Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Miền Bắc sau 1954 (III)

Miền Bắc sau 1954 (III) PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Lục DVCOnline   
Thứ Hai, 17 Tháng 11 Năm 2008 12:44

Hệ lụy của chính sách Cải cách ruộng đất (CCRĐ) ở miền Bắc tháng 5, 1955

Bài viết này không nhẳm trình bày đầy đủ về chính sách cải cách ruộng đất, nhưng chỉ đưa ra một vài nhận xét tiêu biểu về sự sai lầm nghiêm trọng của chính sách này về mặt thực tế, pháp lý vv. Tiêu biểu sai lầm nhất của chính sách CCRĐ là đã không tìm ra được kẻ thù đích thực là: Bọn địa chủ.

Ai là địa chủ?

Chính quyền cộng sản lúc bấy giờ chia ra 6 loại địa chủ: Địa chủ phản bội như phục vụ thực dân Pháp, địa chủ phản động tham gia đảng phái như Quốc Dân Đàng, địa chủ gian ác hà hiếp dân lao động, địa chủ kháng chiến có công với kháng chiến, địa chủ thường có từ 3 đến 5 mẫu ta, không giàu và địa chủ khác là các ông đồ nho có chút dư giả. (Trích Nông dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 19)

Phân chia ra như vậy, nhưng lúc thi hành thì lại khác.

Nạn nhân đầu tiên: Bà Nguyễn Thị Năm

Ngay đợt đầu cải cách diễn ra ở Thái Nguyên, đã có việc đánh nhầm đối tượng là bà Nguyễn Thị Năm, một địa chủ có đồn điền, có công với kháng chiến, đã từng nuôi đưỡng chứa chấp những người như Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt. Bà lại có hai con trai tham gia kháng chiến từ đầu, có công với kháng chiến trong việc chống Pháp. Thí điếm cải cách ruộng đất đầu tiên, Pilot land reform, diễn ra ở 6 làng thuộc tỉnh Thái Nguyên từ tháng 12, 1953 đến tháng 3, 1954, Bao gồm 10.792 người trong đó có nạn nhân là bà Năm.

Trong một Hồi ký rất nên đọc, Làm người rất khó, làm người xã hội chủ nghĩa khó hơn, nguyên phó thủ tướng, ông Đoàn Duy Thành viết về vụ bắn bà Năm như sau:

“Đánh một địa chủ ủng hộ kháng chiến, một địa chủ hiến ruộng, địa chủ kiêm công thuơng là ba cái sai lầm. Bắn một địa chủ là nữ, không phải là cường hào gian ác sẽ trái đạo lý thông thường của người Việt Nam. Sau này được biết, khi chuẩn bị bắn, bác Hồ can thiệp và nói đại ý: Chẳng lẽ CCRĐ không tìm được một tên địa chủ, cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao? Nhưng cán bộ thừa hành bá cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời là:” Hổ đực hay hổ cái, đều ăn thịt người cả. Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm”

Theo Thành Tín, theo luận điệu của đội CCRĐ là:

“Việc con mụ Năm đã làm chỉ là giả dối, nhằm chui sâu, leo cao vào hàng ngũ Cách Mạng để phá hoại. Hồ Chí Minh sau khi nghe Hoàng Quốc Việt chạy về bá cáo vụ bà Nguyễn Thị Năm nói: Không ổn, không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ sung vào một phụ nữ và lại là một người từng nuôi cán bộ cộng sản và mẹ một chính ủy Trung đoàn quân đội nhân dân đang tại chức”.

Thế nhưng sau đó, không có gì động đậy cả, ông Hồ giữ im lặng, không can thiệp. (Trích Mặt Thật, Thành Tín, trang 38-39) Hồ Chí Minh biết việc đấu tố và tử hình bà Năm, nhưng ông đã không can thiệp gì cả. Theo nhà văn Vũ Thư Hiên trả lời một câu hỏi về trách nhiệm của Hồ Chí Minh trong chính sách này, ông trả lời: “Hồ Chí Minh phải là người trách nhiệm chính vì ông đã ký sắc lệnh Cải Cách ruộng đất, dù người thực hiện là ông Trường Chinh”.

Theo ông Hoàng Tùng xác nhận, vụ án Bà Nguyễn Thị Năm đã được bộ chính trị họp và quyết định. Riêng ông Nguyễn Minh Cần, Phó chủ tịch Hà Nội than:

“Những người đứng đầu chính phủ đã từng được bà che dấu, nuôi ăn, tặng vàng, nay đang làm chủ tịch nước, Tổng Bí Thư. Ủy viên ban chấp hành, Thủ tướng, phó thủ tướng đã lạnh lùng chuẩn y một bản án tử hình như vậy. Phát súng đầu tiên của CCRĐ đó tự nói lên nhiều điều về các lãnh tụ cộng sản. Nó báo trước những tai họa không lường cho dân tộc”.

(Trích Nguyễn Minh Cần, Xin đừng quên tội ác nửa thế kỷ trước.)

Tổng kết các đợt CCRĐ theo Hồ Việt Thắng

Hồ Việt Thắng là cánh tay mặt của Trường Chinh, được cho đi học ở Trung Cộng về CCRĐ, về phương pháp đấu tố để đem về áp dụng tại Việt Nam. Có tất cả 5 đợt Cải cách và một đợt thí điểm lúc ban đầu ở Thái Nguyên.

Đợt thí điểm tiến hành trong: 6 xã và 10.792 nhân khẩu

Đợt 1: 53 xã và 109.675 nhân khẩu

Đợt 2: 210 xã và 480.563 nhân khẩu

Đợt 3: 466 xã và 1.207.294 nhân khẩu

Đợt 4: 859 xã và 2.564.105 nhân khẩu

Đợt 5: 1732 xã và 6.140.127 nhân khẩu

(Trích Nhận xét về CCRĐ, đợt 5, Hồ Việt Thắng, Talawas,30/09/2005)

Theo bảng tổng kết trên, các đợt CCRĐ đã thực hiện trên 3267 xã trên toàn miền Bắc và ảnh hưởng tới 9.512.556 người. Tức 2/3 dân số miền Bắc. Và theo Hồ Việt Thắng, có hơn 6 triệu nông dân lao động miền Bắc đã thoát khỏi cảnh lầm than, giành lại được ruộng, để vươn mình và đã thật sự làm chủ nông thôn.

Từ nay, quyền chiếm hữu ruộng đất phong kiến bị xóa bỏ vĩnh viễn.

Cũng kể từ nay, mỗi cố nông có 4 sào ruộng, mỗi bần có 4 sào 2 thưóc và mỗi trung nông có 4 sào 12 thước. (Ở miền Nam, mỗi đồng bào di cư ở vùng Cái Sắn được cấp 3000 mét vuông, tương đương 3 mẫu tây)

Và cũng theo Hồ Việt Thắng viết:

“Những bần cố nông trước đây không tấc đất cắm dùi hoặc thiếu ruộng, quanh năm lĩnh canh, cày thuê cuốc mướn, sống lam lũ tối tăm, luôn luôn bị đói rét, nợ nần, roi vọt và chết chóc đe dọa, ngày nay đã nghiễm nhiên trở thành chủ nhân chính đáng của đồng ruộng”.

Kể từ nay, họ bước vào cuộc đời mới.

Những sai lầm trong CCRĐ

Chúng ta không thể căn cứ trên tài liệu chính thức của cộng sản để nêu ra được những sai lầm trong CCRĐ. Chằng hạn, tài liệu của Trường Chinh với nhan đề: Sửa sai và tiến lên. Hay là những bài tham luận viết trên báo Quân Đội Nhân dân: “Chính trong sai lầm mà nhân dân ta càng vĩ đại, đảng ta càng thêm vĩ đại” Hay bài viết của Trung Anh: Suy nghĩ về vấn đề viết về những sai lầm trong cải cách ruộng đất, báo Văn Nghệ, 16/11/1956, Lại Nguyên Ân biên soạn)

Phải chịu khó lọc để tìm ra được đôi chút sự thật như các bài viết của Trần Huy Liệu: Xét lại Hồ sơ của giai cấp địa chủ. Hay Thư của Đặng Thái Mai gửi Trường Chinh ngày 19/06/1953

Sai lầm thứ nhất: Về diện tích đất đai

Miền Bắc rộng có 63.000 dậm vuông mà đến 2/3 là núi rừng, phần còn lại là miền Trung du và châu thổ sông Hồng Hà mà trên 90% làm nông nghiệp. Có nghĩa là khoảng 13,5 triệu dân làm nghề nông.

Diện tích đất đai miền Bắc là quá hẹp, thế mà trong đó phân nửa thuộc ruộng công thổ và ruộng của giai cấp Trung nông (Trung nông không là đối tượng truy sát của Cải cách ruộng đất) Phân nửa diện tích còn lại, địa chủ chiếm bao nhiêu diện tích đất? Và trung bình mỗi điạ chủ có bao nhiêu mẫu ruộng để bị đưa ra đấu tố?

Tính số ruộng ở miền Bắc được chính người cộng sản phân phối theo tỉ lệ như sau: Thực dân chiếm 1%. Tôn giáo chiếm 1,5%, Công điền, công thổ chiếm 25%, địa chủ chiếm 24.5 %, Phú nông 7.1%, Trung nông chiếm 29%, Bần nông 10%, Cố nông1%, những người khác 0,8%. (Trích Nông dân miền Bắc, Nguyễn Văn Canh, trang 19)

Như thế, cố nông (nghèo, không ruộng, không nhà cửa, đi làm thuê, bị địa chủ bóc lột) và bần nông (khá hơn, có thể có nhà cửa, có vài sào ruộng, nghèo, phải đi cấy rẽ hoặc cấy thuê cho địa chủ) chiếm 61% dân số, nhưng tỉ lệ chiếm hữu đất đai chỉ là 11.1% trong khi đó 5% phú nông (Có từ vài ba mẫu ruộng, có trâu cầy, nhưng mỗi mùa có thể phải thuê mướn vài người đế giúp cấy, gặt) và địa chủ. (Có nhiều ruộng hơn phú nông, không tự làm lấy đuợc, phải thuê người, hay cho thuê ruộng, cho vay tiền hay thóc, sống bằng sức lao động của người khác) thì chiếm 24.5%%.

Số ruộng của phú nông và địa chủ cộng lại mới đạt 31%. Số ruộng còn lại hơn 50% là thuộc đất công điền và Trung nông. (Trung nông là những người có từ 3 mẫu ta trở xuống, tự canh tác lấy và không thuê mướn người nên không không bóc lột ai cả) Số ruộng hơn phân nửa là ruộng công điền và trung nông, có nghĩa diện tích ruộng này không do địa chủ bóc lột.

Số ruộng còn lại do địa chủ nắm giữ là 24%. Nhưng nếu căn cứ vào thành phần địa chủ ác ôn mới là đối tượng bị đấu tố? Vậy thì số ruộng lấy lại từ địa chủ loại ác ôn là bao nhiêu?

Căn cứ theo bảng thống kê của Hồ Việt Thắng thí mỗi bần cố nông nay được làm chủ vỏn vẹn có 4 sào ruộng. 4 sào ruộng này có đủ để nuôi sống một gia đình nông dân không? Có đáng làm cuộc CCRĐ với đấu tố không?

Sai lầm thứ hai: Quá tả khuynh trong việc đánh địa chủ

Ngay từ tháng 3, 1954, Trần Huy Liệu đã viết một bài về: Xét lại “Hồ sơ” của giai cấp địa chủ gửi cho Hoàng Quốc Việt, một nhân vật chủ chốt trong CCRĐ sau Trường Chinh. Trần Huy Liệu cho rằng khác với Trung Quốc, địa chủ của ta đa số là trung và bậc tiểu mà phần đông lại là thành phần yêu nước, vì vậy cần có sách lược đối xử đúng mức.

Thật vậy, ruộng ít mà đa số ruộng thuộc đất công điền và thuộc trung nông. Tự nhiên, ruộng ít thì địa chủ phải ít.

Trong khi đó, các đội cải cách được lệnh truy lùng bọn địa chủ trong các làng phải đạt chỉ tiêu là 5% địa chủ. Không có thì phảì đi “bắt rễ”, phải tự “đi tìm nghèo, hỏi khổ” cho bằng được, phải đôn, phải kích cả những thành phần phú nông đến trung nông và họ trở thành nạn nhân. Ngay cả trường hợp họ đã chết thì vợ con vẫn bị đưa ra xét sử trước tòa án nhân dân và tịch thu tài sản.

Trong Hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh đưa ra cùng nhận xét: “Bắt oan, giết oan hàng vạn người. Mà thật ngu xuẩn. Làm sao địa chủ lại nhiều thế? 5%? Làm sao mà Quốc Dân Đảng lại có ở khắp mọi nơi. Đúng là rập khuôn theo Trung Quốc một cách cực kỳ ngu xuẩn”. (Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41)

Đó là trường hợp xã Sơn Trung, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây, một xã có chừng 1500 hộ gia đình với 7000 dân. Xã này có 20 gia đình bị quy vào thành phần địa chủ, cường hào, gian ác (tử hình) và 30 gia đình khác bị tù, 1955. 20 gia đình trong số 1500 gia đình thì chưa đủ tiêu chuẩn 5%. Vì thế, sang 1956, các đội được lệnh phải kích một số gia đình phú nông lên thành địa chủ để đạt được 5% địa chủ (Trích Nông Dân Bắc Việt những năm 1945-1970, Nguyễn Văn Canh, trang 44).

Cũng lại theo hồi ký của Nguyễn Đăng Mạnh:

Nguyễn Đăng Mạnh

Nguồn: RFI

 “Nhưng riêng xã tôi thì tìm mãi không ra thằng nào gian ác đáng xử bắn. Đoàn ủy liền cử người về chấn chỉnh. Tôi nhớ anh cán bộ đoàn tập hợp toàn đội lại ở một chái nhà dân quanh một cáí cối giã gạo. Anh ta xỉ vả chúng tôi một trận thậm tệ:” Không bắn thằng nào thì quần chúng còn bị nó khống chế, đến bao giờ mới ngóc đầu lên được. Lập trường giai cấp để đâu? Hữu khuynh nghiêm trọng. Đảng nuôi cho các anh ăn để ngồi chơi à? Phải kiểm điểm nghiêm khắc, rồi đi sâu, đi sát, tìm thằng đầu xỏ để bắn.Thế là lãnh đạo đội đêm ngày tìm ra thằng đầu xỏ phản động. Họ nghĩ đến một người tên là Cớt, bí thư chi bộ đảng, và gợi ý mớm lời cho cốt cán phát hiện ra những hoạt động của bọn Quốc Dân Đảng đội lốt cộng sản. Lập tức hồ sơ tội trạng của Cớt ngày càng dày lên, và bí thư chi bộ cộng sản thành bí thư chi bộ Quốc dân đảng. Dĩ nhiên là Cớt bị bắt giam và không tránh khỏi sẽ bị xử bắn. Nhưng phúc đời cho Cớt, cuối đợt cải cách có lệnh sửa sai. Các đội được lệnh triệu tập để nghe ông Hoàng Quốc Việt về nói chuyện. Tất cả các tù nhân ở các trại giam được thả ra hết…

(Trích Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh, trang 41)

Đây là sự bắt chước thô bạo và thiển cậnTrung Cộng. Các địa chủ ở Trung Quốc không phải chỉ có vài chục mẫu ruộng mà có từ vài trăm lên đến vài ngàn mẫu ruộng. Dưới tay họ, có hàng ngàn nông dân làm quần quật, bị bóc lột, bị đối xử như người nô lệ. Đó là một chế độ phong kiến, địa chủ đủ tầm cỡ, đã “chín mùi” để đáng làm một Cuộc Cách mạng Cải cách ruộng đất.

Ông Nguyễn Đăng Mạnh cũng cùng nhận xét như sau:

“Cải cách ruộng đất đúng là một trường hợp điển hình thô bỉ nhất của vụ cưỡng hiếp của Tàu đối với Việt Nam về chính trị và văn hóa.”

(Trích Hồi ký của Nguyẽn Đăng Mạnh, trang 42). Còn ở Việt Nam, một gia đình trung lưu có từ 10 đến 20, 30 chục mẫu ruộng thường tự canh tác, hoặc thuê mướn người quen, người cùng làng hay họ hàng. Họ tương trợ, đùm bọc nhau mà làm, có ơn nghĩa, có tình xóm làng hoặc tình nghĩa họ hàng.

Cái tương quan thuê mướn đó không thể máy móc xếp vào loại tương quan bóc lột được. Đôi khi còn mang ân nghĩa suốt đời không chả được.

Cho nên không thể mang áp đặt chế độ phong kiến, địa chủ bóc lột bên Trung Quốc áp dụng vào Việt Nam được. Chính vì thế, các đội cải cách chẳng những gặp khó khăn trong việc truy lùng địa chủ, nó còn gặp trở ngại là làm thế nào thuyết phục những nạn nhân chịu đứng ra “đấu tố” những người mà họ coi là ân nhân của mình.

Việc đấu tố trở thành màn kịch giả dối,oan uổng, ép buộc vì nhiều người “chưa đủ tiêu chuẩn” là địa chủ, hay chưa xứng đáng là địa chủ. Đấu tố như thế thí phải bịa đặt, khai gian, bịa ra nhiều điều không có thật nên phải chuẩn bị trước, phải học thuộc lòng, phải tập dượt trước.

Những người được cử ra đấu tố nạn nhân, chính họ lại trở thành nạn nhân của một màn lừa bịp trong đó con nuôi, con dâu, chú cháu, vợ lẽ muối mặt tố cáo người thân thuộc bằng những lời chứng bịa đặt.

Và trích dẫn một số nhận định sau đây đủ thấy tính tàn ác của Hồ Chí Minh như thế nào, ông Hồ tuyên bố:”Phương châm của cải cách ruộng đất là: phóng tay phát động quần chúng nông dân”. (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, trang 509)

Ông Nguyễn Văn Trấn, đại biểu Quốc Hội Khóa 1 giải thích “phóng tay” của Hồ Chí Minh là cứ làm mạnh thả cửa. Ông Nguyễn Minh Cần giải thích “phóng tay” là: làm hết sức mãnh liệt, thẳng tay, không khoan nhượng, không thuơng xót, cho dù quá trớn, quá tả cũng không đáng sợ”.

Một nhận xét nữa của Hồ Chí Minh về CCRĐ như sau: Như con giun không biết nhảy, khi ta giẫm lên nó, nó cũng giẫy lên trước khi chết. Giai cấp địa chủ cũng thế. (Trích Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, trang, 358, Trích lại trong Nguyễn Quang Duy trong bài: Vai trò của Hồ Chí Minh trong cải cách ruộng đất, Talawas 25.1.2007)

Hay ông Hồ so sánh như thế này: Khi uốn thanh tre cong cho nó thẳng ra, phải uốn quá đi một tý và giữ lâu lâu, rồi thả tay ra thì nó mới thẳng được,” Ông Nguyễn Văn Trấn than rằng:” Trời ơi, Đảng của tôi đã nghe lời người ngoài, kéo khúc cây cong quá trớn. Nó bật lại giết chết bao nhiêu vạn sinh linh. (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho mẹ và Quốc Hội, Văn Nghệ, USA, 1997)

Phim Chúng tôi muốn sống

Trong phim: Chúng tôi muốn sống, sau 1954, được chiếu ở miền Nam, đã gây nên những xúc động mạnh mẻ trong dân chúng về cảnh dã man của việc đấu tố ở miền Bắc. Cuốn phim diễn lại cái cảnh tượng gia đình địa chủ Nguyễn Văn Long đã có công ủng hộ kháng chiến, con trai là đại đội trưởng Vinh lập nhiều thành tích chống Pháp. Họ vẫn bị lôi ra đấu tố. Những kẻ bị ép buộc ra đấu tố ông bà Long là anh Cu Tý, chăn trâu, anh con nuôi, chị láng giềng. Ngay cả Lan, người yêu của Vinh cũng buộc ra đấu tố bố mẹ chồng. Kết quả là ông bà Nguyễn Văn Long bị kết án tử hình. Chính sách này gây ra những hậu quả tai hại là phá vỡ toàn bộ tương quan xã hội và gia đình. Tình nghĩa máu mù, ruột thịt, bà con họ hàng, tình nghĩa xóm làng không còn nữa. Mỗi người trở thành kẻ thù của mọi người. Đó là một xã hội băng hoại và tan rã, bật gốc rễ và mất hết các giá trị cổ truyền, truyền thống trong nếp sống, nếp nghĩ ở đời.

Cuối cùng thì người nông dân vẫn là kẻ chịu thiệt thòi nhất như nhận xét của ông giáo sư Tương Lai viết: ”Nông dân Việt Nam là người chịu trên vai gánh nặng nhất của đất nước. Nhưng về sau, bản thân người nông dân lại phải chịu đựng rất nhiều thiệt thòi và ông đúc kết ra những cái thiệt thòi nhất của người nông dân là: Cống hiến nhiều nhất, hy sinh lớn nhất là thứ hai. Hưởng thụ ít nhất là thứ ba. Thứ tư là họ được giúp kém nhất. Thứ năm là họ bị đè nén thảm nhất. Thứ sáu là họ bị tước đoạt nặng nhất. Thứ bảy, họ cũng là người cam chịu nhất lâu dài nhất. Nhưng thứ tám, họ là người tha thứ cao cả nhất.”

Sau hơn 60 năm, sau cải cách ruộng đất và người cày có ruộng, xem ra Việt Nam vẫn cần tìm ra câu trả lời cho những vấn đề công bằng xã hội ở nông thôn mà quan trọng vẫn là vấn đề ruộng đất. Đất nông nghiệp nay được chuyển thành đất xây cất đô thị và công nghiệp. Người ta lấy hằng trăm hecta ruộng của nông dân và không có đến bù xứng đáng.

Bất công vẫn hoàn bất công. Người cộng sản có thể tự hào về nhiều thứ lắm. Nhưng chỉ có một điều họ không thể tự hào được là người nông dân từ hơn nửa thế kỷ này, chưa có một ngày mà họ cảm thấy mình hạnh phúc. Đến năm 1860, còn ăn độn 20%. Nhưng sang đến năm 1966, đã phải ăn độn tới 60%.

Sau những sai lầm về cải cách ruộng đất đi vào đợt 4 thì đảng quyết định sửa sai xem ra đã trể, vì đã có một số nạn nhận chết qua các các đợt cải cách. Đảng cho lệnh ngưng lại.

Nhưng chỉ không hiểu sao thời ấy cả nước từ trên xuống dưới lại ngu xuẩn đến thế?

Số nạn nhân bị giết trong cải cách ruộng đất

Thật ra không có cách nào để tìm ra con số nạn nhân đã chết trong CCRĐ. Tôi không tìm ra được số liệu đích xác về số người chết là bao nhiêu? Nhưng điều chắc chắn là tôi sẽ không bao giờ tìm ra được.

Cùng lắm, nếu chúng ta căn cứ trên tỉ lệ 5% mà chính quyền cộng sản yêu cầu, rồi căn cứ vào số xã đã được các đội cải cách đến bắt rễ và phát hiện các địa chủ. Con số khiêm tốn nhất theo thống kê nội bộ mà ông Bùi Tín tiết lộ cho biết thì có:

* Số địa chủ thường: 82.777, số bị quy sai là 51.480 người. Tỉ lệ sai là: 62%

* Số địa chủ kháng chiến: 586. Số quy sai là: 290, tỉ lệ sai là: 49%

* Số địa chủ cường hào ác bá là: 26.453. Số bị quy sai là: 20.493, tỷ lệ sai: 77%.

Như vậy là có hơn 80 ngàn gia đình địa chủ bị bắt bớ hành hạ. Mỗi gia đình lại có trung bình 4,5 người liên quan nên số bị nạn lên đến trên 400 ngàn người. Họ mất nhà, mất tiền của… một số tự sát… Nếu còn sống cũng đói khổ, ốm đau, suy kiệt. Nhiều gia đình bị tan vỡ, con cái thất học, bơ vơ. Chưa kể 84.000 đảng viên bị xử trí, bị tù, bị tra tấn. (Trích Bùi Tín, Nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất, Talawas1.11.2006).

Món nợ này đảng cộng sản trả bao giờ cho hết?

Và còn phải nói tới mối liên hệ gia đình như vợ con, anh em bà con, dòng họ. Tất cả những người còn sống có mối liên hệ huyết thống với tên địa chủ bị loại trừ khỏi làng xã. Họ không được học hành, bi khinh miệt, tẩy chay trong việc lấy vợ, lấy chồng. Biết bao nỗi khổ và nỗi nhục chồng chất đến đời con cháu. Như lời nhận định của Hồ Việt Thắng:” Đối với các chính sách của Đảng và chính phủ, vì không phổ biến sâu rộng trong nhân dân và địch cố xuyên tạc phá hoại, nên quần chúng cũng có nhiều thắc mắc. Đồng bào công giáo thì lo mất cha, mất đạo. Người trước đi làm ngụy quân, nguỵ quyền hoặc có tên trong các tổ chức khác của địch, thì sợ bị trừng trị. Nhà có người đi Nam sợ “bị liên lụy”. Rất nhiều người sợ bị liên quan với địa chủ, đế quyốc và phản động”. (Trích Hồ Việt Thắng, Nhận xét vế cải cách ruộng đất, đợt 5, trích Talawas,30/09/2005)

(Còn tiếp)