Home Giải Trí Nhạc Vàng Nửa thế kỷ Nhạc Sến.

Nửa thế kỷ Nhạc Sến. PDF Print E-mail
Tác Giả: Phan   
Thứ Bảy, 30 Tháng 5 Năm 2009 05:38

Nói đến 'Nhạc sến' là nói đến sự hôn phối của 'sến' với 'âm nhạc' mà ra dòng Nhạc sến. Âm nhạc thì ai cũng đã biết đến món ăn tinh thần có từ ngàn đời, không thể thiếu mà dân tộc nào trên thế giới cũng có. Nhưng 'sến' từ đâu đến và đi về đâu? Cuộc hôn phối ngoạn mục giữa 'sến' với âm nhạc Việt Nam thế nào?

Sến

Từ 'sến' có người cho rằng xuất xứ và biến thể từ chữ 'Ma-ri-sến', một ngẫu hứng của giới báo chí ghép chữ 'Marie' với chữ 'sến' để câu khách cho những bài viết giật gân, những xì-căng-đan vào thập niên 60 ở Sài Gòn. Cũng có giả thuyết cho rằng chữ 'sến' bắt nguồn từ chữ 'sen' để chỉ người nhà quê, quen với ruộng đồng nhưng chiến tranh hay hoàn cảnh gia đình khó khăn bởi chiến tranh đã phải rời bỏ ruộng vườn mà trôi dạt lên thành thị kiếm sống bằng những công việc hạ tiện bởi trình độ hiểu biết khiêm nhường, và thái độ lẫn hành vi quê kệch. “ Sen” thường làm việc nhà cho những gia đình khá giả ở thành phố hay cửa hàng. Từ đó, thành thị xuất hiện một tầng lớp nông dân bị chiến tranh xô đẩy ra khỏi ruộng vườn, trôi dạt vào cuộc sống thị thành ngoài ý muốn.

Để tồn tại, họ tiếp xúc với cuộc sống thị thành, tiếp nhận 'văn hoá tây phương' du nhập ồ ạt vào Việt Nam theo gót chân những đoàn quân viễn chinh và văn hoá tây phương tràn vào Việt Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng trong thập niên 60. Sự tiếp thu văn hoá nước ngoài theo hiểu biết, trình độ kiến thức hạn chế và hoàn cảnh khó khăn của người nông dân miền quê vốn dĩ chất phác thật thà đã tạo ra những hình ảnh dở khóc dở cười nơi thành thị sa hoa nhưng cũng đầy phức tạp. Ví như cô sen thấy cô chủ quần này áo nọ thì bẩm sinh thích làm đẹp của phái nữ trỗi dậy! Thấy cô chủ đi giày cao gót , cô sen cũng tậu một đôi để dành cho dịp về quê ăn tết, thăm gia đình. Thấy cô chủ son phấn thì cô 'Thắm' cũng phấn son... Nói chung là bắt chước người thành thị cho ra vẻ thị thành. Nhưng thu nhập kém nên phải xài loại rẻ tiền cùng với kiến thức hạn chế về thẩm mỹ trong trang phục, nghệ thuật làm đẹp từ (bằng) mỹ phẩm đã biến sự diệu hiền, dễ thương bản chất của cô gái quê nói chung thành những hình ảnh không tỉnh không thành mà sự kết hợp không hài hoà đã để lại ấn tượng không tốt đẹp mấy trong ánh mắt người dân thị thành. Về giao tiếp xã hội cũng không khá hơn, thấy cô chủ ăn nói văn minh là thỉnh thoảng chêm vô tiếng Việt một câu tiếng Pháp, tiếng Anh, hay thơ phú, triết lý phương tây thì cô sen cũng ráng nhớ một câu trong tuồng cải lương nào đó, một lời nhạc hóm hỉnh nào đó để diễn tả ý mình cho nó ‘cao lên ngang tầm thời đại’. (Anh tài xế của ông bà chủ hỏi chị sen hùng cứ dưới nhà bếp: 'Sao không thấy hồi âm?...' lá thơ anh tỏ tình với chị thì chị trả lời cũng bằng âm nhạc cho nó du dương... 'thơ gởi không tốn tiền, hồi âm làm sao thấy!' Họ đã thuộc nằm lòng lời nhạc: 'Sao không thấy hồi âm, thơ gởi đi mấy lần, hồi âm sao không thấy...' của Châu Kỳ. Bản nhạc nói về sự mong tin trong tình yêu đôi lứa, với điệu Bolero nức nở lòng người. Họ không hề có ý xúc phạm, coi thường hay chế diễu âm nhạc hoặc cải lương (là những thứ họ rất thích) Nhưng ở đây, sự vận dụng nghệ thuật nói chung, âm nhạc nói riêng, vào đời sống ở trình độ 'tài xế-cô sen' đã tạo ra những dị biệt trong mắt, bên tai người sành điệu.

Sự hiện diện của tầng lớp lao động này ngày càng đông nơi phố thị theo chiến tranh leo thang, theo đà phát triển hội nhập với văn minh thế giới của thành thị mà họ đã bất đắc dĩ có mặt. Nói một cách khác là một tầng lớp mới đã xuất hiện trong nhịp điệu cuộc sống ở thành thị đã thay đổi nhiều so với thập niên 50 - khi miền Nam thanh bình, cơm no áo ấm trong những năm ngắn ngủi của nền Đệ Nhất Cộng Hoà mà âm nhạc Lam Phương đã ghi lại 'Khúc ca ngày mùa', 'Trăng thanh bình'... Họ bị hạn chế kiến thức và thu nhập so với người thị thành nhưng đã là con người thì ai cũng có nhu cầu về mọi mặt như nhau. Trong đó, nhu cầu về âm nhạc và tình yêu đôi lứa đã làm hao khá nhiều giấy mực của nhạc - văn sĩ thời đó.

'Sến' hội nhập vô đời sống thành thị, ở tầng lớp nghèo. Nhưng không dừng ở đó mà leo thang đến giới cao hơn, những người ở hoàn cảnh khác hơn, khá hơn trong xã hội nhưng họ lại có sở thích ăn mặc cùng ăn nói như con ở (cô sen); nên người ngang hàng biểu thị sự coi thường bằng cách gọi họ là con sen thì ngại (không đúng) vì họ chẳng đi ở cho ai nên gọi trại đi là 'sến' để ngầm nói người ấy không đi làm công việc hạ tiện nhưng ăn nói như người hạ tiện. Một ca sĩ chẳng hạn, ăn mặc diêm dúa hơn những ca sĩ bình thường khác, sẽ được chấp nhận thì lắm người bắt chước và đương sự lên ngôi thần tượng về thời trang, y phục. Ngược lại, mang tiếng...'sến'. Ý ngầm bảo cô ca sĩ đó ăn mặc diêm dúa như con ở. Một ví dụ khác: Người bạn trai tỏ tình với cô gái bằng cách trao một bó hoa kiểu tây phương thì không có gì để nói nhưng anh chàng ‘đến hẹn lại lên’ với mái tóc bóng mượt - ruồi đậu cũng té, tóc mai quéo quéo vô lỗ tai, áo hoa hoè hoa sói, nhận thêm cái răng vàng để khi cười le lói hơn đời thì ngoài cô Ma-ri-sến, chẳng cô gái nào muốn nhận hoa, muốn đi dạo phố, coi ciné với cậu hai lúa.

Còn nhiều thí dụ, ta thấy thoạt tiên từ 'sến' chỉ là danh từ chỉ một thành phần xã hội, cụ thể là tầng lớp đi giúp việc ở thành thị. Tại sao không gọi thẳng là đám con sen, phu xe cho tiện việc vì từ 'sen' có trong tự điển Việt Nam. Có lẽ người Việt quen thói ăn nói vòng vo, bắt người nghe suy nghĩ... mới là người sành điệu, hiểu biết! Nên “sen' nói trại đi thành 'sến', lâu dần thành quen miệng và phổ biến trong xã hội. Ngôn ngữ thời thượng có dùng một từ ngữ khác, mà thỉnh thoảng ta gặp lại trong những tác phẩm văn học cu,õ là 'Liên tử' để chỉ người giúp việc trong nhà. Nhưng từ ngữ này không phổ biến nên chết theo quy luật đào thải tự nhiên của ngôn ngữ trong xã hội.

Đặc biệt của 'sến' là người sến không mặc cảm về sự khác thường của mình như cô tiểu thư thuộc gia đình danh giá nhưng đã khánh tận, phải diêm dúa trong trang phục lỗi thời, giao tiếp hạ lưu để sống còn sẽ khép nép nơi đông người vì sợ người quen cũ trong giới thượng lưu nhận diện thì quê. Khác xa với cô gái nhà quê lên tỉnh thành với đôi guốc mộc, chiếc quần đen, áo bà ba, cái nón lá, ngữ âm quê mùa... 'coon cá gô chong gổ nhải gồ gồ, kiu gột gột”= “ con cá rô trong rổ nhảy rồ rồ, kêu rột rột.' Bỗng một hôm, cô sen về thăm nhà dưới quê trong bộ cánh mới với quần ống loa, áo sơ mi cao cổ như cao bồi Mỹ, giày cao gót lêu khêu trên đường làng, mặt phấn son tri trét, người sực nức dầu thơm tân thời thay cho mùi chanh, mùi bưởi mà cô thường dùng khi xưa. Tiếng hỏi câu chào người quen cũ cũng kiểu cách hơn xưa vì nói năng lắm chữ mù mờ tối nghĩa... , ai thấy chướng mắt mặc ai. Riêng cô rất tự hào về sự 'tỉnh hoá' của mình. Sao lại có thể tự hào về sự diêm dúa trang phục, lai căng ngôn ngữ... Đó là nhận xét của giáo sư xã hội học, khoa học nhân văn. Cô sen chỉ thấy mình hơn bạn bè trang lứa trong xóm cũ, đã là vui rồi. Không tự hào sao được. (Chuyến này về quê, thể nào chả có vài chị em trong xóm nhờ mình dắt lên thành để có cơ hội đổi thay như mình.) Nửa thế kỷ sau, người dân quê không còn chạy giặc súng đạn thì chạy giặc đói nghèo. Lại trỗi lên phong trào lấy chồng Đài Loan, Đại Hàn còn thê thảm bội phần.

Trong hoàn cảnh xã hội, đất nước có 90% dân số làm nghề nông. Bỗng chiến tranh lan tràn và ngày càng khốc liệt đã xô đẩy những phận đời nông dân lên thành thị làm trò cười cho thiên hạ trong sự rẻ khinh từ khi chữ 'sến' với chức năng danh từ, chỉ một thành phần xã hội đã bị miệng đời lợi dụng dùng chữ 'sến' để miệt thị, khinh khi người khác thì vô hình chung từ ngữ 'sến' đã bị biến thành tĩnh từ miệt thị, chỉ tính cách thấp kém. Dù con người bị xã hội xếp vào thành phần 'sến', mà nguyên gốc là 'sen', không hề đáng khinh như những kẻ rởm đời, có địa vị trong xã hội không chừng! Những người trưởng giả học làm sang thì xã hội nào, thời nào cũng có. Những người thiếu căn bản ngữ pháp tiếng Việt, xài từ ngữ tùy tiện làm cho tiếng Việt trở nên tối nghĩa; sự nhập nhằng danh từ và tĩnh từ ở ngôn ngữ nói trong nước ngày càng phổ biến sau 75.

Trở lại vấn đề, Chúng ta đi mang theo quê hương - có 'sến' theo cùng! Ra hải ngoại, 'sến' vẫn sống hùng sống mạnh ở chợ, hãng xưởng... Lãng mạn không đúng nơi thành lãng nhách, bị gọi là... sến. Tóm lại, sến hay không là chuyện (việc) xảy ra có phù hợp với thời gian, không gian thích hợp cho chuyện (việc) hay không. Sến không mang ý nghĩa rẻ khinh, như người ta vẫn thường nghĩ về nó. Ở môi trường, không gian, thời nào, con người ứng xử tương hợp thì không 'sến'. Trong một vài trường hợp đặc biệt, 'sến' bước ra khỏi một cá nhân. Ví dụ, mọi người đi đám ma đều mặc đồ đen, nhưng lại có một vài người mặc áo đỏ thì bị số đông coi là sến. Không ai quan tâm tìm hiểu đến thiểu số áo đỏ muốn có một kỷ niệm cuối cùng với người quá vãng : vì họ đã cùng người quá vãng mặc áo đỏ trong một dịp đặc biệt nào đó mà bây giờ nhóm áo đỏ của họ vừa mất đi một người bạn. Họ mặc áo đỏ để tiễn đưa người bạn trong nhóm áo đỏ, lần cuối. Tự thân những cái áo màu đỏ không làm cho không khí tang lễ kém phần trang nghiêm, thậm chí mang nhiều ấn tượng về kỷ niệm nhưng chính sự miệt thị thiếu suy xét của đám đông làm cho tang lễ ồn ào.

Xét cho cùng, 'sến' là sản phẩm đặc biệt đã đượïc đẻ ra từ tác dụng trộn lẫn xã hội, từ nông thôn lên đến thành thị, thành từ ngữ chỉ định một tầng lớp người lao động.

Nhạc sến

Với những trình bày ở trên, tóm lại “ sến” là một tầng lớp ra đời trong xã hội chiến tranh leo thang. Sự hình thành giai tầng mới trong xã hội luôn kèm theo những đóng góp và nhu cầu hưởng thụ. Nhu cầu về âm nhạc của thành phần lao động ngày càng lớn trong xã hội phát triển càng đòi hỏi tiếng hát lời ca phù hợp: 'Nắng có hồng bằng đôi môi em, mưa có buồn bằng đôi mắt em. Vai em gầy guộc nhỏ. Rớt xuống đời làm sóng lênh đênh...TCS', lời nhạc xa vời, trừu tượng, khó hiểu như thế này thì làm sao đáp ứng được tâm hồn mộc mạc, đơn sơ của người dân quê trôi dạt lên thành. Người lao động không 'cảm' nổi 'mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, dài tay em mấy thuở mắt xanh xao....TCS' Với lối đảo ngữ bí nhiệm trong ca từ của nhạc Trịnh thì người bình dân chào thua. Trái tim đơn sơ nhưng giàu tình tự quê hương và tình người mộc mạc, người nhà quê chỉ tiếp thu những ngôn từ thường dùng, thường ngày trong đời sống tay làm hàm nhai của họ. Những tâm hồn đơn sơ cũng không độc ác được như '...mưa bên chồng có làm em khóc, có làm em nhớ những khi mình mặn nồng... VTA' Dòng nhạc này không thể thuận nhĩ người bình dân, vì cô gánh nước mướn với anh xích lô, hay với anh chạy xe ba gác thấy không thực tế. Họ chỉ hiểu được sự đơn giản như chuyện kể, kể có vần điệu như lục bát, ca dao và ăn khớp với điệu Bolero. Là âm nhạc.

Những người hiền lương, tâm tư đơn giản, tâm hồn chất phác thật thà, họ có đầy đủ những rung cảm trước tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương. Họ thích được nghe, được hát những giai điệu âm thanh, ý nghĩa lời nhạc sát thực với đời mình hơn. 'Thức trọn đêm nay để nhớ thương em, anh nghe tình yêu nhắc nhở êm đềm - nhớ từng nụ cười ánh mắt, tóc em thơm giấc ngủ diệu hiền...'; ' ước gì mình đừng ngăn cách, ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay...' Người con gái trong tình yêu không trọn vẹn này cũng đau khổ lắm chứ, biết bao kỷ niệm rã rời về tình yêu cũ nhưng không ủy mị, ngoại tình tư tưởng đến khóc thầm như TTKH 'Tôi vẫn đi bên cạnh một người/ Ái ân nhạt nhẽo của chồng tôi/ Mà từng thu chết từng thu chết/ Vẫn thấy trong tim một bóng người.' Cô nhà quê thành thật tỏ bày hơn 'tại anh đó nên duyên mình dở dang, em nào mộng mơ quyền quý cao sang...' Hai nỗi đau dang dở của hai thành phần xã hội cùng dở dang chuyện tình như nhau, nhưng cách thế nào nhân bản hơn? (Xin nhường lời cho những nhà phê bình âm nhạc, nghệ thuật). Trong phạm vi bài viết nhỏ này chỉ đơn phương diễn tả từ cảm nghĩ cá nhân người viết. Chắc không cần màu mè như những nhà ‘trí ngủ’, không nghe không phải là không thích mà sợ người khác nghe mình nghêu ngao một lời nhạc sến thì bị chê bai nên a dua theo những người vọng ngoại, nghe nhạc cổ điển tây phương của Mozart, Beethoven. Đọc 'Cuốn theo chiều gió - Gone with the wind'; 'Doctor Zhivago' để thể hiện ta đây! Thôi thì thời thượng của những chàng tóc dài, quần ống loa. Đối tác của họ là những nường váy ngắn, tóc tém... điên loạn theo phong trào hippy với âm nhạc ngoại quốc Francois Hardy, Sylvie, Vartan, Johny Halliday, Christophe, Art Sulivan... Nhạc do lính Mỹ đưa đến với The Beattle, Lobo, The Three Dogsnight, Bee Gees... Thế hệ đàn anh đàn chị, có bao nhiêu phần trăm thực sự đủ trình độ để cảm thụ văn hoá tây phương qua văn chương, âm nhạc? Bao nhiêu phần trăm vịt nghe sấm, cóc ngồi đáy giếng nhưng không dám thoát ra khỏi phong trào, xu thế thời đại mình cũng chỉ vì sợ mang tiếng 'sến'.

Trở lại với Nhạc dân tộc thì những nhạc sĩ bất tử như Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công Sơn, Từ công Phụng đã có những đóng góp không thể chối cãi cho âm nhạc Việt Nam cận đại nhưng ở dòng nhạc thính phòng, thế giới âm thanh, giai điệu trưởng giả trong âm nhạc nói chung. 'Sao mắt nhung không nuối tiếc khát khao đợi chờ.. .NTM'. Đôi khi bí nhiệm triết học mang màu sắc tôn giáo như 'Ta thấy em trong tiền kiếp với cọng buồn cỏ khô; với mặt trời lẻ loi... TCS'. Thì cũng có những kẻ 'Ôi, lòng đêm, nhìn vầng trăng mới về, nhớ bước chân giang hồ. Ôi phù du, từng tuổi xuân đã già, một ngày kia bến bờ, đời người như gió qua...' cảm thụ được.

Với những nhạc sĩ ‘chuyên trị nhạc sến’ như Trúc Phương, Mạnh Phát, Duy Khánh, Châu Kỳ, Lam Phương... Họ phải nói là các tiền bối đã kết hợp thành công tân nhạc với giai điệu ngũ cung của đàn tranh, độc huyền cầm. (Nói theo Trúc Hồ là bác Bằng (Anh Bằng) hay dùng quãng sáu của vọng cổ để viết tân nhạc.) Từ đó, âm nhạc Việt Nam cận đại có một dòng nhạc phong phú, giàu chất quê hương, tình tự dân tộc và tình cảm lứa đôi mà từ bến xe ra cầu đò đều nghe được. Nếu là con cháu miền Nam thì thể nào trong sâu xa tâm hồn chả lắng đọng một câu hò, khúc hát, câu ca dao đậm đà phong thổ... 'Từ bên này sông Tiền, qua bên kia sông Hậu, mang theo cây độc huyền, với điệu Lục Vân Tiên...' Bây giờ biền biệt chân trời góc bể, 'Chiều chiều ra đứng ngõ sau/ trông về quê mẹ ruột đau chín chiều...' nhớ thuở nào còn rù rì với ngoại xấp nhỏ... 'Má ơi, con lấy thợ bào/ khom lưng ảnh đẩy cái nào cũng sâu'. Chê anh bác sĩ cù lần, thầy cãi ba đía, sĩ phu ưa hit and run... Sợ 'Gió đưa cây cải về trời/ rau răm ở lại chịu lời đắng cay' Người thiếu nữ của ba mươi năm trước, nhìn vô nhà thấy ông thợ mộc già ngồi ho khụ khụ... con cháu đầy nhà, sui gia đầy ải. Mở máy nghe mấy câu nhạc mùi cũng đúng tâm trạng lắm chớ! Nhạc sến vẫn còn tác dụng ở hải ngoại chứ sao không!

Người Nam phần dễ cảm nhận tình tự quê hương, tiếng lòng người sáng tác trong Nhạc sến hơn, vì chân chất như chính lòng mình. Xét về nghệ thuật trong Nhạc sến cũng không phải là dễ, vì triết lý bình dân và tính nghệ thuật dân gian qua Nhạc sến đã trình bày đầy đủ tâm thức phức tạp của giai điệu miền Nam - từ lòng người đôn hậu đến phong thổ hữu tình. Nghe Dạ Cổ Hoài Lang với tiếng hát Hương Lan thì có thua gì nhạc giao hưởng phương tây mà Mozart, Chopin đã để lại cho đời. Nghe triết lý trong Nhạc sến mà nghĩ kỹ thì sến chỗ nào? Nhạc sến hay mình sến? 'Đường thương yêu (đau) đầy ải nhân gian, ai chưa qua chưa phải là người. Trong thói đời, cười ra nước mắt! Xưa trắng tay gọi nhau bằng hữu, giờ giàu sang quên kẻ tâm giao...' Có thể tóm lại là nội dung câu 'Giàu đổi bạn, sang đổi vợ' triết lý xã hội đã sống thọ được ngàn năm trong văn chương truyền khẩu thì tính triết lý đâu phải nhỏ. Khoác cho tiền nhân chiếc áo sến, oan thay!

Giai điệu quê hương trong Nhạc sến chẳng thua bất cứ một dòng nhạc quê hương nào trên thế giới.'Chiều nhìn ra đầu ngõ, bâng khuâng lòng tưởng nhớ dáng xinh xinh một người. Được nghỉ dăm ngày phép, hết hai hôm làm quen, em mới cho mình biết tên...'; 'Tôi ở ngoại ô, một căn nhà nhỏ... gần kề cuối xóm, có cô bạn thân sớm hôm lo sách đèn...'. Thơ mộng quá! Hữu tình quá chứ?! Đến 'Con đường xưa em đi, vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê. Anh làm thơ vu quy, khách qua đường lắng nghe, chuyện tình ta đã ghi...' mang vần điệu dân ca nhuần nhuyễn. Thể loại này trong Nhạc sến Việt Nam nhiều đến không tài nào nhớ hết.'Một bước xa rời muôn kiếp ly tan, một cánh thiệp hồng khiến người sang ngang. - Mười hai bến nước thênh thang, từ nay đôi nẻo quan san - Khóc cho đời bạc trắng lửa hồng...' Vần điệu dễ dàng như thơ lục bát, người Việt nào cũng có thể làm thơ lục bát, nhưng lục bát hay thì hiếm lắm! Nhà thơ 'Bất tri tam bách dư niên hậu/ thiên hạ hà nhân khấp Tố Như' để lại tác phẩm 'Kiều' với nhiều câu lục bát trứ danh, trở thành thành ngữ trong giao tiếp xã hội 'mày râu nhẫn nhụi áo quần bảnh bao' là biết ngay loại đàn ông trăng hoa, chải chuốt, Sở Khanh; 'Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ' đã đạt tới chân lý của lòng người... Thì người viết Nhạc Sến đậm đà tình tự cũng cống hiến cho đời triết lý khó chối cãi... 'Đừng trách người ơi! Cuộc sống nổi trôi...' trên dòng vô định của kiếp nhân sinh.

Nhạc sến được viết ra thì phải có những sến nương, sến tử chuyên chở, cõng vác mới tới người nghe được. Vua sến Chế Linh như nhận xét của một sến tử ở địa phương làm rung rinh chai rượu trên bàn tiệc. Ông nói: 'Nghe ông Chế nhả chữ nhỏ trong câu thằng bé âm thầm đi vào ngõ nhỏ thì thánh cũng không bắt chước được kiểu phát âm tiếng Việt giọng Khờ-Me, nghe khờ căm luôn linh hồn'. Những sến nương cất lên tiếng hát là làm mềm nhũn trái tim người lính mà bài viết sẽ đề cập sau. Tuy nhạc sến không kén người hát người nghe nên đâu cũng có giai điệu mộc mạc, bình dân dễ hiểu của nhạc sến theo chân người bình dân. Mấy người thương binh với xị rượu đế, cây đàn thùng, cặp muỗng ăn hột vịt lộn và một chiều mưa. Họ hát 'Mình, ba đứa hôm nay gặp nhau.. . nâng ly cà phê, ngát mùi hương ngọt ngào. Chiều, thu về gió lạnh hoàng hôn, thấy tâm tư dạt dào...' ,ai nghe mà không nghẹn ngào thì không phải người Việt Nam. Vậy, nhạc sến dở chỗ nào mà chê?! Nhạc Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Trịnh Công sơn, Từ Công Phụng... đi vào lòng người bằng triết lý hiện sinh, đôi khi siêu thực thì nhạc sến đi vào lòng người bằng tâm tình chia sẻ. Với lối kể lể tâm tư về những chuyện tình ngang trái, những quê cũ mịt mờ trong khói lửa chiến tranh; quê hương diệu vợi trong kiếp sống tha phương thì ai không nức nở cõi lòng cũng không phải người Việt Nam luôn.

Sinh ra cùng nhạc sến ở Sài Gòn, sống với nhạc sến từ khung cửa sổ nhà hàng xóm vọng sang cùng hương chanh, hương bưởi, chép nhạc sến vô Lưu bút học trò của bạn bè, nghe nhạc sến trên đường tha phương cầu thực, viết về nhạc sến ở nơi cách xa quê hương nửa trái địa cầu. Phải chăng là chữ 'Duyên': 'Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ'. Nghe Tuấn Vũ hát như kể lại đời mình thì sao không mủi lòng xa nhà khi gió xuân lầy bẩy chồi non... 'Khi tôi sinh ra tôi đã mang kiếp con nhà nghèo - Qua bao nhiêu năm không đổi thay lớn lên vẫn nghèo...' Không làm bác sĩ cũng đoán ra được bệnh 'Viêm màng túi mãn tính' thì đúng quá với Việt kiều viết báo rồi, còn gì mà thắc mắc. Tự trong lòng hát ra thì sao ngăn được...'Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn - Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành...' Nghe an ủi dễ tè! Hổng thèm hát ngu ngơ 'dài tay em mấy thuở mắt xanh xao...'; 'ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau...'

Trong đời sống hàng ngày ở hải ngoại, một người chê nhạc sến nên coi ca nhạc cứ dành cái remote control để pass qua tiết mục của mấy ông Vũ... Vũ... Một người khác cũng dành cái remote control để pass qua mấy bà Khánh... Khánh... Thử hỏi ai đúng ai sai?! Không có đúng sai gì sất trong âm nhạc vì người hát và người nghe phải cùng 'tần số' thì mới 'kết' nhau. Còn một tần số...phi âm nhạc là cứ đè em nào ít vải coi tới cho đáng tiền mua đĩa. Tạo điều kiện cho những trung tâm thiếu đứng đắn, chỉ tuyển lựa ca sĩ không sợ lạnh. Có lẽ vậy nên nhạc sĩ 'Tôi đưa em sang sông-Nhật Ngân' ngồi ở vị trí Ban giám khảo trong cuộc thi tuyển lựa tài năng của trung tâm Thúy Nga năm 2007 đã phát biểu sau khi thí sinh Quỳnh Vi hát. 'Nghe Quỳnh Vi hát thì những ca sĩ đã có tên tuổi phải tự coi lại mình'. Phải chăng, ông nhắc nhở những lực sĩ cơ bắp, những kiều nữ gợi cảm và cả trung tâm hãy trả lại cho sân khấu ca nhạc tính truyền thống của nó để tôn trọng khán giả và chất giọng tương xứng để tôn trọng tác giả bài hát. Phía khán giả cũng đừng đòi hỏi, yêu cầu quá đáng - những Eva nảy lửa đăng đàn để trình bày nhiều thứ khác hơn giọng hát.

Như vậy, 'sến' đã hình thành và phát triển không ngừng nghỉ với mọi lĩnh vực khác của xã hội. Sến đến từ đâu? Đi về đâu? Số phận của 'sến' ở hải ngoại, có gì khác trong nước? 'Sến' đến tự nhiên theo nhịp điệu cuộc sống. Đi về tương lai rạng rỡ hơn lên so với những lãnh vực khác của xã hội vì xã hội văn minh theo đà phát triển khinh xuất của khoa học kỹ thuật thì bỏ lại sau lưng thật nhiều người dở khóc dở cười.

Ra hải ngoại, chỉ tiếc cho bộ môn Cải lương bị xếp đồng hạng với nhạc sến từ trong nước. Cải lương ở hải ngoại không thịnh hành mấy vì khán giả của bộ môn này đã mai một nhiều. Trong một chương trình ca nhạc do bất cứ trung tâm nào thực hiện ở hải ngoại đều có một màn ca cổ để đáp ứng cho những người già. Khi những người già hiện tại không còn nữa, màn vọng vổ hay tân cổ giao duyên trong một chương trình ca nhạc còn không? Thật đáng tiếc khi Cải lương cũng là một bộ môn nghệ thuật như tất cả những bộ môn nghệ thuật khác, việc xây dựng nhân vật trong Cải lương cũng không khác gì nhân vật trong văn học - có đầy đủ tính thời đại từ ngôn ngữ ứng xử tới hành vi, đạo đức... Nói chung, người còn quan niệm coi Cải lương là lạc hậu, không đáng quan tâm vì nay quan niệm ấy là một sai lầm và đang mỗi lúc chiếm tỷ lệ ít dần đi của người thưởng ngoạn bây giơ,ø từ trong nước ra nước ngoài./.