Home Lịch Sử VN Chiến Tranh VN Đường Về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa

Đường Về Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa PDF Print E-mail
Tác Giả: Giao Chỉ   
Chúa Nhật, 14 Tháng 12 Năm 2008 14:00

Tôi còn nhớ vào tháng giêng năm 75 sau khi đi họp tại Quân Ðoàn III trên đường về có ghé thăm Nghĩa trang quân đội tại Biên Hòa. Ðó là lần cuối cùng tôi đến với 16 ngàn tử sĩ. Suốt 30 năm qua, nhiều lần tôi muốn về thăm mộ thân phụ tại miền Bắc, và nghĩa trang quân đội tại miền Nam, nhưng vẫn chưa thực hiện được. Khi rời Việt Nam ngày 30 tháng 4 năm 1975, chúng ta bỏ lại quê hương nhưng riêng chúng tôi, anh em làm việc tại Bộ Tổng tham mưu, coi như gián tiếp bỏ lại cả những tử sĩ nằm tại nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Kể từ 1990 trong khi các bạn bắt đầu mở hồ sơ đoàn tụ thì chúng tôi mở lại hồ sơ nghĩa trang. Sưu tầm tài liệu, thiết dựng mô hình nghĩa trang cho Bảo tàng viện và đồng thời gửi người về Việt Nam tìm hiểu cũng như tổ chức các toán tảo mộ. Một cuốn sách viết về câu chuyện nghĩa trang Biên Hòa đã phát hành. Lưu trữ trên một ngàn tấm hình tảo mộ trong 15 năm qua.

Cuối năm 2006 chính quyền Cộng Sản ban chỉ thị chuẩn bị bàn giao khu đất nghĩa trang từ quân đội qua phe dân sự quản trị. Quân đội đây là quân đoàn 7 đóng ở miền Ðông và dân sự đây là tỉnh Bình Dương. Vì đất này thuộc quận Dĩ An trong lãnh thổ tỉnh Bình Dương.

Trước tin này đa số các cựu quân nhân quan tâm đến mồ mả chiến hữu đều xao xuyến. Nhiều tổ chức bàn định sẽ làm những gì có thể làm được nhưng chưa có hành động nào cụ thể.

Ðể quý vị có thể hiểu rõ tường tận chúng tôi xin liệt kê một số tài liệu mới nhất xin tùy nghi nghiên cứu và nhận định..

Tất cả các tài liệu này gồm dữ kiện có được từ trước và đồng thời thêm vào các tin tức qua thân hữu về nước ghi nhận được.

ÐƯỜNG VỀ NGHĨA TRANG

Nhiều anh em về Việt Nam, đi ngang qua nghĩa trang, không thấy gì cả về báo cáo là chúng nó san bằng rồi. Không đúng.

Có anh đi về nói là tôi vào tận nơi, có thấy nó cắm cờ đỏ trên nóc Nghĩa Dũng Ðài thật đau lòng nên bỏ đi ngay. Ba tháng sau, cũng anh bạn đau lòng, nói rằng, con tôi mới vào tìm mộ của ông chú,bây giờ lại không thấy treo cờ.

Nhiều người khác không tìm được lối vào. Có người vào chụp hình bị lính gác tịch thu máy ảnh. Xem ra toàn là du khách Việt kiều tò mò nên gặp chuyện không vui. Hoặc không tìm ra lối vào, hoặc xách máy quay phim, máy chụp hình như du khách Nhật Bản dự hội Hoa Anh Ðào nên gặp rắc rối. Nếu quý vị lên thăm nghĩa trang quân đội vì nghĩ rằng có anh em thực sự nằm ở đó. Quần áo mặc thông thường, không phải khách du xuân. Ðem hương lên để thắp, có chủ tâm tìm mộ tử sĩ, thì việc lên thăm có ý nghĩa và sẽ gặp nhiều may mắn.

HƯỚNG DẪN LỐI ÐI

Từ trung tâm Sàigòn đi qua Gia định và tìm đường lên Thủ Ðức. Rời khỏi đô thành, qua cầu Sàigòn là bắt đầu vào xa lộ Hà nội. Ngày xưa gọi là xa lộ Biên Hòa. Xa lộ này 2 chiều, và nghĩa trang Biên Hòa lại ở bên trái nên trước sau cũng phải tìm lối qua phía bên kia. Tuy nhiên cũng không gấp, hãy thong thả để được chỉ dẫn từng đoạn.

Chạy trên cầu Sàigòn sẽ thấy bên trái là khu du lịch Tân Cảng, Bình Qưới và Sàigòn Tour. Gần đó là cơ sở của cục hậu cần quân khu 7. Tay mặt là vùng An Phú. Ði tiếp từ cầu Sàigòn đến cầu Rạch Chiếc lối 4 cây số. Phía tay mặt sẽ thấy sân Golf. Qua khỏi cầu bên cánh trái là nhà máy Ciment Hà Tiên. Chạy thêm lối 6 cây số đến khu Thủ Ðức, qua nhà máy điện, máy nước, đại học sư phạm kỹ thuật và sẽ thấy cả cơ sở hãng Coca Cola Hoa Kỳ. Khi tới ngã tư xa lộ Ðại Hàn cũ, cứ đường xa lộ Hà nội tiếp tục đi sẽ thấy Suối Tiên tay mặt. Từ ngã tư đi thêm lối 2 cây số sẽ thấy bên tay mặt là nghĩa trang liệt sĩ của cộng sản.

SƠ LƯỢC VỀ NGHĨA TRANG LIỆT SĨ

Cơ sở này được gọi là nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh, nhưng đồng thời cũng là nghĩa trang dành cho chiến binh cộng sản.

Khu đất rộng chừng từ 30 đến 40 mẫu hình vuông vuông sát mặt đường xa lộ. Mỗi chiều chừng 700 thước. Trên đất này có ngôi mộ thiết kế chôn theo hình bán nguyệt. Từ xa lộ có lối vào rất rộng và lẽ dĩ nhiên được bảo toàn chu đáo sạch sẽ.

Chúng tôi chưa có được con số tử sĩ của cộng sản đã chôn và khả năng nhận tối đa là bao nhiều chỗ.

Tuy nhiên, hình thức kiến trúc không thế nào sánh với công trình vĩ đại và rất đẹp của nghĩa trang quân đội Biên Hòa dù rằng hiện nghĩa trang của miền Nam đang bị hoang phế.

ÐI LỐI BÊN TRONG

Như chúng tôi vừa chỉ dẫn, nếu đã quen đường lên nghĩa trang Biên Hòa, có người thay vì đi thẳng xa lộ Hà Nội thì vòng sang bên trái chỗ ngã tư xa lộ Ðại Hàn để tìm lối đi bên trong. Ðường này song song với xa lộ Hà Nội. Từ đường này sẽ đi thẳng vào bên cửa sau của nghĩa trang Biên Hòa.
Tuy nhiên, dù xa một chút nhưng quý vị nên đi thẳng đường lên ngã ba Tân Vạn mới có 1 lối quay lại để vào nghĩa trang của tử sĩ miền Nam.

ÐI VÀO CỔNG CHÍNH

Từ Tân Vạn mà quay xuống hướng Sàigòn thì bây giờ nghĩa trang của chúng ta ở bên tay mặt.
Lối vào chính là nơi ngày xưa có tượng người lính thương tiếc. Bây giờ tượng mất rồi, nhà cửa, cây cối um tùm nên có khi không tìm ra. Tuy nhiên, nếu đi được lối này thì quý vị đã đi vào con đường chính là mũi kim của con ong. Toàn thể nghĩa trang hình Con Ong nằm theo hướng Ðông Tây, Lưng Ong hình tròn, chính giữa là Nghĩa dũng Ðài và các ngôi mộ quây tròn chung quanh. Ðầu Ong đặt Ðền tử sĩ, Mủi kim của con Ong chạy thẳng từ xa lộ vào cổng tam quan. Tới cổng tam quan có 2 lối vòng qua hai bên. Người đi thăm mộ chỉ có một con đường, rẽ qua trái mà thôi.
Tay phải sẽ dẫn vào khu quân sự và nhà máy. Dân không vào được . Phía sau cổng tam quan lên đền liệt sĩ. Có người vào được, có người bị cấm. Luật lệ rất vớ vẩn. Lúc thế này, lúc thế khác.
Ðền Liệt sĩ bây giờ bộ đội xây tường chung quanh để làm nơi cư ngụ.

THĂM MỘ ANH EM

Mục đích lên thăm mộ nên theo đường tay trái đi vào. Mấy năm trước thì vào chỗ nào cũng được. Bây giờ chính quyền xây tường nên phải tìm cổng vào. Ở đây lúc có người gác, có lúc không. Có hay không đâu có thành vấn đề. Mình đi thăm mộ thực sự là sẽ vào được.

Lối vào nghĩa trang nằm gần cổng ngôi đền. Ở đây ngày xưa là ngôi chùa, bây giờ lại gọi là đền Bình Thắng có các sư nữ trông nom.

Nếu không vào đền, cứ theo đường vòng đi dọc theo tường ra phía sau sẽ có lối vào ở bên tay mặt.

Vào đến gần khu chính giữa sẽ tìm ra rất nhiều ngôi mộ. Bác họ Lê xin tìm chiến sĩ họ Lê. Anh họ Nguyễn xin tìm tử sĩ họ Nguyễn. Từ ngôi mộ của thân nhân, quý vị thắp hương và giới thiệu người nhà nằm đó với hàng xóm.

Hãy thắp cho hết 1 bó nhang, trên tất cả ngôi mộ quanh nơi thân nhân của quý vị.

NHÂN VIÊN TẠP DỊCH

Có thể đến 1 khu nào đó, bạn sẽ gặp các anh em giúp việc đứng chờ. Có lúc họ chia ra từng khu để tự động tiếp khách bốn phương. Nên hỏi thăm và cho họ chút quà bằng tiền mặt. Có thể yêu cầu họ sửa sang cho ngôi mộ nào đó. Hoặc nghe các anh bạn kể lể công trạng đã săn sóc mộ phần như thế nào? Hãy thưởng cho họ như là anh em đã trông nom phần mộ cho chiến hữu chúng ta ra sao?

Nếu tướng mạo đường hoàng và trên 60 tuổi. Bạn có thể được các tay phụ tá tại chỗ gọi là chỉ huy trưởng. Bạn giơ tay chỉ các ngôi mộ phía xa nói rằng sao không tươm tất. Những người lính phụ tá sẽ nói ngay, khu bên đó của thằng khác. Nó lười lắm, Thượng cấp để em sửa sang lại ngay. Và lẽ dĩ nhiên cấp chỉ huy phải chi cho em út. Ðừng tưởng là chỉ có tiền và tiền. Tiền chi ra phải có tình. Bạn nói rằng, qua cũng không có là bao nhưng anh em cầm lấy 100 dollar để tiếp tục lo cho anh em tử sĩ. Qua ở xa về thấy các em lo cho người chết là qua mừng lắm. Tiền chỉ là chút tiền trà nước mà thôi.

Ăn nói như thế bạn sẽ góp phần vào việc xây dựng cả 1 đạo quân tình nguyện bảo toàn nghĩa trang Quân Ðội cho đến muôn đời.

MỘT SỐ THÔNG TIN CẦN GHI LẠI TRƯỚC 1975

Nghĩa trang quân đội khi khởi công năm 1965 dự trù lấy toàn thể khu vực 125 mẫu đất. Lúc đó toàn vùng là đất trống chưa sử dụng. Chỉ có 1 ngôi chùa còn lại trở thành ngôi đền Bình Thắng hiện nay. Cho đến năm 1975 thì đã chôn cất 16 ngàn tử sĩ.

Các ngôi mộ quây chung quanh nghĩa dũng đài thành hình tròn. Chia làm 8 khu. Mỗi khu xòe ra như cây quạt. Từ vòng tròn nghĩa dũng đài lại có thêm 6 đường vòng lớn nhỏ từ trong ra ngoài. Tất cả các ngôi mộ đều đã chôn trên các khu vực này. Dự trù khi cần chỉ mở thêm 1 vòng ngoài cùng là đủ chỗ cho hàng ngàn tử sĩ và cứ mở thêm theo nhịp độ chiến tranh.

BIẾN ÐỔI SAU 30 THÁNG 4-75

Giai đoạn từ 75 đến 85 cả nước đói khổ. Một anh nghĩa quân kể lại đã phải leo vào trong ruột nghĩa dũng đài bắt dơi về nướng ăn.

Về sau dân chúng, cán bộ, các đơn vị đua nhau vào chiếm đất nghĩa trang. Xây cất trên các khu chưa có phần mộ. Ðầu tiên là đất đai khu nghĩa trang gần xa lộ. Sau đó nhà máy nước Bình An xây ngay chính giữa nghĩa trang, chặn con đường chính từ đền liệt sĩ qua nghĩa dũng đài.

Mặt khác việc chiếm đất bắt đầu xâm lấn vào khu phía Bắc, và phía Nam của nghĩa dũng đài. Tổng số 16 ngàn ngôi mộ thì vào khoảng 3.000 mộ đã bị động, bị di chuyển, hay bị xây cất ngay bên trên.

CHUYỆN GÌ SẼ XẨY RA

Dân cư ngụ trong khu vực nghĩa trang quân đội cho biết đã có trên 2000 người cư ngụ tại vùng đất này. Sau thời gian ở bất hợp pháp nay đã có hộ khẩu và làm thành 1 ấp gọi là ấp Hiệp Thắng, xã Bình Thắng, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Dù khu vực này vẫn được dân quen gọi là khu vực nghĩa trang Biên Hòa, tuy nhiên giấy tờ thì gọi là nghĩa địa Bình An. Bộ đội đóng ở đây thuộc Trung tâm huấn luyện nghĩa vụ, do đó lính còn trẻ. Ðám lính nói rằng tháng 7, 2007 sẽ dọn đi. Hiện nay tỉnh Bình Dương chuẩn bị nhận lãnh nghĩa trang từ quân đoàn 7. Trên thực tế đất nghĩa trang 125 mẫu, chỉ còn bàn giao 52 mẫu như vậy là đã có 75 mẫu đã bị chiếm dụng hết rồi. Chỉ bàn giao khu vực chính giữa nghĩa trang toàn mồ mả nên còn có 52 mẫu gồm cả nghĩa dũng đài, khu đền Liệt sĩ và cổng tam quan.

Do đó, xem ra mục tiêu phát triển kinh tế thì thực sự không còn gì để phát triển thêm nữa.

Ðó là tình trạng hiện nay và những gì sẽ xẩy ra trong tương lai phải dựa vào các dữ kiện cụ thể hiện tại.

Để xem tình trạng hiện nay của Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, xin BẤM VÀO ĐÂY
Xem người để nghĩ đến ta, xin xem Nghĩa Trang Quân Đội Đức Quốc Xã tại Pháp bằng cách BẤM VÀO ĐÂY.