Vài điều nên biết về bệnh Ung Thư Buồng Trứng |
Tác Giả: Hiệp Hội Á Châu - Thái Bình Dương (OCAPICA) | |||
Thứ Năm, 18 Tháng 6 Năm 2009 04:08 | |||
Bệnh Ung Thư Buồng Trứng (viết tắt là UTBT) đứng hàng thứ năm trong những bệnh ung thư gây tử vong cho phụ nữ tại Hoa Kỳ. Tỉ lệ mắc bệnh là 1/69 (tức là trong 69 phụ nữ, có một người mắc bệnh). Thống kê tại Hoa Kỳ năm 2004 cho thấy có 20,095 phụ nữ mắc bệnh UTBT; trong số đó 14,716 phụ nữ đã tử vong. Chính phủ liên bang đã cấp 2,2 tỉ Mỹ kim cho phí tổn điều trị bệnh UTBT. Và tỉ lệ lành bệnh rất cao nếu bệnh được phát hiện sớm. Ung Thư Buồng Trứng là gì? Buồng trứng nằm cạnh tử cung là một bộ phận thuộc cơ quan sinh sản của nữ giới; mỗi buồng trứng lớn cỡ một hột hạnh nhân. Buồng trứng tiết ra kích thích tố nữ (estrogen và progesterone) và sản xuất trứng. Trứng đi qua vòi trứng rồi vào tử cung. Vào lúc phụ nữ hết kinh, buồng trứng ngưng hoạt động nên mức kích thích tố hạ xuống rất thấp. Một khi tế bào tại buồng trứng phát triển không bình thường, chúng gây ra bệnh UTBT. Ai có thể mắc bệnh Ung Thư Buồng Trứng? Phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh UTBT, nhưng người lớn tuổi có nhiều rủi ro hơn. Ðã có trường hợp một bệnh nhân mới 20 tuổi nhưng có đến 90% bệnh nhân UTBT trên 55 tuổi. Tại sao một phụ nữ có thể mắc bệnh Ung Thư Buồng Trứng? Ngành y khoa chưa tìm được nguyên nhân gây ra bệnh UTBT. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy những yếu tố rủi ro khiến cho một phụ nữ dễ bị mắc bệnh UTBT như: - Di truyền: có mẹ, con gái, hoặc chị em gái đã mắc bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, tử cung, ruột, hoặc trực tràng. Nhất là trong gia đình có vài phụ nữ đã mắc bệnh ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú vào lúc trẻ tuổi. Trong trường hợp này các phụ nữ trong gia đình cần được xét nghiệm về di truyền (genetic testing) để phát hiện gene đặc biệt làm tăng rủi ro mắc bệnh UTBT. - Bản thân đã mắc bệnh ung thư vú, tử cung, ruột, hoặc trực tràng. - Lớn tuổi. - Chưa từng sinh đẻ. - Dùng kích thích tố estrogen (mà không có progesterone) trên 10 năm hoặc dùng thuốc điều trị bệnh hiếm muộn, dùng bột phấn talc, hoặc mập phì (là yếu tố rủi ro nhẹ). Một phụ nữ có một vài yếu tố kể trên không có nghĩa là sẽ mắc bệnh UTBT. Vì đa số bệnh nhân UTBT chỉ là những phụ nữ lớn tuổi và chẳng có một yếu tố rủi ro nào. Tuy nhiên, nếu nghĩ mình có các yếu tố rủi ro bạn nên lưu ý tham khảo bác sĩ. Các triệu chứng & sự chẩn đoán bệnh Ung Thư Buồng Trứng? Trong thời kỳ đầu bệnh UTBT không có dấu hiệu rõ rệt cho đến khi ung thư đã phát triển mới có vài triệu chứng như: - Ðau tức vùng bụng, tử cung, lưng, hoặc cẳng chân - Bụng to chướng (bụng báng) - Nôn mửa, khó tiêu, đầy hơi, táo bón, hoặc tiêu chảy. - Luôn cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng ít thông thường có thể gặp như: hơi thở ngắn (khó thở), thường bị thôi thúc đi tiểu (tiểu vặt), âm đạo chảy máu bất thường (ra kinh quá nhiều, chảy máu khi đã hết kinh). Ðây có thể cũng là tình trạng thường xảy ra nơi một phụ nữ hoặc là những triệu chứng của một bệnh khác. Nhưng nếu những bất thường kéo dài hoặc càng nặng, bạn cần đến ngay bác sĩ chuyên phụ khoa (gynecologic oncologist) để được chẩn đoán xác định bệnh. Các xét nghiệm được thực hiện để chẩn đoán bệnh UTBT bao gồm: - Khám tổng quát tại vùng bụng để xem có khối u hoặc nước trong bụng không. - Khám tử cung, buồng trứng, và các bộ phận gần kề để tìm xem có sự thay đổi hình dạng, kích cỡ, hoặc có khối u không. - Thử máu để tìm chất CA-125, là một chất có trên mặt ngoài của tế bào UTBT và trên vài mô. - Siêu âm (ultrasound) để ghi nhận tình trạng của buồng trứng. - Sinh thiết (biopsy) để tìm tế bào ung thư, hoặc để lấy bướu UTBT ra (nếu bướu còn nhỏ) và xem ung thư có lan tỏa chưa. U nang buồng trứng có thể tìm thấy bên trên hoặc bên trong của một buồng trứng. U nang chứa chất lỏng hoặc đôi khi có mô cứng. Ða số u nang buồng trứng là khối u lành (benign), không phải ung thư và sẽ tan đi. Nếu u nang không tan hết mà lại lớn hơn, bác sĩ sẽ làm lại xét nghiệm để xác định xem có phải là nang ác tính (malignant cysts) gây ra UTBT không. Khi đã có kết quả xác định bệnh UTBT, bạn có thể cần biết ý kiến của một bác sĩ thứ nhì về chẩn đoán và kế hoạch điều trị. Có nhiều cách để tìm một bác sĩ chẩn đoán thứ nhì như: - Yêu cầu bác sĩ gia đình chuyển bạn đến một bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhóm bác sĩ tại trung tâm điều trị ung thư. - Gọi điện thoại số 1-800-4-CANCER hoặc vào internet www.cancer.gov/help. - Tìm danh sách các bác sĩ đã tốt nghiệp chuyên khoa trên internet www.abms.org. Cần làm gì để phòng ngừa bệnh Ung Thư Buồng Trứng? Hiện nay chưa có cách phòng ngừa bệnh hoặc xét nghiệm phòng ngừa nào. Cần lưu ý là khi đi thử Pap bạn cũng được khám tử cung nhưng thử Pap chỉ giúp phát hiện ung thư cổ tử cung mà thôi. Do đó, chính bạn phải để ý và biết rõ sức khỏe của mình, phải ghi chép lại những gì bất thường xảy ra cho mình mỗi ngày (để theo dõi và trình bày cho bác sĩ một cách cụ thể và rõ ràng) và đến ngay bác sĩ để định bệnh. Ðừng chần chờ, vì chỉ nhờ phát hiện bất thường sớm và điều trị sớm, cơ hội lành bệnh sẽ rất cao. Tóm lại vài điều các phụ nữ nên biết về bệnh ung thư buồng trứng: - Bệnh thường xảy ra nơi phụ nữ lớn tuổi. - Nếu nhận thấy có vài yếu tố rủi ro mắc bệnh, bạn nên lưu ý tham khảo bác sĩ. - Chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh UTBT nên chưa có cách phòng ngừa. - Thử Pap chỉ có thể giúp truy tầm ung thư cổ tử cung mà thôi. - Nếu có các dấu hiệu bất thường, bạn cần đến ngay bác sĩ để xác định bệnh. Nhờ phát hiện và chữa trị sớm, bệnh có thể được chữa khỏi. - Cần một bác sĩ chẩn đoán thứ nhì, hãy gọi số 1-800-4-CANCER (tức là 1-800-422-6267) của Học Viện Ung Thư Hoa Kỳ. Qua sự tài trợ của CDOC (California Dialogue on Cancer), Hiệp Hội Á Châu-Thái Bình Dương OCAPICA đã phát hành các bản thông tin chi tiết về bệnh UTBT
|