Bùa ngải và phù thuật Việt Nam |
Tác Giả: LM Trần Cao Tường | |||
Thứ Tư, 29 Tháng 7 Năm 2009 00:56 | |||
Cuốn Phù Thuật Việt Nam mới xuất bản của Bác Sĩ Lê Văn Lân mang một tựa đề thật thu hút. Ðề tài này tự nhiên hấp dẫn bởi lẽ nhiều người đã từng nghe đồn đại từ lâu nên cũng tò mò cần biết xem nó là cái gì. Có phải là chuyện gợi ra những mê tín dị đoan hoang mang hay là một vấn đề cần được nghiên cứu nghiêm túc? Nào là những lá bùa hộ mệnh, bùa làm ăn do tin tưởng cầu khẩn ơn trên, nhưng lại được các thầy pháp phù thủy lèo lái phù phép để điều khiển âm binh nhằm làm hại người ta qua tà thuật như thiên linh cái, hàn nàm... nào là bùa Ba Tư, bùa Ai Cập, bùa Mường, bùa Miên, bùa Chàm, bùa Thái... Quả là mình cũng đang bước vào một khu rừng rậm với đầy khám phá mới lạ mà cũng đầy bất trắc do rắn rết và cạm bẫy giăng mắc! Soạn giả là một bác sĩ y khoa, là một nhà biên khảo về văn hóa với nhiều bài viết và một số sách đã xuất bản như cuốn “Chiếc Bảo Ấn Cuối Cùng của Hoàng Ðế Việt Nam”, thì chắc chắn không phải là một pháp sư hay thầy bùa tuyên truyền về dị đoan trong sự trị bệnh. Và chính soạn giả đã nói rõ trong sách: “Trong đường hướng đi vào sự khảo sát bùa chú Việt Nam, chúng ta thiết tưởng phải gột bỏ định kiến coi bùa chú là 'dị đoan' mà chúng ta nên có thái độ mở rộng tâm trí mà nghĩ rằng đó là những vấn đề thuộc phần tiềm thức hay linh thể trong lãnh vực của một nền văn hóa cổ xưa, và đường hướng thích nghi nhất là phải điều tra, khảo sát và phân tích cái nền tảng tín ngưỡng của dân Việt Nam ta qua dòng lịch sử triết lý và văn hóa” (trang 34). Dù đã bày tỏ “chỉ khiêm cung ước mong đây là một bước khảo sát sơ khởi” cần được nhiều người góp ý, soạn giả đã đưa người đọc vào một thế giới u linh với một cái nhìn rộng rãi mang tính nghiên cứu hiểu biết rộng rãi. Giáo Sư Ðàm Trung Pháp đã nhận xét, “Ðây là một tiêu chuẩn ‘nặng ký’ lắm đối với giáo giới đại học Mỹ khi lựa chọn tài liệu giảng huấn cho sinh viên: Cuốn sách cung cấp cho người đọc nhiều cơ hội phải vỗ đùi mà thốt lên ‘à ra thế!’ mỗi khi đọc được một điều gì mới lạ đáng kể và đáng nhớ (người Mỹ gọi những giây phút hứng thú này là ‘the aha moments’). Nổi bật trong tiêu chuẩn này là biệt tài phân tích, so sánh, và tổng hợp các ý niệm siêu hình giữa những văn hóa Việt, Trung Hoa, Ấn Ðộ, Chàm và Miên, để người đọc có một cái nhìn tổng thể khả tín. Ðáng quý thay lời nhận định khiêm cung của tác giả khi ông thấy các công trình đồ sộ của người Trung Hoa, Nhật Bản, và Tây phương nghiên cứu về pho kinh điển của Ðạo Giáo: 'Nhìn lại công trình khảo sát của thiên hạ, chúng ta mới quả thấy mình như chim chích lạc vô rừng sâu.'” (trang 19). Bùa chú, một chuyện của mọi nơi và mọi thời đại Soạn giả đặc biệt giới thiệu một số sách tham khảo trong đó có hai cuốn mang tên “Connaissance du VietNam” của Pierre Huard và Maurice Durand (1954) và “A Dictionary of Chinese Symbols: Hidden Symbols in Chinese Life and Thought” của Wolfram Eberhard (1977). Nhiều người đã bỏ công nghiên cứu tìm hiểu tận gốc vấn đề. Thế giới bùa chú không còn là một “cấm địa” nữa, vì ngay cả các trường đại học lừng danh nhất nước Mỹ mới đây đã cấp phát văn bằng tiến sĩ cho một số sinh viên viết luận án về bùa chú và các đề tài tương tự. Chẳng hạn, sinh viên Bradford Verter đã bảo vệ thành công luận án viết về sự xuất hiện cận đại của “bí đạo” hoặc niềm tin vào huyền bí (occultism), và được Ðại Học Princeton cấp văn bằng tiến sĩ về lịch sử tôn giáo năm 1997. Và năm 2000 Ðại Học Harvard đã cấp văn bằng tiến sĩ về nhân chủng học cho sinh viên Kori Pekala sau khi người này bảo vệ thành công luận án viết về những phương cách để đánh bại quỷ thần (gồm quỷ thuật, bùa chú, trù ểm, trừ tà) được ghi trong sách kinh Avesta của một tôn giáo cổ (Zoroastrianism) tại xứ Ba Tư. Vì thế cuốn Phù Thuật Việt Nam không phải là trường hợp ngoại lệ, vì là chuyện nhiều người đang đi vào để tìm hiểu để giải mã, tức là “bật mí” những gì vẫn cho là bí mật! Ngay ở thành phố tôi sinh sống là New Orleans bang Louisiana cũng đầy những sinh hoạt của thế giới u linh bóng tối này. Từ những nghi lễ Voodoo nhảy múa gọi hồn kiểu Marie Laveau để phù hộ tình duyên may mắn, đến những người ngồi xem chỉ tay tướng số (palm reader) ở Jackson Square trước nhà thờ chính tòa St Louis bên cạnh quán Café du Monde nổi tiếng với điệu nhạc Jazz rề rà khoáng đạt trong khu vực Pháp (French Quarter). Phù Thuật Việt Nam như một giới thiệu một loạt hình sưu tầm về bùa chú từ nhiều nơi trên thế giới, có tới 40 hình lá bùa thông dụng. Như những bùa trị bệnh, bùa bỏ thuốc lá, bùa trị trẻ kinh phong, bùa giúp làm ăn phát đạt, bùa trừ ma quái, bùa Lỗ Ban làm nhà, bùa yêu... Rồi đến những bí ẩn ma quái của pháp sư như “Thái Thượng Lão Quân với cái lò tám góc luyện đơn, tiền thân của những phòng thí nghiệm hóa học và nguyên tử của đời nay. Và là người Việt Nam thì phải hiểu rằng, khi nhà Nguyên gốc Mông Cổ đánh nước ta thì có tên phù thủy Phạm Nhan được phái sang để dọa nạt và lung lạc nhân tâm mà gài cả một hệ thống do thám và phản gián qua những người mê tín; thanh kiếm thần của Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn cũng là một sáng tạo của các pháp sư bản quốc để lấy lại lòng tin của các đàn bà con gái, là một lực lượng lớn của nước. Thanh kiếm sắc bén của Ðức Trần Hưng Ðạo đã chặt bay cái đầu xương thịt của tên phù thủy Mông Cổ...” Từ nhu cầu phù thuật tâm linh Hình ảnh một đứa bé nằm trong lòng mẹ đang sung sướng nhìn mẹ nói lên cái nhu cầu tâm linh căn bản con người. Nó muốn nối sức sống và tình thương vào lòng mẹ và từ lòng mẹ. Ðó là đạo điển hình nhất, khi hiểu đạo là đường, là cuống nhau, là cái bè, là phương cách, là phù thuật theo nghĩa uyên nguyên nhất. Nó muốn tìm sự phù trợ ấp ủ từ lòng mẹ, từ nguồn lực sống phát sinh ra nó. Nhà nhân chủng Debleu gọi đó là nhiệm hiệp (mystic participation). Và Bác Sĩ Herbert Benson trong những cuốn sách nổi tiếng như Sự Ðáp Ứng của Thư Giãn (The Relaxation Response), Timeless Healing hay Your Maximum Mind đều khẳng định như một định luật, “Cơ thể con người là một bản sao di truyền tạo ra để tin vào một sự tuyệt đối vô biên.” (Phù Thuật Việt Nam trang 30). Nói theo ngôn ngữ hiện đại thì con người đã được cài đặt phần mềm (software) có sẵn mã số (code) thành một qui trình trong đó cái tiểu ngã nhỏ bé phải vươn tới cái đại ngã vô biên. Văn hóa người Việt mình thì bảo cái vuông phải đi với cái tròn thì mới tròn đầy toàn mãn được. Chứ lo tìm cách duy vật thì chỉ phá hủy nhân bản mà thôi, con người sẽ trở thành thui chột nằm lì trong bản năng động vật tính không vươn được tới đại ngã là con người đích thực của mình. Mà đã là con người thì ai mà chả cảm thấy sự giới hạn của chính mình, về bệnh tật, về những chuyện xảy ra bất thường ngoài tầm tay của mình! Ngay cả thời khoa học cao độ hôm nay cũng phải bó tay trước những chuyện như vậy. Mà xã hội nào càng duy vật và vô thần cao độ, thì người ta lại có khuynh hướng tìm về bùa ngải, hay ngược lại, khi con người xuống dốc đến cùng độ thì cũng là lúc được xoay hướng để vươn lên tìm tới nguồn lực từ trên cao phù trợ. Niềm tin thành đạo sống căn bản của người Việt mình có thể tóm gọn trong hai khía cạnh: 1. Ðạo thờ Trời. Trên đỉnh núi Tổ Ðền Hùng là Kính Thiên Lĩnh Ðiện, tức điện thờ Trời. Chứ mộ tổ nằm ở phía bên phải xuống thấp một chút. Ở miền Nam nhiều người để Bàn Thiên ở trước nhà. Có thể nói đạo thờ Trời là căn bản của tín ngưỡng Việt Nam có trước khi các tôn giáo du nhập vào. Nên sau này khi đạo Phật đã thịnh thì người bình dân vẫn cầu khẩn qua ca dao: “Lâm râm khấn với Phật Trời.” “Trời cho hơn lo làm,” tức luôn cần ơn trời phù. “Lênh đênh qua cửa Thần Phù, khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm.” Ðây mới là Phù Thuật theo đúng nghĩa. Niềm tin của người Việt vào ơn trời được thể hiện rõ nét trong cuộc sống đời thường, chứ không phải là để lý luận hay giữ trên đầu. Vào những dịp như những ngày đầu năm, người ta trẩy hội hái lộc để nhận lộc trời, và chúc nhau những lời chúc may mắn do trời ban. Ðó mới là lời chú đích thực mang uy lực từ trời. 2. Ðạo Ông Bà, tức thờ cúng tổ tiên. Hồn của người qua đời vẫn sống gần gũi để phù trợ con cái dòng tộc, đất nước. Vì thế ngoài việc cúng giỗ tổ tiên trong dòng tộc, người Việt rất tôn kính các anh hùng dân tộc đã hiển linh như Thánh Tản, Thánh Gióng, Thánh Trần... Ðến phù phép tà ma Ngay từ nhỏ tôi đã từng nghe nói về chuyện thư ếm. Một vài người quen biết bị bệnh ung thư lại cũng phải vái tứ phương đi rước “thầy pháp” về. Thầy liền phán là do bị thư ếm, rồi qua nhiều ngày và thủ tục tốn tiền, thầy lấy ra được một đống đinh và lưỡi dao từ trong bụng! Nghe thế tôi liền kết luận là trò ảo thuật dùng mánh lới để làm tiền. Vì sau đó bệnh nhân vẫn chết vì bệnh ung thư, mà thầy thì đã biến mất! Nhưng khi đọc sách “An Exorcist Tells His Story” (Nhà Trừ Quỷ Kể Chuyện) của Linh Mục Gabriele Amorth, một nhà trừ quỉ chính của Roma, thì tôi giật mình thấy chuyện đó có thật. Nghĩa là về chuyện này có loại bị thư ếm thật chứ không phải loại mánh lới làm tiền với những người bị bệnh ung thư trên đây. Mới đây tôi được xem một video do một linh mục làm lễ nghi trừ tà ở vùng Xuân Lộc. Nạn nhân là một người đàn bà bị thư ếm đang quằn quại vì đau đớn, ngơ ngác như người mất hồn, và khi linh mục này rảy nước thánh và cầu nguyện trừ tà thì chị ta mửa ra một đống đinh và sau đó thì được giải thoát. Cuốn “Nhà Trừ Quỷ Kể Chuyện” (bản dịch từ 179 đến 215) nói rất chi tiết về chuyện bùa ngải và thư ếm của ma thuật khi tác giả trải qua những kinh nghiệm có thực rất rùng rợn. Xin được trở lại chi tiết đề tài này trong những lần khác. Thì ra quỉ satan đã thu góp những hồn người chết trong tội lỗi mà chưa được siêu thoát trở thành những tà ma, thành đoàn âm binh do chúng sai khiến đi làm hại người ta, tung hoành mở mang nước của bóng tối do chúng điều khiển. Những “thầy pháp” trong đường dây ma thuật tưởng rằng đã dùng phù phép để điều khiển được tà ma đi làm hại người khác thì chính họ đã bị quỉ satan nắm cổ điều khiển rồi, vì họ đã liều mạng đi làm hợp đồng với ma quỉ (in pact with satan) qua những nghi lễ thờ quỉ và những ma thuật đen! (Bài này được trích đăng từ tập san Tin Vui Thời Ðiểm). Sách Phù Thuật Việt Nam dầy 333 trang, khổ 5.5” x 8.5”, ấn loát mỹ thuật, do Nam Việt xuất bản. Giá: 25 Mỹ kim
|