Home Đời Sống Y Học Quả sấu chữa nhiệt miệng, giải say

Quả sấu chữa nhiệt miệng, giải say PDF Print E-mail
Tác Giả: tran ha   
Thứ Năm, 23 Tháng 7 Năm 2009 22:24

Quả sấu giàu dược tính nên Đông y có sử dụng làm thuốc trị liệu một số bệnh chứng đạt hiệu quả.

Thuốc tiêu thực, chỉ khát
Người ta đã phân tích và thấy ở quả sấu chín gồm: 80% là nước, axit hữu cơ chiếm 1%, proteine 1,3%, gluxit 8,2%, xenlulô 2,7%, tro 0,8%, canxi 100mg%, phốt pho 44mg%, sắt và vitamin C 3mg%...

Bộ phận được sử dụng làm thuốc là lá, vỏ và quả sấu. Đông y cho rằng, quả sấu lúc xanh có vị chua hơi chát, khi quả chín có vị chua, ngọt, tính mát, có công năng kiện vị sinh tân, tiêu thực chỉ khát, chỉ ho, tiêu đờm, sử dụng trị nhiều bệnh chứng như nhiệt miệng, khô khát, ngứa cổ, đau họng, ho, nôn do thai nghén, say rượu, nổi mẩn, sưng, lở ngứa... mỗi lần uống từ 4 - 6g cùi quả.

Mùa hè quả sấu thường được sử dụng nấu canh chua với thịt nạc băm hoặc thái miếng nhỏ mỏng.

Hoặc khi luộc rau muống thường cho sấu quả xanh vào làm canh chua ăn vừa ngon miệng lại có tác dụng thanh nhiệt giải khát, kích thích tiêu hóa.

Quả sấu chín ăn làm thuốc giải khát. Giấm, gừng, đường, ớt dầm với sấu ăn tạo thành món ăn có tác dụng tiêu thực.

Quả sấu cũng được sử dụng làm thuốc trị nhiệt miệng, giải khát, giải say rượu. Trị phong độc nổi khắp mình mẩy, mụn có, sưng lở, ngứa hoặc đau... Lá dùng nấu nước rửa chữa mụn loét hoại tử. Vỏ than cây sấu sử dụng làm thuốc trị bỏng và tử cung xuất huyết... Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta còn sử dụng quả sấu giã ra trị ngứa lở, ăn uống không tiêu, còn vỏ rễ cây được làm thuốc trị sưng vú ở phụ nữ.

Một số bài thuốc tham khảo
Trị phụ nữ nôn nghén: Lấy quả sấu nấu canh với cá diếc hay thịt vịt ăn cũng chóng lành.

Chữa chứng ho: Dùng 400g cùi sấu ngâm với ít muối hoặc sắc lấy nước cho chút đường đủ ngọt, uống 2 - 3 lần trong ngày. Hoặc lấy hoa, quả sấu sắc với 300ml nước còn lại 100ml, chia ra 2 - 3 lần uống trong ngày.

Chữa ho cho trẻ em: Lấy hoa sấu hấp cùng mật ong cho trẻ uống ngày vài lần sẽ hiệu nghiệm.

Làm tăng cường tiêu hóa: Lấy sấu hấp với đường làm nước giải khát uống trong ngày. Hoặc sử dụng quả sấu tươi nấu canh chua ăn.

Chữa say rượu, lở ngứa: Dùng 4 - 6g cùi quả sấu sắc lấy nước uống hoặc hãm với nước sôi mà uống.

 

Ăn đậu có thể giảm được các bệnh liên quan đến phổi
tran ha

Một nghiên cứu khoa học tại Nhật đã chứng minh rằng ăn các thực phẩm làm từ đậu (đậu hũ, giá đậu và đậu nành...) có thể giảm được các bệnh về phổi.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật khẳng định đậu giúp hệ thống hô hấp của bạn hoạt động tốt. Nhà khoa học Andy Lee, thuộc nhóm nghiên cứu này, đã cho biết: những người ăn ít nhất 50g đậu nành mỗi ngày có thể giảm nguy cơ bị bệnh phổi kinh niên. Đậu cũng giúp hệ thống hô hấp của bạn hoạt động hiệu quả hơn, hạn chế tình trạng viêm phế quản, khó thở.

Tuy nhiên, giáo sư Lee nói rằng tuy đậu nành có thể giúp giảm nguy cơ bị bệnh phổi kinh niên, nhưng điều đó không có nghĩa là những người hút thuốc có thể duy trì thói quen không tốt này khi ăn đậu.

Nghiên cứu này cũng cho biết thêm rằng đậu nành có thể giúp giảm được lượng cholesterol trong cơ thể bạn. 

 

Trẻ nhỏ dùng sâm coi chừng ngộ độc
tran ha

Nghĩ rằng nhân sâm là thuốc quý, bổ và mát nên nhiểu phụ huynh đã mua nước sâm, trà sâm cho con uống để mong tiêu tan rôm sẩy, mụn nhọt hay bồi bổ để trẻ tăng cân. Thế nhưng, chính việc cho trẻ dùng sâm không mang lại kết quả như các bậc phụ huynh mong muốn mà còn gây hại cho trẻ.

Mang thêm bệnh vì sâm
Mấy tháng nay, Bé Bim ba tuổi con chị Nguyễn Thị Thanh, Thành Công, Hà Nội bị táo bón, mẩn ngứa liên tục. Cho con ăn đồ mát, chất xơ và dùng cả thuốc vẫn không hết. Nghe lời khuyên của hàng xóm, chị Thanh liền đi mua trà sâm cho con uống với mục đích “thanh nhiệt”.

Sau hơn một tuần uống trà sâm, cu cậu hết mẩn ngứa, bệnh táo bón đỡ hẳn, nghĩ mình đã dùng đúng “thuốc”, chị Thanh cứ thế cho con uống thoải mái, thậm chí có ngày con chị uống tới 4- 5 gói trà để... mát ruột. Khoảng hai tuần sau, bé Bim có biểu hiện đi ngoài nhiều hơn, thường kêu đau bụng và mệt mỏi, chán ăn. Đưa con tới bệnh viện khám, chị Thanh mới biết nguyên nhân do lạm dụng trà sâm.

Giáo sư, tiến sĩ Hoàng Bảo Châu, nguyên giám đốc bệnh viện Y học cổ truyền, cho biết nhân sâm đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được và không phải ai cũng dùng được bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau. Việc dùng tùy tiện có thể biến bệnh nhẹ thành nặng, nặng thành nặng hơn.

Một số người dùng nhân sâm và chế phẩm với liều quá cao, hoặc quá dài ngày, dẫn đến ngộ độc với biểu hiện tăng huyết áp, chảy máu mũi, thần kinh hưng phấn quá độ (mất ngủ, dễ bị kích thích, đau đầu, chóng mặt..), nổi mề đay, mẩn ngứa, thậm chí co giật... Y học gọi những triệu chứng này là “hội chứng ngộ độc nhân sâm”. Nghiên cứu cho thấy, không chỉ trẻ nhỏ, nếu người lớn uống quá nhiều sâm cũng có thể bị ngộ độc.

Ảnh hưởng đến quá trình phát dục?
Thạc sĩ Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho hay, trong nhân sâm chứa hơn 15 yếu tố vi lượng, có tác dụng chống mệt mỏi, tăng sức đề kháng, thúc đẩy công năng của tuyến sinh dục nam và nữ, tăng khả năng ghi nhớ và năng lực phân tích...

Trong nhi khoa Đông y, nhiều chứng bệnh rất cần dùng nhân sâm nói riêng và các loại sâm khác nói chung như đẳng sâm, cát lâm sâm, tây dương sâm, thái tử sâm.... Chẳng hạn, khi trẻ bị suy dinh dưỡng, còi xương, suy nhược có thể sau ốm, thiếu máu… thì Đông y có sử dụng thành phần nhân sâm trong một số bài thuốc để hồi phục sức khỏe, bồi bổ cơ thể cho trẻ nhỏ.

Còn đối với trẻ em thể chất khỏe mạnh, phát triển bình thường, không bị mắc các bệnh lý thuộc hư chứng thì nhất thiết không cần dùng thuốc bổ nói chung và nhân sâm nói riêng. Bởi nếu tùy tiện dùng nhân sâm cho trẻ có thể làm kích thích quá trình phát dục khiến đứa trẻ phát dục sớm, nhất là những bé trai ở độ tuổi từ 13 - 16 tuổi. Hơn nữa, nhân sâm còn khiến trẻ bị rối loạn đường tiêu hóa, thần kinh không bình thường, lâu dài dẫn đến mất ngủ và dễ bị kích động.

Tuyệt đối không được tự ý cho trẻ dùng nhân sâm, kể cả các loại thuốc, nước uống được làm từ sâm. Nếu cần dùng, phải được bác sĩ chuyên khoa khám xét toàn diện để xác định, chẩn đoán chính xác và xem bệnh lý của trẻ thuộc thể loại nào, từ đó mới lựa chọn thuốc bổ cho phù hợp. (GS.TS Hoàng Bảo Châu).