Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Cuộc chiến Việt Nam nhìn từ nhiều phía

Cuộc chiến Việt Nam nhìn từ nhiều phía PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Tư, 24 Tháng 9 Năm 2008 00:49

Lê Hải
BBCVietnamese.com
 
Đề tài cuộc chiến Việt nam vẫn tiếp tục được các nhà làm sử ở Hoa Kỳ quan tâm, bên cạnh các phương pháp khoa học mới còn có nguồn sử liệu từ Việt Nam đang ngày càng nhiều hơn.
Từ bỏ lối viết sử theo quan điểm của chính quyền, hay của người chiến thắng, là chủ trương của nhóm sử gia Anh-Mỹ trong tác phẩm mới xuất bản 'Making sense of the Vietnam wars: Local, National and Transnational Perspectives'.

Lịch sử cần phải được xét qua nhiều chiều, từ nhiều góc nhìn của các bên khác nhau cùng tham gia sự kiện - đây là trào lưu mới trong ngành sử học hiện đại, mà trong số các đầu tàu có sử gia cộng sản Eric Hobsbawm.

Xét lại lịch sử cuộc chiến Việt Nam từ nhiều hệ qui chiếu: Mỹ-Việt, Nam-Bắc, địa phương-quốc tế... là đề tài được GS Mark Bradley theo đuổi nhiều năm qua với hàng chục bài viết khoa học và tác phẩm về bản sắc Việt Nam hậu thuộc địa được giải Harry J. Benda năm 2000 của hiệp hội nghiên cứu Á châu.

Lời kể hay tự sự (narrative) trong các tiểu thuyết được dịch sang tiếng Anh, như Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, được hai giáo sư phụ trách biên tập là Mark Philip Bradley và Marilyn B. Young đánh giá cao, cho phép hiểu được cái nhìn trực tiếp từ những người lính cộng sản, chứ không phải lãnh đạo của họ.

Tận dụng kho lưu trữ hàng trăm cuộc phỏng vấn với những người chiêu hồi ở Tiền Giang (Định Tường), David Hunt dựng lại bối cảnh và sự lựa chọn của những người nông dân Nam Bộ thời bấy giờ, không phải giữa hai thể chế hay hai hệ tư tưởng, mà là hai kiểu sống nông thôn nghèo và đô thị phồn vinh nhưng không dễ làm giàu.

Kwon Heon-ik cũng xác nhận tình huống tương tự ở vùng nông thôn Đà Nẵng, nơi mâu thuẫn giữa hai phe quyết liệt hơn và ranh giới giữa sự sống và sự chết chỉ là trong gang tấc, nhưng đối với anh thương binh Lập thì cả quân Mỹ, quân cộng hòa, lẫn quân cộng sản đều là "thủ phạm" của cái chân bị cụt.

Có cơ sở là những lần nghiên cứu thực địa ở miền trung Việt Nam, Kwon Heon-ik có điều kiện phát triển sâu hơn góc nhìn của mạng lưới xã hội mà phe cộng sản đã xây dựng trong lòng dân chúng: "cơ sở cách mạng".

Tập sách không chỉ đem lại câu trả lời từ nhiều chiều cho những ai muốn tìm hiểu cuộc chiến Việt Nam, và những người Mỹ muốn hiểu một trang sử quan trọng của thế giới trong thế kỷ 20, bài tổng kết của David W.P. Elliott còn mở ra cho các sử gia một hướng nghiên cứu mới mà ông phát hiện thấy ở Việt Nam: dã sử.

Bản thân từng làm việc ở Sài Gòn và Tiền Giang thời chiến tranh, có vợ là người Việt Nam, giáo sư ngành chính trị và quan hệ quốc tế tại đại học Pomona, David Elliott được coi là chuyên gia thuộc loại hàng đầu về các thay đổi xã hội ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông kết luận:
"Khó khăn lớn nhất cho các nhà làm sử tương lai về cuộc chiến Việt Nam là làm sao để bóc hết nhiều lớp vỏ bị đặt chồng chất lên các sự kiện mà họ đang tái kiểm tra để nhìn xem chúng được hiểu như thế nào lúc đương thời."


 Hình Bìa sách Making Sense of the Vietnam Wars

Cuộc chiến Việt Nam tiếp tục là đề tài thu hút nhiều chú ý ở Mỹ
   
Từ bỏ góc nhìn chính thống


GS Mark Philip Bradley
 "Một thế hệ sử gia trong thập niên 1990 từ bỏ góc nhìn quốc gia-dân tộc để đi tìm nhân sinh quan phù hợp hơn như địa phương, đa sắc tộc, vùng miền và toàn cầu."