Home Đời Sống Tài Liệu Thay Dầu Trong Hệ Thống Thắng Xe Hơi (phần 1)

Thay Dầu Trong Hệ Thống Thắng Xe Hơi (phần 1) PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Ðình   
Chúa Nhật, 26 Tháng 7 Năm 2009 08:43

                                               Bàn chân đạp trên pedal thắng, đẩy lực hãm

                                    - xuyên qua dầu thắng - về bánh xe.

 

Một bình dầu thắng DOT 3 phổ thông
Trước đây ít lâu trang báo này có nói về việc bảo trì các bộ phận thắng, như đĩa thắng, bố thắng... Một số độc giả nhắc thêm: Câu chuyện bảo trì thắng khá chi tiết, nhưng Phạm Ðình chưa nói về việc thay dầu thắng: Bao lâu phải thay một lần, và tiến trình thay ra sao...

Vấn đề đặt ra thật đúng lúc. Lần trước đã nói về việc thay dầu tay lái mà hôm nay không nói về dầu thắng cho “đủ chị đủ em” thì sợ rằng mang tiếng bên trọng bên khinh, thế nào lại chẳng có chuyện... hờn duyên tủi phận!

I - Tìm hiểu vai trò của dầu thắng

Khi nhấn bàn đạp thắng, chúng ta đẩy pít tông trong Master Cylinder xuống. Master Cylinder (Xy Lanh Chủ) là một ống hình trụ, chứa dầu thắng. Khi pít tông bị đẩy xuống trong ống hình trụ, nó dồn dầu thắng (brake fluid) qua hệ thống ống dẫn (tubes and hoses) đến với từng bánh xe. Ðể thi hành được bổn phận, dầu thắng phải có những đặc tính cơ bản sau đây:

- Không thể bị nén (Non-compressible): Dầu thắng là một loại chất lỏng không thể nén lại được. Dồn dầu này qua ống cũng như luồn một thanh sắt qua ống vậy. Tuy nhiên, khác với thanh sắt cứng, dầu là chất lỏng nên có thể chạy đường vòng, và uốn lượn qua nhiều khúc quanh để đến đích với cùng một chuyển động và áp suất như ở nơi xuất phát. Muốn được như vậy, điều cần thiết là dầu phải tinh khiết và không được lẫn bọt khí ở trong. Do không khí là dạng vật chất nén lại được, dầu mang bọt khí sẽ giống như một miếng bọt biển xốp (sponginess), không còn chuyển được trọn vẹn lực cản vào bánh xe, làm giảm hiệu năng của thắng rất trầm trọng.

Nếu nhấn thắng mà bàn đạp lún xuống như đạp vào miếng bọt biển xốp, thì đúng là dầu lẫn bọt khí. Khi đó, cần phải “nặn” (bleed) cho khí thoát ra. “Nặn” như thế nào, chúng ta sẽ đề cập trong phần sau.

- Không dễ đông đặc hoặc sôi: Hoạt động dưới những điều kiện nhiệt độ khác biệt rất lớn (từ rất lạnh đến rất nóng), dầu thắng được pha chế để có thể chịu lạnh tối đa mà không đông, nóng tối đa mà không sôi. Nếu biến chất do đông đặc, sôi, hoặc bốc hơi, dầu thắng không thể thực hiện được nhiệm vụ theo nguyên tắc thủy lực học (hydraulic power) là chuyển lực từ bàn chân người tài xế, rồi tăng lực ấy lên bội phần để có thể đủ sức hãm đà chuyển động của bánh xe. Tuy nhiên, cũng đôi lúc dầu thắng sôi lên vì nóng quá. Tài xế đạp thắng khi đó cũng sẽ có cảm giác như đạp trên miếng bọt biển xốp; thắng không ăn, xe khó dừng.

Có lẫn bọt khí thì phải nặn, đã biến chất thì phải thay, đó là công tác chính của chúng ta đối với dầu thắng. Tuy nhiên, cần phải tìm hiểu sơ qua về các loại dầu trước khi nói đến việc đó.

II - Các loại dầu thắng:

Dầu thắng phải đạt đủ tiêu chuẩn do Bộ Giao Thông Hoa Kỳ, gọi tắt là DOT (Department of Transportation) qui định. Loại dầu thắng phổ thông nhất là DOT 3, có sức chịu nhiệt khá cao, phải tới 460 độ F mới sôi. Ngoài ra, còn có dầu DOT 4 và DOT 5, với nhiều tính năng hữu dụng hơn DOT 3. Tuy nhiên, không thể tự tiện muốn dùng loại dầu nào cũng được. Cần xem lại cẩm nang, tức sách hướng dẫn đi theo xe, hầu có thể chắc chắn về loại dầu thích hợp nhất với xe của mình.

Sau đây là một số phẩm chất căn bản của từng loại dầu hiện lưu hành trên thị trường:

1- DOT3: Ðây là loại dầu thắng phổ thông, được sử dụng trong hầu hết các xe hiện nay. Chẳng hạn, cẩm nang xe Toyota Corolla (2002), Toyota Tacoma (2000) ghi rõ: Dùng dầu thắng DOT 3. Một trong những thương hiệu DOT3 phổ thông là “Prestone”.

Cũng may, DOT 3 là loại dầu không đắt tiền, dễ kiếm vì có bán tại hầu hết các trạm đổ xăng, cửa hàng bách hóa và cửa hàng linh kiện xe hơi (auto parts).

Tuy nhiên, DOT 3 có những khuyết điểm sau đây:

- Ðói... sơn! Tức là ăn mòn lớp sơn trên body xe một cách rất tàn bạo: Vô tình nhiễu một giọt DOT 3 trên đó là coi như “bộ mặt ăn nói” bị rỗ ngay, không khác gì giai nhân bị tạt át xít. Vì thế, khi đưa xe đi sửa thắng, hoặc thay dầu thắng, chúng ta nên kiểm tra rất kỹ xem thợ máy có vô tình làm hoen ố lớp sơn trên xe hay không. Nếu có, phải kịp thời đòi họ sơn phết lại ngay.

- Ăn mòn cao su thiên nhiên. Nên tuyệt đối không dùng loại dầu này trong những loại xe có long đền (brake seals) làm bằng cao su thiên nhiên.

- Dễ hút nước (hydroscopic). Vì thế, bình dầu mới mua ngoài tiệm về, dự tính dùng vào việc thay dầu hệ thống, đừng nên mở nắp ngay. Nếu đã mở nắp rồi, phải dùng càng sớm càng tốt. Bình dầu đã mở nắp mà để lâu hơn 1 tuần chắc chắn sẽ ô nhiễm vì hút nhiều hơi nước từ khí trời! Dầu lẫn nhiều hơi nước sẽ đẩy nhanh tiến trình hao mòn trong hệ thống thắng.

2- DOT4: Cải tiến dựa trên những khuyết điểm của loại dầu cũ, DOT 4 có những lợi điểm như sau:

- Không “thẩm” nước một cách dễ dãi như DOT 3

- Chịu nhiệt cao hơn, nhờ đó có thể hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt hơn, như trong xe đua chẳng hạn.

- Vẫn khá dễ kiếm, có thể mua tại hầu hết các cửa hàng linh kiện. Nhưng không phải tất cả các trạm xăng hoặc cửa hàng bách hóa nào cũng có.

Tuy nhiên, DOT 4 không thể loại trừ 100% khuyết điểm của loại dầu thế hệ trước, bởi vì DOT:

- Vẫn đói sơn! Nhìn thấy sơn là bám chặt lấy để... xơi! Bất cứ một sự rò rỉ nào, dù nhỏ đến đâu từ trong hệ thống, cũng sẽ làm hoen ố nước sơn trên mặt xe, và đẩy nhanh tiến trình rỉ sét của dàn đồng.

- Vẫn còn hút nước, tuy không nhiều bằng DOT 3.

- Ðã thế, DOT 4 lại còn đắt gấp rưỡi DOT 3.

3- DOT 5: Tóm lại, tuy có cải tiến hơn chút đỉnh, nhưng DOT 3 và DOT 4 cơ bản vẫn giống nhau là vì chúng cùng bản chất, gọi là Glycol-based. Bởi lẽ đó, các nhà khoa học đã sáng chế ra một loại dầu khác hẳn, gọi là Silicone-based, với hy vọng có được một sản phẩm hoàn hảo. Ðó là DOT 5 với những đặc tính như sau:

- Hoàn toàn không đói sơn, không ăn mòn sơn. Y như anh chàng thanh niên gặp một thiếu nữ đẹp mà không hề... động lòng trần!

- Không thẩm thấu hơi nước. Ðặc tính này rất cần thiết để chống lại những vùng không khí ẩm!

- Không làm hại bộ phận cao su trong hệ thống thắng!

Tuy nhiên, DOT 5 lại gây những trở ngại sau:

- Không chịu hòa hợp với các loại dầu thuộc thế hệ trước đó. Những xe đang dùng DOT 3 hoặc DOT 4 không thể dung nạp DOT 5, nếu không cải biến toàn bộ.

- DOT 5 không thẩm thấu và hòa tan với nước, nhưng nếu nước đã lọt được vào bên trong thì sẽ đọng lại thành một “vũng” ở dưới đáy. Không thể lấy được vũng nước này ra, chỉ còn cách thay toàn bộ số dầu trong hệ thống.

- “Nặn” các bọt khí ra khỏi DOT 5 là một chuyện gian nan hơn nhiều so với 2 loại dầu Glycol.

- Nhưng DOT 5 lại đắt gấp đôi DOT 4.

- Và còn một số khuyết điểm khác...

Chính vì vậy mà “giang hồ” lại có thêm những cải biến khác, gọi là DOT 5.1... Nhưng thiết nghĩ, tìm hiểu chuyện đó chẳng ích lợi gì mấy cho những người lái xe bình dân trên đường phố. Những đặc tính căn bản kể trên xem ra cũng đã tạm đủ để chúng ta bước vào đề tài kỳ sau: Thay dầu thắng!