Kỷ niệm 20 năm chủ nghĩa cộng sản sụp đổ (Phần IV). |
Tác Giả: Bảo Thạch | |||
Thứ Bảy, 08 Tháng 8 Năm 2009 12:21 | |||
Ngòi bút nhỏ máu của Svetlana Alexievitch (1) : "Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết" Cách nay 20 năm, sự kiện bức tường Berlin sụp đổ, đã đánh dấu ngày tàn của chủ nghĩa cộng sản Đông Âu. Hai năm sau, đến lượt Liên Xô tan vỡ. Chế độ cộng sản sụp đổ, kèm theo các đảo lộn trong thời kỳ hậu Xô Viết, đã tạo ra chấn thương tâm lý nặng nề trong xã hội Nga, đẩy nhiều người vào con đường tự sát. Trong tập ký sự ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết'', qua những trường hợp cụ thể, nữ văn sĩ Belarus Svetlana Alexievitch đã chẩn đoán căn nguyên của các hành động tuyệt vọng : tâm trạng đau đớn của những người cảm thấy mình bị đánh lừa. Hình bìa ấn bản tiếng Pháp của tác phẩm ''Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết'' Động cơ khiến cho Svetlana Alexievitch tìm hiểu về làn sóng tự tử ở Nga trong thời kỳ hậu Xô Viết là một mẩu tin đăng trên nhật báo Đức Frankfurter Rundschau với tựa Số người tự tử ở Nga gia tăng. Báo này viết ngày 28/03/1992 rằng năm 1991, 60.000 người Nga đã tự kết liễu đời mình, như vậy là so với năm trước, đã có thêm 20.000 trường hợp. Ông Guennady Ossipov, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Chính trị và Xã hội tuyên bố : « Nước Nga đứng trên bờ vực thẳm, một triệu người Nga đã toan tự vẫn và 20% dân số, tức là 1/5 của dân tộc này, mơ tưởng được xuất cảnh định cư ở nước ngoài ». Từ xưa đến nay, hành động tự sát là hiện tượng cá nhân thời nào cũng có, cộng đồng nào cũng có. Các nhà xã hội học chứng minh, đôi lúc trong lịch sử, tự sát là hành động tập thể, một hiện tượng xã hội. Điều này lâu lâu xuất hiện ở Tây Âu trong các giáo phái sống cách ly. Nhưng trong trường hợp nước Nga hậu Xô Viết, Svetlana Alexievitch, qua tác phẩm gom góp chứng từ của 14 kẻ bạc mệnh, đã mô tả hành động tự sát của người Nga là một hiện tượng chính trị. Nỗi tuyệt vọng vì cảm thấy bị đánh lừa Ý nghĩa của sự việc này thật đơn giản. Phát hiện ra họ đã bị một huyền thoại đánh lừa, huyền thoại mà họ đã góp công góp sức dựng lên bằng đức độ hy sinh và mù quáng, nhiều người Nga không thể chịu đựng nổi cú sốc này. Sau đây là một số trường hợp tiêu biểu. Đầu tiên hết là sinh viên Ivan Ivachovest, 33 tuổi, vừa hoàn thành xong luận án tiến sĩ về chủ nghĩa «Marx và tôn giáo ». Cái chết của anh có thể xem là số phận nhà trí thức hoài nghi tuyệt vọng khi nhận thức ra rằng chân lý của chủ nghĩa Marx toàn điều huyễn hoặc. Một người bạn sinh viên học triết, Vladimir Stanokevich cùng ở nội trú với Ivan kể lại rằng : « Bạn ấy đã muốn ra đi một cách kín đáo, hẳn là như vậy. Lúc đó vào buổi xế chiều, trời đã chạng vạng tối, nhưng nhiều sinh viên trong tòa nhà nội trú bên cạnh đã nhìn thấy bạn tôi nhảy lầu tự tử. Trước đó, bạn ấy đã mở toang cửa sổ. Bạn ấy đã trèo ra ngoài đứng trên cái gờ cửa sổ và nhìn xuống đất một hồi lâu, rồi quay lưng vào khoảng không, nhảy bổng như muốn bay lên không trung từ tầng 11. Ở dưới, một người đàn bà đang dẫn đứa con nhỏ đi ngang qua. Cậu bé ngước nhìn lên và kêu : - Mẹ,mẹ, nhìn kìa, ông ta muốn làm con chim bay lên trời. Hôm trước, tôi còn gặp bạn ấy ngoài hành lang. Anh nói : « Mình có chuyện muốn nói với cậu, nhớ sang chỗ tớ nhé ». Tối hôm ấy, tôi đến gõ cửa phòng bạn, anh nhất định không mở. Tôi ở phòng bên cạnh nên tôi nghe bạn ấy ở trong phòng, đi đi lại lại như một con thú bị nhốt trong chuồng. Tôi tự bảo, thôi, ngày mai mình lại cố tạt sang lần nữa. Thế nhưng, ngày hôm sau, tôi phải cùng với anh công an khu phố vào căn phòng này khi bạn tôi không còn nữa. Anh công an hỏi : - Cái này là cái gì ? và chỉ vào tập hồ sơ dầy. Tôi liếc nhìn và nói : - Đây là bản luận án tiến sĩ của bạn tôi. Ông nhìn mà xem, cái tựa đề ghi rõ chủ nghĩa Marx và tôn giáo. Tôi thấy tất cả các trang đều bị gạch chéo với dòng chữ đỏ viết thật to ở khắp nơi: Đồ dởm, láo toét, nói dối… Ngày 23/08/1991, bức tượng Lê-nin tại thủ đô Lít Va bị tháo gỡ, dấu hiệu phản ánh sự phân rã của Liên Xô Kẻ xấu số khác là bà Nathalia Pakovich, 55 tuổi, Giáo sư đại học. Bà có thể được xem là trường hợp phân thân tiêu biểu, vừa là nạn nhân vừa là thủ phạm, không giải hóa được căn bệnh vĩ cuồng và nỗi sợ hãi đã ăn sâu vào tâm hồn Xô Viết từ thời Stalin. Bà giáo sư này thú nhận tâm tưởng của bà là bãi chiến trường giằng co xung đột giữa ba con người khác nhau. Đầu tiên hết là một cô bé yêu Stalin một cách tuyệt đối. Cô bé này lớn lên vào đại học, gây kinh hoàng cho mọi người xung quanh vì cô tố giác tất cả những ai dám phê bình chỉ trích chế độ. Thứ nhì là một thiếu phụ đã biết yêu, đã lấy chồng, thế nhưng cặp vợ chồng luôn luôn sống trong nỗi sợ hãi, trong nỗi ám ảnh bị bắt, bị đày ải, bị thủ tiêu. Trong nhiều năm tháng, cả hai người đều mang trong mình chất độc arsenic để có thể tự vẫn ngay tức khắc nếu bị lọt vào tay công an chính trị. Con người thứ ba là người đàn bà góa bụa luống tuổi hiện nay. Bệnh nhân sống trong nhà thương tâm thần đã hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa phát xít trong thực chất không khác biệt nhau lắm. Đó là nỗi đau của kẻ đã thoát khỏi nhà tù ý thức hệ nhưng đã quá muộn. Tuy vậy, bà không thể quên lúc huy hoàng của thời điểm lòng tin chiến thắng thử thách trong những năm tháng tan băng dưới thời Khroutchev. Chúng tôi, những đứa con của thời điểm tháng tư tan băng. Ngày nay đức tính tạo bạo của chúng tôi không còn giống như ngày xưa nữa, chân lý của chúng tôi không còn là chân lý nữa. Ngày xưa chúng tôi ngây thơ biết bao. Chúng tôi cho rằng Lê-nin là người tốt và Stalin mới là kẻ xấu, chúng tôi sẽ xây dựng một chủ nghĩa cộng sản mang bộ mặt nhân bản, chúng tôi không mảy may hoài nghi ý tưởng này. Dường như không gì lay chuyển được nó, nó vĩnh viễn tồn tại như bầu trời. Chúng tôi là đội quân đi tiên phong. Một mẻ kim lọai đang đựoc nấu chảy trong chiếc lò nung khổng lồ. Do đó tôi đã rời Leningrad trước những lời trách móc của bạn bè - Mày ngu xuẩn thật, mày sẽ hối tiếc, mọi người đều mơ ước được sống ở đây. Để được như vậy người ta phải chạy chọt đủ mọi cách, kể cả phải làm đám cưới giả, vậy mà mày lại ra đi, để đi đến nơi đâu ? - Đến Minsk, các giáo sư của tôi gọi Minsk là thành phố xã hội chủ nghĩa nhất. Tôi gửi trả chìa khóa căn hộ ở Leningrad cho cơ quan phụ trách vấn đề nhà ở. Lúc ấy tôi hãnh diện với chính mình. Trong tôi là nhu cầu được hy sinh, được tôn thờ một cái gì đó. Nhu cầu này luân lưu trong dòng máu của tôi. Phải là Freud mới giải thích được nhu cầu đó, có thể nhu cầu này phát sinh từ tinh thần nô lệ hay từ sự yêu chuộng cái chết được xem là mục tiêu tối thượng, hay cũng có thể nhu cầu nói trên phát sinh từ sự yêu thích cái nghèo, sự yêu thích lối sống khổ hạnh. Chiến công của những người này trong thế chiến thứ hai ngày nay còn ai ghi nhớ ? (Ảnh : lefigaro.fr) Đáng thương nhất là những người già đã từng oanh liệt một thời. Chiến công hiển hách của họ từ nội chiến đến thế chiến, nay bị ném xuống bùn đen. Huân chương rực rỡ của họ là nghịch lý trêu ngươi xã hội mới. Có ông già kể lại một bọn du côn đã túm lấy ông, đánh một trận nhừ tử khi chúng thấy các huy chương lấp lánh ông vẫn đeo trên ngực. Chúng còn nguyền rủa : « nếu ngày xưa mày bớt hiếu chiến thì ngày nay bọn tao đã được no nê ngồi uống bia ngọai ». Một người giấu tên, đảng viên đảng cộng sản từ 1920, nay 87 tuổi, đã tâm sự giữa hai lần tự tử (lần thứ nhì ông thành công) : Cuộc đời của ông nhập với cách mạng, hết theo Lê-nin rồi đến Stalin, rồi Khroutchev. Ông vào tù, ra tội, bị xử oan, bị lưư đầy ra Gulag, nhưng vẫn tuyệt đối tin vào đảng cộng sản. Gia đình tan nát, người vợ cũng bị lưu đầy và bỏ mạng, đứa con trai từ lúc bé cũng bị đưa cho một gia đình vô danh nuôi nấng. Phải đợi đến chiến công của ông trong Đệ nhị thế chiến thì người ta mới phục hồi danh dự và trả lại thẻ đảng cho ông : Người ta đã phục hồi danh dự cho tôi vào năm 1945 khi tôi trở về từ cuộc chiến. Khi ấy tôi bị thương và được tặng thưởng đầy huy chương vì đã tham gia vào cuộc tấn công đánh chiếm Berlin. Tôi được gọi đến chi bộ và tại đây người ta đã trả lại thẻ đảng cho tôi và nói rằng : - Rủi thay vợ ông không thể trở về đoàn tụ với ông được bởi vì bà ấy đã mất, nhưng chúng tôi phục hồi danh dự cho ông. Ôi ! bạn có tưởng tượng là tôi vui sướng đến nhường nào không. Dĩ nhiên là ngày nay, có lẽ tôi không nên thú nhận những điều như vậy thế nhưng những giây phút kể trên là lúc tôi hạnh phúc nhất trên đời. Bởi lẽ trước đây chúng tôi đặt đảng lên trên tất cả, trên cả tình yêu, trên cả cuộc sống của chính mình. Chúng tôi xem việc hy sinh tính mạng cho đảng là một vinh dự và tất cả mọi người đều sẵn sàng làm việc này. Tương lai chúng tôi phải huy hoàng, nhưng phải lấy cái chết và sự hy sinh để đổi lấy cái tương lai này. Người ta có thể bắt buộc tất cả mọi người trong chúng tôi phải hy sinh, hy sinh bất cứ lúc nào. Cả ngàn người đã chết xung quanh chúng tôi, việc này đã quá quen thuộc. Vợ tôi cũng đã mất và tôi, tôi cũng có thể chết. Tại sao tôi có thể vui sướng khi vợ tôi đã qua đời. Không, bạn đừng xin lỗi bởi vì những câu hỏi của bạn không làm tôi phật ý đâu. Trái lại, một lần nữa, những câu hỏi này chứng tỏ tôi đến từ một thế giới khác, một hành tinh khác, cũng có thể từ một hành tinh không còn hiện hữu nữa. Hành tinh này có những quy luật riêng của nó, có lẽ chính vì thế mà chúng tôi đã yêu cái chết. Vâng, chúng tôi đã yêu cái chết. Tôi hiểu ra điều này cách đây không lâu vào một đêm thức trắng… Tác phẩm « Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết » là bài kinh cầu siêu bên mồ chôn tập thể mang tên Chủ nghĩa Cộng sản. Svetlana Alexievitch đã hòan thành một bản đồng ca được phối âm cho 14 giọng hát về những thất thố của những người từng chót tin tưởng vững chắc họ là điểm tựa của lịch sử. Nhưng điều dữ dội nhất là tính trung thực của tập ký sự này, trong bản điều tra này, là Svetlana Alexievitch đã ghi lại những điều ngày nay tại Nga, không ai còn màng đến nữa. Người ta muốn quên đi vì thẹn thùng vì mặc cảm. Svetlana đã gợi lại tất cả những mất mát với mục đích đơn giản - bó buộc con người ta soi gương tự vấn và sám hối - Bà nói : « dù là ác quỷ nó cũng cần phải được trao một tấm gương, bằng không nó tưởng rằng nó vô hình ». "Những quan tài kẽm" Nhà văn Svetlana Alexievitch
Afghanistan, một cuộc chiến tranh ô nhục và gớm ghiếc Chạm trán với cuộc chiến Afghanistan, người lính Xô Viết đã mau chóng tỉnh ngộ. Di hài hàng chục ngàn thanh niên đã hồi hương trong những bộ quan tài kẽm. Huyền thoại của giải phóng quân Xô Viết dần dà sụp đổ, thay vào đó người dân Nga khám phá thấy bộ mặt gớm ghiếc của một cuộc chiến tranh ô nhục, để rồi đến năm 1989, Liên Xô buộc phải rút hết quân về nước.
Trong tác phẩm Những quan tài kẽm xuất bản năm 1990, Svetlana Alexievitch đã tập hợp lời tường thuật của hàng trăm chứng nhân gồm cựu chiến binh Afghanistan và những người thân của họ. Nhà văn đã đan chéo số phận của họ, qua đó đã phác họa quy mô tấn bi kịch tập thể mà cả người đã chết lẫn người sống sót vẫn dò tìm ý nghĩa. Có người lính trẻ vẫn không hiểu vì sao nhà nước đã cưỡng ép tân binh sang thẳng Afgnistan mà không cho họ biết trước. Có nữ y tá bàng hòang nhận thấy chiến trường thiếu thốn đủ mọi thứ, đến cả lọai thuốc sát trùng gọi là thuốc đỏ cũng không có nốt. Có những bà mẹ thú nhận đứa con ngoan của họ từ Afghanistan trở về đã biến thành loài thú khát máu đồng lọai. Có nữ nhân viên hành chính thản nhiên thú nhận phụ nữ Nga sang Afghanistan để phục vụ tình dục cho đạo quân viễn chinh đổi lại lấy đồng tiền. Theo lời phụ nữ này, đó mới chính là « nghĩa vụ quốc tế ». Còn một cựu chiến binh nhận xét rằng : « Chiến tranh không làm cho người ta cao đẹp hơn, trái lại nó làm cho con người hèn mọn đi. Tôi chẳng còn có thể sống như trước nữa khi đã chứng kiến trong cùng một chuyến, bên cạnh những quan tài kẽm, người ta đã chở những vali đầy ắp áo lông, quần bò, quần lót cho phụ nữ và những gói trà Tàu đến từ Trung Quốc ». Đau khổ nhất đối với gia đình những người đã khuất là phải chấp nhận tính chất phi nhân của cuộc chiến này. Phải chịu đựng người khác nói rằng hy sinh mất mát của họ hòan tòan vô nghĩa. Đó là trường hợp sau đây của một góa phụ tên Tamara : Em đã nhận được bức thư của chồng em. Anh ấy viết em đừng lo lắng nhé. Nếu không nhận được thư anh, em cứ viết thư về địa chỉ cũ. Thế rồi em bặt tin chồng trong vòng hai tháng. Em không thể hình dung là anh ấy đang ở Afghanistan. Trong thư, anh không nói cho em biết anh đang đánh trận. Trước khi lên đường ra trận, chồng em không bao giờ chơi đùa với đứa con gái. Anh không biết thế nào là tình cha con, có thể vì lúc ấy đứa bé vẫn còn nhỏ. Nhưng sau này khi về nghỉ phép, anh ấy ngồi hàng giờ nhìn con bé với ánh mắt buồn da diết khiến em phải sợ hãi. Buổi sáng anh dẫn con đến trường mẫu giáo, anh thích cõng nó trên vai, buổi chiều anh đến đón nó về. Chúng em có đi coi xi nê, đi xem hát nhưng anh ấy thích ở nhà hơn. Chồng em cũng khát khao thèm muốn chuyện chăn gối hơn trước. Anh ấy cho là chúng em phung phí thời gian bên nhau. Một khi em phải đi làm hay chuẩn bị bữa ăn, anh ấy nói : - Em hãy ở bên anh thêm một tý nữa, hôm nay chúng mình không cần phải ăn món thịt viên. Lúc này anh được về thăm nhà, em hãy xin cơ quan nghỉ phép nhé ». Đến khi phải trở về đơn vị, chồng em cố ý đi trễ chuyến bay. Thế là chúng em được ở bên nhau thêm hai ngày nữa. Đêm cuối cùng bên nhau chúng em hạnh phúc biết bao đến nỗi em bật khóc. Em khóc trong khi anh vẫn lặng thinh nhìn em rồi chợt nói: - Tamara này, một ngày nào đó em đi lấy chồng khác, em cũng đừng quên giây phút này nhé! Em thốt lên : - Anh điên rồi ư ? Không, không bao giờ anh chết cả. Em yêu anh vô cùng, tình yêu của em sẽ che chở cho anh. Chồng em bỗng bật cười. Em đã biết đợi chờ, thế nhưng khi trông thấy một chiếc xe tang bít bùng, em lại cảm thấy lòng mình quặn đau. Em chỉ muốn hét lên thật to và nước mắt chỉ chực tuôn trào, thế rồi em vội vã chạy về nhà, quỳ trước ảnh chúa và cầu khẩn : “Xin ngài hãy cứu lấy chồng con, xin Ngài hãy cứu anh ấy”.
Có một hôm đi coi xi-nê, em theo dõi cuốn phim mà mắt lại chẳng trông thấy gì cả. Lòng em tràn ngập một nỗi lo khó hiểu, tựa hồ như đang có người chờ em ở đâu đó, như thể em phải đi đến một nơi nào đó. Khó khăn lắm em mới ráng ngồi lại cho hết buổi chiếu. Có lẽ lúc em đang xem phim cũng là lúc chồng em đang đánh trận. Suốt một tuần em không hề hay biết những gì đang xảy ra ở Afghanistan, tuy vậy em nhận được hai lá thư của chồng em. Thường thì trước đây, cứ mỗi lần nhận được thư là lòng em vui rộn rã, em đặt môi hôn lên bức thư, thế mà lần này em nổi giận và tự hỏi mình còn phải đợi anh ấy bao lâu nữa. Đến ngày thứ 9 lúc 5 giờ sáng. Em nhận được bức điện tín, người ta bỏ nó qua khe cửa. Đấy là bức điện tín của bố mẹ chồng em viết rằng : « Đến ngay đi Pechia đã mất ». Đọc xong hàng chữ này, bất giác em thét lên một tiếng. Nghe tiếng la, con gái em thức giấc. Em phải làm gì bây giờ, em phải đi đâu bây giờ, em không có tiền. Em nhớ là em cuốn con em vào tấm mền nhỏ rồi bế con ra khỏi nhà. Khi đó trời hãy còn sớm nên xe bus chưa chạy. Em vẫy một chiếc taxi và bảo tài xế : - Ông chở tôi ra phi trường. - Không được tôi phải mang xe về gara. Nói xong người tài xế đóng cửa xe lại. Em nói : - Nhưng chồng tôi đã tử trận ở Afghanistan ! Thế là không nói một lời, người tài xế bước xuống và đỡ mẹ con em lên xe. Em phải ghé qua nhà một người bạn trước để mượn tiền. Ra đến phi trường, đã hết vé đi Maxcơva, nhưng em không muốn đưa bức điện tín cho nhân viên bán vé xem. Em sợ là người ta đã báo tin nhầm. Bởi vì nếu như em cứ tiếp tục tin là chồng em còn sống, thì biết đâu anh ấy lại chẳng bình an vô sự. Em òa khóc và mọi người đều nhìn em. Cuối cùng các nhân viên phi trường cũng đã cho em lên một chiếc máy bay nhỏ cũ kỹ để đi đến Maxcơva. Đêm hôm sau em đến Minsk. Tại đây không một tài xế taxi nào muốn chở em về nhà bố mẹ chồng em bởi vì đường đi quá xa xôi, bố mẹ chồng em ở cách đó 150 km. Em nài nỉ, cuối cùng một tài xế taxi đã ưng thuận, ông nói : - Đưa tôi 50 rúp tôi sẽ chở cô đi. Hai tiếng đồng hồ sau em về đến nhà bố mẹ chồng. Tại đây tất cả mọi người đều khóc. Em nói có thể người ta đã báo tin lầm. - Không đâu Tamara ạ, đúng là Pechia đã mất. Sáng hôm sau cả nhà cùng đến văn phòng tuyển quân. Ở đó người ta trả lời chúng em vắn tắt theo kiểu nhà binh : “ khi nào xác anh ấy được mang về đây chúng tôi sẽ thông báo cho thân nhân”. Cả nhà phải đợi thêm hai ngày nữa. Sau đó gia đình nhà chồng em điện thọai đến văn phòng tuyển quân của Minsk và nhận được câu trả lời hãy đến nhận xác anh ấy. Thế là cả nhà lại ra đi. Nhưng khi đến nơi, người ta lại bảo do có sự nhầm lẫn nên xác đã được mang đến Paranovitchi rồi. Paranovitchi ở cách Minsk đến 100 km mà chiếc xe chở cả nhà em lại không đủ xăng. Cuối cùng rồi chúng em cũng đến được Paranovitchi. Lúc ấy chẳng còn nhân viên nào ở phi trường cả bởi vì đã hết giờ làm việc, chỉ còn một nhân viên bảo vệ đứng ở chốt canh. Ông ta chỉ tay và nói : - Ở đằng kia có một cái hòm, cứ đến xem đã. Nếu đúng là thân nhân của cô thì cô cứ việc mang về. Qủa thực trên đường băng của phi trường có một chiếc hòm bẩn trên đó có ghi hàng chữ bằng phấn “ Trung úy Dopna”. Em đến giật miếng ván đậy hòm ra. Đúng là chồng em đây, gương mặt anh ấy còn nguyên vẹn nhưng bẩn và râu ria lởm chởm. Mùi tử khí bốc lên từ cái quan tài quá chật hẹp so với thân hình anh, vì vậy em không thể nào cúi xuống hôn anh. Người ta đã trả xác chồng em về như thế đó. Em đã quỳ xuống bên cạnh mảnh hình hài mà em yêu thương nhất trên đời. Quan tài của chồng em là quan tài đầu tiên được đưa về làng Grazin thuộc huyện Starie Doroghi, một huyện của vùng Minsk. Quan tài của chồng em đã được hạ huyệt, nhưng khi những chiếc dây cu-roa vừa được kéo lên thì một cơn giông dữ dội kéo đến. Mưa đá đổ ập xuống những cây tử đinh hương đang mùa ra hoa. Những hạt mưa đá kêu sột sọat dưới bước chân người đi, tựa như người ta dẫm lên đá cuội trắng. Đất trời như phản đối cái chết của chồng em. Em không thể nào rời khỏi ngôi nhà anh ấy bởi vì linh hồn anh hiện hữu nơi này. Bố anh tựa hồ như người điên, ông hét lên : « một thằng như Pechia mà chúng nó lại đem vào chỗ chết, chính chúng nó đã giết con tôi ». Mẹ anh và em cố giải thích với ông rằng Pechia đã được tặng huânn chương, rằng nước Nga cần đến Afghanistan vì nước Nga phải bảo vệ vùng biên giới phía nam. Nhưng ông bỏ ngoài tai những lời giải thích và lớn giọng chửi : « Bọn khốn nạn ». Sau khi chôn cất chồng xong, em phải sống qua một thời kỳ khủng khiếp. Nhưng điều khủng khiếp nhất là em phải làm quen với cái ý tưởng : mình không nên chờ đợi nữa, mình không còn ai để đợi chờ nữa. Phải mất một thời gian dài em mới hiểu ra rằng, từ nay em chỉ còn một mình trên đời với Oleska, con gái em. Em chẳng thiết gì đến lễ lạc, tiệc tùng nữa, em cũng không còn lui tới thăm viếng bạn bè nữa. Trong em chỉ còn lại kỷ niệm, những kỷ niệm đẹp nhất. Nhiều năm liền, trong cơn mơ em vẫn thấy lại buổi đầu gặp gỡ. Anh ấy vĩnh viễn ra đi đã được tám năm, vậy mà em vẫn thường chiêm bao thấy anh, trong mơ em luôn van xin anh hãy cưới em một lần nữa. Nhưng lần nào cũng vậy anh xua đuổi em và bảo : « Không, không ! ». Em vẫn nuối tiếc anh ấy, không phải vì anh ấy chỉ là chồng em, mà anh ấy còn là một người đàn ông thật tuyệt vời, một thân hình cao lớn lực lưỡng. Em tiếc là không có với anh ấy một đứa con trai. Em trở thành thiếu phụ khi mới hai mươi bốn tuổi. Một tháng đầu sau khi anh ấy mất, em nghĩ là mình có thể ưng thuận bất cứ một người đàn ông nào. Lúc đấy em điên mất rồi, em không biết phải bám víu vào đâu. Quanh em cuộc sống vẫn cứ tiếp tục như trước, người thì xây nhà nghỉ mát hay sắm xe, kẻ thì dọn đến căn hộ mới, cần sắm thảm hay gạch hồng lát bếp... Cuộc sống bình thường của những người quanh em luôn nhắc cho em rằng cuộc sống của chính bản thân mình không bình thường chút nào. Vào thời Đệ nhị thế chiến, tất cả mọi người đều sống trong bất hạnh, cả đất nước sống trong khổ đau, ai cũng mất đi một người thân và mọi người đều biết rõ vì sao. Thời ấy tất cả phụ nữ đều đồng lọat cất lên tiếng than ai oán. Ngày nay trong trường dạy nấu ăn, nơi em làm việc, có một trăm nữ nhân viên. Em là người duy nhất có chồng bỏ mình trong một cuộc chiến mà những người khác chỉ được biết đến qua báo chí. Lần đầu tiên trên truyền hình, khi nghe thấy người ta giải thích chiến tranh Afghanistan là một cuộc chiến ô nhục thì xuýt nữa em đã đạp vỡ tivi rồi. Hôm ấy em có cảm tưởng là chồng em đã chết đi lần thứ hai. Svetlana Alexievitch viết : « Người Xô Viết chịu số phận của một con bươm bướm bị sa vào đống vữa bê tông do đó người Xô Viết bị vướng mắc trong vòng luẩn quẩn của những suy nghĩ và hành vi xơ cứng. Với chiến tranh Afghanistan, chất bê tông này bắt đầu rạn nứt ». Thật vậy hai năm sau khi Maxcơva triệt thóai quân đội khỏi Afghanistan, một năm sau khi tác phẩm ''Những quan tài kẽm'' được xuất bản, Liên Xô không còn nữa. Thế nhưng hậu quả của những « lời nói dối tuyệt vời », dư chấn của những thảm họa vùi lấp quá lâu trong ký ức, vẫn để lại trong tâm hồn Nga nhiều vết thương không lành. Sau tác phẩm Những quan tài kẽm, Svetlana Alexievitch đã tiếp tục lục sóat những điều ẩn giấu trong sâu thẳm đáy lòng người Nga. Với tập sách Những kẻ bị mê hoặc vào cõi chết - 1995 và Cuộc điều tra về Tchernobyl, chứng từ thế giới sau ngày tận thế - 1997, sự nghiệp văn học của Svetlana Alexievitch có thể được xem là cố gắng phi thường của một ngòi bút nhỏ máu để đối chiếu tâm hồn Nga với những bộ mặt khác nhau của cái ác đã xuất hiện trong cuộc sống người Xô Viết ở thế kỷ 20.
|