi lanh. Khi hiện tượng cháy nổ xảy ra, một phần nhớt bị đốt theo nhiên liệu. Nên đương nhiên phải hao ngót.

- Bởi thế, cần kiểm soát nhớt luôn luôn trong mỗi lần đổ xăng, để xem nó hao ngót tới đâu. Tuy nhiên, thực khó mà có thể biết được mức nhớt hiện có trong bình là bao nhiêu, nếu xe thường sử dụng để đi những quãng ngắn hoặc di chuyển kiểu “vừa chạy vừa dừng” trong thành phố. Là vì, trong điều kiện di chuyển như thế, nhớt bị hòa lẫn với xăng và cả với hơi nước. Nên mặc dầu có hao ngót ít nhiều, nhưng khi bạn nhúng que vào bình để thăm dò thì xem ra nhớt chẳng mất đi đâu chút nào cả. Vậy mà sau một chuyến phóng nhanh ngoài xa lộ, xe được phát huy hết công suất, thì những chất hòa tan ấy mới có cơ hội bay hơi, trả nhớt về cho... nhớt, thì nếu kiểm soát lại ngay sau một chuyến đi như vậy, bạn có cảm giác là nhớt bị tiêu thụ khá nhiều. (Bởi thế, xe phải được dùng trên xa lộ với trọn vẹn công suất một tháng vài lần để thải bớt chất hòa tan và cặn bã trong dòng nhiên liệu)

- Tiếp đó, sách cẩm nang chỉ nói về việc thêm nhớt nếu mực nhớt xuống dưới mức Low và đừng bao giờ đổ nhớt quá mức Full. Ðồng thời, hướng dẫn về loại nhớt phải dùng: Ðó là nhớt 5w-30 (là tốt nhất) hoặc 10w-30 (cũng được). Thêm vào đó, trên bình nhớt phải có xác nhận của American Petroleum Institute, viết tắt là API, bằng không thì không dùng.

Tuy nhiên, sách cẩm nang không nói gì về việc thay nhớt sau một số dặm đường cụ thể là bao nhiêu. Thực ra, nhà sản xuất không thể qui định được, do điều kiện đường sá và hoàn cảnh lăn bánh của mỗi xe mỗi khác, mỗi người sử dụng mỗi khác, đồng thời qui định của mỗi quốc gia mỗi khác về phẩm chất nhiên liệu. Công việc tính toán cái mức độ hao mòn của nhớt để thay thế kịp thời đúng là của chúng ta, những người ngồi sau tay lái, thực sự dùng xe.

Ðiều kiện sử dụng xe ảnh hưởng phẩm chất nhớt

Thực ra vẫn có những cách kiểm tra phẩm chất nhớt một cách khách quan sau một thời gian sử dụng. Ðó là gửi mẫu nhớt đến phòng thí nghiệm để phân chất (oil analysis). Có nhiều phòng thí nghiệm chuyên môn nhận mẫu nhớt để phân tích. Nếu vì tò mò hoặc với mục đích khảo cứu, các bạn có thể order một Test Kit (dụng cụ lấy mẫu nhớt) và gửi mẫu nhớt về cho phòng thí nghiệm, cùng với lệ phí. Bạn sẽ nhận lại được một bản báo cáo, phân tích đầy đủ các thành phần cần có cũng như không nên có - như mồ hóng, cặn carbon, xăng, nước... - trong nhớt máy của bạn.

Giới lái xe bình dân như chúng ta thì không cần phải cầu kỳ đến thế. Tuy nhiên, chúng ta cần phân biệt 2 trường hợp sau đây: Trong điều kiện sử dụng khắc nghiệt, nhớt thoái hóa nhanh hơn so với điều kiện sử dụng bình thường. Trên nguyên tắc, nhà sản xuất phải giải thích rõ thế nào là “khắc nghiệt” và thế nào là “bình thường”. Nhưng thực tế thì chẳng nhà sản xuất nào làm việc đó. Hoặc, họ có giải thích ở đâu đó bên ngoài sách cẩm nang mà chúng ta không đọc được chăng? Theo Phạm Ðình, thì chúng ta có thể hiểu như thế này:

Thông thường, nếu xe phải “cầy” trong những trường hợp sau, thì được coi là điều kiện sử dụng khắc nghiệt (severe service):

- Chạy xe trong vùng bùn lầy

- Vùng bụi bậm (hạt bụi có thể chui qua kẽ màng lọc để mau chóng làm ô nhiễm nhớt)

- Thời tiết quá nóng (làm nhớt “rã” sớm)

- Chủ yếu dùng xe đi những quãng ngắn trong lúc trời lạnh (ẩm độ đọng lại trong nhớt, không bay hơi được)

- Thường kéo “rờ moọc” (trailer) đằng sau, hoặc chở đồ nặng trên mui.

Thế còn dùng xe trên freeway? Còn phải xét tới yếu tố thời tiết nữa: Nếu thời tiết không quá nóng, thì không nên kể như điều kiện khắc nghiệt. Ngược lại, nếu thường lái xe đường trường trong lúc nhiệt độ quá cao, như vậy là rơi vào một trong các trường hợp khắc nghiệt kể trên.

Ðối với những tài xế lái xe đi làm quanh thành phố trong các tiểu bang nắng ấm như California, chúng ta nên thỉnh thoảng đưa xe ra freeway để “ngựa sắt sải vó” cho thỏa chí tang bồng một hồi là có thể coi như xe hoạt động trong điều kiện bình thường.

Về phần mình, tự coi là một người thuộc đại đa số tài xế sử dụng xe trong những điều kiện bình thường, chúng tôi thường thay nhớt ở khoảng 5,000 hoặc trên 5,000 dặm một chút, và cảm thấy yên tâm, miễn là thời gian giữa 2 lần thay nhớt không quá 6 tháng. Nếu các bạn tự nhận xét mình là người sử dụng xe trong điều kiện khắc nghiệt, thì có thể thay nhớt sau một dặm đường ngắn hơn. Nhưng ít có trường hợp phải thay nhớt ở con số 3,000 dặm...