Home Đời Sống Tài Liệu Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần I)

Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần I) PDF Print E-mail
Tác Giả: Bảo Thạch/ RFI   
Thứ Bảy, 08 Tháng 8 Năm 2009 08:29

 Hội nghị bàn tròn tại Ba Lan sẽ đưa đối lập lên nắm quyền
  Ngày mồng 6 tháng 2 năm 1989, cách nay đúng 20 năm, chính quyền cộng sản Ba Lan chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán với đối lập. Sự kiện mang tên Hội Nghị Bàn Tròn đánh dấu tiến trình sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản.


Toàn cảnh Hội Nghị Bàn Tròn 1989 Ảnh : AFP

Chỉ hai tháng sau, Hội Nghị Bàn Tròn đưa đến kết quả là đôi bên thỏa thuận tổ chức tổng tuyển cử tự do cho một phần Quốc Hội. Nhờ vào cuộc bầu cử này, được tổ chức vào tháng 6, đối lập Ba Lan đã giành được thắng lợi to lớn. Một Quốc Hội chuyển tiếp hình thành và chỉ vài tuần sau, một chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập tại Ba Lan, kể từ 45 năm.

 

Ông Tadeusz Mazowiecki, thủ tướng chính phủ không cộng sản đầu tiên, sau Hội Nghị Bàn Tròn 1989 Ảnh : AFP
Từ Vaxava, nhà báo Lê Diễn Đức nhận định.

Để rộng đường dư luận, RFI xin đăng nguyên văn bài viết sau đây của ông Lê Diễn Đức.

Đối thoại và thoả hiệp - con đường dẫn tới dân chủ của Ba Lan

Cách đây 20 năm, 6/02/1989, ngày mở đầu Hội nghị Bàn Tròn lịch sử giữa nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan và Công đoàn Đoàn kết.

Hội nghị Bàn Tròn là tiến trình đối thoại, dẫn tới chuyển hoá bất bạo lực từ chế độ cộng sản sang thể chế dân chủ của Ba Lan, tạo nên hiệu ứng đô-mi-nô cho hàng loạt các nước cộng sản khác ở Trung-Đông Âu, làm thay đổi cục diện chính trị toàn châu lục và thế giới.

Bên Bàn Tròn, một phía là những người cộng sản cầm quyền. Phía khác là những nhà hoạt động dân chủ đã từng bị truy bức hoặc ngồi tù bởi chính những người đối diện. Họ không quen biết nhau, không trọng nhau, không tin nhau, thậm chí thù ghét nhau.

Tổng biên tập nhật báo Gazeta Wyborcza (GW), Adam Michnik, bấy giờ là một trong các đại diện của phe đối lập, viết: “Với cả bên này và bên kia đều là cuộc thử thách - chúng ta đừng sợ đại ngôn - trước lòng yêu nước và trách nhiệm với Ba Lan. Tôi nghĩ rằng, trong những ngày ấy, tất cả đều đã vượt qua thử thách này” – (GW 4/04/2006).

Hội nghị Bàn Tròn xuất phát từ sáng kiến của thủ lĩnh Công đoàn Đoàn kết L. Walesa và tướng C. Kiszczak, Bộ trưởng Nội vụ trong cuộc gặp mặt vào tháng 8/1988. Hội nghị diễn ra ở một số địa điểm, kết thúc tại Warszawa, với 452 người tham dự. Chương trình tập trung vào ba vấn đề: Kinh tế và chính sách xã hội; Cải cách chính trị; Đa nguyên cho công đoàn.

Chính quyền cộng sản đồng ý ngồi đàm phán với phe đối lập trước hết do áp lực của làn sóng bãi công, tranh đấu đòi tự do, dân chủ diễn ra liên tục trên toàn quốc từ nhiều năm trước, mãnh liệt nhất vào giai đoạn sau khi ban bố tình trạng chiến tranh ngày 13/12/1981. Thứ đến, kinh tế suy sụp, lạm phát phi mã, nợ chồng chất, khiến nhà cầm quyền không còn căn cước xã hội để giải quyết các nan đề. Họ muốn trút một phần gánh nặng và trách nhiệm cho đối lập, từ đó lấy lại niềm tin của dân chúng, thực hiện các cải cách cứu vãn kinh tế.

Michnik viết: “Chắc chắn bên ngoài chiếc Bàn Tròn là sự yếu đuối. Những người cầm quyền bị suy yếu khó có thể huỷ diệt đối lập dân chủ, những người đối lập thì còn yếu không thể lật đổ chế độ cộng sản. Bên trên sự thoả hiệp lởn vởn bóng đen của nước Nga đang mò mẫm tự do nhưng bị ràng trói bởi chủ nghĩa đế chế và cộng sản. Những người cầm quyền tới Hội nghị Bàn Tròn với niềm tin rằng, phải thay đổi tất cả để làm sao mọi thứ vẫn như cũ. Những người đối lập dân chủ thì tin rằng, cần phải tôn trọng mọi thực tế để làm sao thay đổi tất cả”- (GW 4/04/26).

Tiến trình dân chủ

Qua 2 tháng đàm phán gay go, kết thúc vào ngày 5/04/1989, Hội nghị Bàn Tròn đạt được thoả thuận quan trọng: bảo đảm bầu cử tự do 35% tổng số ghế của quốc hội và tự do hoàn toàn cho 100 ghế của Thượng viện.

Trong cuộc bầu cử 4/06/1989, phe đối lập đã giành được 99 trong 100 ghế của Thượng viện và lấy hết 35% số ghế quốc hội. Quốc hội “chuyển tiếp” hình thành và chỉ định W. Jaruzelski, Bí thư thứ nhất đảng cộng sản, làm tổng thống.

Ba tuần sau, chính phủ không cộng sản đầu tiên được thành lập kể từ 45 năm.

Ngày 9/12/1989, Lech Walesa giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tự do đầy kịch tính.

Tháng 27/01/1990, đảng cộng sản Ba Lan tuyên bố giải thể. Phần lớn đảng viên chuyển sang hoạt động với khuynh hướng mới trong tổ chức mang tên Liên minh Cánh tả Dân chủ.

Ngày 27/10/1991, bầu cử quốc hội tự do. Hàng trăm đảng phái ra tranh cử. Có 29 đảng lọt vào quốc hội nhưng không đảng nào đạt đa số. Phe đối lập dân chủ thành lập chính phủ liên minh. Từ đây đánh dấu bước chuyển mình khó khăn của nền dân chủ non trẻ Ba Lan.

Có dân chủ, các đảng phái chính trị đua nhau ra đời như nấm mọc sau cơn mưa. Cuộc tranh giành quyền lực lúc nào cũng quyết liệt bởi tham vọng, chia rẽ, cục bộ, quan liêu, tham nhũng. Trong 10 năm đầu thay đổi thủ tướng đến 7 lần! Thế nhưng, những bài học cọ xát đã giúp ý thức dân chủ trưởng thành. Qua 20 năm sàng lọc, các tổ chức yếu kém, cực đoan bị loại dần, chỉ còn từ 4 đến 5 đảng lọt vào quốc hội.

Theo thời gian, sinh hoạt dân chủ Ba Lan phát triển và tự hoàn thiện, an ninh xã hội ổn định, mức sống của người dân được nâng cao rõ rệt. Những năm gần đây Ba Lan đạt mức tăng trưởng hàng đầu ở châu Âu. Từ nền kinh tế cộng sản kiệt quệ, đến năm 2008, Ba Lan có tổng thu nhập GDP 567,4 tỷ đôla (với 38,1 triệu dân), là thành viên quan trọng của Liên hiệp châu Âu (EU) và Khối Quân sự NATO. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới hiện thời, Ba Lan tuy bị ảnh hưởng nhưng đứng khá vững vàng với hệ thống ngân hàng an toàn và cơ hội kích hoạt kinh tế lớn từ việc tận dụng quỹ xây dựng hạ tầng nhiều tỷ euro của EU.

Ai đó nói rằng, đứa trẻ sẽ chẳng bao giờ biết bơi nếu không cho nó xuống nước. Thật chí lý với người Ba Lan khi họ quyết định lội vào dòng dân chủ.

Các giá trị cơ bản của dân chủ và nhân quyền không phải của riêng ai hay do Mỹ và Tây phương áp đặt, mà là sản phẩm chung của nhân loại. Nó cho phép người Ba Lan bằng lá phiếu của mình được quyền đào thải những kẻ bất tài, thất đức và quyền được chọn những người có hạnh kiểm tốt và trí tuệ giỏi điều hành đất nước.

Thắng lợi hay phản bội?

Trong 20 năm qua, Hội nghị Bàn Tròn là một trong những sự kiện thuộc về quá khứ cộng sản vốn vẫn thường xuyên là đề tài nhức nhối, phức tạp trong xã hội Ba Lan.

Không phải ai cũng đánh giá tích cực Hội nghị Bàn Tròn, thậm chí còn phủ nhận nó, kể cả những người đã trực tiếp tham dự. 
Truyền thông, báo chí tự do với trách nhiệm làm công bằng và lành mạnh hoá xã hội, đưa các sự kiện ra mổ xẻ, phân tích.

Nhiều người cho rằng, Hội nghị Bàn Tròn là màn kịch do an ninh cộng sản đạo diễn và ngồi chung với cộng sản/kẻ thù là phản bội lại lý tưởng tự do, dân chủ. 

J. Olszewski, cựu Thủ tướng Ba Lan (1991-1992) đưa ra các dẫn chứng kết luận Hội nghị Bàn Tròn chỉ nhằm hợp thức những gì an ninh cộng sản đã sắp đặt trước với Lech Walesa - (Tuần báo “Glos”, số 54, 1989).

J. Korwin-Mike, một nhà hoạt động đối lập nhận định Hội nghị Bàn Tròn chẳng qua là sự chấp nhận chuyển chế độ màu đỏ sang hồng.

J. Kurski, dân biểu quốc hội nói: “Tôi sẵn sàng đồng ý với giả thiết rằng, không có Hội nghị Bàn Tròn thì chế độ cộng sản ở Ba Lan cũng sụp đổ” – (GW 4/04/2006).

Đương kim tổng thống L. Kaczynski ôn hoà hơn: “Hội nghị Bàn Tròn có thể và cần phải phê phán. Nhưng dù sao cũng là bước cần thiết, đấy là những thoả thuận nào đó” – (GW 4/04/2006)

Vân vân…

Chính phát biểu của Lech Walesa trong thời gian khai mạc Hội nghị đã lường trước dư luận trên đây:

“Chiếc Bàn Tròn này bao quanh hy vọng và cả hoài nghi. Sẽ có những người không thừa nhận những gì chúng tôi phải làm việc. Chúng tôi không thể không nhìn thấy và không tôn trọng. Thế nhưng chúng tôi mong đợi ở tất cả mọi người sự chia sẻ trung thực những gánh nặng diễn biến của trách nhiệm mà giờ phút ấy đòi hỏi” – (TVN24. PL 30/01/2009)

Đối thoại và thoả hiệp

Không ai có thể phủ nhận được những thành quả và vị thế kinh tế, chính trị hơn hẳn của Ba Lan ngày nay ở châu Âu cũng như trên thế giới sau khi từ bỏ chế độ cộng sản.

Chân lý cuối cùng cũng chiến thắng hoài nghi và đố kỵ. Như T. Mazowiecki, thủ tướng Ba Lan không cộng sản đầu tiên năm 1989 nói: “Không thể có điểm kết của chủ nghĩa cộng sản nếu không có Hội nghị Bàn tròn” - (GW 4/04/2006). 

Trong ngày 23/01/2009, quốc hội Ba Lan ra nghị quyết tổ chức trọng thể kỷ niệm 20 năm Hội nghị Bàn Tròn với cuộc hội luận “Đối thoại và thoả hiệp” vào ngày 5/02/2009. Có một đồng thuận tuyệt đối, hiếm hoi giữa tất cả các đảng cầm quyền và đối lập trong quốc hội về nội dung nghị quyết.  

Nghị quyết có đoạn:

“ Hội nghị Bàn tròn là sự cố gắng của nhân dân Ba Lan suốt gần 50 năm tranh đấu với mục đích lật đổ chế độ cộng sản. Sự cố gắng này đã không dưới một lần đồng nghĩa với sự căng thẳng và bằng sự đổ máu của các chiến sĩ tự do...”.

“Những con người với chính kiến và nhân sinh quan khác nhau, từ phía Công đoàn Đoàn Kết đối lập và từ phía nhà cầm quyền bấy giờ, đã quyết định đối thoại. Sự sẵn sàng thoả hiệp ấy đã cho phép thực hiện những sứ mệnh của khoảnh khắc lịch sử”.

“Cuộc chuyển hoá quyền lực bất bạo lực đã mở ra con đường xây dựng nền dân chủ ổn định trong một nhà nước với đường biên giới an toàn và quan hệ tốt với các quốc gia láng giềng”.

Cũng nên nhắc lại, rất nhiều người của cả hai phía, đối lập cũng như cộng sản, từng có mặt tại Hội nghị Bàn Tròn, đã hoặc đang nắm những trọng trách trong đất nước Ba Lan dân chủ. Điển hình là: L. Walesa (đối lập), Tổng thống 1991-1995; L. Miller (cộng sản), Thủ tướng 2001-2004; A. Kwaśniewski (cộng sản), Tổng thống 1995-2005; L. Kaczyński (đối lập), Tổng thống 2005-2010, v.v... ●