Home Đời Sống Y Học Sau khi tắm rửa, da sẽ sạch được chừng nào?

Sau khi tắm rửa, da sẽ sạch được chừng nào? PDF Print E-mail
Tác Giả: Trang Nguyễn   
Thứ Bảy, 13 Tháng 6 Năm 2009 23:14

Những phát hiện mới nhất của y học cho thấy rằng cơ thể con người là nơi định cư lý tưởng cho cả nghìn loại vi khuẩn.

Có lắm tin tức về khoa học về mọi ngành mà thoạt nghe hay đọc qua ta cữ ngỡ là mình nghe nhầm hoặc đọc nhầm! Chẳng hạn như nói về cơ thể con người. Nếu một ngày đẹp trời nào đấy ta bắt gặp tin là đã có sự “đột phá” trong quá trình tìm hiểu về căn nguyên của bệnh ung thư và rồi giới chuyên môn từ đấy đã có cách để chữa trị thì rõ ràng là chuyện mới mẻ. Hoặc nếu như cũng có ngày đẹp trời ta đọc được tin cho biết người ta đã giải trình được các giấc mơ một cách khoa học như thể người ta đã phân tích được những cái khó khăn phức tạp nhất như DNA chẳng hạn, thì cũng lại rõ ràng là tin mới.

Thế nhưng vào những ngày cuối của Tháng Năm vừa qua, theo tài liệu của tổ chức “National Institutes of Health” và tạp chí “Science” thì đề tài cùng kết quả nghiên cứu lại có liên quan đến lớp da bao bọc thân thể con người.

Ðến những chốn “thâm sâu cùng cốc” nhất nơi cơ thể con người mà ngành y học cận và hiện đại sau bao nhiêu trăm năm đã từng mổ xẻ, nghiên cứu phân tích tưởng chừng như “đến nơi đến chốn” như thế mà đột nhiên lại quay trở ngược ra chỗ dễ nhìn, dễ thấy, dễ sờ dễ mó nhất là lớp da trên thân thể con người thì phỏng có điều gì “mới lạ” hơn so với những điều người ta đã am tường?

Chả biết có ai cảm thấy ngạc nhiên hay “nổi da gà” khi đọc qua những thông tin mới mẻ nhất về mặt này hay không, nhưng sự thể là qua nghiên cứu người ta đã xác quyết rằng trên khắp thân thể con người ta, cứ chỗ nào có da là chỗ ấy đều có cả nghìn loại vi khuẩn cư ngụ dài hạn, cho dù ta có tắm rửa hay kỳ cọ hàng ngày đi nữa.

Người đọc loại tin tức mới mẻ kiểu như thế này thì thể nào cũng thắc mắc ngay rằng: “Tình hình như vậy thì cớ sao mà xưa nay...” Xưa nay cứ bình thường mà nói thì da dẻ con người ta chả có làm sao hết phải không nào? Bởi vậy mà những kết quả nghiên cứu như mới vừa được công bố đó là thuộc loại “buồn ít, vui nhiều”! “Buồn” cho ta ở chỗ cứ tưởng giữ gìn vệ sinh thường thức như thế thì cũng đã yên thân, nào ngờ vẫn còn cả nghìn con vi khuẩn bám trụ trên da, không chịu nhả ra, và rõ ràng là lý do khiến người ta phải “suy nghĩ lại” về sự an toàn tính mạng của mình; thế nhưng “vui” là ở chỗ các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng cái đám vi khuẩn đó ít nhiều gì đấy đều là “friends” với con người, rằng nếu như đa số bọn chúng chẳng thực sự có lợi gì cho ta thì tối hậu là chúng cũng không có hại!

Vậy thì cụ thể là nếu tình cảnh đã là như thế thì vi khuẩn chúng nó bám vào đâu trên da của con người ta? Ở những nơi âm u kín đáo, thiếu ánh sáng mặt trời nhất chứ phải không nào? Chẳng hạn như ở dưới nách hay trong lỗ rốn? Thế nhưng các nhà nghiên cứu họ nói là không phải! Theo họ thì cái chỗ đông đảo “dân cư” vi khuẩn nhất thì lại là trên cánh tay của người ta. Và đấy chưa phải là điều duy nhất khả dĩ khiến ta phải tròn mắt ngạc nhiên!

Số liệu thứ hai: Số vi trùng - người viết ở đây xem kỹ tài liệu và thấy ghi rõ ràng là “microbes” chứ không phải “bacteria” - trong và ngoài cơ thể chúng sinh là gấp 10 lần so với tổng số tế bào. Tuy chỉ mới gần đây thì các nhà nghiên cứu mới khởi sự kiểm kê định dạng định danh cái đám vi khuẩn trên da của người ta.

Thường thì trước đây các nhà khoa học người ta định dạng các nhóm vi khuẩn trên da người bằng cách “nạo” nhẹ nhàng trên da những người tình nguyện cho các cuộc thí nghiệm rồi đem cái đám vi khuẩn “nạo” ra được đó về “cấy” để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Thế nhưng làm như vậy thì kết quả thử nghiệm lại dễ lệch đi ở chỗ là có những loại vi khuẩn khi được cấy trong phòng thí nghiệm, tuy lấy từ da người, thì lại dễ sinh sôi hơn là nếu như vẫn để nguyên chúng tại chỗ mà nghiên cứu. Bởi thế mà nhờ vào những kỹ thuật mới trong ngành nghiên cứu về trình tự cấu trúc của các “gien,” (“gene sequencing”), tức là đối với một phân tử của tế bào thì hệ thống DNA (deoxyribonucleic acid) hay RNA (ribonucleic acid) của nó là một trình tự gồm những hóa chất gì, hóa chất gì... thì dựa vào RNA (khác với DNA có 2 giây xoắn, RNA chỉ có một giây) người ta đã có thể dễ dàng “xem mặt đặt tên” cho các nhóm vi khuẩn khác nhau.

Vậy thì các nhà nghiên cứu qua đó đã phát hiện ra một con số rất lớn về các loại vi khuẩn sing sống, sinh sôi trên lớp da bao bọc thân thể con người. Và từ đấy họ tiến thêm một bước nữa để coi xem khu vực nào trên da thì có nhóm nào thuộc diện “thường trú.”

Các nhà nghiên cứu của “National Human Genome Research Institute” tại Bethesda ở tiểu bang Maryland tuyển mộ 10 người tình nguyện. Nhóm này được yêu cầu tắm rửa với loại xà-phòng loại “dịu” - “mild”- trong vòng 1 tuần lễ. Thế rồi sau 24 tiếng không tắm rửa gì hết những người tình nguyện mới đến trình diện phòng thí nghiệm. Nơi đây, các nhà nghiên cứu bèn nạo nhẹ nhàng ở 20 vị trí trên da của họ; từ trong lỗ mũi cho đến lỗ rốn, và những nơi “kín cổng cao tường” khác nữa. Toán nghiên cứu phân chất chất RNA từ các mẫu thu thập được để phân loại các nhóm vi khuẩn.

Họ phát hiện ra tổng cộng khoảng 1000 chủng loại khác nhau. Mà điều lý thú là trong từng ấy 10 tình nguyện viên thì các nhóm vi khuẩn cũng đều tụ tập y hệt như nhau ở từng “tụ điểm” như nhau.

Hóa ra là tất cả chúng ta đều có chung những chủng loại vi khuẩn như nhau ở trong lỗ mũi hoặc ở trên lưng. Và rồi con số các vi khuẩn trên da chúng ta thì cũng đông đúc chả kém gì cái đám thường trú trong hệ thống đường ruột của mình. Mà ở trong đó thì người ta đã kiểm kê là có từ 500 đến 1000 chủng loại vi khuẩn khác nhau, tuy cũng chưa ai nghiên cứu để biết chắc xem anh có nhiều ví khuẩn trong ruột thì dễ tiêu hóa thức ăn và ít đau bụng đau dạ hơn anh có ít, hay ngược lại. Toán nghiên cứu cũng đã phát hiện ra những sự khác biệt rất lớn trên lớp da bao bọc thân thể con người. Có điều ngạc nhiên qua công trình nghiên cứu đó nữa là ở chỗ ta dễ cho rằng những chỗ ẩm như trán - vì có mồ hôi - hoặc da đầu thì dễ có đông đảo chủng loại vi khuẩn hơn, thế nhưng sự thể là những chỗ khô ráo như cánh tay thì lại có đông vi khuẩn nhất. Cái nơi “thưa dân cư” vi khuẩn nhất là sau vành tai, với vỏn vẹn chừng 15 chủng loại trong khi trên cánh tay thì lại có đến 44 chủng loại. Người ta “follow up” để cập nhật hóa tình hình sau nhiều tháng thì thấy rằng đám vi khuẩn nào quen ở đâu thì cứ vẫn quanh quẩn ở đấy.

Có điều người ta vẫn còn trong quá trình nghiên cứu tiếp để coi xem tại sao ở nơi này trên da thì lại có đông đảo vi khuẩn hơn những nơi khác. Nhưng người ta vẫn rút ra được kết luận tạm thời là tại sao có những căn bệnh ngoài da lại chỉ xuất hiện ở một số vùng cố định nào đấy trên da chứ lại không xuất hiện ở những nơi khác.