Home Đời Sống Tài Liệu Hoa Kỳ Sử dụng người máy trong các cuộc xung đột vũ trang

Hoa Kỳ Sử dụng người máy trong các cuộc xung đột vũ trang PDF Print E-mail
Tác Giả: Sàigòn Echo Sưu Tầm   
Chúa Nhật, 22 Tháng 3 Năm 2009 10:55

Tờ Le Monde hôm nay quan tâm đến một đề tài mới lạ : sự hiện diện ngày càng nhiều của người máy trong các cuộc xung đột vũ trang.

Mở đầu bài báo, tờ Le Monde đưa ra hai kịch bản có thể xảy ra vào năm 2018 và năm 2020. Tờ báo nói rõ đây không phải là chuyện khoa học viễn tưởng mà là chuyện sẽ xảy ra trong một tương lai rất gần.
Hiện nay người lính rôbốt đã có mặt trong hải quân, lục quân và không quân Mỹ và hiện tượng này tiếp tục gia tăng. Vào năm 2000, Quốc hội Mỹ đã thông qua một kế hoạch dự trù là đến năm 2010 một phần ba máy bay oanh tạc sẽ không còn do phi công lái và đến năm 2015 cũng sẽ có một phần ba chiến xa trên bộ sẽ do rôbốt điều khiển.
Theo bộ quốc phòng Hoa Kỳ, vai trò của người máy là thay thế người thật « homo sapiens » trong các công việc nhàm chán, bẩn thỉu và nguy hiểm. Như vậy là trong năm 2007 người ta ước tính có năm ngàn người máy đã được triển khai tại Irak và Afghanistan, và các người máy này đã vô hiệu hoá 10 ngàn công cụ đựng chất nổ.
38% lính thuỷ quân lục chiến Mỹ nghĩ phải đối xử đàng hoàng với thường dân Iraq.
Hiện nay các rôbốt sử dụng trong quân đội Mỹ chưa hoàn toàn có một cuộc sống tự lập và quyết định nổ súng tấn công vẫn do con người đưa ra. Nhưng đây chỉ là một giai đoạn tạm thời.
Theo chuyên gia về rôbốt, ông Ronald Arkin, thuộc viện công nghệ của Georgia (ở Hoa Kỳ), hệ thống vũ trang canh chừng các vùng biên giới ở Hàn Quốc và Israel có thể do người hay máy điều khiển từ xa.
Vẫn theo chuyên gia này, người máy có thể có hành động phù hợp với đạo đức hơn là một người lính thật trên một chiến trường. Nguyên nhân của suy nghĩ này là một bản báo cáo của bộ Y tế Mỹ vào năm 2006. Theo bản báo cáo, chỉ có 47% lính Mỹ nói chung và 38% lính thuỷ quân lục chiến được gửi sang Irak nghĩ rằng thường dân tại nước này phải được đối xử với phẩm cách và kính trọng.
Tất nhiên là không phải ai cũng chia sẻ sự tin tưởng của nhà nghiên cứu rôbốt.
Trong bài phỏng vấn cũng trên tờ Le Monde, ông Noel Sharkey, giáo sư về trí thông minh nhân tạo tại trường đại học Sheffield (ở Anh quốc) nhận thấy rằng ưu tiên chính của giới quân sự là nhắm trúng những đích quan trọng và cùng lúc bảo vệ binh lính. Mục tiêu này sẽ được dễ dàng thực hiện với người máy. Thế nhưng người máy không thể nào phân biệt được kẻ thù chiến đấu với thường dân vô tội.
Với lính rôbốt, các lãnh đạo có thể dễ dàng gây chiến hơn
Đến nay một trong những yếu tố khiến cho các quốc gia ngần ngại gây chiến là số thiệt hại nhân mạng. Tại sân bay quân sự của bang Delaware, nơi mà thi hài lính Mỹ chết trận được đưa về quê nhà, số bao tải đựng xác, body bag, được xem như là thước đo tác động của một cuộc chiến trong viễn cảnh một cuộc bầu cử.
Với vũ khí được tự động hoá ở mức cao nhất và với người lính rôbốt ở tuyến đầu, các lãnh đạo có thể tuyên bố chiến tranh một cách dễ dàng hơn mà không sợ gây ra mọt phản ứng chống đối trong công chúng. Người lính rôbốt không có tình cảm hỷ nộ ái ố.
Do vậy hai ông Arkin và Sharkey tin tưởng là việc sử dụng người máy để chiến đấu là chuyện tất yêú sẽ diễn ra. Vấn đề giờ đây là đặt ra một số luật lệ về mặt đạo đức và đó là ưu tư của các bộ tham mưu trong quân đội Hoa Kỳ