Home Giải Trí Thắng Cảnh VN Bí ẩn tháp Chàm NinhThuận

Bí ẩn tháp Chàm NinhThuận PDF Print E-mail
Tác Giả: Saigonecho sưu tầm   
Thứ Năm, 06 Tháng 11 Năm 2008 08:30

 Tỉnh Ninh Thuận còn nhiều di tích kiến trúc cổ của người Chăm là các tháp, các làng nghề truyền thống. Hiện nay, tỉnh còn ba tháp cổ là: tháp Pôklông Garai, tháp Hòa Lai, tháp Pôrômê được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia, nơi đây vẫn là điều bí ẩn đối với nến kiến trúc đương đại. Tháp Chàm là bằng chứng sinh động nhất về một nền văn minh rực rỡ của Nhà nước Chămpa. Tháp Chàm Ninh Thuận có hai phong cách của hai thời kỳ: phong cách sớm và phong cách muộn.
Tháp Hòa Lai

Tháp Hòa Lai được xếp vào loại phong cách muộn, thuộc địa phận thôn Ba Tháp, xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Tháp được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ IX, trên một diện tích 200m2, rộng 125m. Trước đây gồm có 3 tháp nhưng hiện nay chỉ còn lại 2 tháp là tháp Bắc và tháp
Nam nhưng cũng trong tình trạng hoang tàn. Một thân tháp hình khối lập phương khỏe khoắn, nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả hệ thống các tầng tháp nhỏ dần. Các tháp còn lưu lại những hoa văn được điêu khắc rất tỉ mỉ, tinh xảo và tuyệt đẹp trên vòm cửa, trụ ốp, diềm mái... Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu phương Tây, khu tháp Hoà Lai hay còn gọi là Tam Tháp là một trong những cụm di tích Chăm cổ nhất và đẹp nhất hiện còn tồn tại.

       

Tháp Bắc có 4 trụ bổ tường, mỗi trụ được trang trí rất đẹp, phía dưới các trụ còn thể hiện những mảng điêu khắc đẹp và hình tượng chim Garuda giang rộng cánh. Trên mỗi đầu các trụ bổ của các mái chìa có các diềm mũ để trang hoàng. Các cửa giả được trang trí với những vòng cung và những hình người được thể hiện trong tư thế ngồi. Hình thức trang trí ở tháp Nam đơn giản hơn, cũng có 4 trụ bổ tường với những đường nét bên dưới và những diềm mũ với các hoa văn trang trí ở mái chìa, các cửa giả được trang trí vòng cung lớn nhưng không tỉ mỉ như tháp Bắc. Tháp có 3 tầng mái, mỗi tầng có một hốc giả trang trí bởi các vòng cung. Các tháp này sau một thời gian dài bỏ phế, người Chăm đã không cúng bái. Nay tháp đang được trùng tu và bảo quản.

 

  

  Tháp PôKlông Garai

 Được xem là đại diện của phong cách muộn (đầu thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII), di tích tháp PôKlông Garai được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIII đầu thế kỷ XIV, nằm trên đồi Trầu thuộc phường Đô Vinh, cách trung tâm thị xã Phan Rang - Tháp Chàm 9 km về hướng tây bắc. Đây là một công trình độc đáo, được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật và điêu khắc Chăm. 

 Tháp PôKlông Garai gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau, nhưng hiện nay còn lại ba ngôi tháp xây bằng gạch Chăm. Đó là tháp Cổng (cao 8,56m), tháp Lửa (cao 9,31m) và tháp Chính- tháp thờ vua PôKlông Garai (cao 21,59m, mỗi cạnh rộng hơn 10m). Bố cục và cấu trúc của mỗi tháp là cả một công trình nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của từng tháp được chạm khắc trang trí bằng các hoạ tiết gốm, đá với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần. Tất cả công trình chạm trổ, điêu khắc đều phản ánh đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm.
Tháp Pôrômê


Được coi là phiên bản của tháp PôKlông Garai. Tháp Pôrômê là ngôi tháp được xây dựng khá muộn, tháp được xây dựng trên một quả đồi cao chừng 50m thuộc làng Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Khu tháp này có 3 ngọn tháp nhưng nay chỉ còn một cây tháp chính thờ Pôrômê, còn tháp phụ phía sau thờ Hoàng hậu và tháp bên phải thờ thần Hỏa đã bị hủy hoại hoàn toàn. Tháp chính Pôrômê về bố cục và hình dáng giống tháp Pôklongiarai nhưng nhỏ hơn một chút, cao chừng 18m, cạnh chân dưới 8m, các đường gờ ngang và cột ốp dọc ít hơn, các tượng gắn với tháp chỉ có ở hai tầng dưới. Theo các cụ già ở đây truyền lại rằng, tháp này vốn của Po Mun Taha là bố vợ của Pôrômê. Sau này Pôrômê được bố vợ truyền ngôi nhờ có nhiều công và được thờ trong tháp này.

 Có thể thấy sự thừa hưởng có tính sáng tạo rất rõ nét ở công trình nghệ thuật kiến trúc này. Trong đó, Linga tám tay với khuôn mặt của vua thần hóa Pôrômê là một ví dụ. Hình bà Thu Chí (bà Trinh Nữ), vợ của vua ở miếu thờ với bộ ngực tròn, đầy đặn, nở nang và đôi mắt vô cùng sống động của một cô gái Chăm cũng nói lên điều đó.

 

Từ toàn cảnh tháp Chăm và dừng lại ở một số khu tháp tiêu biểu, có thể thấy, tháp Chăm là một loại kiến trúc tôn giáo, được xây dựng thành từng cụm, thường hướng phía Đông, nơi mặt trời mọc để xua tan đêm tối, làm chỗ dựa tinh thần của người Chăm, đồng thời gợi về cộng đồng Mã Lai - Đa đảo, là tiền đề tạo nên sự hoành tráng cho kiến trúc của những cư dân vùng biển cả. Trong mỗi cụm kiến trúc có một tháp chính và một số tháp phụ bao quanh, bố cục theo nguyên tắc hướng tâm, cho thấy nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của dân tộc Chăm đã góp phần không nhỏ vào kho báu nghệ thuật Việt Nam nhiều thành tựu lớn lao.