Home Đời Sống Tài Liệu Góc Việt: Cái Đàn Đầu

Góc Việt: Cái Đàn Đầu PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Bình   
Thứ Hai, 09 Tháng 3 Năm 2009 14:03

Mar 01, 2009

Cali Today News - Có một câu văn vần được truyền tụng trong dân gian không biết đó là ca dao hay là tục ngữ. Nó như vầy “Đàn bầu ai gảy nấy nghe, làm thân con gái chớ nghe đàn bầu”

Câu thơ trên đã phần nào nói lên được sức quyến rũ của cây đàn bầu. Nhưng với chị Ba Gò Công thì nói ý nghĩa không phải như vậy “Chỉ vì có chữ bầu trong đó, bà mẹ khuyên con coi chừng nghe lời đường mật của đàn ông mà có bầu…”. Đố ai mà biết chỗ nào để cãi khi nghe bà Ba Gò Công nói chắc như bắp.

Nhà chị Ba có hai luồng ái mộ, cũng thì băng nhạc nhưng bà vợ thì mê TN Paris, còn ông chồng thì Asia mà thôi. Ông nói với sắp nhỏ trong nhà “Mẹ tụi bay mê thằng cha già …đó chớ gì. Nghe nó nói thì bán lúa giống mà ăn các con ơi. Cá trê chui ống.” Thật ra ông Ba thưở ban đầu cũng nghe TN như bà vợ, nhưng từ cuốn “B40” theo ông là “phản bội, đâm sau lưng chiến sĩ” thế là ông từ giả và “cằn nhằn cử nhử” bà vợ hết biết.

Hôm đó là ngày cuối tuần, mọi người coi phim sau bữa ăn, chị Ba Gò Công cho nghe những khúc dân ca quê hương qua những DVD chị đã mua. Trong các dĩa nhạc của chị là những bài Lý, cổ nhạc, những loại đàn cổ Việt Nam đều có. Chị nói “Nghe đã lắm chú ơi. Già rồi chỉ còn có cái thú đó thôi.” Chị tâm sự “Tôi có mấy đứa cháu thích âm nhạc, nhưng mẹ của nó cho đi học đàn tây không hà.” Chị mơ màng “Đàn tây đâu có hơn đàn Việt đâu chú. Coi đó, chiếc đàn bầu chỉ có một dây mà đờn đủ các loại tân cổ. còn đàn nhị thì có thua gì cây đàn Violin.”
Trong các cuốn băng nhạc của chị có ông nhạc sĩ cổ nhạc là Phạm Đức Thành dùng đàn bầu đệm cho tân nhạc. Cũng chị Ba Gò Công được mợi tuyên bố “Thấy chưa, mấy bài bản đó mà đệm violin làm sao mà mùi cho bằng, phải hông?” Mọi người đành cười trừ chẳng biết nói sao khi tấm lòng của chị đặt hết vào những nhạc cụ VN.

Cũng không thể nói chị Ba “hoài cổ”, thực tế cho thấy nhạc khí VN trên nhiều phương diện đã làm cho những bài bản tân nhạc thêm lâm ly mùi mẫn không chối vào đâu được. Bạn bè chê chị nầy “quê mùa”, chị Ba không thèm nói, nhưng trong chỗ thân tình chị càm ràm “mấy người đó mất gốc, vọng ngoại”. Cũng khó mà cãi chị cho được.

Nhắc đến nhạc cổ truyền Việt Nam, tại San Jose có nhóm nhạc của nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh “chuyên trị” các loại nhạc khí nầy.

Nhiều người cho rằng “mê” nhạc cổ Việt Nam như chị ba Gò Công là “xưa rồi diễm”, nhạc tây phương có thính phòng với hàng chục loại nhạc khí “dềnh dàng”…
còn Việt Nam làm gì có nhạc thích phòng. Xin mượn lời của nhạc sĩ Vũ Hồng Thịnh trả lời báo Việt Tribune (
http://www.viettribune.com/vt/index.php?id=1804): “Một cách nôm na, thính phòng là loại hình (ca) nhạc nghe trong các khán phòng. Mà đã là nghe trong phòng thì thứ nhất, số lượng khán thính giả sẽ không lớn lắm; thứ hai, biên chế cho ban nhạc, nhóm nhạc cũng phải gọn nhẹ không ồn ào, cồng kềnh; và thứ ba, là thể loại âm nhạc được trình tấu phải là loại âm nhạc có tuyển chọn, phù hợp với không gian và đối tượng thưởng thức. Ở phương Tây, nhạc thính phòng xuất hiện từ thời kỳ Baroque (khoảng từ 1600 đến 1760). Mới đầu chỉ thuần túy là nhạc (không lời) gồm các độc tấu, song tấu, tam tấu, tứ tấu hoặc ngũ tấu mà nhiều nhất và được ưa chuộng nhất là các tứ tấu đàn dây. Ban nhạc thường không quá 7, 8 nhạc khí và được trình diễn trong phòng khách các gia đình quyền quý. Về sau, đến thời kỳ Classical (Cổ điển) và nhất là thời kỳ Romantic (Lãng mạn) thì các ca khúc được đưa vào các chương trình nhạc thính phòng. Các ca khúc nổi tiếng của Schubert, Mendelssohn, Schumann và sau này như Debussy đều thuộc dạng các ca khúc nghệ thuật (art songs), âm nhạc và ca từ đều cao siêu rất kén chọn người trình diễn cũng như khách thưởng ngoạn. Nhìn lại âm nhạc truyền thống Việt Nam, chúng ta sẽ thấy thực ra VN có nhạc thính phòng trước phương Tây rất xa. Nếu chỉ lấy cái mốc lịch sử là thời Lý cho thể loại Ca Trù thì chúng ta đã có thính phòng cả ngàn năm rồi. Ca Trù hội đủ mọi yếu tố, mọi tiêu chuẩn của nhạc thính phòng: nghe trong các khán phòng nhỏ, ban nhạc và ca sĩ đều có biên chế gọn nhẹ (3 người), âm nhạc và đặc biệt ca từ đều rất cao siêu, kén chọn người thưởng ngoạn. Tương tự như vậy thì Ca Huế (hay ca nhạc Huế, hay cụ thể hơn Ca Nhạc Thính Phòng Huế) như tên gọi của nó cũng cho thấy rõ ràng đây là thể loại nhạc thính phòng rồi. Và rồi Đờn ca Tài tử, tiền thân của Sân khấu Cải lương, là gì nếu không phải là một thứ thính phòng Việt Nam? Những nhạc sĩ, người làm âm nhạc được đào tạo theo phương Tây thường hay có cách nhìn, suy nghĩ của một người phương Tây khi nhìn về âm nhạc Việt Nam. Họ hay gọt cái chân Việt cho vừa đôi giầy Tây của họ, tức là làm cái công việc ngược đời “gọt chân cho vừa giầy” mà không nghĩ rằng trong văn hóa nói chung và âm nhạc nói riêng, Tây có giầy tây, ta có giầy ta, chưa chắc là giầy nào có trước.”

Trích dẫn đoạn báo ở trên, chị Ba Gò Công chắc là vừa lòng lắm đó. Chị cũng có cái lý của chị.

Trở lại cây đàn bầu. Theo Nhạc Sĩ Phạm Thúy Hoan giới thiệu vài nét về đàn bầu: “Cây đàn bầu độc đáo trong đời sống âm nhạc dân tộc. Vâng, thật là tuyệt diệu, chỉ với 1 sợi dây thép căng dài trên mặt đàn, 1 đầu dây cột dưới đàn, 1 đầu dây cột vào cần đàn, trên cần có nửa trái bầu, thế rồi chỉ với một cây que ngắn trong bàn tay mặt, khảy vào một số điểm trên dây, người nghệ sĩ tạo ra vô vàn âm thanh quyến rũ:

Một dây nũng nịu đủ lời
Nửa bầu chứa cả đất trời âm thanh
(Văn Tiến Lê)

Theo bài viết thì lịch sử cây đàn bầu như vầy: “Dựa vào chuyện kể của GS Trần Văn Khê, thầy nói rằng trong 1 bài tham luận về đàn bầu nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khóat, đọc tại Bulgary nhân dịp Liên Hoan Âm Nhạc Dân Gian, nhạc sĩ kể lại rằng: Tương truyền ngày xưa có 1 người tên là Trương Viên cùng các trai tráng phải lên đường chống giặc. Trước khi đi, Trương Viên dặn vợ, nếu chẳng may loạn lạc khắp nơi, thì hãy dẫn mẹ trở về quê lánh nạn. Chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, vợ Trương Viên phải dắt mẹ trở về quê, trên đường đi vất vả, cực khổ, nhiều khi nàng phải nhịn đói để nhường cơm cho mẹ. Một buổi sáng kia, khi đi ngang qua 1 làng nọ, bỗng nhiên người trong làng đổ xô ra niềm nở chào đón, lại còn đãi mẹ con 1 bữa cơm thịnh soạn. Hai mẹ con nhìn nhau ngơ ngác, không hiểu chuyện gì đang xảy ra nữa. Đợi cho hai người ăn xong, 1 bô lão trong làng mới nói lý do. Đó là mỗi năm làng phải tế cho hung thần cặp mắt của một người phụ nữ. Không muốn người trong làng bị móc mắt, làng bèn đạt ra lệ rằng mỗi năm đúng ngày giờ này, người phụ nữ nào đạt chân vào làng trước thì sẽ được đãi một bữa ăn thịnh soạn, sau đó thì bị xin cặp mắt. Nay bà lão đặt chân vô trước, vậy xin cặp mắt của bà lão. Nghe vậy, vợ Trương Viên òa khóc, rồi quỳ xin được hiến cặp mắt của mình thay cho mẹ. Dân làng bằng lòng, thế là họ móc cặp mắt nàng.
Cảm động trước tấm lòng hiếu thảo đó, Tiên trên trời bèn hiện ra và cho nàng cây đàn 1 dây, dặn rằng: "Cây đàn này sẽ giúp con nuôi được mẹ và sau này gia đình con sẽ được đoàn tụ." Nàng nhận đàn, lạy tạ Bà Tiên. Từ đó hai mẹ con dắt nhau đi đàn ca để kiếm tiền độ nhật.

Chiến tranh chấm dứt, Trương Viên trở về nhà thì không thấy mẹ và vợ đâu cả. Hỏi thăm mọi người thì cũng không ai biết. Đoán là hai người đã về quê, Trương Viên vội vã đi kiếm. Trên đường đi, anh cũng đi ngang cái làng có hung thần, hỏi thăm thì mọi người thuật lại hiếu thảo của nàng dâu, nhưn họ không biết sau đó hai mẹ con đi đâu nữa. Trương Viên buồn bã, đành lang thang đi tìm khắp nơi. Bỗng một hôm khi ngang qua một cái chợ nhỏ, Trương Viên nghe thấy tiếng đàn rất lạ, rồi lại thấy một đám đông đứng chen chúc nhau, hình như họ đang bị quyến rũ bởi tiếng đàn đó. Hiếu kỳ, Trương Viên lách vào coi, thì giật mình nhận ra vợ mình đang đàn 1 cây đàn lạ, còn mẹ đang ngồi ngã nón xin tiền. Trương Viên mừng rỡ, ôm chầm lấy mẹ và vợ, cả ba người khóc như mưa. Riêng người vợ thì bao nhiêu nhớ nhung, khốn khổ vất vả, lạ còn bị đui mù nữa khiến nàng tủi thân, tức khóc mãi, khóc mãi, khóc mãi đến khô hết nước mắt, rồi thì máu mắt chảy ra. Lạ thay khi dòng máu bắt đầu chảy cặp mắt nàng trở lại như xưa.”

Ôi! Đàn bầu quê tôi! Đàn bầu quê tôi!
Nửa bầu mà rót hoài không cạn
Một dây thôi – nói biết bao lời
Cung thương tha thiết chơi vơi
Cung trầm sâu lắng…rạng ngời tình quê. (Hoàng Trang)

Bây giờ xin mời làm quen với cây đàn bầu độc đáo của dân tộc. Đàn bầu là loại đàn hình hộp chữ nhật, 1 đầu to, 1 đầu nhỏ hơn 1 chút, thường dài khoảng 110cm, bề ngang khoảng 12.5cm, đầu nhỏ khoảng 9.5cm, cao khoảng 10.5cm. Mặt đàn và đáy đàn bằng gỗ ngô đồng, hoặc gỗ thông hay gỗ tung. Mặt đàn hơi cong lên 1 chút, đáy đàn phẳng có 1 lỗ nhỏ để treo đàn, 1 hình chữ nhật ở giữa để cầm đàn,và 1 khoảng trống để cột dây đàn. Thành đàn bằng gỗ cứng như cẩm lai, hoặc mun để cho chắc chắn và có thể cẩn ốc được. Trên thành đàn phía tay mặt người khảy đàn có 1 miếng xương hoặc kim loại nhỏ gọi là ngựa đàn, qua ngựa đàn, sợi dây thép dầy khoảng 40mm được luồn xuống và cột vào cái trục xuyên qua thành đàn gọi là cái trục lên dây đàn, trục này đẹp vì nó được dấu phía sau thành đàn, nhưng rất dễ tuột dâym vì vậy ngày nay người ta dùng khóa sắt cho chắc hơn. Về phía tay trái người đàn, có 1 cần dây đan còn gọi là vòi đàn trên đó gắn nửa trái bầu khô hoặc tiện bằng gỗ, 1 đầu dây đàn cột vào cần khoảng giữa bầu đàn. Ngoài ra, để tăng âm lượng tiếng đàn, người ta lắp mobin điện vào dưới mặt đàn, đồng thời phải khoét 1 lỗ cắm dây zắc dẫn tín hiệu rung của dây vào bộ phận tăng âm. Chính vì xài điện nên dây đàn phải dùng dây bằng thép thay vì bằng inox. (http://www.tienghatquehuong.com/Samples/VaiNetDB.htm)

Nhiều người trong số bạn bè của chị Ba Gò Công nghĩ rằng những nhạc khí cổ của VN chỉ dành cho các ông già bà cả, còn đám trẻ ngày nay đâu có quan tâm lưu ý. Có thể họ lầm. Tại San Jose, ngoài nhóm nhạc của NS Vũ Hồng Thịnh, nhiều người tham dự các buổi ca nhạc còn biết đến nhạc sĩ Bùi Hữu Nhựt, anh là một kỹ sư điện toán, anh Nhựt xử dụng đàn bầu rất điêu luyện trong CLB Âm Nhạc Bắc California.

“Thấy chưa, tôi nói đâu có sai. Nhờ chú mà tui biết đâu phải mình tôi mê cổ nhạc đâu cà.” Chị Ba vui vẻ nói.

Buổi chiều trời ui ui, không mưa nhưng có gió lạnh. Bên lò than hồng bập bùng với mấy con khô mực đang nướng, những ly rượu tây màu cánh dán sóng sánh trong những chiếc ly thủy tinh, thì những nhạc phẩm quê hương, dân ca với tiếng đàn bầu đã mang không khí gần với quê nhà.