Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Đảng Cộng Sản đã giết chết Cách Mạng Tháng Tám

Đảng Cộng Sản đã giết chết Cách Mạng Tháng Tám PDF Print E-mail
Tác Giả: Bai An Tran   
Thứ Bảy, 25 Tháng 10 Năm 2008 13:53

Phạm Trần

“… với thời gian 17 năm (1991 – 2008) , đảng CSVN đã làm được gì cho dân cho nước, ngoài “quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống?…”

Đảng Cộng sản Việt Nam lúc nào cũng giành cuộc Cách Mạng Tháng 8 năm 1945 của toàn dân làm của riêng mình, nhưng tình thần và ý chí của cuộc Cách Mạng ấy đã bị người Cộng sản bóp chết từ lâu nên 63 năm sau đất nước vẫn đói nghèo, lạc hậu.

Hãy đọc Vũ Duy Thông viết trong báo điện tử ĐCSVN ngày 19/08/2008: “Bối cảnh lịch sử ngày nay đã thay đổi, không còn giặc giã, không còn bom đạn, không còn đòi hỏi phải sẵn sàng hi sinh xương máu, nhưng sự gian khổ để vượt qua lạc hậu, đói nghèo không hẳn đã thua kém giai đoạn lịch sử trước. Với những người thuộc thế hệ Cách mạng tháng 8, cuộc sống hôm nay quả là đã thay đổi một trời một vực so với ngày xưa. Nhưng với thế hệ sinh ra vào những năm cuối của thế kỷ 20, họ vô cùng bức xúc thấy chúng ta còn một khoảng cách quá xa để sánh ngang được với nhiều nước, ngay cả những nước láng giềng và rút ngắn được khoảng cách đó là vô cùng khó khăn. Chỉ so sánh về GDP bình quân theo đầu người thôi, Singapore là 50.000 USD, Hàn Quốc là 23.000 USD; Hồng Kông là 30.000 USD, nhiều tỉnh của Trung Quốc là 20.000 USD thì Việt Nam trên dưới 800 USD. Vấn đề không chỉ ở chỗ phấn đấu để GDP tính theo đầu người theo kịp các nước đó mà điều có tính chất sống còn là tạo được sự phát triển vững chắc của toàn bộ nền kinh tế từ cơ sở hạ tầng; trình độ lao động; trình độ khoa học-công nghệ; chất lượng cuộc sống của người lao động; phúc lợi công cộng; sự công bằng xã hội và nhiều chỉ tiêu khác.” (Chú thích : GDP, Gross Domestic Product là giá trị của lợi tức tính cho mỗi đầu người trong một năm của một nước)

Đó là giấc mơ còn lâu Việt Nam mới đạt được, vì đảng CSVN chưa có khả năng xây dựng hạ tầng cơ sở kinh tế bền vững. Muốn mạnh về kinh tế, Việt Nam phải từ bỏ chủ trương kinh tế do nhà nước chủ qủan, hay chỉ huy; phải triệt để tôn trọng tự do phát triển, cạnh tranh và kinh doanh lành mạnh trong khuôn khổ luật pháp công bình đối với mọi thành phần trong xã hội và người nước ngoài.

Nhưng muốn nâng cao hơn mức lợi tức hiện nay khỏang 800 Mỹ kim cho mỗi đầu người dân, trẻ em không phân biệt của mọi thành phần trong xã hội Việt Nam phải được học hành đến nơi đến chốn; nhà nước phải có chính sách giáo dục thực dụng và phương tiện để nâng cao trình độ học vấn, khoa học và kỹ thuật cho thanh, thiếu niên. Tiếc thay, nền giao dục hiện nay của Việt Nam vẫn coi “hồng” với Mác-Lênin hơn “chuyên” với chữ nghĩa; vẫn nhồi nhét, lạc hậu, và thiếu công bằng; vẫn mánh mung, chạy chọt; vẫn gian dối và tệ hại hơn còn có cả bịa đặt để thay đổi lịch sử thì làm sao có thể mở mắt để vươn lên với các nước trong khu vực ?

Tại sao một nước không còn chiến tranh đã hơn 30 năm rồi mà vẫn còn chậm tiến, lạc hậu ? Trên nhiều phượng diện, thấp kém hơn thời miền Nam còn chế độ Việt Nam Cộng Hoà !

Hãy nghe Giáo sư Trương Nguyên Trân của Đại học Bách khoa Paris phát biểu : “Trong dịp về nước vừa qua theo lời mời của Bộ GD&ĐT để tham dự IPhO 2008, tôi thấy báo chí trong nước ngợi khen quá mức thành tích của những thí sinh Việt Nam trong kỳ thi đó và coi đó là một dấu hiệu về sự phát triển của trình độ KH nước nhà chẳng thua kém ai”.

“Đây là một ảo tưởng vô cùng nguy hiểm vì những giải thưởng cao trong những kỳ thi Olympic quốc tế chỉ phản ánh một phần nào sự đào tạo ở cấp 3 của chúng ta không phải là lạc hậu, và có thể nói là tốt nhờ chương trình đào tạo tốt ở những lớp chuyên (nhưng lại hẹp hòi vì sự hiểu biết tổng quát trên đời sống lại thấp so với sự đào tạo ở phương Tây). Nhưng muốn trở thành nhà khoa học, chúng ta không thể ngừng ở mức này (điều này nhiều nhà khoa học trong nước cảnh báo, nhưng dường như chẳng mấy được quan tâm). Trong khi đó, tiếp xúc với một số bậc khoa học lão thành có uy tín lớn và nhiều nhà khoa học có tài năng và tâm huyết với sự phát triển khoa học và giáo dục, họ đã bày tỏ sự lo lắng về trình độ KH&CN (Khoa học, Công nghệ) của chúng ta tụt hậu ngày càng xa so với ngay một số nước trong khu vực, và về việc chậm cải tổ nền giáo dục đại học nước nhà.”

“Thực trạng trên theo tôi có nhiều nguyên nhân, nhưng trước hết là do từ nhiều năm nay chúng ta không có được một chính sách, chiến lược phát triển nghiên cứu và giảng dạy đại học phù hợp với sự phát triển của KT-XH (chúng ta có một số nhà khoa học, quản lý giỏi có thể làm được điều này, nếu được Nhà nước lắng nghe, được trọng dụng), và sự đánh giá thiếu chính xác nhiều lĩnh vực trong hoạt động KHCN (trong quá khứ, một vài nhà lãnh đạo đã vô ý đi sai đường và đã làm gương xấu cho thế hệ trẻ, như chuyện viện sỹ New York!). Có dịp đến thăm những trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc, tôi thấy người ta làm việc rất nghiêm chỉnh, trong khi đó, chúng ta lại mất thì giờ để tranh giành ảnh hưởng không dựa trên tiêu chuẩn khoa học mà qua những tiêu chuẩn ngoài khoa học…”

“Sự đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học phải dựa vào những tiêu chuẩn quốc tế, những công trình phải có sự tham gia của những hội đồng gồm những nhà khoa học giỏi nước ngoài hay Việt kiều phối hợp với những nhà khoa học có uy tín ở trong nước và phải được công bố trên những tạp chí có tiếng ở nước ngoài không chỉ trong những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản mà cả nghiên cứu ứng dụng. Chúng ta đánh giá quá cao những chương trình có giá trị tạm thời, những tổ chức hội nghị quốc tế không đúng và không có ích để giúp nâng cao trình độ khoa học trong nước, như những sự thăm viếng của những nhà khoa học được giải Nobel để cho người trong nước có được cảm tưởng là khoa học chúng ta đã đạt được trình độ cao. Cố nhiên những sự viếng thăm của các nhà khoa học được giải Nobel có tác dụng tốt là giúp và kích thích thế hệ trẻ hướng về nghiên cứu khoa học, nhưng tác dụng hại của nó, ngoài ý muốn của những nhà khoa học được giải Nobel, là làm ru ngủ các nhà quản lý về trình độ khoa học của chúng ta.” (Trích: Tạp chí Tia Sáng (Bộ Khoa học và Công nghệ), số 16 ngày 20-8-08)

Đảng làm gì ?

Về mặt cán bộ, đảng viên – lớp người cai trị dân, chúng ta hãy đi theo các Nghị quyết của đảng CSVN từ thời Đỗ Mười (năm 1991 Đại hội đảng kỳ VII) đến nay để biết họ đã “đổi mới” ra sao.

Nghị quyết ngày 27-6-1991 viết : “ Đội ngũ cán bộ tuy có thay đổi khá nhiều nhưng chưa tạo ra chất lượng mới, công tác cán bộ có nhiều khuyết điểm…Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm chưa tốt; quản lý cán bộ chưa khoa học, nắm cán bộ không chắc. Trong nhận xét, đánh giá, bố trí, đề bạt cán bộ, không ít trường hợp còn theo quan điểm cũ, thiếu dân chủ… Tư tưởng cá nhân, cục bộ địa phương, phong kiến còn nặng làm cho việc đánh giá, sử dụng cán bộ nhiều khi thiếu chính xác…”
 
“Dân chủ trong Đảng còn hạn chế, kỷ luật không nghiêm, một số nơi mất đoàn kết nghiêm trọng. Không ít cấp uỷ và tổ chức đảng thiếu tôn trọng và phát huy quyền của đảng viên, ít lắng nghe ý kiến cấp dưới. Không ít cán bộ lãnh đạo chưa quen với những thông tin ngược chiều, không thích nghe ý kiến khác với ý kiến của mình. Còn thiếu những cơ chế cụ thể có hiệu lực bảo đảm phát huy dân chủ, thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng. Có những quy định trong Điều lệ Đảng, trong các quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương và các cấp uỷ không được chấp hành nghiêm túc. Hiện tượng cán bộ lãnh đạo độc đoán, mệnh lệnh, trù dập, ức hiếp quần chúng còn xảy ra ở một số nơi, có khi rất trắng trợn.”

“ Trong khi tình trạng mất dân chủ hoặc dân chủ hình thức còn nặng thì những biểu hiện dân chủ cực đoan, tự do vô kỷ luật cũng không ít. Tệ bè cánh, mất đoàn kết ở một số cấp uỷ và cơ quan lãnh đạo rất nghiêm trọng. Công tác tư tưởng, công tác kiểm tra chưa thường xuyên và chặt chẽ, nhiều lúc thiếu sắc bén, kịp thời, còn hữu khuynh trong đấu tranh chống tiêu cực và các quan điểm sai trái, lệch lạc. Vẫn còn tình trạng "ô dù" bao che lẫn nhau làm cho việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước không nghiêm, còn "nhẹ trên, nặng dưới", để các hiện tượng tiêu cực phát triển, gây thắc mắc, bất bình trong Đảng và trong nhân dân...”

“…Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, phai nhạt lý tưởng, không phát huy được vai trò tích cực trong quần chúng. Tình trạng cán bộ, đảng viên vi phạm các nguyên tắc quản lý hoặc lợi dụng những sơ hở trong cơ chế quản lý để lấy cắp của công, ăn hối lộ, buôn lậu, làm giàu bất chính, vi phạm đạo đức, lối sống cách mạng có chiều hướng tăng lên, nhất là trong cán bộ hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý nhà nước và ngay cả trong một số cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan đảng và đoàn thể….”

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996), Đỗ Mười báo cáo: “Nạn tham nhũng, buôn lậu, lãng phí của công chưa ngăn chặn được. Tiêu cực trong bộ máy nhà nước, đảng và đoàn thể, trong các doanh nghiệp nhà nước, nhất là trên các lĩnh vực nhà đất, xây dựng cơ bản, hợp tác đầu tư, thuế, xuất nhập khẩu và cả trong hoạt động của nhiều cơ quan thi hành pháp luật,… nghiêm trọng kéo dài. Việc làm đang là vấn đề gay gắt. Sự phân hóa giàu nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn và giữa các tầng lớp dân cư tăng nhanh. Đời sống một bộ phận nhân dân, nhất là ở một số vùng căn cứ cách mạng và kháng chiến cũ, vùng đồng bào dân tộc, còn quá khó khăn. Chất lượng giáo dục, đào tạo, y tế ở nhiều nơi rất thấp. Người nghèo không đủ tiền để chữa bệnh và cho con em đi học…. Văn hóa phẩm độc hại lan tràn. Tệ nạn xã hội phát triển. Trật tự an toàn xã hội còn nhiều phức tạp”.

“….Bộ máy đảng, nhà nước, đoàn thể chậm được sắp xếp lại, tinh giản và nâng cao chất lượng; còn nhiều biểu hiện quan liêu, vi phạm nghiêm trọng quyền dân chủ của nhân dân. ... Năng lực và phẩm chất của đội ngũ cán bộ chưa tương xứng với yêu cầu của nhiệm vụ. Điều đáng lo ngại là không ít cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hóa về phẩm chất, đạo đức; sức chiến đấu của một bộ phận tổ chức cơ sở đảng suy yếu”.

Đến thời Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư đảng khóa VIII, báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: “Nền kinh tế phát triển chưa vững chắc, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp. Một số vấn đề văn hoá, xã hội bức xúc và gay gắt chậm được giải quyết. Cơ chế, chính sách không đồng bộ và chưa tạo động lực mạnh để phát triển. Tình trạng tham nhũng, suy thoái ở một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là rất nghiêm trọng”.

“ Sở dĩ có tình trạng đó là do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính: việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Một số quan điểm, chủ trương chưa rõ, chưa có sự nhận thức thống nhất và chưa được thông suốt ở các cấp, các ngành. Cải cách hành chính tiến hành chậm, thiếu kiên quyết, hiệu quả thấp. Công tác tư tưởng, công tác lý luận, công tác tổ chức, cán bộ có nhiều yếu kém, bất cập”.

Sau Đại hội này, Nông Đức Mạnh nắm chức Tổng Bí thư, nhưng liệu hàng ngũ đảng CSVN có khá hơn không ?

Hãy cùng nghe Nguyễn Phú Trọng, thay mặt đoàn Chủ tịch khóa IX trình bày trước Đại hội X ngày 24 tháng 4 năm 2006: “Về 20 năm đổi mới, một số ý kiến đề nghị cần nhấn mạnh mặt trái của cơ chế thị trường xâm nhập quá nhanh, nhưng các giải pháp khắc phục còn chắp vá, chưa theo kịp thực tế; đề nghị đánh giá rõ hơn 4 nguy cơ và dự báo hậu quả do các nguy có đó gây ra để có biện pháp khắc phục, đồng thời bổ sung thêm một nguy cơ nữa là phân hoá giàu – nghèo ngày càng lớn, dẫn đến nguy cơ gây mất ổn định xã hội. Cần bổ sung bài học chống quan liêu, tham nhũng, thoái hoá, biến chất của cán bộ, đảng viên, bài học về công tác cán bộ; về giữ vững ổn định chính trị, thực hiện dân chủ, v.v.”

“Một số ý kiến đề nghị cần nêu lại “bốn nguy cơ” mà Đại hội IX của Đảng đã nêu, vì các nguy cơ này hiện nay vẫn còn tồn tại và có mặt phát triển rất đáng lo ngại. Có ý kiến cho rằng, tham nhũng không còn là một nguy cơ nữa mà đã là một thực tế, một quốc nạn; tụt hậu xa về kinh tế cũng không phải là một nguy cơ, mà là một thực tế, trong Đảng ta không có “nguy cơ chệch hướng”, nêu lên nguy cơ đó làm kìm hãm sự năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, gây tâm lý rụt rè, ngần ngại trong hoạt động thực tiễn vì sợ “chệch hướng”.

“Đoàn Chủ tịch nhận thấy:
Các Đại hội gần đây của Đảng nêu “bốn nguy cơ” là hàm ý chỉ ra những thách thức, những vấn đề nếu không được giải quyết tốt thì có thể đe doạ sự sống còn của chế độ; và đó là thực tế khách quan. Đến nay những nguy cơ đó vẫn tồn tại, thậm chí có một số mặt gay gắt hơn. Nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa” là có thật, chúng ta không được mơ hồ, mất cảnh giác. Tuy nhiên, để tránh gây tranh cãi không cần thiết về thế nào là nguy cơ, có mấy nguy cơ, Báo cáo chính trị không dùng cụm từ “bốn nguy cơ” mà nói thẳng nội hàm của các nguy cơ, các thách thức đối với nhân dân ta như sau:

“Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào.

1) Nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới vẫn tồn tại.

2)Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí là rất nghiêm trọng.

3) Những biểu hiện xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội chưa được khắc phục.

4) Các thế lực thù địch thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta”.

Nhiều cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Ðảng; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt đảng, nội dung sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới; chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc; bệnh thành tích còn nặng và khá phổ biến. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí phấn đấu, vi phạm nguyên tắc Ðảng, tự phê bình và phê bình yếu. Tình thương yêu đồng chí bị giảm sút. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả.”

Đến nay đảng khóa X đã đi gần hết nửa chặng đường nhiệm kỳ 5 năm, nhưng tình trạng chậm “đổi mới” của cán bộ, đảng viên xem ra vẫn trơ ra như đá.

Trong 2 ngày, 25 và 26-2-2008, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Theo Tạp chí Cộng sản ngày 27/02/2008, Nông Đức Mạnh đã lên tiếng tại Hội nghị về “những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác tổ chức xây dựng Ðảng: Việc sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức đã có chuyển biến tích cực, nhưng còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả về tổ chức, bộ máy sau khi sắp xếp, hợp nhất”.

Ông Mạnh phê bình: “hông ít cơ sở đảng yếu kém, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu thấp, sinh hoạt đảng và quản lý đảng viên lỏng lẻo, nội dung sinh hoạt nghèo nàn; tự phê bình và phê bình yếu. Việc đánh giá tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vẫn chưa thực chất, còn hình thức. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục...”

Ngày 3/3 (2008) báo điện tử của Trung ương đảng lại viết: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn nhiều mặt yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới. Không ít tổ chức cơ sở đảng chưa nhận thức sâu sắc vị trí của tổ chức cơ sở đảng, chưa thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng theo quy định, chưa phát huy được vai trò hạt nhân chính trị ở cơ sở. Việc phổ biến, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn hời hợt, hình thức, chất lượng thấp; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên ở cơ sở còn làm qua loa, chiếu lệ, tính định hướng, tính chiến đấu và tính thuyết phục chưa cao....Một số tổ chức cơ sở đảng bị tê liệt; một số tổ chức cơ sở đảng vì lợi ích cục bộ đã ra nghị quyết, quyết định trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước....”

“...Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí phấn đấu, tinh thần đấu tranh, tự phê bình và phê bình yếu; hiện tượng nể nang, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh đang phổ biến trong Đảng. Tình thương yêu đồng chí bị giảm sút. Bệnh cơ hội, thực dụng và tình trạng mê tín dị đoan trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có xu hướng ngày càng tăng. Tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên rất đáng lo ngại; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chưa được ngăn chặn, đẩy lùi.... Nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm đạo đức, lối sống liên quan đến cán bộ, đảng viên nhưng cấp uỷ, chi bộ không phát hiện được, khi phát hiện thì việc đấu tranh và xử lý ở nhiều nơi không kiên quyết, triệt để...”

“....Một số đảng viên mới nhận thức chính trị còn thấp, một số vào Đảng với động cơ vụ lợi, mục đích vào Đảng là để có điều kiện tiến thân, khi không đạt được mục đích, nguyện vọng cá nhân thì sinh ra tư tưởng “an phận thủ thường”, trung bình chủ nghĩa, nói không đi đôi với làm, không thể hiện vai trò tiền phong gương mẫu. ..”

Như vậy, với thời gian 17 năm (1991 – 2008) , đảng CSVN đã làm được gì cho dân cho nước, ngoài “quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống “ ?

Những thứ “xuống cấp” này có nằm trong “ánh hào quang” mà người CSVN đang khoe nhân dịp kỷ niệm lần thứ 63 của cuộc Cách Mạng Tháng 8 chăng ?