Những đạo quân bí mật trong chiến tranh Việt Nam |
Tác Giả: Tâm Thiện (tổng hợp và biên dịch) | |||
Thứ Bảy, 10 Tháng 1 Năm 2009 05:07 | |||
Cuộc chiến Việt Nam đã kết thúc trên 30 năm nhưng rất nhiều sự thật sau nhiều năm khuất trong bóng tối đến nay mới dần dần được tiết lộ. Những đội quân tham gia chiến tranh Việt Nam được nhiều người biết đến nhất là: Bên phía Cộng Sản miền Bắc: Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Quân đội chính qui của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, Quân Giải Phóng Miền Nam – Giải Phóng Quân – du kích thuộc Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Ngoài ra có sự tham gia chi viện về người, phương tiện và vũ khí của các nước đồng minh cộng sản như Liên Xô, Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba, Lào, Campuchia. Bên phía Cộng Hòa miền Nam: Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Quân lực Hoa Kỳ và các nước đồng minh khối Tư Bản chủ nghĩa như Đại Hàn, Thái Lan, Phi Luật Tân, Úc, Tân Tây Lan. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều đạo quân khác cũng tham gia chiến ở cả hai phía, nhưng do vô tình hay cố ý lại không thường xuyên được nhắc tới. Họ trở thành những binh đoàn bị lãng quên. Nhưng sự thật lịch sử vẫn luôn là sự thật lịch sử, dù muốn hay không theo thời gian cuối cùng cũng dần được hé lộ và cần phải được tôn trọng. Liên Xô trước đây luôn phủ nhận việc đưa quân tham chiến chống lại Mỹ tại Việt Nam và các cựu binh từ Việt Nam trở về không được ghi nhận bất cứ công trạng gì. Chỉ sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga mới thừa nhận khoảng 3.000 sĩ quan Liên Xô đã tham chiến tại Việt Nam. Lúc đó, họ chủ yếu sang Việt Nam với tư cách chuyên gia, và làm nhiệm vụ cố vấn, huấn luyện cho quân đội Bắc Việt mà không được coi là đã trực tiếp chiến đấu. Báo “Nước Nga ngày nay” và đài truyền hình Novosti mới đây đưa tìn vào ngày 16/2/2008 vừa qua, một số cựu chiến binh Liên Xô đã họp mặt để kỷ niệm 35 năm ngày quân Mỹ rút khỏi Việt Nam theo Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau nhiều năm bị quên lãng, nay họ muốn được nhìn nhận là các cựu chiến binh một cách công khai và được ghi nhận là đã thực thụ chiến đấu trên chiến trường Việt Nam. Cụ thể, sĩ quan Liên Xô đã hỗ trợ rất nhiều cho không quân và lực lượng phòng không của Bắc Việt, gây thiệt hại nặng cho Mỹ. Về phía các đồng minh Cộng Sản khác, trong khi Trung Cộng từ lâu công khai thừa nhận đã gửi hàng vạn quân lính và công binh sang giúp quân Bắc Việt thì Bắc Hàn mãi đến năm 2001 mới thừa nhận có khoảng 200 phi công đã được gửi sang Hà Nội chống lại các đợt không kích của Mỹ . Lào và Campuchia cũng cho quân đội Bắc Việt mượn lãnh thổ để tạo nên đường mòn Hồ Chí Minh đánh vào miền Nam. Thượng Nghị Sĩ McCain, ứng cử viên của Đảng Cộng Hòa trong cuộc chạy đua Tổng Thống Mỹ, đã đưa ra một tuyên bố gây nhiều tranh cãi. Trong một cuộc vận động tranh cử, McCain nói rằng ông và những người lính Mỹ khác khi bị giam trong nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội, đã từng bị hỏi cung và tra tấn, thậm chí có tù nhân Mỹ bị giết bởi một người Cuba. Đây cũng là điều Thượng Nghĩ Sĩ McCain từng viết trong cuốn hồi ký của ông và được nhiều cựu binh xác nhận. Thậm chí, nhằm tranh thủ phiếu bầu của các cử tri gốc Cuba lưu vong, ứng cử viên Tổng Thống Mỹ này còn hứa hẹn sẽ bắt giữ và truy tố nhân viên quân báo người Cuba này. Những lời nói của McCain ngay lập tức bị mạnh mẽ bác bỏ và phê phán gay gắt bởi cựu Chủ tịch Cuba Fidel Castro và các viên chức ở Việt Nam. Fidel Castro đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”. Thế nhưng, sự dính líu của Cuba trong cuộc chiến tại Việt Nam đến nay vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Khác với phe Cộng Sản, những tài liệu nói về sự tham gia của các nước đồng minh hỗ trợ quân Mỹ tại Việt Nam thường được công khai ngay từ đầu hoặc sau đó đã được giải mật. Tuy nhiên, vẫn có những chiến binh bị người Mỹ quên lãng và bỏ rơi. Suốt thời gian chiến tranh Việt Nam, CIA đã tuyển dụng hàng nghìn người dân tộc thiểu số Hmong (người Mèo) để chiến đấu chống lại quân Cộng Sản trong các vùng rừng núi. Cuộc chiến đã kết thúc nhiều năm nhưng những cựu binh Hmong và gia đình của họ vẫn phải sống lẩn khuất trong các khu núi rừng. Những người này không dám trở về với xã hội văn minh khi chính quyền Cộng Sản Lào hiện vẫn coi họ là kẻ thù. Theo một cuộc điều tra do “Thời báo New York” tiến hành, nhóm người Hmong này bị cô lập, nghèo đói và luôn ở trong tư thế bị săn đuổi. Cứ sau một vài tuần, họ lại di chuyển địa điểm cư trú để trốn tranh sự truy lùng của người Lào. Sống cách xa các đồng ruộng và thị trấn, buổi đêm những người Hmong, trang bị súng AK-47, thường đột nhập vào các nông trang để cướp lấy thức ăn và các đồ dùng khác. Những bộ trang phục nhà binh và súng ống của người Hmong là chiến lợi phẩm họ thu được từ quân đội Lào sau một cuộc đọ súng năm 1999. Trong những năm gần đây, những chiến binh Hmong nhận được sự chú ý nhiều hơn khi các tổ chức nhân quyền đưa ra các bản báo cáo lên án chính quyền Lào tấn công những người trước đây từng hợp tác với quân Mỹ. Nhiều người Hmong tin rằng chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm và nên giúp đỡ họ. “Chúng tôi muốn nước Mỹ cho chúng tôi một nơi để sống”, ông Va Chang – cựu chiến binh 60 tuổi nói, “Nếu người Mỹ không muốn làm điều đó, họ nên trút một trái bom lớn xuống chúng tôi và giúp chúng tôi kết thúc cuộc sống khốn khổ này”. Kể từ năm 1975 sau khi những người Cộng Sản lên nắm chính quyền tại Lào, đã có khoảng 250.000 người dân đất nước này sang tị nạn tại Mỹ. 115.000 trong số đó là người Hmong.
|