Home Đời Sống Y Học Vấn đề kinh niên : Chứng đau lưng

Vấn đề kinh niên : Chứng đau lưng PDF Print E-mail
Tác Giả: Minh Luân   
Chúa Nhật, 28 Tháng 6 Năm 2009 04:15

Đau lưng là một bệnh chứng hiếm người tránh khỏi. Những ai chưa biết nó như thế nào cũng đừng quá lạc quan : rất có thể một ngày nào đó bạn sẽ ôm lấy lưng và nhăn nhó đấy. Tốt nhất là nên biết rõ nó để... chịu đựng tốt hơn.

  Một bên là những người đã từng đè tay lên thắt lưng và nhăn nhó, bên kia là số người may mắn chưa hề biết rằng cái lưng có thể gây đau khổ. Vì chưa từng nến trải nên họ nhìn các nạn nhân với ánh mắt của kẻ thoát nạn suốt đời. Thế nhưng sự lạc quan đó đã bị số liệu thống kê làm mờ nhạt : có đến 80% dân chúng đã từng bị hay sẽ bị đau lưng. Nói khác đi, thật khó mà né tránh được tai họa đó. Hơn thế nữa, con số này lại không ngừng gia tăng. 

 Sự gia tăng đó có vẻ nghịch lý : tiến bộ kỹ thuật trợ giúp, điều kiện làm việc được cải thiện. Chẳng lẽ người ta ngày càng khó chịu đựng hơn với các áp lực của xí nghiệp ? Hoặc họ đã quá chán chường vì nạn thất nghiệp hay vì điều kiện sống ? Nhiều bác sĩ nghĩ như thế. Điều này có nghĩa là những gò bó về tâm lý cũng có ảnh hưởng quan trọng như các nỗ lực thể chất trong việc phát khởi bệnh. 

  Trước những số liệu đáng lo ngại đó, một vài người chưa mắc bệnh tự trấn an rằng đấy là một bệnh chứng của người già. Thật sai lầm : cơn đau lưng đầu tiên thường xảy ra trong khoảng từ 20 đến 30 tuổi. Số khác lại nghĩ rằng chứng này không nghiêm trọng. Tất nhiên là từ 40 đến 75% số bệnh nhân, giai đoạn đau đớn kéo dài không đến 1 tháng. Nhưng đối với những bệnh nhân còn lại, sự đau đớn sẽ tái phát. Và với 10% bệnh nhân, cơn đau sẽ trở nên thường xuyên. Cột dây giày, bước đi hay làm tình đều trở thành kỳ tích, thậm chí làm việc cũng không thể được. Hơn nữa, đau lưng mãn tính là nguyên nhân hàng đầu của việc mất khả năng lao động nơi những người chưa đến 45 tuổi. Trợ cấp xã hội phải nhận lãnh : mỗi năm chứng đau lưng làm tốn từ 1 đến 1,37 tỷ euro của bảo hiểm y tế (Pháp). Như vậy, đau lưng là một vấn đề nghiêm trọng của y tế cộng đồng.

Thế nhưng người ta không thể bảo là chính quyền đã được huy động. Người ta chưa hề chứng kiến một chiến dịch chính thức để phòng ngừa chứng đau lưng. Cần biết rằng lưng không chỉ bị ảnh hưởng trong khi làm việc mà còn chịu đựng nhiều hơn trong các động tác thường ngày, kể cả giải trí. Nói cách khác, phải học cách sống chung với xương sống của mình 24/24 giờ. 

Mỗi ngày chúng ta cúi xuống khoảng 1.500 đến 2.000 lần, và 38% các tư thế đều vượt quá độ cong cho phép của xương sống. Với nhịp độ đó, các bác sĩ cho rằng sau 5 triệu lần cong cúi, xương sống sẽ bị hỏng hóc. Điều quan trọng là phải biết phân tích mọi tình thế và áp dụng 3 nguyên tắc cơ bản. Đầu tiên là giữ lưng thẳng nhưng không cần phải đứng nghiêm. Lý tưởng nhất là giữ độ cong tự nhiên của xương sống, như thế trọng lực sẽ được phân bố đều trên bề mặt các đĩa sống. Lúc đứng, tốt nhất là thóp bụng lại, gồng mông vài phút mỗi ngày. Muốn cúi xuống phải co đầu gối. Thứ nhì là để phân bố đều sự căng thẳng của cơ bắp, trọng lượng cơ thể phải chia đều cho cả 2 chân.  

Nguyên tắc thứ 3 dựa trên nguyên lý đòn bẫy. Khi đưa trọng tâm của cơ thể đến gần trọng tâm một vật cần nâng, ta có thể giảm bớt áp lực trên lưng. Do vậy, trước khi cúi xuống để nâng 1 vật nặng, nên dùng 2 chân đặt 2 bên vật để “gắn liền” với nó. Khi không thể làm được như thế, nên tìm điểm tựa ở phần trên của cơ thể, cánh tay, đầu. Ví dụ như khi đứng rửa chén, bạn đừng ngần ngại tựa trán vào tường. Như thế xương sống sẽ biết ơn bạn rất nhiều.

 Mỗi ngày người phụ nữ dành khoảng 2 giờ cho công việc nội trợ. Đây là nguyên nhân hàng đầu của chứng đau lưng nơi phụ nữ. Một vài phương cách có thể giúp giảm nhẹ sự tổn hại, chẳng hạn như dùng bàn chải có cán dài để cọ rửa bồn tắm hoặc dạng rộng chân để rửa chén nếu bồn rửa hơi thấp, như thế bạn không cần phải cúi lưng nhiều. Khi ủi đồ, nên điều chỉnh độ cao của bàn ngang với xương chậu và gác một chân lên chiếc ghế thấp. Nếu làm công việc cần sự chính xác, nên chiếu sáng đầy đủ để khỏi phải cúi người sát xuống món đồ. Lúc đi mua sắm, nên chia đều đồ vật cho 2 tay. 

 Trong lúc ngủ, áp lực trên các đĩa sống tất nhiên giảm đi nhưng không hẳn biến mất hoàn toàn. Tư thế nằm sấp có hại nhất vì xương sống phải cong lên quá mức. Nằm ngửa cũng không phải là tốt, trừ phi chêm 1 cái gối dưới đầu gối để nâng đỡ cho xương sống ở phần hông. Lý tưởng nhất là nằm nghiêng, co người, chân hơi co lại.    

Kịch bản đã quá cổ điển : trong khi xương sống của bạn chưa hề nhắc đến nó, thế mà vào một buổi sáng bạn lại đờ cả người lúc cúi xuống để cột dây giày như mọi ngày. Cơn đau thật đột ngột, bạn không thể nào đứng dậy mà không kêu lên vì đau đớn, hoặc đứng thẳng lên mà không cảm thấy như bị một nhát gươm vào lưng dưới. Thế là bạn nghĩ đến những kịch bản tệ hại nhất : đốt sống “dời chỗ”, đau thần kinh tọa tê liệt... Bạn đã tưởng tượng đến chuyện nhập viện. Tuy nhiên, trong đa số trường hợp, chẳng có gì nghiêm trọng đến thế. Đơn thuần chỉ vì lưng của bạn đang nhắc khéo về nó, và bạn chỉ bị đau lưng, dấu hiệu của sự hỏng hóc đĩa sống. Bạn phải trả giá cho nhiều năm tháng thờ ơ. Lúc ấy bạn sẽ nhận ra rằng bạn đã không thật sự lưu tâm đến cái lưng; bạn có thói quen cúi xuống hay nâng vật nặng mà không cẩn trọng. Kết quả là bộ máy giờ đây đã hư hỏng. Chẳng còn cách nào khác hơn là phải hành động.

Nhất thiết phải nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường ít nhất 48 giờ. Bởi vì cách này triệt bỏ một phần áp lực của trọng lượng và xoa dịu các đĩa sống, đồng thời giúp cho chúng có thời gian lên sẹo. Có thể thay thế bằng cách mặc áo bó chỉnh xương sống (lombostat) để hạn chế sự vận động của xương sống. Cần phải mặc áo từ 15 ngày đến 3 tuần lễ. Nghỉ ngơi tức là giúp lành bệnh. 

  Bác sĩ sẽ cho bạn dùng 3 loại thuốc. Trước tiên là thuốc giảm đau để bạn không phải chịu những “nhát gươm” dưới lưng. Ké đó là thuốc kháng viêm và thuốc dịu cơ. Nó có tác dụng giảm bớt sự co thắt của các cơ bắp lưng. Sự co thắt này nhằm ngăn bạn không làm thêm những động tác tệ hại đối với lưng, nhưng đồng thời nó cũng duy trì cơn đau.  

 Thông thường không cần phải tiêm cortisone và thuốc tê vào đốt sống. Dĩ nhiên thuốc sẽ làm mất cơn đau nhưng không trị được nguyên nhân. Dù trong trường hợp nào thuốc cũng không thể thay thế cho việc nằm nghỉ.

Trong 70 đến 80% trường hợp, chứng đau lưng sẽ khỏi sau 6 đến 10 ngày. Nhưng nó có thể tái phát sau 2 năm (60%), và đối với 10% số bệnh nhân, cơn đau sẽ trở thành mãn tính. Việc điều trị chứng đau lưng thông thường không cần đến phẫu thuật. Giải pháp này chỉ dành cho các trường hợp cực kỳ nghiêm trọng (đau thần kinh tọa tê liệt).  

Ngay từ bây giờ, các bạn nên nâng niu lưng và xương sống trong khi chưa quá muộn. Đừng chờ đến lúc nó nhắc nhở chúng ta.