Home Đời Sống Y Học Bệnh tiêu chảy khi đi du lịch

Bệnh tiêu chảy khi đi du lịch PDF Print E-mail
Tác Giả: Bs. Nguyễn Thị Nhuận   
Thứ Ba, 17 Tháng 2 Năm 2009 13:48

Ai trong chúng ta từng đi du lịch về Việt Nam hay đi Tàu cũng đã có lần bị chột bụng tiêu chảy, không nặng thì nhẹ, có người bị nặng đến phải nằm bệnh viện, nhất là khi Việt Nam có dịch “tiêu chảy cấp” gần đây.

Bị tiêu chảy là chuyện thường xẩy ra khi đi du lịch, nhất là khi chúng ta đi đến những nước “đang phát triển” như Việt Nam, Tàu, Phi châu, châu Mỹ La tinh, hay vùng Trung đông. Chúng ta bị tiêu chảy vì điều kiện khí hậu, xã hội và vệ sinh khác hẳn với những gì chúng ta đã quen thuộc ở nhà. Người ta ước tính mỗi năm có đến hằng triệu người bị tiêu chảy khi đi du lịch. May thay, bệnh tiêu chảy này thường là không nguy hiểm, nó chỉ làm ta khó chịu, hết còn thưởng thức nổi niềm vui du lịch.

Triệu chứng

Tiêu chảy thường xẩy ra thình lình khi đang du lịch hay ngay sau khi chúng ta về tới nhà. Đa số các trường hợp sẽ bớt sau 3 tới 4 ngày không cần chữa và hoàn toàn bình phục sau 1 tuần. Nhưng bạn cũng có thể bị nhiều cơn tiêu chảy trong cùng một chuyến đi. Những triệu chứng thông thường gồm có:

- Đi cầu lỏng và nhiều thường xuyên, 4 tới 5 lần hay nhiều hơn trong 1 ngày.
- Bụng đau quặn
- Buồn nôn hay ói mửa
- Sốt
- Bụng lình bình khó chịu

Một số nhỏ có thể bị bệnh rất nặng đưa đến mất nước trong người, đi cầu ra máu, ói mửa liên tục hay sốt cao. Trong trường hợp này, bệnh nhân cần đi khám bệnh hoặc vào bệnh viện.

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp tiêu chẩy khi đi du lịch là do nhiễm trùng. Bệnh nhân ăn hay uống một thứ gì bị dính vi trùng, siêu vi hay ký sinh trùng từ phân. Những vật làm nhiễm trùng này vào đường tiêu hóa và xâm chiếm hệ miễn nhiễm của bệnh nhân gây ra những triệu chứng kể trên.

Vi trùng gây bệnh thông thường nhất là E. Coli có chất độc cho đường ruột (enterotoxigenic). Vi trùng này dính vào màng lót bên trong ruột và tiết ra chất độc làm ta bị tiêu chảy và quặn bụng. Người dân bản xứ  có thể cũng ăn phải vi trùng như ta nhưng không bị tiêu chảy vì họ đã quen với vi trùng này và có miễn nhiễm chống lại nó.

Ai dễ bị bệnh?

Người đi tới những nước kể trên dễ bị bệnh hơn tới những nước “tiền tiến”. Và một số người khác dễ bị bệnh hơn. Đó là:

- Người trẻ tuổi: Người trong hạn tuổi từ 20 tới 29 dễ bị bệnh hơn. Nguyên nhân không rõ rệt lắm nhưng có thể là vì họ chưa có đủ miễn nhiễm với vi trùng và họ “mạo hiểm” hơn, thích ăn “thử” những gì mới lạ, và ít cẩn trọng hơn người nhiều tuổi.
- Người có hệ miễn nhiễm yếu: Khó chống bệnh được.
- Người bị tiểu đường hay bệnh viêm ruột.
- Người đang uống thuốc chống acid trong bao tử: Acid trong bao tử có thể tiêu hủy vi trùng, do đó thuốc chống acid làm bạn dễ bị nhiễm bệnh hơn.
- Du lịch vào mùa hè và mùa mưa dễ bị bệnh hơn.
 
Khi nào nên gặp bác sĩ?

Như trên đã nói, bệnh sẽ tự hết trong vòng 3, 4 ngày. Nhưng nếu ta bị nhiễm loại vi trùng khác hơn những con thông thường, ta sẽ bị bệnh nặng và kéo dài hơn. Trường hợp này ta có thể cần phải gặp bác sĩ để được cho uống thuốc cần toa.

Nếu bệnh nhân bị mất nước quá nhiều, ói liên tục, tiêu chẩy ra máu hay sốt cao, hay triệu chứng kéo dài quá vài ngày, ta cần gặp bác sĩ. Có thể liên lạc với tòa Lãnh sự Mỹ ở quốc gia mình đang du lịch để nhờ giới thiệu một bác sĩ có khả năng và nói được tiếng Mỹ.

Đối với trẻ em, chúng ta cần lưu tâm nhiều hơn vì chúng dễ bị mất nước hơn. Cần gặp bác sĩ nếu trẻ bị những triệu chứng sau:

- Ói mửa liên tục
- Tiêu ra máu hay tiêu chảy rất nhiều liên tục
- Sốt cao hơn 102 độ
- Miệng khô hay khóc không ra nước mắt
- Buồn ngủ dật dựa hay không trả lời
- Không đi tiểu nhiều như thường lệ
 
Biến chứng

Tiêu chảy làm ta bị mất nước, muối và chất khoáng trong người và ta có thể bị chứng khô nước (dehydration), nhất là trẻ em. Chúng bị mất nước rất nhanh và nặng.

Bị tiêu chảy, ta nên thay thế nước bị mất đi bằng những dung dịch nước có chứa muối, chất khoáng đúng tỉ lệ cũng như chất đường hay chất gạo để giúp đường ruột hấp thụ dễ dàng hơn. Những loại nước này thường được bán nhiều trong tiệm thuốc của các nước tiền tiến. Ta cũng có thể mua được những gói bột có sẵn các chất cần thiết, thường có nhãn WHO-ORS ở các tiệm thuốc tây hay ty y tế ở hầu hết các quốc gia. Chỉ cần pha gói bột này vào nước sạch uống được theo đúng lượng là có thể dùng được.

Nếu không mua được gói bột này, ta có thể pha chế theo công thức sau:

½ teaspoon muối

½ teaspoon baking soda

2 tablespoon đường hay bột gạo chín

¼ teaspoon potassium chloride (muối giả)

1 lít nước sạch uống được

Bạn cần pha chế đúng liều lượng vì nước nhiều hay ít muối quá cũng có thể gây hại.

Người lớn hay trẻ em có thể uống dung dịch này từng ít một để khỏi bị ói, cùng với thức ăn, sữa mẹ hoặc sữa bình. Nếu tiếp tục có triệu chứng khô nước, bạn cần gặp bác sĩ. Dung dịch thay thế nước này chỉ có thể được dùng trong thời gian ngắn 1,2 ngày.
 
Chữa bệnh

Bạn có thể dùng thêm những thuốc sau:

- Thuốc làm giảm sự chuyển động của ruột: gồm có Immodium, Lomotil có thể làm giảm triệu chứng ngay bằng cách giảm co thắt bắp thịt của thành ruột khiến thời gian chất tiêu hóa qua đường ruột chậm lại, sự hấp thụ tăng lên. Tuy nhiên trẻ em nhỏ dưới 1, 2 tuổi và người đang bị sốt và tiêu ra máu không nên dùng thuốc này vì chúng làm chậm việc thải vi trùng ra khiến bệnh lâu hết. Ngoài ra nếu bệnh kéo dài quá 48 giờ, không nên dùng thuốc thêm mà nên gặp bác sĩ.
- Pepto Bismol: Thuốc này có thể mua tự do, làm giảm số lần đi cầu và mau hết bệnh hơn. Tuy nhiên trẻ em và người mang thai hay dị ứng với aspirin không nên dùng nó vì có hại hơn.
- Trụ sinh: Nếu triệu chứng bệnh quá nặng hay đi cầu quá nhiều (3 lần hay nhiều hơn trong vòng 8 tiếng), bác sĩ có thể cho bạn uống thuốc trụ sinh. Trước khi du lịch nên gặp bác sĩ để lấy thuốc mang theo. Một vài loại thuốc có thể mua được ở nước khác đang bị cấm ở Mỹ vì không an toàn.
- Khi bị tiêu chảy nên tránh uống cà phê, ruợu và sữa. Nên uống những thức uống để thay thế nước mất đi: trà loãng, nước súp trong, soda không chứa caffeine, nước uống khi chơi thể thao (gatorade). Khi đã bớt tiêu chẩy nên ăn chất tinh bột như bánh lạt, cereal, chuối, sốt táo, bánh mì nướng, cháo, khoai tây, nui. Khi hết hẳn, có thể ăn trở lại bình thường.
 
Phòng ngừa

Đối với bệnh này, phòng ngừa là hơn hết. Nên:

- Ăn uống cẩn thận: Nguyên tắc rất giản dị: chỉ ăn những gì đã được nấu chín kỹ hoặc đã lột vỏ. Tuy nhiên ít người nào giữ được nguyên tắc này 100 phần trăm.
- Không mua đồ ăn ngoài đường.
- Tránh ăn thịt cá nghêu sò còn sống hoặc nấu chưa chín hẳn.
- Tránh những thức ăn có nước để ở nhiệt độ thường như nước xốt và thức ăn kiểu buffet.
- Tránh sữa và những phó sản của sữa, kể cả cà rem, chưa được khử trùng
- Chỉ ăn những thức ăn nấu chín kỹ và còn nóng.
- Ăn vặt bằng thức ăn khô như bánh mì và những thứ có nhiều đường như jellies hay syrup.
- Chỉ ăn trái cây và rau bạn có thể tự bóc vỏ như chuối, cam và trái bơ. Tránh ăn món rau trộn sẵn hay những trái cây không bóc vỏ được như nho, dâu...
- Không uống nước địa phương  từ vòi, giếng, suối... Nếu quá cần, nên nấu sôi 10 phút.
- Tránh uống nước đá hay nước trái cây pha bằng nước từ vòi.
- Tránh ăn trái cây gọt sẵn vì có thể đã rửa bằng nước từ vòi.
- Không bơi trong những nơi nước có thể nhiễm độc.
- Khi tắm vòi sen cần ngậm miệng lại.
-Có thể uống nước trong hộp như nước ngọt, bia, ruợu vang nếu chính bạn là người mở nắp hộp còn nguyên. Lau mặt ngoài những hộp hay chai nước này trước khi rót hay uống.
- Dùng nước chai để đánh răng.
- Dùng nước chai hay nước đã nấu sôi để pha sữa.
- Uống những thứ nước nóng như cà phê, trà. Chỉ uống khi chúng được dọn ra khi còn rất nóng.
- Nếu không thể mua nước an toàn được, có thể đem theo bình lọc nước mua ở chỗ bán đồ cắm trại hoặc dùng iodine và chlorine để tẩy trùng nước. Mua những viên thuốc tẩy trùng này ở các tiệm bán đồ cắm trại. Theo đúng lời chỉ dẫn. Những cách này chỉ dùng ngắn hạn mà thôi.
- Đồ dùng ăn uống như ly chén muỗng nĩa phải sạch và khô.
- Rửa tay trước khi ăn.
- Ăn những thức không bị sờ mó vào nhiều.
- Giữ cho trẻ nhỏ không bỏ đủ thứ và tay của chúng vào mồm. Không cho trẻ nhỏ bò lê trên sàn dơ.
 
Những cách phòng ngừa khác

Những chuyên viên y tế cộng đồng khuyên không nên uống thuốc trụ sinh để ngừa bệnh tiêu chảy của người du lịch vì dễ gây ra vi trùng chống thuốc. Thuốc trụ sinh cũng không ngừa được siêu vi và ký sinh trùng. Ngược lại, uống thuốc trụ sinh có thể làm cho khách du lịch nghĩ rằng mình “an toàn trên xa lộ”, có thể ăn uống vung vít. Thuốc trụ sinh cũng có thể gây ra những phản ứng phụ như nổi mẩn đỏ trên da, phản ứng với ánh nắng, nhiễm trùng vi nấm ở âm đạo và đôi khi bệnh về máu. Tuy nhiên, chúng ta có thể uống Pepto Bismol để phòng ngừa nhưng không nên uống quá 3 tuần. Cũng không nên uống nếu bị dị ứng với aspirin, mang thai hay đang uống thuốc chống đông máu. Tác dụng phụ của Pepto Bismol là làm lưỡi đổi mầu đen và phân đen, bị bón, buồn nôn và nghe ù trong lỗ tai.

Lời từ chối trách nhiệm (Disclaimer): Những bài viết trong mục “Sức Khỏe” chỉ nhằm mục đích chỉ dẫn tổng quát, không thể dùng thay thế sự chăm sóc của bác sĩ hay nhân viên y tế. Độc giả cần tham khảo thêm với bác sĩ của mình khi bệnh.