5 điều cần xem xét lại về Cholesterol |
Tác Giả: Trang Nguyễn (Theo tài liệu của “Health” Magazine) | |||
Thứ Hai, 22 Tháng 6 Năm 2009 09:40 | |||
Có lẽ giới trẻ thì không hoặc chưa mấy quan tâm, thế nhưng đối với lớp từ trung niên trở lên thì đã từ khá lâu ở xứ này mỗi khi ăn uống, ai nấy -dù không kiêng kỵ gì đi nữa- cũng đều liên tưởng gần xa gì đấy đến mỡ ở trong huyết quản của mình - tức chất “cholesterol” - nếu như ăn uống không cẩn thận. Thế rồi thì -đúng hay sai- người ta gần như có chung một cái danh mục trong “sổ đen” các loại thức ăn, thực phẩm dễ làm tăng dung lượng “cholesterol” trong máu. Tạp chí “Health” số ra ngày 10 Tháng Sáu vừa qua có một bài tựa là “Năm huyền thoại đầu sổ -“top”- về cholesterol”. Bài báo đó có mấy nội dung chính như sau: Nếu như một số trong chúng ta vẫn nghĩ rằng mình đã am tường về chuyện cholesterol thì thực tế là vẫn còn nhiều khoản mục còn nằm chờ đấy để ta có thể nhìn lại vấn đề cho thật tường tận hơn nữa. Ta chỉ cần xem lại một số các huyền thoại mang tính cách phổ thông sau đây về chuyện cholesterol cao/thấp, xem lại coi những ai dễ có mức cholesterol cao, xem lại coi loại thức ăn gì dễ là thủ phạm và lý do tại làm sao mà đôi khi cái chữ cholesterol không nhất thiết đã có nghĩa là một cái gì đấy không hay. Ðiều không chính xác số 1: Dân Mỹ là dân có mức cholesterol cao nhất thế giới (?) Cứ ngó vào các số liệu thống kê về tình trạng mập phì không ngớt gia tăng ở xứ này thì người ta dễ có ấn tượng là dân Mỹ nói chung chỉ cần ăn thêm một hai cái “hamburgers” - có thêm hai ba lớp “cheese” kẹp vào đấy nữa cho thêm đậm đà khẩu vị- là thế nào cũng có cơ được đưa gấp vào bệnh viện do một cơn nhồi máu cơ tim vì trong các tĩnh mạch dẫn vào tim vốn đã đặc nghẹt cholesterol trong đó! Thế nhưng theo tài liệu thống kê mới nhất của Tổ Chức Y Tế Thế Giới - “World Health Organization” - thì đàn ông Mỹ đứng vào hàng thứ 83 so với nam giới các nước khắp thế giới về chuyện có mức cholesterol cao, còn phụ nữ thì đứng vào hàng thứ 81. Mức cholesterol trung bình của đàn ông cũng như phụ nữ Mỹ là 197 mg/dl, tức là vừa giáp ranh với mức “có nhiều nguy tai về lượng cholesterol trong máu” - “Borderline High risk”. Xem như vậy thì cũng chưa đến nỗi nào so với dân các nước đứng đầu sổ như Colombia, với mức cholesterol trung bình -nguy hiểm- cho nam giới là 244 trong khi con số trung bình của phụ nữ ở bên các nước Do Thái, Lybia, Na Uy và Uruguay được xếp “đồng hạng” với nhau ở mức 232. Ðiều không chính xác thứ hai: Trứng là có hại (?) Ðúng là trong một quả trứng có nhiều cholesterol: không dưới 200 mg; mà như vậy là đã bằng hai phần ba cái mức 300 mg mà tổ chức American Heart Association khuyến cáo người ta nên hạn chế hấp thụ trong một ngày. Thế nhưng chất cholesterol ở dạng có trong trứng thì lại không đến nỗi có hại như trước đây người ta vẫn tưởng. Chỉ một ít cholesterol từ thức ăn mới lọt vào huyết quản con người dưới dạng cholesterol, và nếu như do ăn uống mà dung lượng cholesterol gia tăng thì cơ thể sẽ tự nó điều chỉnh bằng cách giảm bớt mức sản xuất ra chất cholesterol. Nếu như ta vẫn cứ muốn “cẩn tắc vô áy náy” thì ăn một hay hai quả trứng trong một tuần lễ cũng chẳng có gì là nguy hiểm. Thực tế mà nói thì trứng là nguồn cung cấp chất đạm rất tốt. Nó có cả chất mỡ trong đó nhưng lại thuộc loại “mỡ lành” cho cơ thể. Ðiều không chính xác thứ ba: Trẻ nhỏ không thể bị “cao mỡ” trong máu (?) Ðại đa số trong chúng ta đều nghĩ rằng chuyện “cao mỡ” là chuyện của người từ lớp trung niên trở lên. Thế nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chứng co hẹp các tĩnh mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim có khả năng xuất phát từ rất sớm, ngay cả đối lứa trẻ lên tám. Hồi Tháng Sáu năm 2008, trường “American Academy of Pedriatics” của Hoa Kỳ đã cho công bố bản hướng dẫn về các trẻ nhỏ và tình trạng cao mỡ, trong đó người ta khuyến cáo những trẻ nhỏ bị mập phì, bị cao máu hoặc trong họ hàng huyết tộc có người bị bệnh tim thì nên bắt đầu cho đo mức cholesterol ngay khi lên hai. Theo bản hướng dẫn đó thì trẻ em chỉ được ăn mỗi ngày thức ăn có loại mỡ như mỡ từ thịt không quá 7% “calories” và không quá 200 mg cholesterol. Dạo đó, các giới phụ huynh khi theo dõi những tin tức đó thì đã không khỏi băn khoăn khi nghĩ rằng rồi ra thể nào giới y khoa cũng sẽ đi đến biện pháp kê toa thuốc giảm cholesterol cho con trẻ, thế nhưng việc đó đã không xảy ra vì một công trình nghiên cứu mới nhất cho thấy là thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi chưa phải cần đến loại thuốc hạ cao mỡ. Ðiều không chính xác thứ tư: Thức ăn chỉ có lợi cho tim nếu như trên bao bì của nó có ghi là không chứa một tí cholesterol nào hết (?) Nếu như ta mua hộp hay bao, gói thực phẩm, bánh trái hoặc đồ ăn gì đấy mà bên ngoài có ghi là “Không có cholesterol” hoặc “cholesterol rất thấp”, v.v. thì cái món mà ta định mua đó chẳng qua cũng chỉ một trong hàng chục hàng trăm món ăn khác ta ăn nhưng lại mới chính những thứ chứa cholesterol cao nhất; chẳng hạn như loại thức ăn mỡ màng do mỡ động vật hoặc sữa và các phó sản của nó. Ðiều không chính xác thứ năm: Cholesterol bao giờ cũng có hại (?) Nghe đến chữ “cholesterol” là người ta dễ liên tưởng đến một cái gì đấy chẳng mấy tốt lành. Có điều là nếu như mức mỡ trong máu là cao thì có thể dẫn đến nguy tai, thế nhưng cholesterol thì tự nó là tối cần thiết cho nhiều hoạt động bên trong cơ thể con người, từ việc nó tạo nên màng bao bọc các tế bào thần kinh trong óc cho đến việc tạo nên cấu trúc cho màng các loại tế bào khác. Chính vì thế mà 75% chất cholesterol trong cơ thể con người là chính do nó tự sản xuất ra nhờ lá gan cũng như các tế bào khác. Vai trò của cholesterol đối với các bệnh về tim thường vẫn bị hiểu sai. Chất cholesterol được chuyển trong huyết mạch của người ta bởi các chất “lipoproteins” thuộc loại “low density” -có mật độ phân tử thấp- (tức “LDL”) và loại “high density” - có mật độ phân tử cao- (tức “HDL”). Loại “LDL” là loại mà khi dẫn theo chất cholesterol trong mạch máu, và nếu dung lượng chất “LDL” đó cao, thì bị người ta gọi chung nó với chất “cholesterol” được “dẫn độ” theo đó là “cholesterol loại có hại”, trong khi chính cái chất “low density lipoproteins” kia mới là thủ phạm chính dẫn đến tình trạng sơ động mạch - “atherosclerosis”.
|